Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Nhìn lại kinh tế Việt Nam 2012



(HQ Online)- Năm 2012 là một năm khó khăn của nền kinh tế Việt Nam, từ những khó khăn kinh tế vĩ mô đến khó khăn của DN và các hộ gia đình.


Tuy nhiên, năm 2012 cũng đã xuất hiện những chuyển động tích cực hỗ trợ và thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, chuẩn bị thế và lực cho giai đoạn phát triển tiếp theo, cao hơn, bền vững và hiệu quả hơn.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp
Tốc độ tăng GDP năm 2012 chỉ đạt hơn 5,03% (thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây), chỉ cao hơn so với tốc độ tăng trưởng 4,77% năm 1999 nhưng lại thấp hơn cả tốc độ tăng 5,32% năm 2009. Rõ ràng những bất ổn kinh tế vĩ mô tích tụ trong mấy năm gần đây đã buộc Việt Nam phải chuyển trọng tâm chính sách từ ưu tiên tăng trưởng kinh tế sang ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thông qua những biện pháp nêu trong Nghị quyết số 11/2011/NQ-CP và nêu lại trong Nghị quyết số 01/2012/NQ-CP.
Tiếc rằng chủ trương chấp nhận giảm tốc độ tăng GDP để củng cố điều kiện kinh tế vĩ mô và triển khai cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế lại chưa được khẳng định mạnh mẽ nên mặc dù so với cùng kỳ GDP quí I chỉ tăng có 4,64%, quí II nhích lên 4,8% và quí III tăng 5,05% - đều là những quí có tốc độ tăng trưởng thấp hơn hẳn trong vòng 5 năm qua, song Việt Nam vẫn cố duy trì mục tiêu tăng trưởng ban đầu 6-6,5% và chỉ chấp nhận không thể đạt được mục tiêu này vào mấy tháng cuối năm.
Biểu hiện rõ nhất của cố gắng tăng trưởng là tiếp tục đẩy mạnh đầu tư mặc dù hiệu quả đầu tư chưa được cải thiện và chương trình cơ cấu lại đầu tư, trong đó tập trung cơ cấu lại đầu tư công diễn ra chậm chạp do gặp nhiều trở ngại cả từ tư duy, quy hoạch, cơ chế quản lý cũng như kiểm tra giám sát. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quí I-2012 đột ngột tăng lên 36,2% GDP từ mức 34,6% GDP năm 2011 trước khi giảm chút ít xuống 34,5%GDP sau 6 tháng, rồi lại tăng lên 35,8% GDP sau 9 tháng, tuy thấp hơn hẳn mức đầu tư giai đoạn 2006-2010 nhưng vẫn tương đương giai đoạn 2001-2005.
Do tốc độ tăng GDP năm 2012 thấp hơn hẳn so với giai đoạn 2001-2005 nên hiệu quả đầu tư chung đột ngột tăng vọt và ICOR chỉ hạ xuống dưới 6 khi tổng mức đầu tư toàn xã hội cả năm 2012 còn khoảng 33,5%. Đáng chú ý là tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế Nhà nước năm 2012 vẫn duy trì ở mức trên dưới 37% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó vốn đầu tư từ NSNN vẫn chiếm khoảng 54% chứng tỏ chương trình cơ cấu lại đầu tư công chưa có chuyển biến rõ rệt.
Tổng cầu và lạm phát tăng thấp
Năm 2012 tổng cầu tiêu dùng tuy có cải thiện hơn so với năm 2011 nhưng vẫn tăng thấp hơn so với những năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tăng 16% so với năm 2011 (loại trừ yếu tố giá tăng 6,2%) chỉ bằng một nửa so với giai đoạn 2007-2010. Hệ quả là mặc dù sản xuất công nghiệp chững lại với chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 5,9%, song do sức mua tăng chậm với chỉ số tiêu thụ hàng công nghiệp chế biến chế tạo chỉ tăng khoảng 3,6% nên chỉ số hàng tồn kho của nhóm hàng này tăng tới hơn 20,1% so với cùng kỳ năm trước.

Các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2013
Kinh tế:
-Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5% so với năm 2012. Trong đó: Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 2,3%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 5,7%; khu vực dịch vụ tăng khoảng 6,5%.
- Kim ngạch XK tăng khoảng 10%. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch XK ở mức khoảng 8%.
-Tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP không quá 4,8%.
- Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 8%.
- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP.
Xã hội:
- Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động.
- Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49%.
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%; riêng các huyện nghèo giảm 4%.
(Nguồn: Nghị quyết số 31/2012/QH13 về kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2013)
Bên cạnh đó, mặc dù tổng kim ngạch XK năm 2012 tăng khoảng 18,3% đạt 114,6 tỷ USD, song lại chủ yếu do thành tích XK của khu vực có vốn FDI nên phần lớn DN Việt Nam gặp khó khăn về đầu ra cho các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ suốt cả năm 2012. Do những khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm đi đôi với chi phí đầu vào cao nên năm 2012 đã có thêm khoảng 4 vạn DN giải thể, ngừng hoạt động, đưa tổng số DN giải thể ngừng hoạt động trong 2 năm 2011 và 2012 lên đến 10 vạn - chiếm một nửa số DN loại này trong suốt 2 thập kỷ qua. Đến lượt mình, DN gặp khó khăn lại hạn chế tạo công ăn việc làm, thậm chí làm gia tăng thất nghiệp và giảm thu nhập của người lao động, tạo ra vòng xoáy cắt giảm tiêu dùng. 
Nguyên nhân sâu xa khiến cho không ít DN Việt Nam lâm vào hoàn cảnh khó khăn có cả nguyên nhân khách quan từ thị trường quốc tế và chính sách kinh tế vĩ mô thắt chặt cũng như nguyên nhân chủ quan từ sự phát triển quá nóng và thiếu chiến lược của DN. Như vậy, cơ cấu lại DN không chỉ cần tập trung vào hơn 1.300 DNNN với vài chục tập đoàn và tổng công ty Nhà nước mặc dù khu vực kinh tế Nhà nước đang chiếm 1/3 GDP cả nước và 1/5 giá trị sản xuất công nghiệp mà cần cơ cấu lại toàn bộ các DN gắn với cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế và cơ cấu lại chính bản thân từng DN, không phân biệt thành phần kinh tế.
Chịu sự chi phối của tổng cầu tăng thấp, cả cầu đầu tư và cầu tiêu dùng bên cạnh niềm tin kinh doanh và niềm tin tiêu dùng không cao nên diễn biến lạm phát năm 2012 ổn định vượt ngoài sự mong đợi với CPI cả năm khoảng 9,21%. Ngoại trừ 2 tháng đầu năm tăng trên 1% và tháng 9 tăng tới 2,2% do điều chỉnh mạnh giá dịch vụ y tế, suốt từ tháng 3 đến cuối năm CPI đều tăng dưới 1% mỗi tháng bất chấp giá điện tăng bình quân 5% và giá xăng dầu tăng trên 10%. Nếu loại trừ yếu tố chủ động tăng giá dịch vụ y tế, giá điện và giá xăng dầu thì lạm phát năm 2012 chỉ khoảng 5-6%, đã góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ năm 2012 mà cả năm 2013 tới đây.
Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn
Bên cạnh việc kiềm chế lạm phát, đưa CPI từ gần 20% năm 2011 xuống 9,21% năm 2012 như nêu trên thì hàng loạt chỉ số kinh tế vĩ mô năm 2012 ổn định theo hướng tích cực hơn hẳn so với mấy năm trước.
Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ hạn chế, song một mặt Việt Nam vẫn nỗ lực thu NSNN đạt dự toán, đặc biệt khoản thu NSNN từ dầu thô vượt xa so với dự toán đã hỗ trợ kịp thời cho nguồn thu từ nội địa và từ hoạt động XNK, mặt khác, tiết kiệm chi NSNN, cả chi đầu tư và chi thường xuyên để đảm bảo mức thâm hụt NSNN không quá 4,8% GDP - góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, cần bổ sung vào chương trình cơ cấu lại nền kinh tế vấn đề cơ cấu lại NSNN, từ cơ cấu thu, chi đến cơ cấu bù đắp thâm hụt NSNN và cơ cấu nợ công để đảm bảo tính đồng bộ và khả thi.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam:
Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng về ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2012. Đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam có được tình hình kinh tế vĩ mô tương đối ổn định. Tình hình được cải thiện là nhờ các chính sách thắt chặt trong nước và môi trường quốc tế khá thuận lợi. Chính phủ cũng không ngừng trấn an bằng thông điệp ổn định kinh tế vĩ mô là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Hành động và những tuyên bố của Chính phủ đã giúp làm an lòng những nhà đầu tư đang "bồn chồn" và khôi phục lòng tin đối với tiền đồng, được minh chứng bằng kết quả tiền gửi tăng mạnh và tỉ trọng tiền gửi bằng tiền đồng gia tăng trong hệ thống ngân hàng. Sự quyết tâm của các cơ quan chức năng trong việc duy trì các chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp sang năm thứ hai liên tiếp là một sự thay đổi đáng hoan nghênh và chắc chắn sẽ giúp Việt Nam dần dần gây dựng lại được niềm tin như một quốc gia điều hành kinh tế vĩ mô có kinh nghiệm.
Tuy nhiên, xu hướng tăng trưởng tiếp tục giảm xuống trong những năm qua (năm nay là tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1999) cho thấy nền kinh tế đang mất đi một số động lực mà những cản trở về cơ cấu đã và đang làm ảnh hưởng đến tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Viện Nghiên cứu quản lí Kinh tế Trung ương:
XK hiện nay vẫn là động lực chính của tăng trưởng Việt Nam, nếu chỉ tính riêng XK thì luôn đóng góp cao vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nhưng XK ròng, tức đã trừ đi kim ngạch NK thì Việt Nam lại nhập siêu nên đóng góp của XK ròng bị âm làm giảm tăng trưởng. Tuy nhiên vừa qua XK luôn đạt mức tăng trưởng khá cao, tăng 18% so với năm 2011. Nhưng cơ cấu hàng XK vẫn không thay đổi nhiều. Cơ cấu hàng XK chủ yếu là hàng nông sản, cũng như hàng chế biến thấp, các mặt hàng chế tác như linh kiện điện tử, máy tính chủ yếu gia công lắp ráp là chính nên giá trị gia tăng thấp. Vì thế giá trị XK tăng trưởng tốt nhưng giá trị gia tăng chưa chắc cao vì giá trị hàng NK để phục vụ cho nhu cầu sản xuất của các DN cũng là cao.
Trong năm tới, môi trường kinh doanh của các DN nói chung và DN XK nói riêng vẫn còn nhiều thách thức. Đối với DN, có quá nhiều yếu tố tác động vào môi trường kinh doanh. Chẳng hạn các yếu tố đầu vào như vốn vẫn còn khá khó khăn. Lãi suất cao như vậy sẽ khiến DN khó tiếp cận các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh. Trong khi đó đầu ra của DN lại hạn chế khi xu hướng tiêu dùng của người dân chưa có sự khởi sắc, dẫn đến hàng tồn kho tăng. Đó là những khó khăn trong ngắn hạn của DN, còn về dài hạn còn rất nhiều điều cần phải bàn về môi trường kinh doanh của DN.
Chuyên gia kinh tế VŨ ĐÌNH ÁNH


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét