Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Tự do tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam sẽ còn phát triển hơn nữa

QĐND - Tại kỳ họp thứ 26 của Hội đồng Nhân quyền LHQ dự kiến diễn ra trong tháng 6 này, Việt Nam sẽ chính thức thông báo với các nước về việc chấp nhận các khuyến nghị tại Khóa họp thông qua Báo cáo Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 2 của Việt Nam hồi tháng 2 vừa qua. Đây sẽ là dịp quan trọng để Việt Nam khẳng định với thế giới những thành tựu được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người và tiếp thu các ý kiến trên tinh thần xây dựng; cũng là dịp để thế giới hiểu rõ về thực trạng nhân quyền ở Việt Nam không phải như những tuyên bố sai trái đầy chủ đích nào đó.
Trước hết cần phải nhắc lại rằng UPR là cơ chế của LHQ nhằm kiểm tra định kỳ để đánh giá một cách toàn diện, khách quan tình hình thực hiện các nghĩa vụ, cam kết về nhân quyền của tất cả 193 nước thành viên LHQ. Tháng 5-2009, Việt Nam đã trình bày và bảo vệ thành công Báo cáo UPR chu kỳ 1. Báo cáo UPR chu kỳ 2 cũng được thông qua đã chứng tỏ đa số các nước tham gia phiên đối thoại đều ghi nhận sự chuẩn bị công phu Báo cáo UPR của Việt Nam với nội dung phong phú, toàn diện, thể hiện cam kết về bảo đảm quyền con người.
Nhưng đáng tiếc, sau khi Báo cáo UPR chu kỳ 2 được thông qua, lại xuất hiện một số tuyên bố thiếu thiện chí về sự kiện này, trong đó có tuyên bố cho rằng Việt Nam “hạn chế tự do tôn giáo và việc sách nhiễu các nhà thờ không đăng ký vẫn diễn ra”. Tại Giơ-ne-vơ, khi Việt Nam bảo vệ Báo cáo UPR chu kỳ 2 còn xuất hiện một đám người biểu tình để phản đối Việt Nam, lôi kéo sự chú ý của dư luận và truyền thông quốc tế trong việc gây áp lực với phái đoàn của chính phủ Việt Nam về các cam kết thực thi nhân quyền trong nước.

Bác Lê Văn Duyên, 86 tuổi, một Việt kiều Mỹ tham dự Đại lễ Phật đản LHQ-VESAK 2014 vừa diễn ra tại Ninh Bình, chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân: “Tôi đã nói chuyện với bà Ca-thơ-rin Mu-lơ Ma-rin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, người cũng tham dự Đại lễ này. Bà ấy cũng đồng tình với tôi rằng, không thể nói ở Việt Nam không có tự do tôn giáo. Cứ nhìn những gì diễn ra tại Đại lễ VESAK thì rõ. Nếu bị hạn chế tôn giáo thì sao lại có ngôi chùa to đẹp (Bái Đính-nơi diễn ra Đại lễ-lời PV) như thế được xây dựng và làm sao có chuyện hàng nghìn tăng ni, phật tử trong và ngoài nước hồ hởi tụ về đây lễ Phật, tham dự Đại lễ như thế này”. Bà nhấn mạnh: “Tôi có thể khẳng định chắc chắn, tự do tôn giáo ở Việt Nam còn phát triển hơn nữa”.
Bên lề Đại lễ VESAK 2014, một số đại biểu cũng có quan điểm tương tự khi chia sẻ với báo chí Việt Nam. Hòa thượng Y. Đai-chi đến từ Nhật Bản nói: “Chúng tôi có điều kiện tiếp cận nhiều với Phật giáo Việt Nam và nhận thấy có nhiều điểm tương đồng với giáo phái Tịnh độ Tông Nhật Bản, nhất là ở tư tưởng Phật giáo nhập thế, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc. Tôi đã thấy có rất nhiều phật tử và cả người dân bình thường Việt Nam tới lễ chùa và cùng niệm Phật, cho thấy có sự đoàn kết của Phật giáo với người dân. Việc Chính phủ Việt Nam công nhận và ủng hộ Đại lễ VESAK là điều rất quan trọng”.
Còn Thiền sư A-dan Bra-ma-vam-xô (Ajahn Brahmavamso), lãnh đạo tinh thần của Thiền viện Jhana Grove ở Ô-xtrây-li-a nói: “Tới Việt Nam tham dự Đại lễ VESAK tôi cảm nhận được không khí thanh bình, tự do, không có sự cản trở nào đối với việc tiến hành các nghi lễ tôn giáo ở đây”…
Có thể khẳng định rằng, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đang không ngừng được cải thiện, được Nhà nước tôn trọng và bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật. Gần đây nhất, Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam quy định mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Như vậy, Hiến pháp của Việt Nam quy định về tự do tôn giáo, tín ngưỡng, không còn là với “công dân” như trước đây, mà là với “mọi người”. Vậy mà những người thiếu thiện chí đã xuyên tạc, rằng “Hiến pháp mới sửa đổi gạt ra ngoài những quyền lợi quan trọng của người dân”...(?!). Họ còn bịa đặt ra cái gọi là “Việt Nam đang đánh bóng hình ảnh về nhân quyền, tự do tôn giáo bằng việc tổ chức Đại lễ VESAK”, hay “Việt Nam che giấu các hành động đàn áp, hạn chế tôn giáo”…
Hòa thượng Thích Gia Quang, Trưởng ban Thông tin Truyền thông, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi là những người tu hành khẳng định Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người dân. Điều này đã được nêu rõ trong Hiến pháp, không ai có thể phủ nhận. Đại lễ VESAK do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đứng ra tổ chức không hề mang mục đích chính trị hay “đánh bóng” gì cả. Người nào nhận định như vậy là không chính xác, không khách quan, không phản ánh đúng thực tế về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam”.
Cũng chưa bao giờ các tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam lại phát triển mạnh và hoạt động sôi động như hiện nay. Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam được khuyến khích và tạo điều kiện tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo theo đúng hiến chương, điều lệ của tổ chức và phù hợp với quy định của pháp luật, qua đó đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Từ năm 2009 (là năm Việt Nam bảo vệ Báo cáo UPR chu kỳ 1) cho đến nay, Nhà nước đã công nhận thêm 8 tổ chức tôn giáo, nâng số tổ chức tôn giáo ở Việt Nam hiện nay lên 38 tổ chức. Trong gần 5 năm qua, Nhà nước Việt Nam đã tạo điều kiện để khôi phục, cấp đất xây dựng mới gần 3 nghìn cơ sở thờ tự. Đối với những nơi tổ chức tôn giáo chưa có cơ sở thờ tự, Nhà nước tạo điều kiện cho các tín đồ sinh hoạt theo nhóm tại các gia đình, thể hiện ở đạo Tin Lành. Hiện nay Việt Nam có khoảng 5.600 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2009…
Việt Nam đã khẳng định rõ những bước phát triển trên về tôn giáo ở Việt Nam như vậy trong quá trình bảo vệ Báo cáo UPR chu kỳ 2 trước cộng đồng quốc tế. Trước diễn đàn quốc tế rộng rãi này, đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ đã nhấn mạnh: “Những diễn biến nói trên chứng tỏ đời sống tôn giáo, việc thực hiện chính sách tôn giáo ở Việt Nam chuyển biến mạnh mẽ, tất cả vì nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của mọi người dân Việt Nam”.
Một thực tế nữa là các tổ chức nhân quyền và tôn giáo quốc tế nhiều lần tới làm việc và khảo sát thực tế ở Việt Nam đã thừa nhận việc bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất vào Hội đồng Nhân quyền LHQ. Đó là sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm các quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo.
Thực tế không thể đảo ngược này khiến cho những luận điệu ngoan cố về cái gọi là “Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo…” trở nên lạc lõng, đáng bị lên án. Lý giải về việc này, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó tổng thư ký phụ trách ngoại vụ của Ủy ban tổ chức Đại lễ VESAK 2014 chia sẻ: “Trong nhiều năm qua, chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực để cải thiện và nâng cao đời sống của người dân, bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Nhưng có những người vì cố tình hoặc vì thiếu thông tin mà chưa cảm thông hoặc chưa thấy rõ được những điều đó nên có những quan điểm khác biệt. Là người trực tiếp làm công tác ngoại giao đưa các đại biểu quốc tế sang Việt Nam tham dự Đại lễ VESAK 2014, tôi cảm nhận rất rõ uy tín và vị thế của Việt Nam trên thế giới đã gia tăng khá cao, được thế giới thừa nhận. Thực tế này khiến quốc tế không do dự để Việt Nam lần thứ hai đăng cai sự kiện quan trọng này của Phật giáo thế giới. Điều này rất có ý nghĩa vì chứng tỏ Việt Nam được cộng đồng quốc tế tin tưởng - điều không thể có được nếu Việt Nam thực sự là một nước vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo như ai đó cáo buộc”.

XUÂN PHONG-NGỌC HÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét