Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cần thay đổi cách tiếp cận nhân quyền



QĐND - Cũng như mọi năm, vừa qua Bộ Ngoại giao Hoa kỳ lại công bố bản “Phúc trình thường niên về tình hình nhân quyền thế giới”. Những ai đã từng nghiên cứu thể chế Hoa Kỳ thì đều có thể nhận thấy: Nếu như “Dự luật nhân quyền” thường là do nhánh lập pháp đưa ra nhằm hạn chế nhánh Hành pháp (Chính phủ, Tổng thống) trong nội bộ Nhà nước Hoa Kỳ, quan hệ giữa Hoa Kỳ với nước khác, thì Phúc trình thường niên là văn bản của nhánh Hành pháp đưa ra những nhận định, đánh giá, thường là sự chỉ trích đối với hàng trăm quốc gia khác. Văn bản này, không chỉ là những nhận định đánh giá nói chung mà còn phê phán thể chế, chính sách, pháp luật thậm chí còn liệt kê những vụ việc cụ thể mà thường thì chỉ có báo chí mới đưa đăng tải… và theo họ tất cả là vi phạm nhân quyền! 
Trong bản phúc trình năm nay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhận định rằng: Việt Nam là một quốc gia theo “chế độ toàn trị, độc đảng, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam…; “Những vòng bầu cử Quốc hội gần đây nhất, năm 2011, là những cuộc đầu phiếu không tự do mà cũng chẳng công bằng”…; “Quyền chính trị của công dân Việt Nam, đặc biệt quyền đòi hỏi phải có sự thay đổi thể chế tiếp tục bị kiểm soát và bị cấm đoán gắt gao…”; “ Nhà cầm quyền Việt Nam… bắt bớ tùy tiện và giam giữ oan ức những nhà hoạt động dân chủ, các blogger và những người trẻ yêu nước” .
Trước hết, Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) cũng như luật pháp quốc tế nói chung, không quy định các quốc gia phải xây dựng xã hội theo một mô hình, một thể chế như thế nào, TBCN hay XHCN, “đa đảng” hay “độc đảng”, cũng như chưa quy định như thế nào là bầu cử “tự do và công bằng”. Tất cả những điều mà bản phúc trình của Hoa Kỳ vừa công bố chỉ là những nhận xét mang tính chủ quan, áp đặt, dựa trên quan điểm của Hoa Kỳ. Trong khi các nước đã có những quy định cụ thể về bầu cử, ứng cử theo Hiến pháp của mình.
Chế độ Cộng hòa XHCN cùng với các quyền công dân và quyền con người của nhân dân Việt Nam là do nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng lên đấu tranh giành lại và bảo vệ mà có. Vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam là do Quốc hội Việt Nam thừa nhận và được ghi vào Hiến pháp. Đến nay, chế độ xã hội Việt Nam là chế độ Cộng hòa XHCN; thể chế Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Ở Việt Nam, từ khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời (1946) đến nay, các cuộc bầu cử Quốc hội được thực hiện theo đúng quy định của Hiến pháp. Quyền bầu cử, ứng cử tự do của công dân được bảo đảm nghiêm túc. Chế độ nhiệm kỳ của Quốc hội và các chức danh quan trọng của Nhà nước (Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ) được thực hiện theo đúng quy định của Hiến pháp. 
Pháp luật Việt Nam cũng như các quốc gia khác, không có cái gọi là “quyền đòi hỏi phải có sự thay đổi thể chế”. Thể chế của một chế độ xã hội nếu có sự thay đổi thì phải diễn ra theo quy định của Hiến pháp, đó thường là quyền của cơ quan lập pháp chứ không phải là quyền của cá nhân, của tổ chức, kể cả những đòi hỏi của đám đông trên đường phố!
Thứ hai, phúc trình năm 2013 đã thiếu khách quan, công bằng khi đưa ra những chứng cứ gọi là vi phạm các quyền con người. Những vụ việc vụ án mà Tòa án Việt Nam xét xử, cho dù là về tội vi phạm an ninh Quốc gia hay tội phạm kinh tế đều dựa trên các chứng cứ và theo quy định của pháp luật. Một số vụ án về tội vi phạm an ninh Quốc gia, các bị cáo đã thừa nhận họ đã cấu kết với tổ chức Việt Tân âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân. Hoặc bị can về tội trốn lậu thuế thì các luật sư cũng chỉ có thể đưa ra những con số khác nhau để bảo vệ thân chủ của mình, chứ không thể phủ nhận được cáo trạng về tội trốn thuế. Còn người đó có vi phạm những tội khác hay không thì đó lại là chuyện khác. Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, đa dân tộc. Sự tồn tại và phát triển của Việt Nam trước hết nhờ chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng Cộng sản và Nhà nước. Đáng tiếc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cố ý đưa ra những thông tin khêu gợi những vấn đề chính trị nhạy cảm, chẳng hạn họ là “thanh niên Công giáo”, hoặc ông ta là nhà “bất đồng chính kiến”… để kích động dư luận chống chế độ xã hội hiện hữu. Việc làm đó là thiếu thiện chí, không minh bạch, khách quan, công bằng và nhằm dụng ý xấu.
Cũng trong phúc trình 2013, người ta không khỏi ngạc nhiên khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhận định hồ đồ, vô căn cứ rằng Việt Nam “bắt bớ tùy tiện và giam giữ oan ức những nhà hoạt động dân chủ, các blogger và những người trẻ tuổi yêu nước”. Nhận định này đã gây ra những phản cảm đối với tuyệt đại đa số người Việt Nam, nhất là những chiến sĩ đang cầm súng bảo vệ từng tấc đất, vùng trời, vùng  đảo của Việt Nam. Nói cách khác, PTTN đã đánh đồng thậm chí còn xem những kẻ lợi dụng dân chủ, nhân quyền để vi phạm pháp luật cao hơn những chiến sĩ đang chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ nơi đảo xa để giữ gìn lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. 
Thứ ba, đưa ra nhận xét, đánh giá, mà thực chất là chỉ trích, phủ nhận hàng trăm chế độ xã hội, thể chế quốc gia, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã mặc nhiên đặt mình lên trên các thể chế quốc tế song phương và đa phương có quan hệ chính thức với Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam. Có thể nói, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lặp lại những khiếm khuyết của Ủy ban Nhân quyền trước đây - tổ chức tiền thân của Hội đồng Nhân quyền ngày nay là lạm dụng vai trò là một cường quốc để áp đặt quan điểm, thậm chí là bày tỏ thái độ kỳ thị với nhiều chế độ xã hội, thể chế quốc gia mà Hoa Kỳ không ưa thích. Một trong những thay đổi quan trọng trong hoạt động của Hội đồng Nhân quyền LHQ là thực hiện cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR). Đây là quy trình đánh giá định kỳ về tình hình nhân quyền của tất cả các thành viên LHQ. Quy trình này dựa trên nguyên tắc đối xử bình đẳng với tất cả các quốc gia, đồng thời nhằm chia sẻ kinh nghiệm, cải thiện tình trạng nhân quyền ở mỗi quốc gia và với cộng đồng quốc tế. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ trích tùy tiện hàng trăm quốc gia, đã đi ngược lại mục tiêu, nguyên tắc của cơ chế UPR. 
Hiện nay, LHQ có tới hơn 190 quốc gia thành viên với với 8 thể chế khác nhau: (1) Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân, (2) Nhà nước Cộng hòa XHCN, (3) Nhà nước quân chủ, (4) Nhà nước quân chủ nghị viện,(5) Nhà nước Cộng hòa tổng thống, (6) Nhà nước Cộng hòa đại nghị, (7) Nhà nước Cộng hòa lưỡng thể, (8) Nhà nước Tôn giáo. Tất cả các quốc gia này đều là thành viên của LHQ. Kỳ thị, phân biệt đối xử với thể chế chính trị của một quốc gia không chỉ là một sai lầm về tư duy chính trị - pháp lý quốc tế mà còn là một sai lầm về chính sách đối ngoại có thể dẫn đến những tổn thất về nhiều mặt không thể lường hết. Tôn trọng và đối xử công bằng với tất cả các thể chế chính trị là bài học lớn nhất đối với nền ngoại giao thế giới trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Không phủ nhận rằng, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang còn những khiếm khuyết nhất định trên lĩnh vực quyền con người. Chẳng hạn như tình trạng phân hóa giàu nghèo, lợi ích nhóm, sự vi phạm nào đó quyền công dân, quyền con người do hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, do nhận thức của cán bộ, công chức và người dân còn hạn chế..., song không thể phủ nhận được những nỗ lực to lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trên lĩnh vực này. 
Năm 2013, trên bình diện pháp lý, sự kiện quan trọng nhất về nhân quyền là Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (Hiến pháp 2013), trong đó các quyền và tự do cơ bản của con người đã được nhận thức và ghi nhận đầy đủ. Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam lần đầu tiên đã dành riêng một chương (Chương II) quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Nhiều chuyên gia cho rằng, Hiến pháp mới đã thể hiện bước tiến nhảy vọt về tư duy lập pháp nói chung, về quyền con người nói riêng. Trong đó những nguyên tắc cơ bản của pháp luật nói chung của quyền con người nói riêng được ghi nhận. Chẳng hạn Điều 14 quy định trách nhiệm của Nhà nước phải tôn trọng và bảo vệ các quyền con người: “Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm…”. Nguyên tắc “hạn chế quyền” cũng được quy định tại Khoản 2 Điều 14: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Nguyên tắc suy luận vô tội cũng được ghi nhận. Khoản 1, Điều 31 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
Về đối ngoại, trong những năm qua, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong việc thành lập “Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR)” và ra “Tuyên bố Nhân quyền ASEAN”. Năm 2013, Việt Nam đã trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ với số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên mới nhiệm kỳ 2014-2016. Sự kiện này thêm một bằng chứng khách quan về những nỗ lực của Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo đảm quyền con người theo những chuẩn mực chung của cộng đồng quốc tế.
Cũng như các phúc trình thường niên về quyền con người những năm trước, phúc trình năm nay vẫn bám giữ những quan điểm cổ hủ, với những thông tin thiếu tin cậy, không cập nhật và đặc biệt vẫn tự đặt mình lên trên các cơ chế song phương và đa phương, trong đó có cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát. Bản phúc trình mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa đưa ra đã làm cho nhiều người thất vọng đối với một siêu cường lẽ ra có thể có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình, ổn định và xây dựng tình hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa các quốc gia, dân tộc. Hy vọng, Hoa Kỳ sớm thay đổi cách tiếp cận đối vấn đề nhân quyền phù hợp với xu thế của thời đại.
HÀ NAM

1 nhận xét:

  1. Trong bản phúc trình năm nay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhận định rằng: Việt Nam là một quốc gia theo “chế độ toàn trị, độc đảng, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam…; “Những vòng bầu cử Quốc hội gần đây nhất, năm 2011, là những cuộc đầu phiếu không tự do mà cũng chẳng công bằng”…; “Quyền chính trị của công dân Việt Nam, đặc biệt quyền đòi hỏi phải có sự thay đổi thể chế tiếp tục bị kiểm soát và bị cấm đoán gắt gao…”; “ Nhà cầm quyền Việt Nam… bắt bớ tùy tiện và giam giữ oan ức những nhà hoạt động dân chủ, các blogger và những người trẻ yêu nước” .
    Những lời nhận xét thật hết sức phiến diện và không hề đại diện cho tiếng nói của nhân dân Việt Nam. Mỗi người dân Việt Nam đều hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong đất nước mình.

    Trả lờiXóa