Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ - cần sự bình tĩnh và tỉnh táo



QĐND - Vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cũng như đã vi phạm nghiêm trọng các thỏa thuận giữa Lãnh đạo hai nước, tinh thần và lời văn của Tuyên bố DOC, các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế”(1) khiến cho nhân dân ta vô cùng bức xúc, cộng đồng quốc tế bất bình. Nhiều chính khách, nhà khoa học trong nước và trên thế giới, trong đó có cả một số nhà khoa học Trung Quốc và người dân ở đây cũng phản đối việc làm sai trái này.
Trên một số trang mạng xã hội trong nước, có người cho rằng, muốn bảo vệ được chủ quyền, lãnh thổ, Việt Nam phải phát huy sức mạnh của toàn dân. Muốn vậy phải đi theo “con đường dân chủ”, thoát khỏi sự phụ thuộc về “hệ tư tưởng” và từ bỏ quan hệ hữu nghị với Trung Quốc… đồng thời dựa vào các quốc gia phát triển phương Tây, như một số quốc gia khác trên thế giới và trong khu vực đã làm.

Ảnh minh họa. Nguồn: doisongphapluat.com.
Không phủ nhận rằng, hầu hết các ý kiến nói trên đều xuất phát từ sự bức xúc, bất bình trước việc Trung Quốc vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam. Nhiều ý kiến mong muốn tìm ra một giải pháp cơ bản, lâu dài, hữu hiệu ngăn chặn, đẩy lùi tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Thế nhưng, phải chăng muốn bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, Việt Nam phải “chuyển hóa” chế độ xã hội hiện nay, phải thiết lập chế độ chính trị “dân chủ đa nguyên, đa đảng đối lập”, phải từ bỏ tình hữu nghị giữa hai dân tộc, hai Đảng mà các vị cách mạng tiền bối và nhân dân hai nước đã dày công vun đắp?
Lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX đã chứng tỏ rằng, trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trên cơ sở phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, nhân dân ta đã giải phóng hoàn toàn đất nước, thống nhất Tổ quốc, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, chủ quyền và lãnh thổ quốc gia. Trong những năm qua, đường lối của Đảng ta vẫn là: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị… bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển, đảo… không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống. Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh”(2). Trong vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dư luận quốc tế đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền của mình và lên án hành động ngang ngược của Trung Quốc.
Trong quan hệ với Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc, quan điểm trước sau như một của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng, bảo vệ và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng và hai dân tộc. Đối với những vấn đề tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông, hai Đảng, hai Nhà nước cũng đã thống nhất giải quyết theo “Thỏa thuận những nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển”, do hai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào ký trong dịp đồng chí Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc vào tháng 10-2011. Trong đó, Văn kiện ghi: “Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục, dưới sự chỉ đạo của phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền giữa hai quốc gia. Đồng thời, trên tinh thần “tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử… với thái độ xây dựng, cố gắng mở rộng nhận thức chung, thu hẹp bất đồng, không ngừng thúc đẩy tiến trình đàm phán. Căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982" để tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.
Đáng tiếc, hành động của phía Trung Quốc vừa qua đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam cũng như đã vi phạm các quy định liên quan của luật pháp quốc tế trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông. Hành vi và thái độ của Trung Quốc cũng đi ngược lại các thỏa thuận và nhận thức chung của Lãnh đạo hai nước và "Thỏa thuận nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển", gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự tin cậy chính trị và các mặt hợp tác giữa hai nước, làm tổn thương tình cảm của người dân Việt Nam. Trong khi khẳng định quan điểm của Việt Nam: Bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng đối với mỗi quốc gia, dân tộc, Việt Nam sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam vẫn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, thể hiện thiện chí kiên trì giải quyết bất đồng thông qua đàm phán, đối thoại và các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và "Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển" giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đặc biệt, tại phiên họp toàn thể của các nhà lãnh đạo ASEAN ở Mi-an-ma, hôm qua (11-5), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục đề nghị các nước trong khu vực khẳng định lại mạnh mẽ các nguyên tắc đã được nêu tại Tuyên bố 6 điểm về Biển Đông, đồng thời yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển 1982, phải đặc biệt tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia ven biển và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và cùng ASEAN thương lượng thực chất về Bộ Quy tắc Ứng xử COC.
Nhân dân Việt Nam, cũng như nhân dân trên toàn thế giới trong đó có nhân dân Trung Quốc đang chờ đợi câu trả lời của Chính phủ Trung Quốc về hành động đơn phương hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tạo ra khủng hoảng về chính trị và pháp lý ở Biển Đông, đồng thời đã làm tổn thương đến tình cảm tốt đẹp của nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
-------------
(1) - Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
(2) - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội XI, NXB CTQG, HN, 2011, tr 233.
BẮC HÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét