Theo
các tài liệu còn lưu giữ, vào khoảng thế kỷ thứ X (từ sau chiến thắng Bạch Đằng
lần thứ nhất năm 938), Nhà nước phong kiến Việt Nam đã bắt đầu quan tâm chỉ đạo
công tác bảo vệ chủ quyền biên giới, lãnh thổ. Theo Tống sứ Tống Cảo (sứ giả
nhà Tống) được phái sang nước ta năm 990 đã tâu với vua Tống rằng: Khi đến hải
giới Giao Chỉ thì vua Lê Đại Hành đã phái 9 chiến thuyền, 300 quân ra đón và
đưa đoàn thuyền của sứ giả về nơi đón tiếp. Như vậy, từ cuối thế kỷ thứ X, sứ
giả Trung Quốc đã biết đâu là hải giới của hai nước.
Trong giai đoạn này, có hai cuộc đàm phán về biên
giới: Cuộc đàm phán vào năm 1078 do Đào Tống Nguyên và cuộc đàm phán vào năm
1084 do Trạng nguyên đầu tiên của nước ta Lê Văn Thịnh dẫn đầu... Trong
"Lịch triều hiến chương loại chí", Phan Huy Chú nhận xét rằng: Các
cuộc đàm phán về biên giới thời Lý có 2 mặt mạnh; một là, có "Oai thắng
trận"; hai là, "Sứ thần bàn bạc lời lẽ thung dung, khéo léo"...
Với tinh thần dân tộc cao cả, triều đình đã kết hợp với nhân dân kiên trì, bền
bỉ đấu tranh với nhà Tống để đòi lại đất đai, đưa giang sơn thu về một mối,
cuối cùng nhà Tống buộc phải trả cho ta châu Quảng Uyên (1081) và vùng Bảo Lạc,
Túc Tạng (1084).
Công tác bảo vệ chủ quyền biên giới, lãnh thổ ngày
càng được các Nhà nước phong kiến Việt Nam quan tâm. Nhà Trần đã bố trí trọng
thần phụ trách các hướng biên giới: Tướng Quốc Thái sư Trần Thủ Độ, phụ trách
hướng Lạng Sơn; Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, phụ trách hướng Hà Tuyên; Nhân
Huệ vương Trần Khánh Dư, phụ trách hướng Đông Bắc và người thay Nhân Huệ vương
là Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng (con trai của Trần Hưng Đạo)...
Năm 1473, vua Lê Thánh Tông chỉ thị cho những người
đi giải quyết vấn đề biên giới với nhà Thanh là: "Chớ để cho họ lấn dần,
nếu các ngươi muốn lấy một thước núi, một tấc sông tổ tiên để lại mà đút mồi
cho giặc thì tội phải tru di". Trong Bộ luật Hồng Đức (1483) đã có điều
khoản 74, 88 về bảo vệ đất đai ở biên giới: "Những người bán ruộng đất ở
biên cương cho người nước ngoài thì bị tội chém. Quan phường, xã biết mà không
phát giác cũng bị trị tội".
Có thể nói, các thế hệ người Việt Nam rất kiên
cường, bền bỉ và thông minh chiến đấu để bảo vệ chủ quyền biên giới, lãnh thổ.
Mặc cho tương quan lực lượng giữa ta và phong kiến phương Bắc nhiều khi chênh
lệch gấp bội. Mưu đồ của họ luôn muốn thôn tính, lấn chiếm lãnh thổ mặc dù biên
giới phía Bắc nước ta đã được hình thành và ổn định cơ bản từ hàng ngàn năm.
Nhận xét về vấn đề này, Tạp chí Geographer của Vụ
Tình báo và Nghiên cứu, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (ngày 29-10-1964) đã viết:
"Sau hơn 10 thế kỷ bị đô hộ, năm 939, Bắc Kỳ đã phá vỡ ách đô hộ của Trung
Hoa và lập vương quốc Đại Cồ Việt... Nhà nước này đã bảo vệ nền độc lập của
mình... Một đường biên giới gần giống như ngày nay dường như đã tồn tại giữa
hai quốc gia". Trong bài "Tống Phụ Long và đường biên giới Trung Quốc
- Bắc Kỳ" năm 1929 của Bôn-ni-pha-cy, Tư lệnh đạo quan binh Hà Giang đầu
thế kỷ XX viết: "Đường biên giới lịch sử giữa Việt Nam và Trung Quốc đó
được xác định một cách hoàn hảo (Parfaitemenf degini). Khi cần người Việt Nam
biết bảo vệ các quyền của họ, mặc dù Trung Quốc cho rằng không thể có đường
biên giới giữa Việt Nam và Thiên triều"...
Điều mà con cháu ngày nay vô cùng cảm kích, khâm
phục và biết ơn ông cha ta là chăm lo bảo vệ vững chắc biên cương đất liền và
còn quan tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo, buộc sứ thần Trung Quốc phải thừa nhận
"Hải giới" Việt Nam từ cuối thế kỷ thứ X. Nhà Lý thành lập Trang Vân
Đồn quản lý vùng biển Đông Bắc; nhà Lê đặt Tuần kiểm ở các cửa biển để quản lý
biển và thu thuế các tàu thuyền nước ngoài...
Năm 1558, Nguyễn Hoàng vừa lo trấn thủ vùng Thuận
Hóa nhằm chống lại những cuộc chinh phạt của Lê-Trịnh từ Đàng Ngoài, vừa lo mở
mang bờ cõi về phương Nam nên tầm nhìn ra hướng biển còn rất hạn hẹp. Tuy
nhiên, người kế vị là chúa Nguyễn Phúc Nguyên không chỉ kế tục xuất sắc người
cha của mình, mà còn vượt lên với tầm nhìn chiến lược trên hướng biển...
Dưới sự cố vấn của họ Đào, chúa Nguyễn Phúc Nguyên
đã xác lập chủ quyền ở những đảo ven bờ; đặc biệt, vươn xa làm chủ quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn xác nhận sự thực:
"Ngày trước, họ Nguyễn có thiết lập đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người xã
Yên Vĩnh bổ sung. Mỗi năm họ luân phiên nhau đi biển, lấy tháng Giêng ra đi
nhận lãnh chỉ thị làm sai dịch. Đội Hoàng Sa này được cấp phát mỗi người sáu
tháng lương". Nhà Nguyễn còn thiết lập thêm đội Bắc Hải "Đội này
không định trước bao nhiêu suất. Hoặc chọn lấy người thôn Tứ Chính thuộc phủ Bình
Thuận, hoặc chọn lấy người làng Cảnh Dương, lấy những người tình nguyện bổ sung
vào đội Bắc Hải...".
Đến nay, nhiều thư tịch cổ liên quan đến đội Hoàng
Sa trên đảo Lý Sơn còn cho thấy, Việt Nam đã xác lập chủ quyền từ lâu đời trên
quần đảo này. Hằng năm, người đảo Lý Sơn được tuyển mộ làm binh, phu đi khai
thác, bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa... Trước khi lên đường, thường vào tháng Hai
âm lịch, dân làng làm lễ gọi là "Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa", tái
hiện những hùng binh năm xưa trên những chiếc thuyền nan mỏng manh đã dong buồm
vượt trùng dương gìn giữ bờ cõi; đồng thời, làm những "ngôi mộ gió" -
tượng trưng cho mộ chôn những người chiến binh hy sinh vì Hoàng Sa...
Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Thống suất Nguyễn
Hữu Kính kinh lược đất Chân Lạp chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện
Phúc Long và dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa ngày nay)... Vào tháng 8-1702,
được tin "Giặc biển là người Man An Liệt (tức người Anh) có 8 chiếc thuyền
đến đậu ở đảo Côn Lôn…" trong Đại Nam thực lục, tập I, phần Tiền biên, có
ghi vắn tắt như sau: "Mùa đông, tháng 10, dẹp yên đảng An Liệt. Trước là
Trấn thủ Trấn Biên Trương Phúc Phan mộ 15 người Chà Và sai làm kế trá hàng đảng
An Liệt để thừa lúc chúng sơ hở thì giết...". Dưới thời chúa Nguyễn còn
diễn ra nhiều sự kiện quan trọng gắn liền với cương vực nước ta, như: Mùa Hạ
năm 1711, chúa Nguyễn Phúc Nguyên sai lính ra đảo Trường Sa đo đạc, vẽ bản đồ.
Từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, chúa Nguyễn Phúc
Chu, tầm nhìn chiến lược hướng ra biển có sự phát triển mới; đặc biệt, các
triều đình phong kiến đã khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa. Đại Nam thực lục (tập 1, trang 126) đã ghi: "Tháng 4-1711, chúa
Nguyễn Phúc Chu đã điều động quân lính đi thuyền ra "đo bãi cát vàng
Trường Sa dài ngắn, rộng hẹp bao nhiêu". Sự kiện đáng chú ý nhất, là việc
tổ chức lễ thượng cờ, cắm mốc chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong Đại Nam thực lục, tập 1 đã miêu tả vắn tắt: "Sai thủy quân và đội
Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để thăm dò đường thủy".
Năm 1833, Giám mục Giăng Lu-i Ta-be - người đã nhiều
năm truyền giáo ở Đàng Trong đã viết rõ về sự kiện trọng đại đó: "Chúng
tôi biết chắc là Hoàng đế Gia Long đã chú tâm thêm cái đóa hoa kỳ lạ đó vào
vương miện của ngài, vì vậy mà ngài xét thấy đúng lúc phải thân chinh vượt biển
để tiếp thâu quần đảo Hoàng Sa, và chính là vào năm 1816, ngài đã long trọng
treo tại đó lá cờ của xứ Đàng Trong (Việt Nam ngày nay)".
Năm 1833, Minh Mệnh đã nói với Bộ Công rằng:
"Trong hải phận Quảng Ngãi, có một dải Hoàng Sa, xa trông trời nước một
màu không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây thuyền buôn thường bị hại. Nay
nên dự bị thuyền bè đến sang năm sẽ phái người tới, dựng miếu, lập bia, lại
trồng nhiều cây cối. Ngày sau cây cối to xanh tốt, người dễ nhận biết, ngõ hầu
tránh được nạn mắc cạn.
Năm 1835, Bộ Công cho dựng đền thờ thần ở đảo Hoàng
Sa thuộc Quảng Ngãi. Đại Nam thực lục có ghi: "Hoàng Sa ở hải phận Quảng
Ngãi có một chỗ nổi cồn cát trắng, cây cối xanh um, giữa cồn cát có giếng, phía
Tây Nam có miếu cổ có tấm bài khắc 4 chữ "Vạn lý ba bình" (muôn dặm
sóng êm), cồn Bạch Sa (cát trắng) chu vi 1.070 trượng, tên cũ là núi Phật Tự,
bờ Đông, Tây, Nam đều đá san hô thoai thoải uốn quanh mặt nước...".
Vượt lên cả tầm nhìn của vua cha, vua Minh Mệnh nhận
đinh Côn Lôn và Hà Tiên là những nơi xung yếu, dân cư đông đúc, thường bị giặc
biển quấy phá nên đã truyền dụ cho quan thành chọn đất xây đặt pháo đài, liệu
cấp súng đạn, khí giới, thuyền bè, phái quân đóng giữ; đồng thời, ra lệnh cho
các làng sở tại ven biển sẵn sàng thuyền bè, khí giới tiếp ứng đánh giặc biển.
Với vị trí địa - chính trị quan trọng của quần đảo
Côn Lôn, Minh Mệnh cho xây dựng đồn và pháo đài Thanh Hải trên đảo Côn Lôn,
thuộc Gia Định (sau thuộc Vĩnh Long) vào tháng 2-1836... Hoàn tất công việc, Bộ
Binh tâu: "Đảo ấy có nhiều núi lên từng dãy từng lớp, tàu thuyền có thể đỗ
lại yên ổn. Lại có mối lợi là nhiều cá, tôm, ruộng đất màu mỡ, thủy thổ lành,
thực là hình thế đẹp ở cương giới về phần biển. Chỉ phải cái là hẻo lánh, xa
xôi, hằng năm khoảng xuân sang hạ, thường có thuyền giặc Chà Và thừa cơ, lén
lút nổi dậy, ngăn trở thuyền buôn đi lại. Nhân dân sở tại sống thưa thớt, chẳng
làm thế nào được! Vậy xin phái một suất đội và 50 lính thuộc tỉnh, cấp cho
thuyền và khí giới đến đóng giữ, mỗi năm thay phiên một lần... Nơi ấy lại có
nhiều đất bỏ hoang, có thể cày cấy được... Quân lính những khi làm việc tuần
phòng hải phận đã nhàn rỗi, sức cho khẩn đất hoang trồng cấy và chiêu mộ dân
nghèo cùng ở, cho sống bằng sức mình, còn trâu cày, nông cụ thì do Nhà nước cấp
phát. Như thế, có lính để phòng thủ, có ruộng để cày cấy, giặc biển không dám
bén mảng đến, thuyền buôn ngày một đông đúc, sau vài năm tất thành một nơi vui
vẻ, mà việc phòng giữ mặt biển cũng được bền vững".
Sau khi nghe Bộ Binh tâu, vua Minh Mệnh không những
đã chuẩn y, mà còn gợi mở một ý tưởng thú vị: "Lập làng nơi đây. Công việc
đó khởi đầu từ Minh Mệnh với những chính sách rõ ràng, minh bạch như sử dụng
những người dân di cư tự do ra đây từ trước, những người bị phát vãng, lính hết
thời hạn phục vụ muốn ở lại đảo. Bằng chính sách có lợi cho dân, ông đã điều
khiển một luồng dân từ trong đất liền di cư ra đảo lập nên làng mang tên An Hải
năm 1840...".
Cũng trong thời kỳ đó, vua Minh Mệnh đã có chính
sách xử lý rất nghiêm minh đối với những thuyền đánh cá nước ngoài xâm phạm
lãnh hải Việt Nam. Chẳng hạn, Trấn Quảng Yên có trên 300 thuyền đánh cá của nhà
Thanh đậu lậu (trái phép) ở vùng biển Cát Bà, Quan Bắc Thành đã sai trấn thủ
Nguyễn Văn Đoái đem hơn 20 binh thuyền đến khuyên họ đi và sai Phó thống thập
cơ Tiền quân (Lương Văn Liễu) đem 15 chiến thuyền tiến theo để làm thanh ứng.
Sự việc được tâu lên triều đình, vua xuống dụ:
"Thuyền Thanh vài trăm chiếc mà thuyền của ta chỉ có hơn 30 chiếc, nếu hắn
cự lại thì lấy gì mà địch. Phái thêm binh thuyền và chở nhiều súng đạn quân nhu
đi ứng tiếp. Nếu chúng nghe lời thì thôi, bằng không thì góp sức vào cố đánh
dẹp"... Tuy nhiên, với những thuyền buôn, thuyền đánh cá nước ngoài gặp
nạn trôi dạt vào các đảo hay các cảng dọc bờ biển thì Minh Mệnh đối xử tử tế
đúng tư thế đất nước có nền văn hiến lâu đời.
Có thể nói, ông cha ta sớm nhận thức về tiềm năng
của biển, đảo. Vì vậy, ngay từ thế kỷ thứ X (sau chiến thắng Bạch Đằng), các
triều đình phong kiến Việt Nam đã kiên trì, bề bỉ đấu tranh bảo vệ biên giới,
lãnh thổ trên đất liền; mặt khác, xác lập và thực thi chủ quyền thực sự, liên
tục đối với các đảo, quần đảo trên Biển Đông trong điều kiện lực lượng, phương
tiện rất nghèo nàn, lạc hậu…
Lịch sử cũng cho thấy, một bước tiến mang tính chiến
lược quan trọng hướng ra biển của ông cha ta thể hiện ở chỗ, các vị vua không
chỉ xác lập chủ quyền bằng việc thượng cờ, xây miếu thờ, cắm mốc trên quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa, mà còn xây dựng đồn bốt, pháo đài; đặc biệt, là việc lập
làng trên những đảo gần bờ, như: Phú Quốc và Côn Lôn... Việc lập làng (đưa dân
ra giữ gìn biển, đảo) thể hiện tư duy chiến lược cả về quân sự và kinh tế của
ông cha ta...
Những kế sách và hành động thực thi chủ quyền cũng
như tấm gương anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của ông cha ta là
chứng cứ lịch sử - pháp lý hùng hồn về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông...
Nối tiếp xứng đáng tinh thần quật cường của ông cha, chúng ta đã, đang và sẽ
không tiếc máu xương để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền trên các vùng
biển, hải đảo của Việt Nam.
PGS, TS Phạm Công Chiển (Học viện Biên phòng) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét