QĐND - Tuần
qua, trong lúc các đại biểu Quốc hội đang xem xét, thảo luận các báo cáo của
Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và kế hoạch năm 2013, trên internet
xuất hiện một số bài bình luận của những người được giới thiệu là “chuyên gia
kinh tế” cho rằng, báo cáo của Chính phủ đã được “tô hồng” và họ đã đưa ra một
số nhận định, đánh giá không đúng với thực tế đang diễn ra hòng bôi đen bức
tranh kinh tế của Việt Nam, gây hoang mang, hoài nghi trong một bộ phận nhân
dân, kích động người dân mua vàng, ngoại tệ gửi ra nước ngoài…
Không tô hồng,
không bôi đen là nhận xét của đại đa số đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh
tế và người dân khi nhìn vào Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã
hội năm 2012, cùng những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội năm tới. Đặc biệt là phần đánh giá về thiếu sót khuyết điểm,
Chính phủ đã thẳng thắn nhận lỗi trước Quốc hội, trước nhân dân về điều hành
kinh tế còn nhiều yếu kém, khuyết điểm như: Kinh tế vĩ mô chưa vững chắc; lạm
phát vẫn có nguy cơ tăng trở lại; nợ xấu gia tăng, xử lý còn chậm và còn nhiều
khó khăn; lãi suất tín dụng còn cao so với hiệu quả sản xuất kinh doanh; tăng
trưởng huy động vốn cao hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng cho vay; chênh
lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay còn lớn; doanh nghiệp còn nhiều khó
khăn, khó tiếp cận được nguồn vốn, tồn kho lớn; số lượng doanh nghiệp phải giải
thể, ngừng hoạt động còn nhiều; thị trường bất động sản đình trệ ...
Thủ tướng Chính phủ
Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhận khuyết điểm trước Quốc hội: “Với trọng trách là Ủy
viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính
trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội,
trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ
trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, nhất là những yếu kém, khuyết điểm trong
kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; một
số tập đoàn, tổng công ty, điển hình là Vinashin, Vinalines, sản xuất kinh
doanh kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về
nhiều mặt, ảnh hưởng lớn đến uy tín và vai trò của kinh tế nhà nước.
Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ, từng thành viên Chính phủ sẽ nghiêm túc nghiêm khắc với mình,
đoàn kết nhất trí, hết lòng hết sức làm việc, đề cao trách nhiệm, nỗ lực cao
nhất để khắc phục những yếu kém khuyết điểm, phấn đấu thực hiện tốt chức trách
nhiệm vụ được giao, hành động quyết liệt, tất cả vì Tổ quốc vì nhân dân, vì
Đảng vì chế độ, vì sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước”.
Để thẩm tra báo cáo
nói trên của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã làm việc với khá nhiều
địa phương, khảo sát thực tế tại một số doanh nghiệp; đề nghị Hội đồng dân tộc,
các Ủy ban của Quốc hội tham gia ý kiến và đề nghị một số bộ, ngành, địa phương
báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của ngành, địa
phương mình. Ủy ban kinh tế cũng đã tổ chức Diễn đàn nghe ý kiến của các chuyên
gia kinh tế, nhà khoa học.
Trên cơ sở khảo
sát, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia kinh tế, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã
nhất trí đánh giá: Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý sau tăng cao hơn quý trước.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ước cả năm tăng khoảng 8%, trong giới hạn chỉ tiêu
theo Nghị quyết Quốc hội. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước cả năm ước đạt
741,5 nghìn tỷ đồng, bằng 100,1% dự toán, bội chi ngân sách bằng 4,8% GDP đạt
chỉ tiêu theo Nghị quyết Quốc hội. Kim ngạch xuất khẩu ước cả năm 113 tỷ đô-la
Mỹ, tăng 16,6% so với năm 2011, vượt chỉ tiêu theo Nghị quyết Quốc hội. Ước cả
năm chỉ nhập siêu khoảng 1% so với kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều theo
Nghị quyết Quốc hội...
Phát biểu thảo luận
tại diễn đàn Quốc hội, đại đa số các đại biểu Quốc hội đều nhất trí với báo cáo
của Chính phủ. Bức tranh kinh tế của Việt Nam sau đã lộ dần những điểm sáng
mang dấu ấn của điều hành vĩ mô, như kiểm soát được lạm phát, kim ngạch xuất
khẩu tăng khá, tỷ giá ổn định, hàng tồn kho đang có xu hướng giảm… Điều này
khẳng định những nỗ lực trong điều hành vĩ mô của Chính phủ đã có kết quả.
Các số liệu trong
báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội lấy từ tình hình kinh tế 9 tháng. Đến nay,
đã có số liệu của 10 tháng càng chứng tỏ những nhận định nói trên của các đại
biểu Quốc hội là đúng đắn. Đặc biệt là chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của
tháng 10-2012 đã tăng 5,8% so với tháng 9-2012. Đây là mức tăng khá cao so với
tháng trước (4,6%) và là mức tăng cao nhất của nhiều tháng gần đây. Trong tháng
10-2012 có khoảng 6000 doanh nghiệp thành lập; số lượng doanh nghiệp giải thể
và ngừng hoạt động giảm khá nhiều (khoảng 1000 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng
hoạt động). Tính chung 10 tháng đầu năm có hơn 57 nghìn doanh nghiệp mới được
thành lập, trong khi đó có 41,2 nghìn doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt
động (giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2011). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng
10 đã giảm mạnh so với tháng trước.
Báo cáo của Chính
phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế của Quốc hội cũng đã nêu khá nhiều
khó khăn, thách thức của những tháng cuối năm 2012 và cả năm 2013. Đáng chú ý
là cả Quốc hội và Chính phủ đều có cái nhìn chung về những khó khăn cơ bản của
nền kinh tế, và ở nhiều thời điểm khó khăn, đã nhanh chóng có những giải pháp
tháo gỡ. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 13 về một số giải pháp tháo
gỡ khó khăn cho sản xuất và thị trường, thì với thẩm quyền của mình, Quốc hội
cũng sớm đã ban hành Nghị quyết số 29 về một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ
khó khăn cho tổ chức và cá nhân. Điều đó không những thể hiện sự kịp thời mà
còn là sự chung sức vào cuộc của hệ thống chính trị trước khó khăn hiện nay.
Thực trạng nền kinh
tế Việt Nam hiện nay, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và
thế giới, tuy còn có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cũng đã có những
chuyển biến tích cực. Tại Hội nghị Trung ương 6 và kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa
XIII, các định hướng mà Ban chấp hành Trung ương đưa ra cùng với các giải pháp
mà Chính phủ trình Quốc hội đã được nhiều chuyên gia kinh tế và các đại biểu
Quốc hội đồng tình. Mới đây, Chính phủ cũng đã công khai tình hình nợ công,
định hướng vay và trả nợ công đến năm 2015. Theo đó, tổng số dư nợ công đến
ngày 31-12-2011, bằng 55,4% GDP (1.391.478 tỷ đồng), giảm 1,9% so với năm 2010.
Việt Nam
hiện được đánh giá là một trong những nước có mức nợ nằm trong tầm kiểm soát và
không nằm trong nhóm các nước có gánh nặng về nợ (HIPCs).
Trong khi đó, trên
một số trang mạng, một số người đưa ra những lời cảnh báo, rằng “kinh tế Việt Nam sắp sụp đổ”.
Họ còn đưa ra “kịch bản sụp đổ nền kinh tế Việt Nam”, đồng thời “khuyến cáo”
người dân “không nên bỏ tiền đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam”, “không nên đầu
tư vào chứng khoán và gửi tiền tiết kiệm ở các ngân hàng trong nước”; “nên mua
vàng hoặc đô-la dự trữ”; “nên gửi tiền vào ngân hàng nước ngoài”… Những luận
điệu xuyên tạc này đã từng xuất hiện trên mạng internet hai năm về trước. Thậm
chí lúc ấy, họ đã quả quyết rằng, nền kinh tế Việt Nam “sẽ sụp đổ trong năm 2011”.
Chính vì vậy, mọi người cần cảnh giác trước những thủ đoạn xuyên tạc này. Tô
hồng hay bôi đen bức tranh kinh tế đều rất nguy hiểm lúc này.
ĐỖ PHÚ THỌ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét