Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Tăng cường thông tin tin cậy, chính xác

QĐND - Ngoài việc lập các trang web, blog phản động nhằm công phá vào nền tảng tư tưởng văn hóa ở nước ta, thời gian qua, các thế lực thù địch và phản động còn dùng chiêu bài “tung hỏa mù” rất nhiều thông tin thật-giả, trắng-đen, phải-trái lẫn lộn. Do vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta phải chủ động cung cấp đầy đủ thông tin chính thống, tin cậy cho người dân. Bởi vì, khi chiếm lĩnh hoàn toàn được dòng thông tin chính thống mới có thể làm chủ được mặt trận tư tưởng.
Không để những kẽ hở và khoảng trống thông tin
Những năm qua, phần lớn các cơ quan báo chí trong nước đã làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, góp phần tạo sự đồng thuận, tin tưởng của nhân dân vào các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, có lúc, có nơi, có thời điểm, các luồng thông tin chính thống, lành mạnh chưa thực sự đủ khả năng làm chủ hoàn toàn được dòng chảy thông tin của xã hội. Đây chính là kẽ hở, lỗ hổng để các thế lực thù địch tung ra những “đòn thông tin” hiểm độc nhằm làm nhiễu loạn thông tin xã hội.
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, thời gian gần đây không ít trang web có xuất xứ từ hải ngoại và nhiều mạng xã hội đã cố tình tung ra những thông tin “thật ít, giả nhiều” hòng đánh lạc hướng dư luận. Do tính chất khuếch tán nhanh, lan tỏa rộng nên những nội dung thông tin này có sức hút rất mạnh đối với công chúng, nhất là giới trẻ thường xuyên sử dụng internet và mạng xã hội. Đặc biệt là vào những thời điểm nhạy cảm, phức tạp, những thông tin sai trái đó như một thứ “vi-rút” lây lan cực nhanh, cực mạnh mà nếu không ngăn ngừa kịp thời, nó có thể để lại những “di chứng thông tin” tai hại. Trong khi đó, vẫn còn một số cơ quan báo chí hoặc là chạy theo xu hướng thương mại hóa, hoặc là thiếu ý thức chính trị nên có lúc đã đăng tải không ít nội dung thông tin làm phương hại đến đời sống văn hóa, tinh thần, thẩm mỹ của người dân, thậm chí đăng tải những thông tin liên quan đến bí mật, an ninh quốc gia đã vô hình trung tạo thêm cơ hội cho các thế lực thù địch xuyên tạc, bôi đen hình ảnh đất nước.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự thâm nhập của internet ngày càng sâu rộng vào mọi ngóc ngách của cuộc sống đã rút ngắn khoảng cách giữa nhà sản xuất thông tin (cơ quan báo chí và nhà báo) và người “tiêu dùng thông tin” (công chúng). Do đó, nếu thông tin đi sau, đi chậm, cơ quan báo chí mất vai trò dẫn dắt dư luận. Khi khoảng trống thông tin không được lấp đầy, nhu cầu thông tin của người dân, nhất là giới trẻ, không được đáp ứng kịp thời, họ sẽ bằng mọi cách để tiếp cận các trang mạng (nhất là các trang mạng không chính thống) để giải quyết “cơn khát thông tin” của chính mình. Nhiều khi vô tình, họ có thể “sập bẫy” vào các trang web, blog phản động mà hệ lụy, hậu quả khó có thể lường trước.
Thông tin lành mạnh phải  đi trước
Việc chủ động cung cấp đầy đủ thông tin chính thống, tin cậy cho người dân cần được coi là một trong những giải pháp thiết thực để góp phần tăng cường sự đồng thuận xã hội, nâng cao lòng tin của các tầng lớp nhân dân đối với các chủ trương, đường lối, quyết sách của Đảng và Nhà nước. Thực tế cho thấy, chỉ khi nào những nội dung thông tin chính thống, lành mạnh luôn “đi trước, đón đầu” và “phủ sóng” ở diện rộng mới có đủ khả năng dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội theo chiều hướng tích cực, đồng thời lấn át được các luồng thông tin sai trái, tiêu cực, độc hại.
Muốn vậy, trước hết các cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo chí của Đảng, Nhà nước, quân đội, công an, mặt trận và các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và ở các địa bàn trọng điểm của đất nước phải nỗ lực đổi mới phương pháp tiếp cận, sàng lọc, xử lý, chuyển tải thông tin cho người dân bảo đảm nhanh nhạy, kịp thời, đúng đắn, sinh động, hấp dẫn. Đặc biệt, khi nảy sinh, xuất hiện những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, các cơ quan báo chí cần bình tĩnh sàng lọc, nắm chắc bản chất vấn đề, đưa ra những thông tin chính xác, làm sáng tỏ vấn đề dư luận quan tâm một cách có lý, có tình và có sự định hướng dư luận rõ ràng. Trước các “vấn đề nóng” nảy sinh trong xã hội, để tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, thông tin theo kiểu “trăm hoa đua nở”, thậm chí “ông nói gà, bà nói vịt”, các cơ quan báo chí phải hết sức tỉnh táo, sáng suốt để cân nhắc về liều lượng, mức độ nội dung thông tin đăng tải nhằm phòng ngừa, giảm tối đa những hệ lụy có thể xảy ra. Các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí cần phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc Quyết định 157-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng, nhất là đối với những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong nội dung thông tin của báo chí.
Tuy vậy, việc cung cấp thông tin chính thống của các cơ quan báo chí cho người dân sẽ gặp khó khăn nếu không có sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan công quyền từ Trung ương đến địa phương. Để các cơ quan báo chí có nguồn thông tin dồi dào, tin cậy, các bộ, ban, ngành, chính quyền các cấp cần thực hiện nghiêm túc Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4-5-2013 về “Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí”. Việc duy trì thành nền nếp và thực hiện tốt quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí phải được coi là một trong những chế độ, việc làm thường xuyên, quan trọng của các cơ quan công quyền. Để làm tốt việc này, theo ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông), các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền các cấp phải có cơ chế, cách thức tập hợp thông tin một cách khoa học để cung cấp thông tin cho báo chí đầy đủ, nhanh nhạy; tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người phát ngôn; đồng thời phải có chế tài xử lý nghiêm khắc về việc chậm phát ngôn, hoặc phát ngôn không đúng dễ làm hiểu lầm và gây thêm bức xúc dư luận trong xã hội như đã từng xảy ra. Thậm chí, nếu không may xảy ra trường hợp “khủng hoảng thông tin” phải nhanh chóng tìm biện pháp “ứng cứu”, xử lý sự cố một cách tích cực, sớm mang lại niềm tin cho công chúng.
Một giải pháp có ý nghĩa căn cơ, tác dụng lâu dài là thông qua nhiều hình thức, biện pháp để đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, làm cho người dân nâng cao nhận thức, biết chủ động lựa chọn, tìm kiếm, tiếp cận những nội dung thông tin lành mạnh, bổ ích, nhân văn từ các cơ quan báo chí chính thống; đồng thời tự nâng cao “sức đề kháng” trước các luồng thông tin độc hại, thường xuyên cảnh giác để không bị sa đà, “sập bẫy” vào “ma trận thông tin thật-giả lẫn lộn” của các thế lực thù địch. “Lợi dụng ưu thế của internet và các trang mạng xã hội hiện nay, các thế lực phản động, thù địch và phần tử bất mãn luôn chủ động và cố tình tung ra những thông tin “thật ít, giả nhiều”. Do đó, chúng ta phải sớm kịp thời nhận diện, nắm bắt được ý đồ của chúng cài đặt vào trong những nội dung thông tin đó để bóc mẽ, lật tẩy trước công luận, làm cho các tầng lớp nhân dân thấy rõ bản chất vấn đề để không mắc mưu bởi những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt đó”-TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.
“Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan báo chí với các cấp, các ngành, giữa các cơ quan báo chí; chủ động định hướng, tạo điều kiện để báo chí tiếp cận, chiếm lĩnh thông tin, nhất là những thông tin quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, được dư luận xã hội quan tâm”.
(Trích phát biểu của đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2014).  

 THIỆN VĂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét