Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Lý tưởng và thành tựu vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười



QĐND - Cuộc tấn công của hàng nghìn công nhân cùng với các chiến sĩ Cận vệ đỏ và binh sĩ cách mạng vào Cung điện Mùa Đông trong đêm 25 tháng Mười  (theo lịch Nga) - tức ngày 7-11-1917 đã đưa cuộc Cách mạng Tháng Mười đến thắng lợi hoàn toàn. Cũng trong đêm 7-11-1917, Đại hội Xô -viết toàn Nga đã khai mạc tại điện Smoniyl và tuyên bố thành lập chính quyền Xô -viết do Lê -nin đứng đầu.
Lịch sử không thể thay đổi. Người ta chỉ có thể thay đổi cách nhìn nhận về lịch sử tùy theo quan điểm và lợi ích chính trị của mình mà thôi. Cho dù Liên Xô đã tan rã, các thế lực thù địch với CNXH có xuyên tạc, bôi nhọ nhưng người ta không thể phủ nhận được lý tưởng, những giá trị và thành tựu lớn lao của cuộc cách mạng này gắn với sự ra đời và tồn tại trên 70 năm của Nhà nước Xô -viết (1917-1991) và gần một thế kỷ qua (1917-2012) sự tồn tại của các nhà nước đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười.

Nói về cuộc Cách mạng Tháng Mười, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên Trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”. [1]
Không có thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và sự tồn tại của chế độ XHCN, thì không thể có sự kiện, từ một quốc gia phát triển trung bình ở châu âu, chỉ sau hai kế hoạch 5 năm thực hiện công nghiệp hóa (1929-1939), nước Nga và Liên bang Cộng hòa XHCN Xô -viết (Liên Xô) đã trở thành một quốc gia có tiềm lực kinh tế, quân sự hùng mạnh, đủ sức đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa phát xít trong chiến tranh thế giới thứ hai. Những năm sau chiến tranh, nhà nước Liên Xô đã phát triển vượt bậc trở thành cường quốc quân sự, đủ sức làm đối trọng với chủ nghĩa đế quốc. Đồng thời, Liên Xô trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực chinh phục không gian vũ trụ và nhiều lĩnh vực khác.
Không có thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và sự tồn tại của chế độ XHCN, thì không thể có sự kiện nước Nga lạc hậu trở thành một quốc gia phát triển về nhiều mặt, từ công nghiệp đến nông nghiệp; từ cơ sở hạ tầng kỹ thuật như mạng lưới điện, hệ thống giao thông vận tải, đến hạ tầng xã hội. Đặc biệt, Nhà nước Xô -viết đã thực hiện chính sách xã hội tiên tiến, đó là thực hiện giáo dục, chữa bệnh không phải trả tiền, người già cô đơn được chăm sóc, nuôi dưỡng. 
Có thể nói, dưới chế độ XHCN, Liên Xô đã trở thành một nền văn hóa mới, hiện đại. Cho đến nay những công trình văn hóa, khoa học dưới thời Xô -viết vẫn là một thành tựu của nhân loại, được các dân tộc tôn trọng.
Đối với Việt Nam, Chủ nghĩa Lê -nin cùng với Cách mạng Tháng Mười Nga là cơ sở tư tưởng, lý luận hình thành Tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười, Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, ngay từ khi ra đời, đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, lãnh đạo nhân dân làm cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đánh thắng hai cuộc chiến tranh xâm lược, thống nhất đất nước, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả, đặc biệt là đã cứu nhân dân Cam -pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng, tiến hành công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Sau sự sụp đổ của Liên Xô, Đông âu, có những người đã  tuyên bố: "Cách mạng Tháng Mười chỉ là một cuộc phiêu lưu", chủ nghĩa xã hội là "một sự đẻ non", là sự “lầm lạc của lịch sử". Cải tổ ở Liên Xô, Đông âu là "sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản", rằng chủ nghĩa tư bản là “Sự tận cùng của lịch sử”...
Nhưng sự kiện “Chiếm phố Uôn” năm ngoái và khủng hoảng nợ công châu âu hiện nay cho thấy, chủ nghĩa tư bản không phải là giải pháp hữu hiệu để giải quyết những vấn đề kinh tế xã hội đầy bất công ở các nước tư bản chủ nghĩa. Bởi vậy, xã hội đó sẽ phải được thay thế bằng một xã hội khác. Đối với chúng ta thì chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản sẽ là tương lai của nhân loại. Tất nhiên, để đến xã hội đó, các dân tộc còn phải vượt qua nhiều chặng đường với nhiều khó khăn, thách thức. Con đường đó không đơn giản chỉ là việc loại bỏ “tầng lớp đặc quyền đặc lợi” [2] hình thành trong Đảng Cộng sản và xã hội Liên Xô, cũng như sự tồn tại của “nhóm lợi ích” mà đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói nhiều lần trong quá trình triển khai Nghị quyết Trung ương 4 vừa qua. Thiết nghĩ, những vấn đề cần phải giải quyết còn lớn hơn, cơ bản hơn rất nhiều. Đó là xây dựng và hoàn thiện thể chế chính trị, kinh tế xã hội sao cho xã hội XHCN có khả năng ngăn ngừa sự trì trệ, sự suy thoái của chế độ chính trị và của Nhà nước.
Sự sụp đổ của Liên Xô, Đông âu và cuộc khủng hoảng kinh tế của nước ta cuối thập kỷ 80, đầu 90 thế kỷ XX cho thấy: Mô hình xã hội XHCN cũ mà đặc trưng là sự tập trung quan liêu bao cấp về kinh tế, trong đó, nổi bật là “Mô hình kinh tế thời chiến” - xóa bỏ kinh tế hàng hóa, cơ chế thị trường. Trên lĩnh vực chính trị, đó là xây dựng “Nhà nước chuyên chính vô sản” - thiếu dân chủ, bình đẳng… là những ví dụ cụ thể của mô hình CNXH hiện thực đã qua. Sai lầm đó cho thấy, cho dù với những mong muốn tốt đẹp và trong điều kiện bị chủ nghĩa đế quốc bao vây, cấm vận nhưng chính sách đó là cần thiết, hơn nữa là vấn đề sống còn của cách mạng. Nhưng khi những chủ trương, chính sách đó bị kéo dài quá mức cần thiết, cùng với tư duy giáo điều về lý luận tất yếu sẽ dẫn đến trì trệ và nảy sinh những mặt tiêu cực của xã hội, như cảnh báo của các nhà kinh điển của Chủ nghĩa Mác.
Thật ra, những người kế thừa Lê -nin đã bỏ lỡ cơ hội để xây dựng một chế độ xã hội, một Nhà nước lành mạnh nếu biết lắng nghe những cảnh báo và chỉ dẫn của Lê -nin.
Vào năm 1923, khi Nhà nước Xô -viết ra đời, Lê-nin đã nhận xét về Nhà nước đó như sau: “Tình hình bộ máy Nhà nước của chúng ta thật đáng buồn, và cũng có thể là đáng kinh tởm… Xin nói thêm trong ngoặc rằng bọn quan liêu ấy ở nước ta không những có trong các cơ quan Xô -viết, mà còn có cả trong những cơ quan của Đảng nữa” [3]. Từ nhận xét đó, Người đề ra phải nâng cao chất lượng hoạt động của Bộ dân ủy thanh tra công nhân, phải xây dựng bộ máy Nhà nước theo nguyên tắc “Thà ít mà tốt”, phải “Học, học nữa, học mãi”…
Cũng vào thời gian này, Lê-nin đã nhận thấy sự trì trệ của nền kinh tế thời chiến và đề xuất phải thực hiện “Chính sách kinh tế mới” (NEP). Nói như ngày nay, đó là sử dụng kinh tế hàng hóa và cơ chế thị trường.
 Trong bài viết “Để kỷ niệm lần thứ tư cuộc Cách mạng Tháng Mười”, Lê-nin đã nhận xét rằng, “trong nhiệm vụ khó khăn nhất -sự nghiệp xây dựng kinh tế” chúng ta đã gặp nhiều thất bại nhất và đã mắc nhiều sai lầm nhất… lúc này chính là chúng ta đang dùng “chính sách kinh tế mới”… để sửa chữa một loạt sai lầm của chúng ta… Không phải bằng cách trực tiếp dựa vào sự phấn khởi do cuộc cách mạng tạo ra, mà dựa vào hứng thú cá nhân, dựa vào lợi ích cá nhân… để sang CNXH” [4].
Đối với sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam, Đảng ta cũng đã phạm sai lầm trong thời kỳ đầu xây dựng CNXH trên cả nước. Chúng ta đã kéo dài quá mức cần thiết mô hình CNXH kiểu cũ, mà đặc trưng của xã hội đó là: Về chính trị, đó là Nhà nước chuyên chính vô sản… do Đảng lãnh đạo; về kinh tế, đó là nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu với hai thành phần duy nhất: Kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể; về xã hội, đó là chế độ bao cấp, phân phối bình quân trên các lĩnh vực…
Đại hội VI, năm 1986 đã phát hiện những sai lầm về đường lối, chính sách do sự lạc hậu về tư duy lý luận. Tại đại hội này, Đảng ta đã quyết định chuyển sang xây dựng xã hội XHCN theo mô hình mới - một mô hình được hoàn thiện từng bước từ Đại hội VII đến nay. Những thành tố của mô hình đó là: Về chính trị, đó là xã hội do nhân dân làm chủ với nhà nước pháp quyền do Đảng lãnh đạo; về kinh tế, đó là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; về xã hội, đó là xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong 25 năm đổi mới, mô hình đó đã đem lại những thành tựu to lớn không ai có thể phủ nhận được. Tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều vấn đề xã hội bức xúc, trong đó có sự phân hóa giàu - nghèo và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Phân tích nguyên nhân dẫn đến những hiện tượng nói trên, trong bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, ngày 28-2-2012), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Trong điều kiện Đảng cầm quyền, nhiều đảng viên có chức, có quyền, có điều kiện nắm giữ tài sản, tiền bạc, cán bộ..., đất nước lại phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, nhiều người lo lắng về Đảng, về bản chất Đảng, lo lắng mặt trái của cơ chế thị trường, của hội nhập quốc tế tác động vào Đảng. Bây giờ trong Đảng cũng có sự phân hóa giàu - nghèo, có những người giàu lên rất nhanh, cuộc sống cách xa người lao động; liệu rồi người giàu có nghĩ giống người nghèo không?”.
 Trên lĩnh vực lý luận, công cuộc xây dựng xã hội XHCN không đơn giản chỉ là cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, mà còn là một vấn đề thuộc về thể chế của xã hội, về sự cân bằng và giám sát các nhánh quyền lực… Đây chính là một công việc khó khăn, phức tạp mà thế hệ những người mác -xít - lê-nin-nít ngày nay phải tự mình giải quyết.
Lê-nin đã nói: “Cách tốt nhất để kỷ niệm cuộc cách mạng vĩ đại là tập trung sự chú ý vào những nhiệm vụ chưa hoàn thành của cuộc cách mạng đó” [5]. Kỷ niệm cuộc Cách mạng Tháng Mười năm nay, chúng ta đẩy mạnh hơn nữa công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiến đến xây dựng một xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. /.
Ngọc Vân
[1]- Hồ Chí Minh Tuyển tập (bộ 2 tập). TI. Nxb ST, HN. 1980. Tr 461.
[2]- Theo chuyên khảo “Những nguyên nhân sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô”. Nhân dân điện tử - Thời nay 16-8-2010  
[3]- Lê-nin Tuyển tập (Một tập, tiếng Việt) Nxb Tiến Bộ. Mát -xcơ-va, tr.815, 823
[4] -SĐD, Tr 758,759
[5]-SĐD, Tr 759

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét