Sáng
nay (3/7), Bộ Công Thương đã tổng kết quả 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người
Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa
đã tham dự và chủ trì hội nghị.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa phát biểu tại hội nghị. |
Bà Lê Việt Nga- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong
nước (Bộ Công Thương)- cho biết: Trong 5 năm qua, các đơn vị trong ngành Công
Thương đã bám sát chủ trương, chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng
ứng cuộc vận động. Các hoạt động được tổ chức rộng khắp trên các lĩnh vực như:
Đẩy mạnh tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng, đặc biệt, chú trọng
công tác tuyên truyền vận động các doanh nghiệp tổ chức tốt nguồn hàng có chất
lượng cao, có thương hiệu do trong nước sản xuất, có giá cả hợp lý về địa bàn
thị trường nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng thời có sự kết hợp với
các chương trình quảng bá, khuyến mại, chăm sóc khách hàng.
Bộ Công Thương tích cực hỗ trợ sản xuất, phân phối,
tiêu dùng hàng Việt và các hoạt động thiết thực để thúc đẩy phát triển thương
hiệu Việt. Từ tháng 7/2009 đến tháng 5/2014, Bộ Công Thương đã phê duyệt tổng
số 618 đề án xúc tiến thương mại quốc gia với tổng kinh phí hỗ trợ của nhà nước
là 375,75 tỷ đồng. Trong đó, có 356 đề án xúc tiến thương mại tập trung vào thị
trường trong nước, miền núi, biên giới và hải đảo.
Công tác đưa hàng Việt về địa bàn nông thôn, vùng
sâu, vùng xa trong thời gian qua được các địa phương rất quan tâm và đã trở
thành một trong các nội dung trọng tâm hưởng ứng Cuộc vận động. Đến nay, các
đợt bán hàng đã thu hút được đông đảo người dân địa phương đến thăm quan, mua
sắm; bước đầu đã tạo dựng được niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm
nội địa.
Theo bà Nga, từ khi có cuộc vận động, số lượng các
đợt bán hàng Việt về nông thôn cũng tăng lên cả về số lượng và quy mô tùy theo
từng địa bàn. nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã tích cực chủ động trong việc
triển khai các chuyên hàng về nông thôn như: Hệ thống siêu thị Sài Gòn Coop
Mart, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt
Nam chất lượng cao, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Công ty Kỹ nghệ súc
sản (Vissan), Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật
Việt Nam, Công ty cổ phần Intimex, Công ty TNHH Ba Huân, Sài Gòn Satra...
Đối với các sở công thương tỉnh và thành phố trực
thuộc Trung ương cũng đã tổ chức được gần 2.000 đợt bán hàng về nông thôn với
hơn 53.000 lượt doanh nghiệp tham gia với hơn 48.000 gian hàng, thu hút hơn 3
triệu lượt người dân địa phương tới tham quan mua sắm và doanh thu mang lại là
hơn 34,47 nghìn tỉ đồng. Đặc biệt, tại các tỉnh biên giới, các đợt bán hàng
Việt không chỉ thu hút được người dân trên địa bàn tới tham quan mua sắm mà còn
thu hút được đông đảo dân cư của các nước láng giềng như Lào, Campuchia… “Các
Sở Công Thương đã tổ chức nhiều hội chợ, triển lãm nhằm quảng bá và đưa sản
phẩm tới người tiêu dùng một cách hữu hiệu. Thông qua đó, thay đổi dần thói
quen tiêu dùng của người dân, thay đổi nhận thức của doanh nghiệp đối với thị
trường trong nước” – Bà Nga nhấn mạnh.
Theo kết quả khảo sát gần đây của Công đoàn ngành
Công Thương, kể từ khi phát động cuộc vận động, tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm
đầu vào, nguyên liệu cũng như thiết bị máy móc của các doanh nghiệp tăng bình
quân 25%. Tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng
hàng sản xuất trong nước. Kết quả từ cuộc vận động đã giúp cả nước hoàn thành
xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế như: tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và
dịch vụ hàng năm tăng trên 10%. Riêng 12 tháng năm 2013 ước đạt 2.617.963 tỷ
đồng, tăng 12,6% so với năm 2012.
Cuộc vận động cũng góp phần giảm tỉ lệ nhập siêu:
Năm 2010, nhập siêu là 12,3 tỷ USD (so với dự báo là 13,5 tỷ), bằng 17,3% kim
ngạch xuất khẩu, thấp hơn so với mục tiêu Chính phủ đề ra là không quá 20%; năm
2011, tỷ lệ này là 9,89% thấp hơn chỉ tiêu Chính phủ đề ra là không quá 16%.
Đặc biệt, năm 2012 và năm 2013 cán cân thương mại đã liên tục đạt trạng thái
xuất siêu (năm 2012 xuất siêu 287 triệu USD, năm 2013 xuất siêu 862 triệu USD.
Đẩy mạnh cuộc vận động theo
chiều sâu
Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, song cuộc
vận động vẫn chưa thực sự đi vào chiều sâu và chưa lan tỏa vào được hết các
lĩnh vực, đối tượng. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam vẫn gặp khó
khăn trong việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; một số bộ, ngành và
địa phương đã chưa thực sự vào cuộc, dẫn đến kết quả triển khai chưa đạt hiệu
quả cao, chưa thực sự đột phá.
Bà Lê Ngọc Đào- Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành
phố Hồ Chí Minh- cho rằng, thị trường trong nước cho sản phẩm hàng Việt chưa
được khai thác tối đa một phần do thực trạng hàng giả, hàng nhái giá rẻ còn lưu
thông trên thị trường, ảnh hưởng đến các đơn vị sản xuất trong nước. Bên cạnh
đó, nhiều sản phẩm hàng hóa của Việt Nam còn đơn điệu, chưa thu hút được người
tiêu dùng.
Theo bà Đào, để hàng Việt thực sự bền vững trên
chính sân nhà, các doanh nghiệp cần giữ vững 2 mục tiêu quan trọng: Thứ nhất,
không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa; thứ hai, triển khai đồng
bộ, tập trung và thường xuyên về công tác tuyên truyền, vận động cho cuộc vận
động. Đồng thời, liên kết chặt chẽ ngày càng đi vào chiều sâu giữa thành phố và
các vùng, miền thông qua các chương trình liên kết sản xuất, phát triển hệ
thống phân phối, kết nối cung cầu hàng hóa... "Đây không chỉ là những
giải pháp thực tế, gắn kết với cuộc vận động, mà còn xuất phát từ nhu cầu thực
tiễn từ phía các doanh nghiệp sản xuất trong nước và người tiêu dùng, qua đó
cũng góp phần vào phát triển kinh tế đất nước” - bàĐào nhấn mạnh.
Chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ
Thị Kim Thoa khẳng định: 5 năm qua, các đơn vị ngành công thương bằng nhiều
hình thức đã nỗ lực triển khai cuộc vận động và đã đạt được những kết quả đáng
ghi nhận, dần thay đổi thói quen của người tiêu dùng trong sử dụng hàng hóa…
Một xu hướng đáng mừng hiện nay là người tiêu dùng Việt Nam nói chung ngày càng
đánh giá cao hàng Việt Nam. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giầy
có tới 80% người ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả có tới trên 58% người
tiêu dùng ưa chuộng...
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đồng
thời khắc phục những hạn chế, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa chỉ đạo, các đơn vị
ngành Công Thương tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động theo chiều sâu. Theo đó, tích
cực thông tin, tuyên truyền về cuộc vận động; rà soát, bổ sung, ban hành luật
pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng trong nước, bảo vệ người
tiêu dùng, không trái với quy định của tổ chức thương mại thế giới; hỗ trợ
doanh nghiệp trong các hoạt động xúc thương mại và mở rộng thị trường trong
nước; đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh công tác quản lý thị trường.
Thúy
Hà - Lan Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét