Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Việt Nam khẳng định các tiến bộ trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, cải thiện đời sống của các dân tộc và người khuyết tật



Ngày 19/3 tại Kỳ họp lần thứ 25, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) đã tiến hành một số hoạt động quan trọng liên quan đến quyền của một số nhóm xã hội yếu thế, gồm Phiên đối thoại với chuyên gia độc lập về các vấn đề thiểu số và Phiên thảo luận thường niên về Quyền của người khuyết tật.
Trong phát biểu của mình, đại diện Việt Nam đã hoan nghênh đóng góp của Chuyên gia độc lập và nỗ lực của các cơ quan LHQ cũng như chính phủ các nước trong việc chống phân biệt đối xử và bất bình đẳng, cũng như những tác động tới việc thụ hưởng các quyền cơ bản của các nhóm dân tộc thiểu số. Đại diện Việt Nam đồng thời khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là quan tâm, bảo vệ và thúc đẩy các quyền và lợi ích chính đáng của cộng đồng thiểu số về mọi mặt đời sống trên nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết cùng tiến bộ giữa tất cả các cộng đồng sắc tộc.
Phát biểu cũng khẳng định hệ thống chính sách, pháp luật chung cũng được xây dựng theo hướng bảo đảm các chính sách phát triển kinh tế - xã hội có tính tới những nhu cầu của các cộng đồng thiểu số. Từ năm 2006 đến nay, có khoảng 160 văn bản pháp luật được ban hành theo hướng này. Năm 2013, chiến lược công tác Dân tộc đến năm 2020 đã được phê duyệt và triển khai với mục tiêu là phấn đấu thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các cộng đồng dân tộc dựa trên phát triển bền vững và phát huy giá trị văn hoá.
Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số, nhất là thông qua giáo dục. Từ năm 2012, 12 thứ tiếng dân tộc thiểu số đã được đưa vào giảng dạy tại 32 tỉnh, thành. Với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đang triển khai thí điểm giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của các dân tộc thiểu số tại một số tỉnh, thành và xây dựng kế hoạch sớm mở rộng mô hình này.
Trong những năm qua, mặc dù còn hết sức khó khăn, Chính phủ và nhân dân Việt Nam vẫn luôn luôn quan tâm và nỗ lực rất cao để hỗ trợ những người khuyết tật, tạo điều kiện cho họ hưởng thụ ngày càng tốt hơn các quyền con người, trong đó có quyền về giáo dục. Hiện nay, Việt Nam vẫn còn tiếp tục phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại. Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự hợp tác và hỗ trợ tích cực của các nước, các tổ chức quốc tế nhằm tạo điều kiện để những người khuyết tật có thể hưởng thụ tối đa các quyền con người, đặc biệt là quyền về giáo dục.
Đại diện Việt Nam cũng tái khẳng định các cam kết và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam về hỗ trợ, thúc đẩy bảo vệ quyền của người khuyết tật, trong đó có việc tham gia Công ước LHQ về Người khuyết tật, việc thông qua Luật và Đề án giai đoạn 2010-2020 về hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam. Trong những ngày tới, các nước thành viên và quan sát viên của Hội đồng Nhân quyền sẽ tiếp tục thảo luận, tham vấn về các vấn đề liên quan đến một số nhóm xã hội yếu thế như các nhóm thiểu số, người khuyết tật… và Hội đồng Nhân quyền sẽ xem xét một số dự thảo Nghị quyết liên quan đến lĩnh vực này tại Khoá 25.
Khi ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014 - 2016, Việt Nam đã giới thiệu 14 cam kết tự nguyện, trong đó có những cam kết quan trọng là Việt Nam sẽ xây dựng các cơ chế chính sách, tăng cường nguồn lực nhằm bảo đảm an sinh xã hội và các quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, trong đó có các cộng đồng dân tộc thiểu số, người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em; sớm hoàn thành thủ tục phê chuẩn Công ước về Quyền của Người khuyết tật
H.C.

1 nhận xét:

  1. Yêu nước, thương nòi là truyền thống quý báu tốt đẹp từ ngàn đời nay của nhân dân Việt Nam ta. Chỉ có đoàn kết, giúp đỡ, yêu thương nhau chúng ta mới cùng nhau trải qua khó khăn, đánh thắng mọi kẻ thù. Đoàn kết là sức mạnh và mỗi hành động giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn hoạn nạn, sẽ là liều thuốc tốt nhất để phát huy tối đa sức mạnh của dân tộc, đưa dân tộc ta tiến lên

    Trả lờiXóa