Chúng tôi đến đây
khi người dân ở bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đang
vào vụ lúa mới. Ngoài khu đồi xơ xác vì sức tàn phá của mấy ngàn người Mông
theo “đạo Vàng Chứ” tập trung ăn ở bất hợp pháp hồi đầu tháng 5-2011 để “đón
vua Mông” và chờ “Vàng Chứ hiển linh” thì Huổi Khon hôm nay không còn hình ảnh
nào chứng tỏ đã từng có sự chộn rộn ở đây. Thế nhưng trong tâm tưởng của những
người Mông theo “đạo Vàng Chứ” vẫn còn mang trong lòng nỗi đau âm ỉ mang tên
“Vàng Chứ” và nỗi buồn đắng lòng “vì sao người Mông mà đi lừa người Mông”.
“Đạo Vàng Chứ” là
đạo gì?
Phải leo vòng quanh
hết một ngọn đồi to chúng tôi mới lên đến đỉnh đồi nơi những người theo “đạo
Vàng Chứ” đã tập trung. “Đạo Vàng Chứ” là đạo gì mà khiến người Mông phải rời
bỏ nhà cửa, từ bỏ cuộc sống bình yên để tụ tập, sống đói khổ ở Huổi Khon?
Ông Lý A Hãm, ở bản
Huổi Hóc, người phụ trách nhân sự trong Ban chấp sự nhóm đạo Tin Lành (hệ phái
Tin Lành miền Bắc) xã Nậm Kè (bản Huổi Hóc có 108 hộ và 100% người Mông theo
đạo Tin Lành) đã kể với chúng tôi, giọng còn bực bội: “Mấy người ở nơi xa đó
lợi dụng đức tin của người Mông vào Đức Chúa Trời để làm điều bậy bạ. Làm gì có
cái vương quốc Mông nào ở trên cái đất hợp pháp của người ta đang làm nương ấy
chứ?”.
Chiều 1-5-2011,
thấy nhiều người trong bản Huổi Hóc, bản Cây Sặc ùn ùn bỏ nhà, mở cửa cho heo,
gà chạy lung tung rồi kéo nhau đi lên Huổi Khon, trong đó có cả gia đình của
con gái chạy lúp xúp trong đám người ấy, Lý A Hãm chặn con gái hỏi mới biết
Giàng A Dê và Giàng A Súa người trong bản bảo mọi người đi nhanh lên Huổi Khon
đón “vua Mông” và “Vàng Chứ” về sẽ được chia nhiều đất mới, cho tiền vàng, trâu
bò… Nghe thế, Lý A Hãm chạy theo gọi to: “Đừng đi, mình bị lừa đấy, mọi người
về nhà đi. Chúa Trời không hiện ra ở nơi bậy bạ đó đâu, không có vua nào của
người Mông về đấy đâu mà. Đừng đi, mình bị lừa rồi”.
Theo ông Lý A Hãm,
cái gọi là “đạo Vàng Chứ” chính là đạo Tin Lành diễn giải theo cách của người
Mông, nhưng pha trộn trong đó nhiều điều ma mị, mê tín như: Ai theo “đạo Vàng
Chứ” chỉ cần siêng đọc kinh thì không cần làm cũng có ăn ngày 3 bữa, ốm đau chỉ
cần uống nước suối là khỏi bệnh, nợ vay ngân hàng tự động sẽ được xóa trắng sổ.
Ông Hãm thở dài:
“Những người ấy đọc kinh Thánh mà không hiểu ý Đức Chúa Trời dạy - tin Chúa
phải sống cho tốt đời, đẹp đạo. Tại sao lại nghe lời người xấu “dùng Chúa” để
chống lại Nhà nước. Người Mông cũng là người Việt Nam mà, Nhà nước giúp người
Mông mình có trường học, giúp lúa giống, giúp làm nhà cứng (nhà xây bằng xi
măng), sao lại đi tin lời mấy người Mông sống rất xa ở bên ngoài nước mình,
không giúp gì cho người Mông mình chỉ nói chuyện bậy bạ”.
Ông Hãm kể, nhiều
người nghe lời bọn xấu bỏ nhà lên Huổi Khon khi trở về bị trộm khiêng đồ đạc,
xe cộ đi mất “ngồi gào khóc gọi “Vàng Chứ” mãi mà xe cộ, trâu, gà đâu có quay
về, bây giờ thì nghèo đói rồi, khổ rồi”.
Theo
“đạo Vàng Chứ” vẫn chết
Ông Sùng A Kỷ,
trưởng bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé chỉ khu đồi trống xơ xác bày
tỏ sự khó chịu trong lòng bằng những câu chuyện kể về bọn thằng Vàng A Ía, Sùng
A Mình: “Chúng lôi kéo người Mông từ Đắk Lắk, Đắk Nông, Lai Châu, Lào Cai, Hà
Giang... ùn ùn kéo đến phá nương lấy hết bắp, khoai của bà con ăn, chặt cây lồ
ô làm lán trại, ăn nằm la liệt”.
Ông Sùng A Kỷ kể:
“Giàng A Sì, người bản Huổi Khon, trước đó nhận tiền của một số người Mông từ
nước ngoài để mua xăng dầu, lương thực, cất giấu chờ Vàng A Ía “mang vua Mông”
đến. Bọn Ía chiếm nhiều nhà dân và chọn nhà chị Sùng Thị Sua để làm “trụ sở”.
Chúng trồng một cái cây cao trước nhà chị Sua, treo cái loa sắt to để đọc kinh,
tuyên truyền về “vua Mông” từ trên trời “đi xuống đất bằng một đám mây đen”,
“Vàng Chứ” sẽ cho cơm ăn, trâu bò, tiền bạc...”. Tiếng đọc kinh lào xào trên
cái loa sắt cũ cứ xì xì xẹt xẹt trộn với tiếng đọc kinh đủ tông giọng của hàng
ngàn người ngồi tràn hai khu đồi xen lẫn tiếng khóc la của mấy trăm đứa trẻ
khiến khu đồi trống ấy suốt mấy ngày cứ như cái chợ vỡ.
Sau ba bốn ngày
sống tập trung trên đồi trống, ngoài bọn cầm đầu vẫn có cơm ăn, số người còn
lại đã phải ăn măng và rau rừng để sống qua ngày. Khu đồi nhỏ đông nghẹt người.
Đám trẻ con đói khát, có đứa sốt cao, đau bụng khóc gào inh trời. Nhiều người
đến “trụ sở” của “đạo Vàng Chứ” xin lương thực và thuốc cho con nhỏ, nhưng Vàng
A Ía và những người tự xưng “trưởng đạo” lên loa sắt bảo mọi người “cứ cầu
nguyện nhiều vào, “Vàng Chứ” sẽ làm cho no cái bụng và hết cái bệnh ngay mà”.
Một phụ nữ đói lả,
sốt cao khi chuyển dạ sắp sinh nhưng chúng không cho đưa ra trạm xá cấp cứu mà
bảo “vợ chồng cứ đọc kinh “Vàng Chứ” sẽ cho đẻ được tốt thôi mà”. Nằm tơ hơ
trên đồi lộng gió, môi trường ô nhiễm lại không ai biết đỡ đẻ nên đứa trẻ vừa
chào đời trên cái đồi ở Huổi Khon đã chết ngay trên tay bố mẹ. Đến nước này thì
hai kẻ cầm đầu Vàng A Ía, Thào A Lù và các “trưởng đạo” đều trốn biệt. Bộ mặt
lừa đảo của bọn Vàng A Ía đã lộ rõ - theo “đạo Vàng Chứ” bệnh vẫn chết, đọc
kinh vẫn không thể “no cái bụng” và cũng chẳng có “vua Mông” nào xuất hiện để
cho dân Mông tiền Mỹ hay trâu bò gì cả.
Khu đồi nhỏ như một
cái chợ vỡ bởi tiếng khóc nát lòng của những đứa trẻ đói, khát, tiêu chảy và
tiếng lao nhao đòi về nhà của những phụ nữ. Nhóm tự xưng là “lực lượng tự vệ”
mặt hằm hằm chặn con dốc độc đạo xuống đường, rút dao dài, gậy to ra hăm dọa:
“Ai đi ra khỏi cái ba e (barier) này là phản lại “Vàng Chứ”, phản “vua Mông”,
làm phản là đập chết không tha!”.
Chúng còn lên loa
sắt phao tin “sắp có đại hồng thủy, mưa đá cục to như cái nồi, sẽ có lũ lụt, lở
núi, ai theo “Vàng Chứ” sẽ được chắp cho đôi cánh để bay lên trời, không theo
thì nước lũ sẽ cuốn trôi, đá đè, núi lở sẽ vùi chết”. Vốn nhẹ dạ cả tin lại
thiếu hiểu biết về hiện tượng thiên nhiên, nên nghe thế những người đang bị
nhốt trong khu đồi Huổi Khon sợ hãi, không dám trốn về nữa.
Trong khi những
người ở trong đồi không ra được thì người ở ngoài bị lừa phỉnh vẫn ùn ùn kéo
lên Huổi Khon. Thào A Tùng, 25 tuổi, người bản Trạm Búng kể: “Giàng A Pó bảo
người Mông phải lên Huổi Khon để đón “vua Mông”, có mặt sẽ được “vua” chia
nhiều đất, cho nhiều tiền nên mình tin mang vợ, con 3 tuổi cùng nhiều người nữa
đi theo thằng A Pó lên Huổi Khon. Chờ mãi không thấy “vua Mông”, hết gạo, ngô
để ăn, con mình đói bụng khóc quá nên bệnh luôn. Sợ lắm rồi”.
Có lẽ chưa bao giờ
những người Mông ở trên khu đồi nhỏ ấy lại thấy sự có mặt của chính quyền và
lực lượng chức năng là cần thiết và quý giá đối với cuộc sống họ như thế. Chính
quyền, các lực lượng chức năng và bác sĩ đã cứu kịp thời hàng trăm trẻ sốt mê
man vì nhiễm khuẩn và mấy trăm cháu nhỏ đói khát lịm người nằm thoi thóp chờ
chết.
Chị Sùng A Sua kể
với chúng tôi: “Mấy ngày ấy ở đây sợ lắm, con nít khóc nhiều ghê lắm, nhiều đứa
nằm im như chết vì đói. May mà bộ đội, công an “nó” mang gạo, thuốc đến cứu kịp
không thì có nhiều đứa trẻ con chết vì đói rồi. Nghĩ lại vẫn còn sợ lắm”.
Từ 30-4 đến 6-5-2011 tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện
Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã có hàng ngàn người dân tộc Mông nghe theo kẻ
xấu, đến tụ tập dựng lán trại để cầu nguyện, đón “vua Mông” với mục đích
thành lập “Vương quốc Mông”. Lợi dụng lòng tin vào Đức Chúa trời của người
Mông để kéo họ gia nhập cái gọi là “đạo Vàng Chứ” và Vàng A Ía câu kết với
Thào A Lù đã kêu gọi người dân tộc Mông theo “đạo Vàng Chứ” tập hợp lại ở
Huổi Khon để chiếm đất “lập nhà nước Mông”.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét