Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Những tiếng nói khách quan hơn trên báo chí hải ngoại



QĐND - Có tới hàng trăm tờ báo tiếng Việt ở hải ngoại song phần lớn đều thể hiện xu hướng chống cộng cực đoan, thông tin sai lệch về tình hình trong nước. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, đã xuất hiện một số tờ báo có xu hướng thông tin khách quan hơn về tình hình trong nước, thậm chí họ dám tuyên chiến với các lực lượng và đảng phái chống phá Việt Nam. Có lẽ cần phải có thêm thời gian để đánh giá chính xác, khách quan, thực chất hơn về xu hướng phát triển của các tờ báo này, trong bài viết này, chúng tôi xin bước đầu đưa ra một số thông tin mang tính tham khảo về vấn đề trên. 
Những “âm điệu lạ” trong “bản nhạc đen"
Chỉ hai ngày sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, tại đảo Guam, tờ báo đầu tiên của người Việt tại Mỹ đã ra đời với tên gọi Chân trời mới, phục vụ hơn 100 nghìn người di tản. ? Kế đó, các tờ báo hải ngoại liên tục ra đời. Sau 37 năm, đến nay, khó mà thống kê hết có bao nhiêu tờ báo tiếng Việt xuất bản ở Mỹ, vì có những thời kỳ báo mọc lên "như nấm sau mưa" nhưng sau đó cũng sớm chết yểu. Chỉ riêng vùng Nam Ca -li-pho-ni-a đã có tới hơn 200 tờ báo. Còn theo số liệu mà cơ quan chức năng cung cấp, hiện nay số tờ báo chống cộng ở hải ngoại đã lên tới hơn 400 tờ. Trong cộng đồng hải ngoại ở Mỹ, luôn có các lực lượng “khủng bố báo chí” thường xưng danh “Tập thể quân lực Việt Nam Cộng hòa”, “Chánh nghĩa quốc gia”, “Kháng chiến phục quốc”, “Bảo vệ cờ vàng”... để bóp nghẹt tự do báo chí. Ai không chịu phát ngôn theo họ sẽ bị phản đối, tẩy chay, đánh đập, sát hại.
Dù bị đe dọa như vậy nhưng trong làng báo hải ngoại, vẫn có những tờ báo, nhà báo dám “lội ngược dòng”, nói tiếng nói ngày càng khách quan hơn.
Theo một bài đăng trên báo điện tử Treonline ở Mỹ, vùng đất mà cộng đồng người Việt tập trung sinh sống đông nhất ở nước Mỹ là quận Cam thuộc miền Nam bang Ca -li-pho-ni-a có khoảng nửa triệu người, phần lớn tập trung làm ăn, không thù hận nhưng một số ít thì vẫn mang nặng hận thù. Tại bang này, trước 2003 từng có các tờ báo được cộng đồng quan tâm như: Người Việt, Viễn Đông, Sài Gòn nhỏ, Little Saigon Radio, Little Saigon Tivi, Vietnam California Radio (VNCR), Radio Bolsa, Voice Of Vietnam... song nhìn chung, xu hướng vẫn là chống cộng. Lấy thông tin từ một số phần tử xấu trong nước, họ xào nấu, thêm bớt, bình luận sai lệch theo hướng chống lại Nhà nước Việt Nam, kích động hận thù, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Từ giữa năm 2003, một nhóm người trẻ đứng ra thành lập tờ Vietweekly (Tuần báo Việt) ban đầu biếu không cho độc giả và chỉ một thời gian ngắn, Vietweekly được coi như một hiện tượng trong làng báo người Việt hải ngoại bởi loạt bài “Bolsa dị nhân”, vạch trần những trò bịp bợm của một số nhân vật trong cộng đồng, cùng nhiều bài "nảy lửa" khác, phê phán các “chính trị gia” như Trần Thái Văn, Andy Quách, Nguyễn Quang Trung. Một trong những sự kiện gây sự chú ý nhất ở Mỹ là khi Vietweekly cho đăng toàn văn bài viết của tác giả Hà Văn Thùy, nội dung ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh và phong trào giải phóng dân tộc, rồi sau đó là bài phỏng vấn nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hoặc những bài nói về tình hình Tây Nguyên, bài phỏng vấn ông Nguyễn Cao Kỳ. Khi Hội nghị APEC diễn ra tại Việt Nam,Vietweekly là tờ báo duy nhất của người Việt hải ngoại có phóng viên về tường thuật tại chỗ.
Sau Vietweekly phải kể đến kênh truyền hình Phố Bolsa TV được thành lập vào tháng 7-2010 tại Mỹ, với mục tiêu trở thành một nguồn thông tin đa dạng và đặc sắc về đời sống của người Việt hải ngoại. Kênh này mạnh dạn đưa lên những tin tức có tính “nhạy cảm” và tạo diễn đàn tự do ngôn luận cho cả những người khác biệt về quan điểm chính trị. ? Tìm hiểu một số đề tài mà kênh truyền hình này thực hiện gần đây cho thấy, họ đã đưa lên các phóng sự về Trường Sa, ý kiến phản đối của cơ quan chức năng đối với sô diễn của ca sĩ Chế Linh, bênh vực nghệ sĩ Hồng Vân bị lực lượng chống cộng cực đoan đe dọa khi diễn vở hài kịch “Kỹ nghệ lấy Tây”… Trước thềm cuộc bầu cử toàn quốc Hoa Kỳ vào tháng 11 tới đây, tại quận Cam sẽ có nhiều ứng cử viên gốc Việt ra tranh cử các chức vụ, trên trang web của kênh này đã có cuộc thăm dò dư luận với nhiều câu hỏi thẳng thắn. Kết quả tính đến nay: Gần 50% người được hỏi sẽ bầu cho ai quan tâm trực tiếp đến quyền lợi của cư dân địa phương, trong đó có cư dân gốc Việt; chỉ có 8% trả lời sẽ bầu cho người có lập trường chống cộng mạnh mẽ nhất. Trả lời báo chí trong nước sau chuyến đi tác nghiệp ở Trường Sa, ông Vũ Hoàng Lân, chủ kênh cho biết: “Bình thường, mỗi clip đưa lên trang Phố Bolsa TV chỉ có hơn 1000 lượt người xem, nhưng clip về chuyến đi Trường Sa đưa lên ba ngày đã có hơn 8.400 lượt người xem và rất nhiều lời bình luận”.
Treonline.com là tờ báo điện tử của tờ Bán nguyệt san Trẻ Magazine ở Đông Bắc Hoa Kỳ, phát hành từ năm 2002 tại các bang: New York, New Jersey, Pennsylvania, Delaware, Maryland và Virginia cũng do một số người trẻ gốc Việt lập nên. Lời tuyên bố của trang nêu rõ, họ đưa những thông tin chính xác về đất nước, không bị xuyên tạc. Trên trang này, Amari TX là một cây viết chính đang sống tại Mỹ đã có nhiều bài viết phê phán gay gắt các thế lực chống cộng, nhiều bài của Amari TX đã được đăng lại trên Báo Nhân Dân ở Việt Nam. Theo Báo Nhân Dân số ra ngày 12-7-2012 thì “với khẩu hiệu "Tiếng nói người Việt hải ngoại hướng về đất nước" và là "tờ báo sạch không tô hồng, bôi đen", Treonline.com đã trở thành một địa chỉ truyền thông của những người Việt luôn nặng lòng với dân tộc, có tiếng nói trung thực, thẳng thắn đối với các tổ chức, cá nhân có hành động gây rối, chống phá con đường xây dựng và phát triển của Việt Nam”.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn tại chuyến thăm Trường Sa đầu năm 2012, thì cùng với Vietweekly và Phố Bolsa TV, báo điện tử “KBC hải ngoại” là một trong những tờ báo đang có nhiều thông tin khách quan, tốt cho việc tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Từ cuối năm 2011 và đầu năm 2012, đoàn nhà báo hải ngoại ở Mỹ gồm Vũ Hoàng Lân (Phố Bolsa TV), Etcetera Nguyễn và Mimi Tưởng (Vietweekly), Nguyễn Phương Hùng (KBC hải ngoại)... đã được Bộ Ngoại giao cho phép nhiều chuyến về Việt Nam làm việc. Sau khi tiếp xúc với các giới chức, đi thực tế nhiều nơi từ Bắc vào Nam để làm phóng sự, đến thăm và trao đổi với một số cơ quan báo đài trong nước, họ đã có những cái nhìn khách quan về quê hương. Khi trở về Mỹ, nhóm nhà báo này đã gây ra nhiều cú sốc cho làng báo hải ngoại khi công bố nhiều phóng sự trên báo in, báo điện tử, truyền hình hải ngoại về những thay đổi lớn lao ở Việt Nam. Trên trang KBC hải ngoại, ngày 19-3-2012, báo cho đăng bài “Chống cộng cực đoan - rối loạn tâm thần” của tác giả Amari TX, một cây bút chuyên chống phản động cực đoan ở Mỹ có đoạn viết: “Bọn chống cộng cực đoan đã đi đến tận cùng của chủ nghĩa lưu manh với những băng đảng, hội đoàn, hàng trăm tổ chức mang nhãn hiệu ma trơi trên khắp nước Mỹ. Chúng bị sai khiến, lạm dụng trở thành những nạn nhân và những con rối trong tay ngoại bang”... Cùng với đó, chủ bút đã cho đăng hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng - một hành động thách thức các nhóm phản động cực đoan và đã bị phản ứng dữ dội, bị biểu tình và đe dọa kịch liệt. Trang này còn đăng lại rất nhiều tin bài của báo chí trong nước, trong đó có những bài trong chuyên mục chống “Diễn biến hòa bình” đăng trên các Báo Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, BáoCông an Thành phố Hồ Chí Minh...
Ông Nguyễn Phương Hùng, chủ bút KBC hải ngoại cho biết: “Rất nhiều người Việt hải ngoại đã ngạc nhiên và thích thú, say sưa khi đọc báo điện tử của chúng tôi. Con số gần 10 triệu lượt người đọc cho 11 tháng hoạt động, trong đó số người đọc tại hải ngoại cao gấp 7 lần trong nước đã cho thấy những gì chúng tôi đang làm đã giải tỏa được tư tưởng hoài nghi trong một bộ phận cộng đồng. Ví dụ, chuyến đi Trường Sa vừa rồi của đoàn nhà báo quận Cam đã làm cho người Việt ở hải ngoại thấy rõ và tin tưởng vào chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong bảo vệ chủ quyền, giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Làm báo trong nguy hiểm    
Chính vì mạnh dạn đưa tin theo cách nói trên, các tờ báo đã phải chịu rất nhiều phiền phức, thậm chí nguy hiểm, từ bị sỉ nhục, đánh đập dã man, côn đồ khủng bố, đốt tòa soạn, ném trứng thối, bao vây chửi rủa nhiều tháng trời đến chủ bút, phóng viên bị đe dọa ám sát hoặc bị buộc sa thải. Nhiều nhà báo phải thốt lên rằng, chính họ mới là những người bị “bịt miệng” trên "xứ sở tự do" chứ không phải trong nước mất tự do báo chí. Trong bài “Một nền báo chí hèn nhát, dung túng một cộng đồng cực đoan” của nhà báo James DU đăng trên một số tờ báo hải ngoại gần đây đã nêu lên thực trạng khủng bố báo chí kiểu độc tài, phản tự do ngôn luận, phản tự do dân chủ và sẵn sàng quỳ lạy đám chống cộng cuồng tín, cực đoan trái cả hiến pháp Mỹ.
Trên tờ Vietweekly có tường thuật việc tờ này bị một số phần tử cực đoan cho rằng đây là “báo của Việt Cộng”, liên tiếp biểu tình đòi đập phá tòa soạn báo. Vào thời điểm tờ này được nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trả lời phỏng vấn, họ còn tổ chức “tòa án” kết án, hô hào: “Không đọc Vietweekly, không quảng cáo trên Vietweekly, không bán, không mua Vietweekly, biểu tình dẹp tan Vietweekly” trong cộng đồng hải ngoại. Bi hài hơn, tờ này còn bị chính một số đài báo hải ngoại phát đi các “thông báo khẩn”, vu cáo họ… ủng hộ tổ chức khủng bố Al -Qaeda và kiến nghị Chính phủ Mỹ vào cuộc (!).
Với trường hợp KBC hải ngoại, ông Nguyễn Phương Hùng chủ bút đã bị các lực lượng cực đoan gọi là “Việt gian”, tấn công hành hung vợ ông, đồng thời “cấm cửa” ông này tại nhiều hội nghị. Họ cũng kêu gọi các doanh nghiệp ở hải ngoại tẩy chay, không quảng cáo trên trang báo của ông. Với kênh Phố Bolsa TV, cũng bị lực lượng chống cộng cực đoan biểu tình và “cấm vận” khi tác nghiệp ở nhiều cuộc họp của cộng đồng hải ngoại.
Ngày 28-9, phát biểu tham luận tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, chủ bút KBC hải ngoại Nguyễn Phương Hùng lo ngại nhắc đến việc: “Nếu một sự bất đắc dĩ phải đóng cửa vì tình trạng bao vây kinh tế của một số quá khích tại hải ngoại làm cho tờ báo không đủ tài chính để giải quyết chi phí thì hậu quả sẽ là gì?”. Tuy nhiên, dẫu gặp phải nhiều cản trở như vậy nhưng những người làm báo có xu hướng tiến bộ, khách quan ở hải ngoại vẫn không lùi bước. Gần đây, một số trang đã nhận được sự ủng hộ quảng cáo của một số doanh nghiệp trong nước và họ tin tưởng rằng, với nỗ lực đưa tin tức khách quan, trung thực, sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ nhiều hơn của cộng đồng người Việt cả ở nước ngoài và trong nước.
Nguyễn Văn Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét