Thứ Ba, 25 tháng 12, 2018

Vội vàng hỏng chuyện không hay!



                                                   
Trong mỗi gia đình, chúng ta ai cũng có con cháu và năm nào mà chẳng có những việc thi cử, kiểm tra. Và đương nhiên kỳ thi tuyển sinh vào đầu mỗi cấp học đều rất căng thẳng. Vì vậy kỳ thi luôn được mọi người dân và xã hội hết sức quan tâm, đặc biệt là kỳ thi đại học, bởi nó là bước ngoặt trong cuộc đời của mỗi người, cũng là áp lực lớn đối với gia đình, người thân. Cùng với sự khổ luyện của mỗi sĩ tử, sự hỗ trợ của gia đình. Đồng hành với những suy tư ấy thì sự chuẩn bị công phu, chặt chẽ của các cấp quản lý, nhất là ngành giáo dục của mỗi quốc gia phải đảm bảo cho kỳ thi diễn ra thành công. Tuy nhiên dù có bất cứ giải pháp nào được coi là tối ưu thì việc thực hiện trong tất cả quá trình làm thi đều liên quan đến con người, vì vậy không thể tránh được hiện tượng tiêu cực xảy ra. Khi đánh giá chúng ta cũng không nên quá bi quan rồi vội vàng suy nghĩ thiên lệch về một sự việc, để rồi phủ nhận sạch trơn những nỗ lực của cả một hệ thống giáo dục luôn tìm cách đổi mới, hơn hết là đạo đức, trách nhiệm của biết bao thầy cô luôn mong muốn tạo môi trường tốt nhất cho con cháu chúng ta học tập, tu dưỡng, rèn luyện để trưởng thành.
Tôi cũng chia sẻ với một số người dân bức xúc khi thấy những tiêu cực, vi phạm gian lận trong thi cử, song cũng không nên có quan điểm như tác giả Song Chi viết trên trang Chân Trời Mới cho rằng “... tình trạng gian dối, nâng điểm ở Hà Giang, Sơn La chỉ là hệ quả của cả một nền giáo dục thối nát và một xã hội bị băng hoại về đạo đức dưới chế độ độc tài do đảng cộng sản lãnh đạo suốt bao nhiêu năm qua...”. Teo tôi thấy tác giả Song Chi đã lợi dụng thông tin về vụ việc tiêu cực ở Hà Giang trong kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi để hướng người đọc sang khuynh hướng khác, tôi tin chắc nếu  mọi người có cái nhìn công tâm, khác quan để đánh giá thì sẽ không có cái nhìn một cách phiến diện như vậy.
Thực tế ai cũng biết, chẳng phải chỉ có ở Việt Nam mà các nước cũng vậy, cứ thi cử mà nhất là kỳ thi đại học thì thường hay xảy ra tiêu cực, gian lận, bởi nó quyết định lớn đến sự nghiệp của mỗi học sinh, là danh dự của mỗi gia đình, dòng tộc, đa phần phụ huynh có cái nhìn đúng đắn để hướng cho con mình biết trân trọng những gì là thực lực của mình, để tu dưỡng phấn đấu, chỉ một số ít thôi không biết cách giáo dục con trẻ điều đó mà còn có những hành động bán rẻ lương tâm và trách nhiệm, dùng cách này, cách khác để cho con em mình đỗ bằng mọi giá, phải chăng đây cũng là một phần nguyên nhân làm cho môi trường giáo dục bị hoen ố. Hiện tượng đó cũng không chỉ riêng ở đất nước chúng ta, tại Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc… đều từng xảy ra các vụ gian lận thi cử khiến hàng trăm nghìn kết quả thi bị hủy. Theo AFP đưa tin năm 2016, ngày 21/3, chỉ vài giờ trước ngày thi môn Hóa học trong kỳ thi đại học ở bang Karnataka, Ấn Độ, các quan chức đã hủy thi sau khi một học sinh cảnh báo đề bị lộ; một tuần sau đó, 3 quan chức Ấn Độ bị bắt hôm 4/4 vì lộ đề thi Hóa học, điều này buộc có 174.000 thí sinh dự thi đại học trên toàn tiểu bang bị hủy thi lần thứ 2 vì cùng một lý do. Theo CNN, năm 2014, khoảng 2.440 thí sinh Trung Quốc tham gia kỳ thi quốc gia đã bị phát hiện sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận. Hơn 25.000 sinh viên tham gia kỳ thi để được cấp phép dược sĩ ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây trong ngày 18 và 19/10 ở 7 địa điểm thi khác nhau; theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, các giám thị phát hiện các tín hiệu vô tuyến được sử dụng để truyền đáp án trong các mã đề thi cho thí sinh. Các thí sinh này đeo tai nghe không dây hoặc đặt các "cục tẩy điện tử" trên bàn. Đường dây của vụ gian lận thi cử lớn này đưa các thí sinh giả vào trong phòng thi rồi nhanh chóng rời đi sau khi đã ghi nhớ các câu hỏi. Sau đó, họ đọc các đáp án đúng cho thí sinh trong phòng thi qua các thiết bị tinh vi. Mỗi thí sinh gian lận trong kỳ thi đã chi 330 USD cho đường dây này. Năm 2013, College Board - đơn vị quản lý SAT ở Mỹ và Viện Khảo thí giáo dục Mỹ (ETS) ra quyết định là hủy bỏ kết quả thi ngày 4/5 của khoảng 1.500 thí sinh Hàn Quốc vì cáo buộc gian lận trên quy mô lớn. Đây là lần đầu tiên bài thi SAT (một trong những kỳ thi chuẩn hóa cho việc đăng ký vào một số đại học tại Mỹ) bị hủy bỏ trên cả nước Hàn Quốc; ngoài Hàn Quốc, gian lận trong kỳ thi SAT (một trong những kỳ thi chuẩn hóa dùng để xét tuyển vào các trường đại học-PV) cũng từng xảy ra ở Trung Quốc, Mỹ... với quy mô nhỏ hơn. Theo Times, trong số gần 3 triệu bài thi SAT trên toàn thế giới mỗi năm, ít nhất vài nghìn bài bị hủy vì nghi ngờ gian lận.
Vậy đây chính là những minh chứng về việc gian lận trong thi cử kể cả đối với các nước có nền giáo dục hiện đại, kinh tế phát triển bậc nhất nhì thế giới, đâu riêng gì ở nước ta. Tôi thiết nghĩ chúng ta nên có cái nhìn rộng hơn và khách quan hơn trong câu chuyện này. Trên thực tế, một số kỳ thi cũng đã xảy ra vụ việc tiêu cực, Bộ Giáo dục và chính quyền các địa phương đã vào cuộc, thanh tra làm rõ sai phạm và xử lý theo quy định của pháp luật. Những người vi phạm đều phải chấp nhận những bản án nghiêm khắc; đồng thời đã trả lại đúng kết quả mà các em học sinh xứng đáng đạt được. Về vụ việc ở Hà Giang hay ở Sơn La trong kỳ thi vừa qua, Bộ Giáo dục đã lập đoàn thanh tra và cùng vớ Bộ Công an vào cuộc nhanh chóng và đã tìm ra thủ phạm gây ra vụ việc này. Tất nhiên vụ việc cũng đã làm cho dư luận dậy sóng, song nó không ảnh hưởng hay tác động gì nhiều đối với kết quả của các em học sinh khác, bởi quy trình làm thi hết sức chặt chẽ, vi phạm để rồi làm sai lệch kết quả là do một khâu quan trọng trong quá trình chấm thi, cũng chỉ xảy ra ở một số ít thí sinh có quan hệ với người sai phạm. Sau khi phát hiện thì các đối tượng đều bị khởi tố và xử lý đúng người, đúng tội. Đồng thời Bộ Giáo dục đã chỉ đạo tất cả các địa phương rà soát lại quy trình chấm thi để đảm bảo kết quả công bằng chính xác và không phát hiện thêm sai phạm nào. Kỳ tuyển sinh đại học cũng không bị ảnh hưởng gì và vẫn diễn ra bình thường.
Tác giả có thể quy chụp để rồi đạt được cái mong muốn lớn hơn là từ một vụ việc gian lận thi cử sẽ lôi kéo độc giả hiểu sai chế độ, đi ngược lại với thành quả của nhân dân ta. Rõ ràng những năm gần đây kinh tế xã hội tiếp tục có bước phát triển, cho dù thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp; nhà nước luôn đổi mới và thực hiện nhiều giải pháp để đưa Việt Nam vượt qua khó khăn; nhiều chủ trương mới được thực thi hiệu quả, góp phần tăng trưởng kinh tế. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao, an ninh quốc phòng được giữ vững, tinh thần đoàn kết dân tộc luôn được thể hiện rõ nét trong mọi lĩnh vực, nhất là giữ gìn độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Tôi được biết, mục tiêu của nước ta trong những năm tới là tiếp tục đổi mới nền giáo dục, phấn đấu tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân; giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả,...”. Cũng không đúng như viện dẫn của tác giả Song Chi rằng: “...Một nền giáo dục nhồi sọ,... chạy theo thành tích, chạy theo điểm số,... chỉ dạy chữ mà không dạy làm người, trọng bằng cấp hơn kiến thức thật,...”.

Nếu các bạn theo dõi thì trong những năm qua, từ năm 2013 đến 2017 các đội tuyển học sinh tham dự Olympic khu vực và quốc tế  đoạt gần 200 huy chương các loại, trong đó 61 Huy chương vàng, 73 Huy chương Bạc, 33 huy chương đồng; tại Cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh trung học năm 2017 xếp thứ 3 toàn đoàn sau Hoa Kỳ và Ấn Độ; năm 2018 các đoàn học sinh dự thi Olympic quốc tế đều đoạt giải cao, Vật lí quốc tế - IPhO lần thứ 49, cả 5/5 học sinh của đoàn Việt Nam tham gia đều giành huy chương; trong đó có 1 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ; Olympic Sinh học quốc tế lần thứ 29, cả 4/4 thí sinh dự thi đều đoạt huy chương, gồm: 03 Huy chương Vàng, 01 Huy chương Bạc. Năm 2016, kết quả Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA), học sinh Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng về năng lực khoa học, thứ 22 về toán học và thứ 32 về đọc hiểu.

Như vậy có thể khẳng định rằng, kết quả giáo dục của Việt Nam là toàn diện, đúng với hướng chuẩn quốc tế. Nhà nước và nhân dân luôn dành sự quan tâm, đầu tư để chăm lo phát triển giáo dục đào tạo, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Điều này càng cho thấy không thể có nền giáo dục “... nhồi sọ,... chạy theo thành tích, chạy theo điểm số,... chỉ dạy chữ mà không dạy làm người, trọng bằng cấp hơn kiến thức thật,...” như tác giả đã nêu ở trên mà tồn tại trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, cũng không thể nói ngược lại, theo kiểu nói xấu và chẳng liên quan gì như tác giả quy chụp rằng: “một xã hội bị băng hoại về đạo đức dưới chế độ độc tài do đảng cộng sản lãnh đạo...”.
Tỉnh táo, bình tĩnh, lắng nghe để đưa ra lời nhận xét khách quan, công tâm là việc nên làm ở mỗi chúng ta sống trong thời đại ngày nay.
               Trần Đại Dũng

1 nhận xét:

  1. Đúng là chẳng phải chỉ có ở Việt Nam mà các nước cũng vậy, cứ thi cử mà nhất là kỳ thi đại học thì thường hay xảy ra tiêu cực, gian lận, bởi nó quyết định lớn đến sự nghiệp của mỗi học sinh, là danh dự của mỗi gia đình, dòng tộc, đa phần phụ huynh có cái nhìn đúng đắn để hướng cho con mình biết trân trọng những gì là thực lực của mình, để tu dưỡng phấn đấu, chỉ một số ít thôi không biết cách giáo dục con trẻ điều đó mà còn có những hành động bán rẻ lương tâm và trách nhiệm, dùng cách này, cách khác để cho con em mình đỗ bằng mọi giá, phải chăng đây cũng là một phần nguyên nhân làm cho môi trường giáo dục bị hoen ố. Hiện tượng đó cũng không chỉ riêng ở đất nước chúng ta, tại Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc… Do vậy khi đánh giá chúng ta cũng không nên quá bi quan rồi vội vàng suy nghĩ thiên lệch về một sự việc, để rồi phủ nhận sạch trơn những nỗ lực của cả một hệ thống giáo dục luôn tìm cách đổi mới, hơn hết là đạo đức, trách nhiệm của biết bao thầy cô luôn mong muốn tạo môi trường tốt nhất cho con cháu chúng ta học tập, tu dưỡng, rèn luyện để trưởng thành.

    Trả lờiXóa