Một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng để
thực hiện thành công “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, đó là kết hợp
phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền
chủ quyền và an ninh trên biển. Do đó, việc xây dựng và phát triển kinh tế biển
phải gắn chặt với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh để xây dựng thế trận quốc phòng
toàn dân, an ninh nhân dân trên biển.
Ông Nguyễn Đình Tuấn Lê, Trường Đại học Tài nguyên
và Môi trường Hà Nội cho rằng, “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” đã xác
định: Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55%
tổng GDP của cả nước. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng
kể đời sống người dân vùng biển và ven biển. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu
người cao gấp 2 lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước…
Mục tiêu đó là rất khả thi bởi nước ta có bờ biển
dài tới 3.260km, vùng biển rộng trên 1 triệu km2, lại có trên 3.000 đảo lớn nhỏ
gần bờ và xa bờ nằm trên địa giới hành chính thuộc 28 tỉnh, thành phố. Tiềm
năng và lợi thế đó khẳng định vùng biển, đảo của nước ta có vị trí chiến lược
rất quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Do đó, phát triển kinh tế biển có ý nghĩa to lớn để
Việt Nam phát triển bền vững, mở cửa giao lưu với quốc tế và ngày
càng có vai trò to lớn trong tương lai. Hiện nay quy mô kinh té biển và vùng
ven biển đang tăng lên nhanh chóng, cơ cấu ngành nghề có những sự thay đổi đột
phá cùng với sự xuất hiện của các ngành kinh tế mới. Chỉ tính đến năm 2000, GDP
của kinh tế biển và vùng ven biển đã đạt 47% GDP cả nước. Trong đó GDP của kinh
tế biển chiếm khoảng 22% tổng GDP cả nước.
Các đảo và cụm đảo là thành phần không thể thiếu
trong không gian kinh tế biển, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh
tế biển một cách hiệu quả và bền vững. Nhiều đảo và cụm đảo có tiềm năng phát
triển kinh tế cao như Phú Quốc, Cát Bà, Vân
Đồn…
Để phát huy hơn nữa vai trò của biển, đảo trong phát triển kinh tế, ngay từ bây
giờ chúng ta cần đẩy mạnh đánh bắt hải sản xa bờ, điều chỉnh nghề cá ven bờ hợp
lý. Phát triển mạnh ngành nuôi trồng thủy sản theo hướng hài hòa với môi
trường. Đồng thời ứng dụng công nghệ sau thu hoạch. Đi đôi với việc phát triển
hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, bao gồm cac hoạt động cảng cá, sửa chữa và
đóng tàu, ngư cụ cung cấp các dịch vụ bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chú
ý công tác thông tin liên lạc và cứu hộ cứu nạn trên
biển.
Đặc biệt ngày 29/5 vừa qua , Chính phủ đã đưa
ra bàn thảo chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển, có cơ chế tín dụng ưu đãi cho
ngư dân đánh bắt xa bờ đóng tàu vỏ thép, dự kiến lãi suất vay 3% trong thời
gian 10 năm, người vay được thế chấp bằng th â n tàu, nếu xảy ra rủi ro Nhà
nước cũng sẽ hỗ trợ. Đây là những chính sách thể hiện rõ quyết tâm giúp ngư dân
yên tâm đánh bắt xa bờ và bám biển của Nhà nước.
Để giúp ngư dân vươn khơi, bám biển vừa khai thác
sản xuất vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, việc hỗ trợ nguồn vốn giúp cải
hoán tàu cũ, đóng mới tàu công suất lớn đang được hệ thống ngân hàng tích cực
tham gia.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình:
Ngân hàng Nhà nước dự kiến đưa gói tín dụng 10.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân cải
hoán tàu cũ, đóng mới tàu công suất lớn vươn khơi xa. Ngoài ra, ngân sách Trung
ương và địa phương sẽ đối ứng hỗ trợ 50% lãi suất.
Cùng với đó, Đảng và Nhà nước chủ trương điều chỉnh
Chiến lược phát triển kinh tế biển kết hợp với tăng cường quốc phòng, an ninh
trên biển phù hợp với tư duy mới về biển và đại dương. Đẩy mạnh giáo dục quốc
phòng, an ninh biển cho toàn dân, coi trọng bồi dưỡng các lực lượng trực tiếp
hoạt động trên biển, đảo. Nghiên cứu chiến lược biển của các nước trong khu vực
và trên thế giới để đề ra các chính sách phù hợp, nhằm bảo vệ hữu hiệu chủ
quyền quốc gia trên biển, đảo.
Hoạt động ngoại giao cũng được đẩy mạnh nhằm đảm bảo
tính nghiêm minh và hiệu quả của Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông có lợi cho
hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực. Hoàn thiện hệ thống pháp luật,
chính sách bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và
quyền làm chủ của nhân dân trên vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Các lực lượng chuyên trách được kiện toàn, từng bước
thực hiện quản lý nhà nước trên các vùng biển, thông qua việc xây dựng các lực
lượng và phương tiện để chỉ huy điều hành cứu hộ cứu nạn trên biển. Như hệ
thống trinh sát, quan sát, cảnh giới từ xa, thông tin liên lạc hàng hải thành
lập đội tàu tuần tra Biên phòng, Kiểm ngư, Cảnh sát biển, Hải
quan…
Hiện tại các cơ quan chức năng cũng đã và đang tiến
hành phân vùng biển dựa trên hệ sinh thái, quy hoạch sử dụng biển và hải đảo,
nhằm xác định rõ những khu vực dành riêng cho nhiệm vụ quốc phòng. Những khu
vực cho phép và khuyến khích phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh,
cũng như những khu vực phát triển đa mục đích. Nâng cao năng lực quản lý về
biển, đảo của chính quyền các huyện đảo, xã đảo để phát triển mạnh kinh tế-xã
hội kết hợp với bố trí dân cư, tổ chức lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, hải
đảo.
Tăng cường sự gắn bó giữa ngư dân, diêm dân, các
tầng lớp dân cư vùng biển với các lực lượng vũ trang, trực tiếp là Bộ đội Biên
phòng, để giúp nhau sản xuất, nâng cao đời sống văn hóa, tạo dựng thế trận lòng
dân. Từng bước dân sự hóa các vùng biển, đảo vừa là cơ sở khai thác có hiệu quả
các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên biển, vừa là tiền đề để xây dựng, củng cố
và phát huy lực lượng tại chỗ phục vụ chiến lược quốc phòng-an ninh trên biển
và hải đảo.
Văn
Hào
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét