Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Nhân quyền thể hiện cụ thể qua cuộc sống của người dân

"Với người khác, nhân quyền có thể là một khái niệm trừu tượng, thiên về lý thuyết, hoặc đề cập tới những vấn đề lớn lao. Nhưng với tôi, nhân quyền là điều khá cụ thể, gắn liền với cuộc sống của đất nước, con người". Ðó là ý kiến trong bài viết của tác giả Hồ Ngọc Thắng từ CHLB Ðức gửi Báo Nhân Dân, xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.
Những tháng cuối năm 2013, thông tin từ Việt Nam đã đem đến cho tôi nhiều niềm vui, nhưng cũng có nỗi buồn. Buồn vì trận bão Haiyan gây thiệt hại rất lớn cho nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có quê tôi. Tôi biết mỗi lần thiên tai như vậy, Nhà nước lại huy động một lượng tiền của, hàng hóa rất lớn để cứu trợ kịp thời, sau đó là tái thiết cơ sở hạ tầng bị tàn phá, giúp đỡ gia đình bị thiệt hại nhanh chóng ổn định cuộc sống. Ðó là biện pháp cấp tốc và lâu dài mà từ rất lâu rồi tôi đã nhận thấy trong chính sách kinh tế - xã hội nhất quán của Ðảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam. Nhưng, lại có rất nhiều tin vui. Một trong số đó là thông tin ngày 12-11-2013, Việt Nam trúng cử với số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên mới, và lần đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ. Với các tổ chức, cá nhân luôn lợi dụng vấn đề nhân quyền để phê phán hay chống phá Việt Nam thì sự kiện này là một thất bại rất lớn của họ. Từ việc ghi nhận các thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn những quyền của người dân trong các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo và tín ngưỡng,... cộng đồng quốc tế đã tin cậy và bầu Việt Nam vào một tổ chức quan trọng của LHQ.
Với người khác, nhân quyền có thể là một khái niệm trừu tượng, thiên về lý thuyết, hoặc đề cập tới những vấn đề lớn lao, nhưng với tôi, nhân quyền là điều khá cụ thể, gắn liền với cuộc sống của đất nước, con người. Ðể đánh giá về nhân quyền, cần có cách nhìn khách quan, đặt trong hoàn cảnh cụ thể với điều kiện đặc thù riêng ở mỗi nước. Suy nghĩ và nhận thức của tôi về nhân quyền thay đổi theo tuổi đời và sự trải nghiệm của bản thân trong cuộc sống. Nhớ thời còn đi chân đất đến trường ở quê tôi, một vùng biển Thanh Hóa thường xuyên có bão, lụt. Một tối, nghe Ðài Phát thanh tiếng nói Việt Nam đưa tin sóng biển có thể dâng cao, mọi người trong vùng đều lo lắng, cố gắng triển khai công việc phòng chống. Nhìn đoàn thuyền, bè, mảng làm bằng những cây luồng to mà các anh chị dân quân để ngay trước nhà, mẹ tôi bảo thế là yên tâm rồi. May mắn là năm đó sóng biển không cao lắm, nhưng tôi biết nếu tình huống xấu xảy ra, gia đình tôi cũng như mọi gia đình khác sẽ được chính quyền giúp đỡ một cách nhanh chóng. Giờ nhìn lại tôi nghĩ, đó là hành động thiết thực của chính quyền nhằm bảo vệ nhân quyền của người dân. Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại miền bắc của đế quốc Mỹ, có năm nước sông Hồng lên cao, Thủ đô Hà Nội có thể bị ngập, tính mạng của hàng vạn người bị đe dọa nghiêm trọng, vì một số đoạn trong hệ thống đê điều từng bị bom phá hỏng. Vào thời điểm đó, người Mỹ tuyên bố không úp mở là sẽ ném bom "đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá". Ðảng và Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực hết sức để giúp nhân dân vượt qua thiên tai hiểm nghèo, khắc phục hậu quả bão lụt, vừa vận động nhân dân thế giới ngăn chặn hành động có tính chất hủy diệt, như ném bom đê điều. Tôi nghĩ đó cũng để bảo vệ quyền quan trọng nhất trong nhân quyền - là quyền được sống.
Từ năm 1972 đến năm 1975, tôi là chiến sĩ của QÐND Việt Nam đã trực tiếp chiến đấu tại tuyến đầu của mặt trận Quảng Trị. Tại đây, tôi đã tận mắt chứng kiến những trận bom rải thảm, những trận pháo kích có tính hủy diệt của "pháo đài bay" B52 và tàu chiến Hạm đội 7 Hoa Kỳ từ Biển Ðông. Ở đó, tôi không chỉ bị sức ép của bom, pháo mà còn rất nhiều lần khó thở đến ngất xỉu tưởng không tỉnh lại được vì đối phương sử dụng đạn pháo hóa học chứa hơi cay. Tôi đã đi qua những khu rừng bị hủy hoại do chất độc màu da cam của quân đội Mỹ rải xuống. Cũng ở đó, tôi đã từng chứng kiến những cái chết, gặp những người mẹ, người chị, những em bé cơ thể mang thương tích vì mảnh bom, pháo, bị vướng mìn của quân đội Mỹ và Sài Gòn. Thế mà nay lại có kẻ bịa đặt rồi làm rùm beng các sự kiện không có trong thực tế để vu cáo "Hà Nội vi phạm nhân quyền". La lối như vậy, họ cố tình quên ai là người mang bom đạn đến Việt Nam, và cố tình quên nhiều người dân Việt Nam chết hoặc bị thương do bom mìn còn sót lại; nhiều người phải chịu hậu quả của chất độc màu da cam. Họ cố tình làm như không biết là hiện nay, Nhà nước Việt Nam vẫn đang phải huy động nhiều sức người, tiền của để giải quyết hậu quả của chiến tranh xâm lược, như bom mìn chưa nổ, các khu vực còn ảnh hưởng của chất độc màu da cam. Tôi nghĩ, giải quyết hậu quả chiến tranh cũng là hành động vì nhân quyền, đấu tranh đòi các công ty hóa chất ở Hoa Kỳ bồi thường thiệt hại cho nạn nhân chất độc màu da cam cũng là hoạt động vì nhân quyền. Sau khi nước nhà thống nhất, Việt Nam bị cấm vận một thời gian dài, kinh tế khó khăn, Nhà nước không có đủ điều kiện cần thiết để thỏa mãn nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Dù hôm nay đã chấm dứt, thì vẫn phải nói rằng cấm vận là một việc làm rất vô nhân đạo, cản trở sự phát triển, không tạo điều kiện, cơ hội để Nhà nước Việt Nam bảo đảm quyền con người. Trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện chủ trương "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai", tôi nhắc lại một vấn đề của quá khứ không phải là để khơi dậy hận thù, mà để nói rằng đang có những người đạo đức giả trong khi một mặt hò hét đấu tranh cho nhân quyền, yêu cầu "Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền", thì mặt khác họ lại tảng lờ tình trạng trong thời gian rất dài nhiều người bệnh ở Việt Nam không đủ thuốc điều trị, nhiều nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin đang sống trong bất hạnh, đau đớn, nhiều gia đình Việt Nam đói nghèo vì hậu quả của chiến tranh.
Tôi nghĩ, vì nhân quyền là tổng thể các quan hệ xã hội trực tiếp, cụ thể liên quan đến việc thực thi quyền con người, đồng thời lại liên quan chặt chẽ với quan niệm của mỗi dân tộc và mỗi nền văn hóa, nên có cảm nhận khác nhau từ góc độ quan sát của mỗi người. Nhận thức này tôi có được sau một lần cùng gia đình đi du lịch ở Dominica - một quốc đảo ở vùng Caribe (gần Hoa Kỳ) và có nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào Hoa Kỳ. Kết thúc chuyến du lịch, tôi hỏi con gái và con trai, cả hai đều sinh ra rồi lớn lên ở CHLB Ðức: "Hai con thấy chuyến đi có thú vị không?" và câu trả lời của các cháu là: "Phong cảnh và thế giới thực vật giống hệt như quê nội". Ðối với tôi, qua chuyến đi tôi lại có điều kiện so sánh và càng thấy Nhà nước Việt Nam rất quan tâm tới đời sống của mọi người dân, phần lớn người dân Việt Nam sinh sống ở nông thôn hiện đã có cuộc sống khấm khá hơn nhiều. Ðưa con về thăm quê hương, tôi kể cho các con tôi chuyện quê nội bị tàn phá như thế nào trong chiến tranh phá hoại của người Mỹ. Các con tôi đều muốn đến thăm ngôi trường lần đầu tiên tôi đi học, ngôi trường nhỏ bé của tôi ngày trước đã được thay thế bằng những khu nhà mới rộng rãi và khang trang. Về nước đi thăm nhiều nơi nên tôi biết, sau chiến tranh hầu như mọi trường học, bệnh viện, bưu điện,... đều được xây mới. Nhiều quan sát khác của các con tôi sau mỗi lần về thăm Việt Nam làm cho tôi hiểu thêm rằng, không nên máy móc lấy các con số (thí dụ là về tiền bạc) để đánh giá sự phát triển nhân quyền ở một quốc gia. Một lần về quê, con gái tôi hồn nhiên nói về một chi tiết khiến tôi phải suy nghĩ, cháu nói: "Ở chợ Việt Nam, khi không có khách hàng, những người bán hàng thường hay đếm tiền và con thấy nét mặt họ rất rạng rỡ. Qua nét mặt cũng thấy họ rất vui với những gì họ có được. Ðể có suy luận đó, con tôi cũng từng chứng kiến ở CHLB Ðức cảnh những người dân nhận tiền trợ cấp xã hội hằng tháng, nét mặt buồn thiu khi cầm trong tay 500 ơ-rô - một lượng tiền không nhỏ với một số gia đình nông dân Việt Nam. Các bà, các chị bán hàng ngồi đếm những đồng tiền có thể là không nhiều, nhưng họ có niềm vui, đó là niềm vui từ lao động. Nó giúp tôi hiểu thêm rằng nếu chỉ lấy đồng tiền làm thước đo sẽ không thể hiểu tại sao Hàn Quốc là quốc gia có mức sống không kém phương Tây, nhưng số người tự tử nhiều thứ hai thế giới; Ðan Mạch được xếp hạng nhất trên thế giới về bình quân thu nhập, nhưng ở đó số lượng người tự tử cao nhất trong khu vực Bắc Âu?
Ðảng và Nhà nước đã và đang đề ra, thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội đúng đắn, thúc đẩy sự nghiệp CNH, HÐH, hội nhập quốc tế. Vì thế, vấn đề không phải là nước này, tổ chức quốc tế kia đánh giá hay bình chọn, vì người dân và cuộc sống con người luôn luôn là chủ thể, là mục tiêu cụ thể của mọi chính sách và hành động. Một việc làm thiết thực gần đây là sự phát triển quan trọng liên quan đến quyền con người trong Hiến pháp sửa đổi. Từ sự kiện này, tôi càng tin đất nước ta sẽ tiếp tục đạt được nhiều thắng lợi trong thúc đẩy các giá trị quyền con người, người dân ngày càng được hưởng tốt hơn các giá trị vật chất, tinh thần do xã hội đem lại. Ðó là bằng chứng chứng minh sự đúng đắn của Ðảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam trong việc xác định mục tiêu kinh tế - xã hội và quyết tâm cùng toàn dân hành động để đạt tới mục tiêu.

HỒ NGỌC THẮNG (CHLB ÐỨC)

1 nhận xét:

  1. Trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện chủ trương "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai", tôi nhắc lại một vấn đề của quá khứ không phải là để khơi dậy hận thù, mà để nói rằng đang có những người đạo đức giả trong khi một mặt hò hét đấu tranh cho nhân quyền, yêu cầu "Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền", thì mặt khác họ lại tảng lờ tình trạng trong thời gian rất dài nhiều người bệnh ở Việt Nam không đủ thuốc điều trị, nhiều nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin đang sống trong bất hạnh, đau đớn, nhiều gia đình Việt Nam đói nghèo vì hậu quả của chiến tranh.
    Quả thật khái niệm nhân quyền của những kẻ đạo đức giả quá là khó nghe, chúng chỉ lợi dụng cái gọi là nhân quyền chung chung để nhằm mục đích xấu mà thôi

    Trả lờiXóa