Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Việt Nam hướng tới phát triển đô thị xanh và bền vững



“Tương lai đô thị Việt Nam – Hành động hôm nay” là chủ đề của hội thảo do Diễn đàn đô thị Việt Nam, Bộ Xây dựng cùng liên minh các thành phố phối hợp tổ chức ngày 30/11 tại Hà Nội, với sự tham gia của lãnh đạo các đô thị trong toàn quốc và nhiều tổ chức quốc tế.
Hội nghị đã tiến hành thảo luận theo các chủ đề: phát triển thành phố sinh thái ứng phó với biến đổi khí hậu; vai trò, năng lực của chính quyền địa phương trong quản lý phát triển đô thị và vấn đề cạnh tranh lành mạnh, huy động đa nguồn lực cho phát triển, nâng cấp đô thị. Những chủ đề này gắn bó chặt chẽ với việc thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược phát triển đô thị của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Đô thị hóa là xu thế tất yếu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi vùng, quốc gia và trên phạm vi toàn thế giới. Việt Nam có tốc độ đô thị hóa nhanh ở khu vực Đông Nam Châu Á, đã đạt được những thành công đáng kể trong việc phát triển đô thị gắn liền với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Hệ thống các đô thị đã có sự phát triển nhanh chóng về số lượng, chất lượng và quy mô. Diện mạo đô thị có nhiều khởi sắc theo hướng văn minh, hiện đại, tạo dựng được những không gian đô thị mới, từng bước đáp ứng nhu cầu về môi trường sống và làm việc có chất lượng. Tính đến tháng 9/2012, mạng lưới đô thị Việt Nam đã và đang được phát triển với hơn 760 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa trên 31%, dự báo sẽ đạt khoảng 45% trong 10 năm tới. Khu vực đô thị hàng năm đóng góp khoảng 70-75% GDP của Việt Nam - là động lực phát triển kinh tế, hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng, đô thị Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là việc ứng phó có hiệu quả trước các tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Đó là những thách thức buộc các đô thị Việt Nam phải giải quyết trong quá trình phát triển theo hướng bền vững. Về định hướng phát triển, Việt Nam luôn chủ trương phát triển hài hòa, bền vững giữa các vùng, xây dựng đô thị và nông thôn mới, có cơ chế, chính sách phù hợp để các vùng trong cả nước cùng phát triển, phát huy lợi thế và tạo sự liên kết giữa các vùng. Mục tiêu phát triển được đặt ra là từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường gồm một số thành phố lớn, nhiều thành phố vừa và nhỏ liên kết và phân bố hợp lý trên các vùng; chú trọng phát triển đô thị miền núi, phát triển mạnh các đô thị ven biển.
Là cơ quan được Chính phủ giao phụ trách phát triển đô thị, cùng với vai trò là cơ quan thường trực của Diễn đàn đô thị Việt Nam, Bộ Xây dựng đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng chiến lược, văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu; lồng ghép vấn đề này vào kế hoạch phát triển đô thị, chú trọng nâng cao vai trò của chính quyền trong quản lý phát triển cũng như cơ chế huy động đa nguồn lực cho phát triển đô thị.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chia sẻ: Các đô thị lớn ở Việt Nam với vai trò đầu tàu đang phải đối mặt với thách thức của đô thị hóa. Hà Nội là trung tâm lớn của cả nước với diện tích trên 3.000 km2 và hơn 6,5 triệu dân, phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực theo hướng đô thị đa hệ, đậm đà bản sắc dân tộc, tiên tiến hiện đại. Tuy nhiên, việc gia tăng dân số cơ học đã khiến thành phố đang quá tải hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật, gây ùn tắc giao thông nhất là sự gia tăng của các phương tiện giao thông lên tới 15%/năm. Trong khi đó, giao thông công cộng chậm phát triển, chủ yếu mới chỉ có xe bus nhưng cũng mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cải tạo hạ tầng còn hạn chế, quản lý kém… là những rào cản lớn cho phát triển đô thị bền vững. Sau khi Hà Nội mở rộng, Thủ đô đang hình thành các đô thị vệ tinh, hành lang sinh thái, cải tạo hệ thống giao thông… để kết nối đô thị vệ tinh và đô thị vùng. Hà Nội sẽ tổ chức quy hoạch và thiết lập quy định, quy chế quản lý đô thị - đây chính là công cụ của chính quyền để nâng cao chất lượng quản lý đô thị. Cùng với việc rà soát thủ tục hành chính, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng cơ chế chính sách hút vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, theo hướng ưu tiên lĩnh vực y tế, giáo dục… Đồng thời cùng với việc nâng cao chất lượng năng lực đội ngũ quản lý, cần giáo dục để tạo nếp sống văn minh đô thị cho người dân.
Đại diện Văn phòng UN-HABITAT khu vực Châu Á Thái Bình Dương - Bà Paula Pennanen cho rằng việc nâng cấp cải thiện chất lượng các đô thị đòi hỏi phải có sự tham gia của các bên, từ chính quyền địa phương, người hoạch định và quản lý chính sách đến cả từng người dân. Mỗi đô thị Việt Nam có vai trò quan trọng trong liên kết giữa các vùng đô thị và các đô thị trong khu vực. Bởi vậy, UN-HABITAT đã hỗ trợ các đô thị thông qua việc tổ chức những diễn đàn quan trọng nhằm kết nối đô thị Việt Nam với Thế giới để chia sẻ kinh nghiệm vì nỗ lực chung về phát triển. Muốn vậy, chúng ta phải nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức để xây dựng đô thị xanh bền vững. Các vấn đề xoay quanh đô thị hóa phải ưu tiên cho những lĩnh vực gắn liền với từng quốc gia, điển hình như giảm nghèo – yếu tố luôn gắn liền với sự tồn vong của từng đất nước. Thế giới đang trở thành một đô thị toàn cầu và Việt Nam cần có cách tiếp cận mới để đẩy mạnh phát triển đô thị bền vững, đô thị xanh.
Trực tiếp điều phối nhiều dự án hỗ trợ Việt Nam trong phát triển đô thị, bà Victoria Kwakwa – Trưởng đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) đánh giá cao hội thảo lần này với những giải pháp nhằm đáp ứng song hành cả giải pháp giải quyết thách thức và xu thế phát triển. Tại Việt Nam , dân số đô thị dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới với những đòi hỏi ngày càng tăng. Các chính sách và đầu tư của Việt Nam sẽ quyết định diện mạo các đô thị. Việt Nam cần tiếp cận nhiều hơn với các kinh nghiệm quốc tế về phát triển đô thị bền vững, đúc kết các đặc điểm riêng để vận dụng phù hợp với sự phát triển của từng vùng miền. Với chiến lược phát triển đô thị xanh, lộ trình của Việt Nam đang đi đúng hướng, tuy nhiên cần cụ thể hóa những giải pháp thiết thực hơn nữa.
Các đại biểu tham gia đều cho rằng hội nghị lần này sẽ góp phần từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, tổ chức, cá nhân đối với việc phát triển đô thị; mong muốn cùng hợp tác chặt chẽ, tìm ra những giải pháp trong dự báo, thiết kế, quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị để ứng phó, giảm nhẹ, thích ứng trước các biến động phức tạp. Đây còn là cơ hội để thu hút nhiều hơn nữa sự quan tâm, hỗ trợ nguồn lực và công nghệ từ các nước phát triển cũng như các tổ chức quốc tế./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét