Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Công cụ và cái cớ để can thiệp



QĐND - Trả lời phỏng vấn Đài RFA mới đây, bà dân biểu Hoa Kỳ Lorretta Sanchez - người được các thế lực thù địch phản động tâng bốc là “luôn sát cánh trong vấn đề nhân quyền Việt Nam” và là tác giả của cái “bào thai quái dị” Nghị quyết House Resolution 484, đã nói rằng: “Nghị quyết 484 đặc biệt đề cập trực tiếp đến các Điều 79 và 88 trong Bộ luật Hình sự Việt Nam”. Theo bà dân biểu Lorretta Sanchez, Hoa Kỳ cho rằng: Tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” và “âm mưu lật đổ chế độ” (theo Điều 88 và Điều 79) là hai tội danh bị quốc tế lên án nhiều nhất trong Bộ luật Hình sự Việt Nam với lý do đây là những điều được dùng để “đàn áp các tiếng nói đối lập” và như thế là "vi phạm nhân quyền".
Khi nói ra điều ấy có lẽ bà dân biểu Lorretta Sanchez đã cố tình quên đi một thực tế là tại Hoa Kỳ chính quyền nước này cũng chẳng bao giờ "khuyến khích lật đổ hay phá rối”! Bằng chứng là, Điều 2385 trong "Mỹ quốc pháp điển” đã quy định rằng: "Bất kỳ ai cố ý hô hào, kích động, khuyến khích lật đổ hay phá rối Chính phủ Mỹ và các tổ chức chính quyền cấp dưới đều phải bị tuyên phạt cao nhất tới 20.000USD, hoặc phải ngồi tù 20 năm. Sau khi mãn hạn tù 5 năm cũng không được Chính phủ và các tổ chức khác tin dùng”. Và đây nữa, năm 1798, lo ngại các tư tưởng của cách mạng Pháp có thể lan qua Ðại Tây Dương, Quốc hội Mỹ đã thông qua Ðạo luật Phản loạn quy định: "Việc viết, in, phát biểu hay phổ biến... mọi văn bản sai sự thực, có tính chất xúc phạm hay ác ý chống chính quyền đều là tội…". Thực chất mục đích của Ðạo luật Phản loạn là để ngăn chặn việc tuyên truyền xuyên tạc, kích động chống đối chính quyền.
Nếu bà Lorretta Sanchez cho rằng: Tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” và “âm mưu lật đổ chế độ” (theo Điều 88 và Điều 79) là những điều “mù mờ”..., thì xin hỏi bà những điều luật trên của Hoa Kỳ nên gọi là gì cho xứng?
Với những điều luật của mình, Hoa Kỳ gọi là "tôn trọng nhân quyền", còn cũng những điều luật có nội dung tương tự của Việt Nam thì họ lại cáo buộc là "vi phạm nhân quyền". Người ta chẳng lạ Hoa Kỳ - đất nước luôn tự nhận mình là "tôn trọng nhân quyền" lại luôn có những tiêu chuẩn kép dành cho vấn đề nhân quyền của quốc gia khác. Dù bà dân biểu Lorretta Sanchez có lươn lẹo kiểu gì đi chăng nữa cũng không thể che giấu nổi một sự thật: Nhân quyền chỉ là công cụ để Mỹ thực thi các chính sách phục vụ cho lợi ích của họ. Đó cũng là cái cớ để họ can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia.
KIM NGỌC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét