Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

Giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền đất nước cho thế hệ trẻ: Cần những việc làm cụ thể



(Báo Quảng Ngãi)- Chủ quyền đất nước là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm. Vậy nên, việc giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền đất nước cho thế hệ trẻ là hết sức cần thiết, nhưng cần phải cụ thể và thiết thực.

Từ những bài học quý giá…
Là một tỉnh duyên hải miền Trung có bờ biển khoảng 130km, đặc biệt là có đảo Lý Sơn, quê hương của Đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa, Quảng Ngãi được xem là một bảo tàng với nhiều bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa. Tượng đài Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa và khu nhà trưng bày những hình ảnh, hiện vật về đội hùng binh năm xưa đã trở thành những tư liệu sống động khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của nước ta. Khu nhà trưng bày không chỉ là nơi thu hút nhiều bạn trẻ mỗi khi ra đảo, mà còn là chỗ học lịch sử địa phương của thế hệ trẻ Lý Sơn nói riêng và Quảng Ngãi nói chung.


Mô hình ghe câu của Hùng binh Hoàng Sa luôn được các em học sinh thích thú tìm hiểu.                                 Ảnh: XUÂN THIÊN
Mô hình ghe câu của Hùng binh Hoàng Sa luôn được các em học sinh thích thú tìm hiểu. Ảnh: XUÂN THIÊN

Em Nguyễn Thanh Minh- Trường THPT Lý Sơn, kể rằng, khi nhìn thấy những hình ảnh, hiện vật như: Thuyền câu, chiếu cói, dây mây, đòn tre, thẻ bài… giúp em hình dung được khúc ca hùng tráng của những hùng binh Hoàng Sa năm xưa đã ra đi khai phá, bảo vệ bờ cõi nơi đảo xa của Tổ quốc. Thế hệ trẻ Lý Sơn hôm nay vô cùng biết ơn và khâm phục lòng can trường, sự hy sinh cao cả của những hùng binh Hoàng Sa năm xưa.
Để bài học về chủ quyền trở nên sinh động, cuốn hút các em, ngành GD-ĐT Quảng Ngãi đã đưa nội dung giáo dục biển, đảo vào một số môn học, để khơi dậy trong học sinh tình yêu và trách nhiệm về bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương. Nhiều cách giảng dạy hay về chủ quyền biển, đảo đã được các thầy, cô giáo ở các trường học trong tỉnh thực hiện, giúp việc tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển, đảo cho học sinh ngày càng hiệu quả. Một số trường học, các thầy cô giáo tâm huyết với biển, đảo quê hương đã soạn thảo, sưu tầm những hình ảnh, hiện vật, thông qua các buổi ngoại khóa để lồng ghép nội dung giáo dục về biển đảo trong các tiết học lịch sử, địa lý.
Như trường hợp của thầy giáo Trần Văn Vàng -Trường THCS Đức Chánh (Mộ Đức), với tiết học đặc biệt về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Năm học 2007 - 2008, thực hiện quy chế của Bộ GD-ĐT về giảng dạy lịch sử địa phương, thầy Vàng được Phòng GD-ĐT huyện Mộ Đức phân công soạn thảo 7 bài học về lịch sử Quảng Ngãi để đưa vào chương trình của khối THCS. Trong 7 bài học ấy, “Nhân dân Quảng Ngãi với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” là bài học ông dành nhiều tâm huyết nhất.  Ngoài tiết học về chủ quyền, thầy Vàng còn đề xuất Trường THCS Đức Chánh mở cuộc thi về biển đảo hằng năm. Những phần thi như hát về biển đảo, viết về biển đảo quê em vừa là giờ “thực hành” của tiết học, vừa là chất xúc tác để hun đúc tình yêu quê hương, biển đảo trong các em học sinh.
Nhiều tiết học ngoại khóa được các trường cho học sinh tham quan các điểm trưng bày những tư liệu lịch sử về quê hương, đất nước, nhất là chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Những hiện vật từ Trường Sa được trưng bày tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh như những phiến đá mang tên các hòn đảo, hình ảnh về những chiến sĩ Trường Sa và được nghe hướng dẫn về cuộc sống dẫu khó khăn nơi đầu sóng ngọn gió ở đảo xa, đã giúp các em cảm nhận được những tình cảm của mình đối với Tổ quốc thân yêu. Bên cạnh đó, một số tổ chức, trường học trong tỉnh đã tổ chức hội thảo, triển lãm, giới thiệu nhiều cứ liệu lịch sử thuyết phục về chủ quyền biển, đảo Việt Nam, về Hoàng Sa, Trường Sa để các bạn trẻ hiểu thêm về chủ quyền của Tổ quốc, từ đó góp phần giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và lòng tự hào về biển đảo quê hương.
… đến chung tay hướng về biển đảo

Học sinh được nghe về chủ quyền biển, đảo tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Học sinh được nghe về chủ quyền biển, đảo tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.

Không chỉ được thấy, nghe và hiểu về chủ quyền biển đảo Tổ quốc, tuổi trẻ Quảng Ngãi còn có nhiều hành động thiết thực để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Các cấp bộ đoàn và ĐVTN trong tỉnh luôn dành sự quan tâm hưởng ứng các hoạt động hướng về biển đảo quê hương. Tháng 5.2013, hơn 900 sinh viên tiêu biểu trên cả nước đã đặt chân lên huyện đảo Lý Sơn, bắt đầu các hoạt động của Hội trại sinh viên với biển đảo Tổ quốc có chủ đề “Tự hào biển đảo Việt Nam” do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam cùng Tỉnh đoàn Quảng Ngãi tổ chức. Hội trại được tổ chức với mục đích giáo dục truyền thống yêu nước, bảo vệ chủ quyền biển, đảo đến sinh viên cả nước. Mới đây, công trình cột cờ Tổ quốc được xây dựng trên núi Thới Lới (Lý Sơn) đã hoàn thành, mặt hướng ra quần đảo Hoàng Sa, nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam.
Gần đây, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển của Việt Nam, Tỉnh đoàn đã nhanh chóng chỉ đạo các cơ sở đoàn thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng của ĐVTN. Không những vậy, ĐVTN trong tỉnh đã có những hoạt động thiết thực giúp người dân huyện đảo Lý Sơn. Hàng ngàn suất quà được chuyển ra cho người dân đất đảo, xây dựng 5 nhà nhân ái cho ngư dân, với giá trị hơn nửa tỷ đồng. 100 tàu cá của những ngư dân trẻ, kiên cường bám biển Hoàng Sa, Trường Sa vừa khai thác hải sản, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc đã được tặng bảo hiểm, với trị giá bảo hiểm 50 tỷ đồng. Các chương trình văn hóa - văn nghệ, các chiến dịch thanh niên tình nguyện được tổ chức đã góp phần bồi đắp tinh thần cho người dân Lý Sơn, để từ đó, họ có thêm động lực can trường ra khơi.
Chị Hà Thị Anh Thư – Bí thư Tỉnh đoàn:
Có thể khẳng định rằng, trong mỗi bạn trẻ Quảng Ngãi luôn có niềm tự hào, tình yêu quê hương, biển đảo của Tổ quốc. Những tình cảm yêu thương được các bạn ĐVTN gửi tặng cho các ngư dân, lực lượng cảnh sát biển, hải quân, kiểm ngư đang ở vùng biển đảo xa xôi của Tổ quốc để thực thi nhiệm vụ của mình đã nói lên điều đó. Những hoạt động thiết thực hướng về biển, đảo những ngày qua đã góp phần giáo dục cho ĐVTN lòng yêu nước, hun đúc tình cảm gắn bó với quê hương, biển đảo, thể hiện được nhiệt huyết của thanh niên, trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Ông Trần Hữu Tháp – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT:
 Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị tích hợp nhiều môn học như văn, sử, địa lý… chỉ đạo sinh hoạt ngoại khoá, sinh hoạt chủ đề để giáo dục về biển đảo cho các em học sinh các cấp học, ngành học. Qua đó đã nâng cao tinh thần độc lập, ý thức bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc nói riêng. Sở GD-ĐT cũng đã chỉ đạo nghiên cứu, biên soạn tài liệu, cung cấp tài liệu, tổ chức tập huấn giáo viên để đưa nội dung giáo dục biển đảo vào nhà trường. Qua việc biên soạn tài liệu địa phương, cùng với nhiều tài liệu phong phú, đa dạng khác, học sinh sẽ được học tập để hiểu biết về truyền thống hào hùng của dân tộc, khẳng định mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn chủ quyền của chúng ta về biển, đảo. Từ đó sẽ nâng cao tình yêu, nhận thức rõ hơn trách nhiệm cá nhân với Tổ quốc.
Anh Đặng Tấn Thành - Bí thư Huyện đoàn Lý Sơn:
Với nhân dân và tuổi trẻ huyện đảo Lý Sơn, lâu nay, ý thức về chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa như là máu thịt của họ rồi. Những lễ hội hằng năm để tri ân những hùng binh Hoàng Sa năm xưa đi khai phá, bảo vệ chủ quyền luôn được các thế hệ con cháu khắc ghi. Đó cũng là cách giáo dục hiệu quả nhất với thế hệ trẻ trên đảo. Hơn nữa, trong từng dòng tộc, tộc họ trên đảo - là những hậu duệ của những hùng binh thuở trước, cha dạy cho con, ông dạy cho cháu về truyền thống của cha ông mình trong mỗi chuyến đi biển, mỗi bữa cơm gia đình. Những bản đồ, tư liệu quý giá về Hoàng Sa, Trường Sa đang được trưng bày ở Bảo tàng Lý Sơn như tiếp thêm niềm tự hào và ý chí cho thế hệ trẻ ở Lý Sơn hôm nay quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Sinh viên Trần Văn Tân - thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành): Lâu nay, hầu như trong sách giáo khoa về lịch sử, địa lý được giảng dạy trong nhà trường ít đề cập đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vì thế học sinh, sinh viên cảm thấy thiếu kiến thức về vấn đề này. Thời gian gần đây, thông qua các phương tiện truyền thông, chúng em đã quan tâm nhiều đến chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Em mong muốn sắp tới, những kiến thức lịch sử về chủ quyền biển đảo được đưa vào giảng dạy trong trường học nhiều hơn, để thế hệ trẻ có những kiến thức đầy đủ về chủ quyền đối với các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Bài, ảnh: N.TRIỀU – X.THIÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét