Thứ Hai, 17 tháng 9, 2018

Về tác động của mạng xã hội đối với công tác tư tưởng hiện nay



PGS.TS Phạm Văn Chúc
1. Mạng xã hội (MXH)
Nói đến MXH, cần thấy một số phương diện quan trọng chủ yếu của nó như sau:
Thứ nhất, về cơ sở kỹ thuật – công nghệ truyền thông, đây là một phương tiện thông tin đại chúng tiên tiến, hiện đại.
Thứ hai, về nội dung, tính chất thông tin, đây là một kênh thông tin đại chúng đặc biệt, đặc thù.
Thứ ba, MXH không chỉ là một môi trường tin tức đời sống xã hội khách quan, rộng mở, chung chung, mà chính là vô số tổ chức thông tin – truyền thông có định hướng nhất định.
MXH hoạt động dựa trên nền vật chất là hệ thống kỹ thuật – công nghệ truyền thông dân dụng, cả hữu tuyến lẫn vô tuyến (wifi) ngày càng phát triển để truyền dẫn thông tin số hóa (internet). Trong vòng khoảng 25 năm nay, nhất là 10 năm gần đây ở nước ta, tiện ích của hệ thống này nói chung có thể được cung cấp cho bất kỳ ai muốn sử dụng, khai thác như một dịch vụ thương mại thị trường phổ thông, phổ biến, thuận tiện, dễ dàng với giá rẻ. Kể cả chi phí không lớn ban đầu để cá nhân mua sắm và truy nhập, hòa mạng cụm máy vi tính riêng, thì phương tiện thông tin này vẫn hoàn toàn có tính đại chúng, phổ cập, khả thi.
Nhờ tận dụng được ưu thế của ngành tin học và kỹ thuật –  công nghệ thông tin hiện đại, MXH đồng thời tổng hợp, tích hợp và thực hiện được các chức năng của hầu như tất cả các phương tiện thông tin và cơ quan thông tin đại chúng dân dụng khác hiện có:
- (Tương tự như) một loại báo in có thể cập nhật thông tin mới tức thời, liên tục, vô số lần trong mọi kỳ hạn; truyền dẫn, phát hành thông tin với tốc độ tức thời, cự ly nửa vòng trái đất và địa bàn toàn cầu.
- Một loại báo nói có tốc độ, cự ly, địa bàn quảng bá cực đại, vô hạn, có thể lưu giữ và tái hiện dễ dàng.
- Một loại báo hình cả tĩnh (photo), lẫn động (video) có thể thực hiện thu, phát trực tuyến đơn giản, nhanh chóng, có thể lưu giữ và tái hiện dễ dàng.
- Một trung tâm thông tin tổng hợp với nội dung thông tin rất phong phú, đa dạng, cập nhật; được bố trí, sắp đặt linh hoạt, hệ thống; có thể tra cứu, khai thác thuận tiện, thường xuyên, nhanh chóng và lưu giữ, tái hiện dễ dàng.
- Một kho lưu trữ thông tin với dung lượng, bề rộng, chiều sâu rất lớn, có thể truy cập, sử dụng phổ biến, thường xuyên.
- Một nhà xuất bản biên tập, kinh doanh sách điện tử (ebook) độc lập, tự chủ, tự do, có số bản và số đầu sách phát hành không hạn chế.
- Một loại hình truyền thông đặc biệt, hoàn toàn mới, duy nhất thực hiện được việc giao lưu trực tuyến, hay là sự tương tác thông tin trực tiếp, tức thời, công khai giữa tòa soạn bản báo với mọi bạn đọc.
- Đường cáp quang truyền dẫn thông tin số hóa trong nước nếu không hòa mạng quốc tế, thì sẽ vẫn chỉ là nội bộ ở các mức độ cao thấp, rộng hẹp khác nhau. Nhưng một môi trường thông tin được coi là MXH thật sự, chỉ khi trở thành một bộ phận của hệ thống internet toàn cầu mà bất kỳ cá nhân nào cũng có thể truy cập tùy ý, không giới hạn. Sự vận hành kỹ thuật – công nghệ truyền thông thường xuyên, bình thường của MXH, mặc nhiên là phải gắn liền với mạng internet xuyên quốc gia, siêu quốc gia, khu vực và thế giới.
Chính vì vậy, việc “chặn nguồn”, “ngắt mạng”, “sập mạng”… cho đến nay chỉ là giải pháp đối phó tạm thời, tình thế, cá biệt, có phần giản đơn với tính thuyết phục và sự đồng thuận không thật cao, không hoàn toàn rộng rãi. Nhìn chung sự quản lý nhà nước ở đây không phải là, và cũng không thể là thường xuyên, chủ động một cách vô hạn, tuyệt đối, như với các phương tiện thông tin đại chúng chính thức và chính thống khác trong nước. Trái lại, đây là giới hạn bất khả kháng mà mọi quốc gia buộc phải chấp nhận, thích ứng và chung sống khi đã quyết định hội nhập vào môi trường của hệ thống thông tin – truyền thông quốc tế hóa, toàn cầu hóa vừa có vỏ vật chất – kỹ thuật hoàn toàn khách quan, vừa có nội hàm ý thức – tư tưởng đầy thách thức chủ quan. Với tính năng, tác dụng đặc hữu, đặc biệt đã nêu, trên thực tế MXH đang và chắc chắn sẽ ngày càng là một trong những phương tiện thông tin đại chúng có hiệu lực mạnh nhất, có sức thu hút lớn nhất, rẻ tiền và tiện lợi nhất, được sử dụng nhiều nhất, do đó có tác động xã hội sâu rộng nhất.
Về mặt nội dung thông tin phản ánh – tuyên truyền, do cơ sở kỹ thuật – công nghệ truyền thông như trên quy định, nên sẽ có vô số chủ thể có thể dễ dàng, thường xuyên tham gia vào việc thu nhận hoặc/và truyền phát thông tin trên MXH. Chính vì thế, thông tin mạng rất phong phú, đa dạng, thậm chí phải nói là quá phức tạp. Nó bao gồm cả thông tin tốt lẫn thông tin xấu, cả hay lẫn dở, cả thật lẫn giả, cả đúng đắn lẫn sai trái, cả chính thống lẫn lẫn thù địch, cả xây dựng lẫn phá hoại, cả lề phải lẫn lề trái, cả định hướng kiểm duyệt lẫn tùy tiện nhạy cảm…
Đặc biệt, những nội dung thông tin ấy lại có thể được cung cấp cho tất cả mọi người, nhất là giới trẻ có sự hứng thú say mê và cả năng lực thực hành, lẫn trình độ lý thuyết tin học cao. Hoặc ngược lại, chúng được tất cả mọi người phát tán một cách tùy thích, đồng đều, bình đẳng, không phân biệt. Cho nên trên thực tế, ở mức độ nhất định có thể nói là, MXH tạo nên một môi trường thông tin đại chúng hóa,  “dân chủ”, công khai, tự do, rộng rãi, mở ngỏ, đa diện, đa chiều. Thông tin mạng rất khó, hoặc thậm chí không thể bảo mật, phong tỏa tuyệt đối, hay khoanh vùng, sàng lọc, truy tìm để “xử lý” được.
Tình huống này đương nhiên không thể xảy ra đối với kênh thông tin chính thống được kiểm soát, điều tiết chặt chẽ trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thức trong nước của Đảng, Nhà nước ta từ trước đến nay. Ngay các phương tiện thông tin đại chúng truyền thống từ bên ngoài (của nước ngoài, hoặc các tổ chức “hải ngoại”) hướng vào trong nước ta, nhìn chung cũng không thể thực hiện được điều đó. Bởi vì rõ ràng cho đến nay chúng vẫn có những hạn chế cố hữu khách quan chưa thể vượt qua về kỹ thuật – công nghệ đơn thuần. Chẳng hạn như, cự ly quá ngắn của truyền hình; tính phiến diện, đơn điệu, kém hấp dẫn của phát thanh (chỉ có lời nói, âm thanh); sự thiếu vắng chức năng lưu giữ thông tin của cả phát thanh lẫn truyền hình; tốc độ chậm, tính gián đoạn, dung lượng hạn chế của báo in,  sách viết, tranh ảnh…
Tổng hợp cả hai mặt công nghệ truyền thôngnội dung thông tin trên đây, MXH trên thực tế chính là một tập hợp ít nhiều có tính liên kết của vô số những tổ chức truyền thông – thông tin tự do, nằm ngoài và độc lập với hệ thống chính trị, được định hướng rõ rệt, đa chức năng, có tác động phức hợp và phức tạp. Trong đó, tính năng đáng chú ý nổi bật của nó là tuyên truyền chính trị phi chính thức, phi chính thống, không tuân thủ, thậm chí đối lập với Đảng, Nhà nước ta ở các mức độ khác nhau.
Thuật ngữ “MXH” có nội hàm chủ yếu là để chỉ một kênh thông tin “không hoàn toàn tích cực”. Hoặc cũng có thể nói cách khác là, đối tượng được xem xét ở đây chủ yếu là bộ phận “không tích cực” trong MXH nói chung. Tính “không tích cực” đó thể hiện chủ yếu ở nội dung thông tin về lĩnh vực chính trị. Cụ thể hơn, đó là những thông tin thiếu chính xác, thậm chí không đúng về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta và về thực tế xây dựng CNXH của nhân dân ta, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay của thời kỳ đổi mới hơn 30 năm qua ở nước ta.
2. Công tác tư tưởng
Đây là hoạt động của Đảng nhằm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, và ở một mức độ cao, còn nhằm chủ động, trực tiếp, thường xuyên hình thành, xây dựng, sáng tạo các hiện tượng, quá trình tinh thần, ý thức, tư tưởng trong đời sống xã hội theo định hướng XHCN; qua đó góp phần thúc đẩy, phục vụ sự nghiệp xây dựng CNXH trên thực tế, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay của thời kỳ đổi mới ở nước ta.
Theo ý nghĩa cụ thể, trực tiếp của một ngành, lĩnh vực công tác diễn ra trong thực tế, công tác tư tưởng có thể được tiếp cận từ một số khía cạnh chính sau:
(1). Hệ thống các nhân tố hợp thành:
a. Chủ thể:
- Chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý (cấp ủy các cấp, cả chuyên trách công tác đảng lẫn tham gia chính quyền).
- Chủ thể trực tiếp triển khai thực hiện hoạt động (đội ngũ chuyên nghiệp, chuyên môn trong các Ban Tuyên giáo, học viện chính trị, trường chính trị,…).
b. Đối tượng:
- Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, sĩ quan, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang.
- Quần chúng nhân dân.
- Các cách phân chia khác theo những tiêu chí: độ tuổi, giới tính, học vấn, nghề nghiệp, dân tộc, tôn giáo…
c. Nội dung:
- Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
- Ý thức chính trị, pháp luật, đạo đức, thẩm mỹ, khoa học, triết lý, tín ngưỡng theo định hướng XHCN, khoa học, nhân văn, nhân đạo, tiến bộ, dân tộc và hiện đại…      
d. Phương thức:
- Nghiên cứu khoa học và lý luận, tổng kết thực tiễn.
- Giáo dục.
- Tuyên truyền.
e. Phương tiện:
- Cơ sở vật chất – kỹ thuật.
- Giáo trình, giáo án, tài liệu.
g. Điều kiện:
- Kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tư tưởng.
- Trong nước, quốc tế
- Môi trường tự nhiên, xã hội.
(2). Hệ thống các hình thái, lĩnh vực công tác, tác nghiệp, hoạt động:
a. Công tác lý luận.
b. Công tác tuyên truyền (và cổ động): tuyên truyền miệng, báo chí – xuất bản, văn hóa – văn nghệ.
c. Công tác khoa giáo.
(3). Hệ thống các nhân tố cấu trúc của ý thức, tinh thần:
a. Kiến thức, tri thức, quy luật, tức là ý thức, tinh thần khách quan: phản ánh thế giới hiện thực bên ngoài có quan hệ với chủ thể bằng hoạt động thực tiễn.
b. Giá trị, nhu cầu, niềm tin, tình cảm, đạo đức, lẽ sống, lối sống, tức là ý thức, tinh thần khách – chủ quan: phản ánh tồn tại xã hội hiện thực, thực tế của con người, thể hiện sự thống nhất giữa chủ thể và khách thể.
c. Lý tưởng, mục đích, động cơ, tức là ý thức, tinh thần chủ quan: phản ánh xu thế, khuynh hướng hoạt động, khả năng, tiềm năng phát triển bên trong của con người, thể hiện mâu thuẫn giữa chủ thể và khách thể.
3. Tác động của MXH và nhiệm vụ công tác tư tưởng
MXH, thông tin mạng (bộ phận không tích cực của nó) tác động mạnh đến công tác tư tưởng hiện nay trên tất cả các khía cạnh, hướng tiếp cận đã nêu trên. Sau đây là một số nội dung tác động cơ bản, nổi bật.
- Truyền thông MXH lấn át các phương tiện thông tin đại chúng chính thống khác, kể cả những trang mạng chính thống, chính thức, “lề phải”. Thông tin MXH thu hút số lượng lớn người truy cập, nhất là những người làm việc trong hệ thống chính trị, đặc biệt là trí thức, thanh niên sinh viên, học sinh, nhân viên lao động bậc trung, cao cấp trong các tổ chức, doanh nghiệp tự do.
- Thông tin MXH thách thức tính khách quan, đúng đắn của những kiến thức, tri thức, nguyên lý, quy luật trong thế giới quan cá nhân và xã hội; nhất là của đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước. Mặt khác nó dẫn đến những nhận thức, kiến thức, quan niệm sai lầm, tiêu cực, sai trái.
- Thông tin MXH làm xói mòn, đảo lộn hệ giá trị, niềm tin, đạo đức, lối sống, mục đích, lý tưởng, động cơ chính thống theo định hướng XHCN, dân tộc, nhân văn, nhân đạo, tiến bộ, toàn nhân loại. Mặt khác nó dẫn đến những định hướng giá trị sống, nhu cầu, mục tiêu sai trái, tiêu cực, phản động, phi nhân, chống CNXH.
- Thông tin mạng chuyển hóa tư tưởng, tinh thần, ý thức nói chung, gây tác động tiêu cực đáng lo ngại đối với một bộ phận cán bộ trung, cao cấp, kể cả trong lực lượng chuyên trách công tác tư tưởng – lý luận.
- Nội dung tư tưởng bị tấn công, phủ nhận gay gắt nhất từ trước đến nay, trước hết chính là lý luận CNXH khoa học nói riêng, CN M-LN nói chung. Ngoài ra, rất đáng chú ý trong thời gian gần đây, nội dung đó còn là tư tưởng, tinh thần ĐLDT gắn với CNXH, chống CNTB, CNĐQ xâm lược, bóc lột, thống trị. Thậm chí đã xuất hiện cả những ý kiến biện hộ cho hiện tượng đầu hàng vọng ngoại, chấp nhận, quy phục trào lưu “khai hóa” của CNTD Pháp xâm lược trong bộ phận vua quan phong kiến cầm quyền phản động, tay sai bán nước cuối thế kỷ XIX ở nước ta.
Luồng ý kiến sai trái, nguy hại này thực chất đã hạ thấp, phủ nhận toàn bộ tinh thần, tư tưởng lẫn hành động, thực tế nhiều thế kỷ của phong trào độc lập dân tộc và chủ nghĩa yêu nước chân chính nói chung ở các nước Á, Phi, Mỹ la-tinh. Nó cũng bác bỏ phong trào giải phóng dân tộc của các nước phụ thuộc, thuộc địa phương Đông dưới ảnh hưởng tích cực của CNXH hiện thực trên thế giới suốt 100 năm qua theo tư tưởng Lê-nin, mở ra từ Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917. Đặc biệt, nó đã trực tiếp công kích cuộc chiến đấu oanh liệt, vẻ vang của chính nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của ĐCS Việt Nam từ năm 1930, chống CNPK, CNTD, CNĐQ, vì ĐLDT và CNXH.
Quan điểm sai trái, nguy hiểm ấy đã manh nha tạo nền tư tưởng – lý luận định hướng, cổ xúy cho đường lối chính trị phản động, phản dân tộc. Đó là tư tưởng, đường lối của những thế lực cả bên trong lẫn bên ngoài rắp tâm đưa nước ta ngày nay đi vào quỹ đạo phi XHCN, tư bản hóa trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Chúng muốn biến Việt Nam thành nơi phục vụ lợi ích của CNTB phương Tây; tìm đuổi mục tiêu “phát triển” chung chung, hoang tưởng theo một kiểu tư duy, nhận thức nông cạn, tầm thường; sẵn sàng “liên kết, hợp tác” thực dụng bằng mọi giá, kể cả chấp nhận mô hình, thể chế TBCN thứ hạng thấp, ở “vùng ngoại vi”, phụ thuộc “vùng trung tâm” là phương Tây.
Phương hướng và giải pháp đấu tranh ngăn chặn, loại trừ tác động tiêu cực trên của MXH:         
- Tăng cường sự quan tâm, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý đối với ngành tuyên giáo và trong ngành tuyên giáo, đặc biệt về lĩnh vực thông tin – truyền thông trên MXH.
- Chủ động, tích cực tham gia vận dụng, sử dụng, phát huy, chiếm lĩnh, làm chủ mọi tính năng, tác dụng, lợi thế, hiệu quả khách quan tích cực của môi trường truyền thông MXH.
- Kiên quyết đấu tranh phản bác những nội dung thông tin mạng sai trái, thù địch, phản động.
- Đẩy mạnh đầu tư trang bị, hiện đại hóa cơ sở kỹ thuật – công nghệ truyền thông của công tác tuyên giáo nói chung, trước  hết là lĩnh vực, cơ quan truyền thông mạng.
- Phát triển nhân lực trực tiếp tác nghiệp thông tin – truyền thông trên MXH trong ngành tuyên giáo./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét