Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

2012: Nông nghiệp vượt khó



Mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng năm 2012 thực sự là một năm vượt khó thành công của nông nghiệp Việt Nam với thành tích kim ngạch xuất khẩu đạt 27,5 tỷ USD, tăng 9,7% so với năm 2011.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam chưa thể cạnh tranh với Ấn Độ và Pakistan. Ảnh: VOV
Năm nay cũng là năm lúa gạo Việt Nam đạt sản lượng cao kỷ lục, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo. Những kết quả ấn tượng này vừa được Bộ NN-PTNT công bố tại Hội nghị Tổng kết năm 2012 và kế hoạch 2013 diễn ra sáng 28/12 tại Hà Nội. Tuy nhiên, cũng tại Hội nghị này, những vấn đề còn tồn tại của ngành nông nghiệp Việt Nam một lần nữa lại được đặt ra.         
Theo Bộ NN&PTNT, trong năm 2012 có ba mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 3 tỷ USD và 5 mặt hàng đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD. Tuy nhiên, kết quả này có được lại chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng về số lượng. Trong tất cả các mặt hàng xuất khẩu, duy nhất hạt tiêu là mặt hàng có giá xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Theo nhiều chuyên gia, giá xuất khẩu giảm khiến cho nông dân chưa được hưởng lợi nhiều từ sự tăng trưởng này.
Ông Nguyễn Văn Bộ, Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nêu ý kiến: “Với xuất khẩu gạo, chúng ta xuất khẩu được hơn 8 triệu tấn nhưng giá xuất khẩu không tăng, thậm chí có xu hướng giảm vì chúng ta đang phải cạnh tranh với rất nhiều nước cũng tham gia vào thị trường này. Mà muốn cạnh tranh thì phải giảm giá thành sản xuất và nâng cao chất lượng”.     
Một vấn đề nổi cộm trong năm 2012 là tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Kiểm tra hơn 12.000 cơ sở sản xuất thì gần 20% không đạt chất lượng. Khoảng 7% số mẫu nông sản nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. 26% mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật. Nhiều mẫu hàng xuất khẩu của Việt Nam bị trả về nước do không đảm bảo yêu cầu.
Nhiều đại biểu cho rằng, để tránh được rủi ro trên thị trường và nâng cao sức cạnh tranh của nông sản, đã đến lúc ngành nông nghiệp Việt Nam bắt buộc phải hướng tới sản xuất nông sản chất lượng cao.                     
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT: “Nếu chúng ta muốn có thị trường tốt và ổn định, có giá trị thu nhập cao, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người nông dân, thì phải làm tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, Đó là thực hiện các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và sản xuất ra các loại thực phẩm an toàn, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của Việt Nam”.           
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT cho biết: “Ngành chăn nuôi là một ngành kinh tế kỹ thuật, một ngành có đầu tư lớn và vòng đời rất dài, không thể nào đầu tư cho chăn nuôi như đi buôn chuyến được, đắt thì nuôi, rẻ thì bỏ. Nếu như vậy thì lúc nào chúng ta cũng bị thụ động về thực phẩm và người chăn nuôi luôn bị thua thiệt”.     
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, nông nghiệp là nòng cốt, trụ cột của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong thời điểm khó khăn hiện nay. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu thời gian tới, ngành nông nghiệp cần tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị của nông sản.                
Mục tiêu đáng chú ý nhất trong năm 2013 của Bộ NN-PTNT là làm sao tăng thêm 1 triệu USD kim ngạch xuất khẩu. Và để thực hiện mục tiêu này, Hội nghị cũng xác định, chỉ có cách duy nhất là phải đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, chú trọng đầu tư cho các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh và xây dựng các mô hình sản xuất mới.
Đỗ Thủy -

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét