Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Hành động đi ngược lợi ích quốc gia

QĐND - Mới đây, Báo cáo về tình hình  bảo đảm quyền con người tại Việt Nam chu kỳ 2 trong khuôn khổ Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) đã được Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua với sự đồng thuận cao, không một ý kiến nào phản đối. Kết quả ấn tượng ấy khiến cho cái gọi là “chiến dịch vận động nhân quyền cho Việt Nam” kéo dài hai tuần đang diễn ra tại châu Âu nhân sự kiện này của một nhóm người tự gọi là "các nhà hoạt động dân sự từ Việt Nam", cùng phát biểu của họ tại phiên họp UPR của LHQ, trở nên lạc lõng.
Ngay trước ngày diễn ra Phiên họp toàn thể của Hội đồng Nhân quyền LHQ hôm 20-6 tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), nhóm này đã tới đây để bắt đầu chiến dịch. Thoạt nghe tưởng có gì to tát nhưng hành trang của họ mang theo tới châu Âu lại rất nghèo nàn. Điển hình là bài phát biểu nhạt nhẽo mà đại diện của họ đọc tại phiên họp. Nội dung của bài phát biểu sơ sài, không có gì hơn ngoài những lời lẽ quy chụp thiếu cơ sở, chung chung, kiểu như Việt Nam “vẫn tiếp tục vi phạm luật quốc tế và trong nhiều trường hợp còn vi phạm luật pháp của mình”. Người đọc phát biểu đã bôi nhọ chính quyền Việt Nam bằng việc kể ra một số cái tên như Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Quốc Quân hay blogger “Anh Ba Sàm” mà họ gọi là “tù nhân lương tâm” đang bị chính quyền Việt Nam giam giữ. Đây thực ra là những trường hợp đã vi phạm luật pháp Việt Nam và có các hành động gây tổn hại cho đất nước.
Trên kênh, sóng của một số hãng truyền thông phương Tây thường có cái nhìn phiến diện về Việt Nam, họ rêu rao rằng chuyến đi tới châu Âu là một sự kiện nối tiếp các sự kiện khác mà họ tiến hành liên quan tới UPR với hàng loạt chương trình, kế hoạch nhằm thúc đẩy chính quyền Việt Nam tôn trọng các cam kết UPR. 
Chưa hết, trong khoảng thời gian thực hiện chiến dịch ở châu Âu, nhóm này cho biết sẽ gặp gỡ các cơ quan của LHQ cũng như phái bộ ngoại giao của các tổ chức quốc tế tại Thụy Sĩ, sau đó tới Bỉ để gặp cơ quan ngoại giao của EU. Họ cũng có kế hoạch tới một số nước châu Âu để thúc đẩy chính phủ những nước này quan tâm hơn nữa đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Mục tiêu mà họ đặt ra, thoạt nghe có vẻ tích cực, đó là đòi hỏi xây dựng môi trường xã hội dân sự lành mạnh ở Việt Nam, tự do lập hội, đoàn độc lập, sửa đổi các điều luật mà họ cho là vi phạm nhân quyền, kêu gọi tự do báo chí, tự do ngôn luận, hoặc sửa đổi hệ thống pháp luật để tiến tới bãi bỏ án tử hình. Nhưng kỳ thực đó chỉ là một chiếc “vỏ bọc nhung” dưới chiêu bài vì lợi ích người dân, vì tiến bộ xã hội, để che giấu những mưu toan, ý đồ xấu xa, đi ngược lại lợi ích quốc gia.
Không hiểu “một xã hội dân sự lành mạnh”, tự do lập hội, đoàn độc lập, đối với họ là phải như thế nào? Trong khi tại Việt Nam, quyền lập hội đã được bảo vệ bằng nhiều đạo luật và nhiều văn bản dưới luật. Số lượng các hội, đoàn thể được thành lập không ngừng gia tăng ở các cấp cùng hàng nghìn hiệp hội, câu lạc bộ hoạt động trong mọi lĩnh vực xã hội. Nhà nước Việt Nam đã tạo nhiều điều kiện để các tổ chức xã hội dân sự đóng góp tích cực trên các lĩnh vực xã hội, nhất là trong lĩnh vực từ thiện, nhân đạo. Ngày càng có nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài được phép hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Càng không thể hiểu hình thù của “tự do báo chí, tự do ngôn luận” đối với họ phải ra sao vì sự phát triển bùng nổ của báo chí tại Việt Nam thời gian qua không chỉ được chứng minh bằng những con số các ấn phẩm, các trang thông tin điện tử, đài phát thanh, truyền hình… gia tăng nhanh chóng, mà thực tế cho thấy, báo chí đã trở thành một diễn đàn rộng rãi của người dân, nơi mọi người có thể đóng góp ý kiến và phản biện với chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền. Báo chí cũng trở thành nơi bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân, giám sát thực thi pháp luật…Vì vậy, báo chí ở Việt Nam đã và đang ngày càng phát huy vai trò là công cụ quan trọng trong bảo vệ và phát huy các giá trị quyền con người.
Như vậy, khó có thể hiểu khác mục tiêu của các hoạt động "kêu gọi nhân quyền, tự do" này nọ cho Việt Nam mà "các nhóm xã hội dân sự" đang tiến hành ngoài nhằm bôi nhọ uy tín của chính quyền trong nước, của chế độ xã hội và Đảng cầm quyền. Họ hô hào "tự do báo chí, tự do ngôn luận" theo cách của họ chỉ để dễ bề tuyên truyền thu hút, tập hợp lực lượng, lôi kéo đông người tham gia các hội, đoàn mà họ thành lập. Họ đòi hỏi một “xã hội dân sự lành mạnh” xuất phát từ động cơ không gì khác - đó là thúc đẩy hình thành thể chế chính trị “đa nguyên, đa đảng đối lập” ở Việt Nam, mà tiền đề là hình thành các tổ chức xã hội dân sự chính trị.
Hơn nữa, việc nhóm các nhà hoạt động dân sự này đưa những thông tin sai trái, bị bóp méo mang động cơ chính trị về Việt Nam ra quốc tế như vậy sẽ khiến các nước có cái nhìn sai lệch về Việt Nam. Đáng trách hơn, trong khi các nhà lãnh đạo và người dân Việt Nam trong và ngoài nước đang đoàn kết, nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để phục vụ cho cuộc đấu tranh ngoại giao với Trung Quốc nhằm phản đối hành động sai trái của nước này ở Biển Đông, lại có những người tìm cách phá rối, đưa ra những thông tin không đúng như vậy làm ảnh hưởng hưởng tới uy tín của đất nước.
Là công dân Việt Nam nhưng lại có các hành động đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc như vậy, nên dù họ có “khoác chiếc áo nhân quyền”, gắn “mác” nhân sĩ, trí thức, luật sư ra quốc tế vận động cho Việt Nam thì liệu có còn đáng tin cậy hay không? Và không rõ họ lấy tư cách gì để ra thế giới vận động nhân quyền cho Việt Nam?
Cũng cần phải biết nhóm các nhà hoạt động dân sự gồm 4 nhân vật tới Giơ-ne-vơ tham dự Phiên họp toàn thể về UPR đại diện cho những nhóm xã hội dân sự nào. Điểm danh thấy có “No-U FC Hà Nội”, “No-U FC Sài Gòn” là những nhóm thời gian qua kích động các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, gây rối an ninh trật tự và có các bài viết tuyên truyền, xuyên tạc về đường lối, chính sách của  Đảng và Nhà nước, vi phạm luật pháp Việt Nam. Các nhóm còn lại như “Diễn đàn Xã hội Dân sự”, “Hiệp hội Đoàn kết Công nông Việt Nam”, “Hội Ái hữu tù nhân chính trị và Tôn giáo Việt Nam”… cũng có bề dày “thành tích” chống phá chính quyền Việt Nam.
Vả lại, luận điệu rêu rao của nhóm này cho rằng, còn 45 khuyến nghị của các nước và các tổ chức quốc tế không được Việt Nam chấp nhận là những khuyến nghị liên quan tới vấn đề cốt lõi về nhân quyền hay các vấn đề nghiêm trọng về nhân quyền, không phản ánh đúng tình hình thực tế. Thực ra đây là những khuyến nghị còn thiếu cơ sở, chưa phản ánh được tình hình thực tiễn khách quan của Việt Nam hoặc thể hiện định kiến nên Việt Nam không thể chấp thuận. Trong khi đó, Việt Nam đã chấp thuận 182 trên tổng số 227 khuyến nghị mà các nước và tổ chức quốc tế đã nêu ra trong đợt rà soát định kỳ phổ quát lần 2 đối với Việt Nam (80,17%). Đây là một tỷ lệ chấp thuận rất cao trong lịch sử hoạt động của Cơ chế UPR tại Hội đồng Nhân quyền. Việc Việt Nam chấp thuận số lượng lớn các khuyến nghị xuất phát từ chính sách nhất quán và cam kết mạnh mẽ bảo đảm và phát huy các quyền con người tại Việt Nam, thể hiện rõ thái độ nghiêm túc, chân thành, cởi mở và quyết tâm cao của Việt Nam trong lĩnh vực thực thi quyền con người.
Hơn nữa, trong khi họ tuyên bố rằng, không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào cơ chế UPR, đánh giá thấp hiệu quả của Hội đồng Nhân quyền LHQ thì họ lại đang lợi dụng chính cơ chế này để phủ nhận những thành tựu nhân quyền của Việt Nam. Họ cũng tuyên bố rằng “nhân quyền là vấn đề chúng ta tự quyết định, do chúng ta tự vận động… chứ không phải trông chờ vào sự hỗ trợ của quốc tế”. Nhưng họ lại đang làm cái việc là tới châu Âu thực hiện chiến dịch vận động nhân quyền cho Việt Nam, kêu gọi những nước này “tham gia nhiều hơn nữa vào tiến trình UPR” để gây sức ép với Việt Nam. Nghịch lý và mâu thuẫn trên cũng dễ hiểu, bởi “danh bất chính” tất “ngôn bất thuận”.

 MAI NGUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét