Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

Cách tiếp cận của Việt Nam về quyền con người phù hợp với nguyện vọng chung của nhân loại



Đại sứ Nguyễn Trung Thành. Ảnh: Nam Long

QĐND - Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) là quy trình đánh giá 4 năm một lần về tình hình nhân quyền đối với tất cả các thành viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhằm chia sẻ kinh nghiệm, cải thiện tình trạng nhân quyền ở mỗi quốc gia và với cộng đồng quốc tế. Tại Báo cáo UPR chu kỳ thứ hai vừa qua ở Giơ-ne-vơ, Việt Nam đã chấp thuận thực hiện nhiều khuyến nghị mang tính chất xây dựng. Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nguyễn Trung Thành, Trưởng phái đoàn Thường trực Việt Nam bên LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức khác tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ, đã trả lời phỏng vấn Báo Quân đội nhân dân về vấn đề này.
Phóng viên (PV): Các khuyến nghị về nhân quyền với Việt Nam chủ yếu tập trung vào những vấn đề gì, thưa Đại sứ, Trưởng phái đoàn?
Đại sứ Nguyễn Trung Thành: Tại phiên họp thứ 18 của Nhóm làm việc về UPR (tháng 2-2014), Việt Nam là nước được các nước quan tâm đăng ký phát biểu xây dựng nhiều nhất (107 nước) với số lượng các khuyến nghị được nêu cũng nhiều nhất (227 khuyến nghị sau khi tổng hợp).
Nội dung các khuyến nghị rất đa dạng, từ việc khuyến khích Việt Nam tiếp tục có các đóng góp về hợp tác quốc tế, tham gia thêm một số các điều ước quốc tế quan trọng về quyền con người, cho đến đề nghị Việt Nam tiếp tục đầu tư nhiều nguồn lực hơn, có chính sách hiệu quả hơn nữa để bảo vệ các nhóm xã hội dễ bị tổn thương hoặc cân nhắc việc điều chỉnh, xây dựng mới các văn bản luật hoặc chính sách triển khai, liên quan đến quyền con người…
Cần nhớ lại là các cam kết tự nguyện của Việt Nam khi ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) nhiệm kỳ 2014-2016 cũng rất đa dạng, trải rộng trên nhiều lĩnh vực liên quan đến quyền con người; nhiều nước cũng hoan nghênh và mong muốn Việt Nam thực hiện các cam kết này.
Có thể nói, đại đa số các khuyến nghị có tính xây dựng. Một mặt, nó thể hiện sự đánh giá cao các thành tựu của Việt Nam, mà một số nước coi là hình mẫu thành công, mặt khác, đó cũng là sự quan tâm chân thành, trông đợi tích cực của cộng đồng quốc tế tới tình hình thực tế tại Việt Nam, có tính tới cam kết, nỗ lực và khả năng thực tế của Việt Nam.
Thực vậy, chăm lo thúc đẩy quyền con người, lấy con người làm trung tâm của sự nghiệp đổi mới, phát triển, dựng và giữ nước, luôn là chủ trương nhất quán của Nhà nước ta. Do đó có thể nói, đây là sự kết hợp hữu cơ giữa sự phát triển trong nước và nỗ lực triển khai hợp tác hội nhập quốc tế chủ động và tích cực của ta trên lĩnh vực thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
PV: Việt Nam chấp nhận hơn 80% khuyến nghị đó tại UPR vừa qua. Vì sao lại là con số 80%, số còn lại thì sao, thưa Đại sứ?
Đại sứ Nguyễn Trung Thành: Như đã nói ở trên, có một sự “tương hợp” nhất định giữa ghi nhận, đánh giá và sự quan tâm, thiện chí của các nước thể hiện qua các khuyến nghị gắn liền với cam kết, nỗ lực và khả năng thực hiện của Việt Nam. Nếu so sánh với tỷ lệ chấp thuận các khuyến nghị UPR của các nước trong khu vực ASEAN và kể cả với nhiều nước phát triển, tỷ lệ chấp thuận của Việt Nam là khá cao. 
Sự trông đợi chung là với sự kết hợp giữa quan tâm, thiện chí hợp tác, xây dựng của cộng đồng quốc tế với cam kết của Việt Nam, các khuyến nghị đã được chấp thuận sẽ được tiếp tục thực hiện hiệu quả; giống như các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận và triển khai tại chu kỳ UPR lần thứ nhất.
Cần lưu ý về mục đích và cách vận hành của cơ chế UPR. Về cơ bản, các nước khi tham gia cơ chế UPR đều xác định tinh thần chung là các khuyến nghị được nêu tại UPR nên được xây dựng và nêu ra trên cơ sở đánh giá khách quan, thiện chí, có tính tới khả năng thực hiện của nước bảo vệ báo cáo. Ngược lại, về nguyên tắc, ý kiến phản hồi chính thức của nước bảo vệ báo cáo cũng dựa trên hai hướng chính (được quy định trong văn bản của HĐNQ) là “ủng hộ”/ “chấp thuận” hoặc “ghi nhận”, chứ không phải “bác bỏ”/ “từ chối”.
Trên tinh thần đó, các khuyến nghị không nằm trong số 182 khuyến nghị được ủng hộ chủ yếu là do hiện chưa phù hợp với tình hình ở Việt Nam cũng như với nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cũng ghi nhận và nghiêm túc xem xét vào thời gian phù hợp.
PV: Một số luồng dư luận cho rằng, Việt Nam chấp thuận thực hiện nhiều khuyến nghị về nhân quyền như lần này là do căng thẳng đang leo cao ở Biển Đông và Việt Nam cần sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Đại sứ có ý kiến gì về quan điểm này?
Đại sứ Nguyễn Trung Thành: Chủ trương đối ngoại xuyên suốt và nhất quán của Việt Nam là: “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”. Chủ trương này được xây dựng và triển khai trên cơ sở một nền đối ngoại quốc gia toàn diện trong một thế giới toàn cầu hóa với những cơ hội và thách thức rất đa dạng và phức tạp, cũng như trong bối cảnh địa chính trị và chiến lược mới trên bình diện toàn cầu và trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Việc Việt Nam tham gia quan hệ quốc tế một cách chủ động, xây dựng, có trách nhiệm, thúc đẩy đối thoại, hợp tác, thượng tôn luật pháp quốc tế sẽ tiếp tục góp phần tạo dựng hình ảnh, vị thế của Việt Nam, góp phần có ý nghĩa vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tạo thuận lợi cho việc kiên trì theo đuổi việc giải quyết căng thẳng ở Biển Đông trước mắt cũng như lâu dài, thông qua mọi biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế.
Thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ngày càng trở thành sự quan tâm lớn của cộng động quốc tế, khu vực và mỗi nước. Việc Việt Nam tham gia cơ chế UPR một cách nghiêm túc, có trách nhiệm cũng như việc Việt Nam thực thi hiệu quả vai trò là thành viên của HĐNQ hiện nay cho tới năm 2016 đang và sẽ đóng góp rất thiết thực vào việc triển khai chủ trương hội nhập quốc tế chủ động và tích cực của Nhà nước ta, củng cố hình ảnh, vị thế của Việt Nam như một thành viên có trách nhiệm, đóng góp hữu hiệu vào đối thoại và hợp tác quốc tế vì hòa bình, phát triển.
Cách tiếp cận này của Việt Nam được cộng đồng quốc tế hoan nghênh, khuyến khích và ủng hộ vì nó phù hợp với nguyện vọng chung của nhân loại, vì hòa bình, phát triển, tôn trọng luật pháp quốc tế, quan hệ quốc tế giữa các quốc gia bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, chống lại cách tiếp cận đơn phương, áp đặt, uy hiếp, đe dọa nước khác vì lợi ích dân tộc hẹp hòi của bất kỳ nước nào.
PV: Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
NGỌC HƯNG (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét