Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Kỳ tích hạt gạo Việt



QĐND - Cách đây gần 30 năm, Việt Nam vẫn là quốc gia thường xuyên bị thiếu lương thực, phải nhập khẩu. Thế nhưng, chỉ trong thời gian ngắn sau những năm đổi mới, Việt Nam không chỉ tự đáp ứng được nhu cầu lương thực trong nước, mà còn tham gia vào thị trường xuất khẩu gạo. Sản xuất lúa gạo liên tục tăng  cả về sản lượng lẫn năng suất đã giúp nước ta không những bảo đảm được an ninh lương thực trong nước, mà còn luôn duy trì vị trí á quân về xuất khẩu gạo.
"Đánh thức" những cánh đồng vàng
Dẫn chúng tôi đi thăm ruộng lúa đang chín vàng sắp đến ngày thu hoạch, ông Lê Hoàng Ba, sống ở ấp Đông An A, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) hồ hởi nói: Trước đây, năng suất lúa vụ đông xuân của gia đình tôi chỉ đạt từ 4 đến 4,5 tấn/ha, thì bây giờ đã đạt tới 7 tấn/ha đấy".
Quả thật, những người nông dân như ông Ba đã lập nên những kỳ tích mới về sản xuất lương thực.
Trò chuyện với chúng tôi về những thăng trầm của hạt lúa, Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho biết: Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, cả nước vẫn trong tình trạng thiếu ăn. Tôi nhớ vào năm 1988, nước ta vẫn phải nhập khẩu 0,45 triệu tấn gạo. Thế nhưng, chỉ 2 năm sau, tức là vào năm 1990, với 1 triệu tấn gạo được xuất khẩu, Việt Nam đã chính thức tham gia trở lại thị trường xuất khẩu lúa gạo thế giới. Đây có thể coi là kỳ tích gây ấn tượng đối với bạn bè quốc tế. Trực tiếp làm nên kỳ tích này chính là nông dân - những người đã “đánh thức" cánh đồng vàng khi ruộng đất được giao cho họ quản lý, sử dụng.
Giải thích nguyên nhân tạo nên kỳ tích của hạt gạo Việt, Tiến sĩ Lê Văn Bảnh cho rằng, có đóng góp quan trọng của tiến bộ khoa học kỹ thuật, với nhiều giống lúa mới được chuyển giao cho nông dân. Nếu như trước đây, “vựa lúa” vùng ĐBSCL chỉ canh tác 2 vụ/năm, năng suất thấp, thì giờ đây, nhờ hệ thống thủy lợi đê bao ngăn lũ, họ đã sản xuất 3,5 vụ lúa/năm (2 năm/7 vụ).
Một con số khá ấn tượng của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 1995 là 1,98 triệu tấn, đến năm 2011 là 7,1 triệu tấn. Có thể thấy lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong gần 20 năm qua đã tăng gần 3,5 lần và đóng góp không nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Không chỉ riêng khu vực ĐBSCL, mà tại các tỉnh miền Trung, miền Bắc, đặc biệt là các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng, năng suất, sản lượng lúa gạo trong gần 20 năm qua cũng không ngừng tăng lên góp phần bảo đảm vững chắc an ninh lương thực đất nước.
Tự hào hạt gạo Việt
Hiện nay, diện tích sản xuất lúa của Việt Nam xếp thứ 5 thế giới, xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới. Gạo Việt Nam đã được xuất khẩu sang 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo Bộ NN&PTNT, sản lượng lúa trong nước năm 2011 đạt 42,2 triệu tấn, xuất khẩu gạo đạt 7,1 triệu tấn với kim ngạch khoảng 3,7 tỷ USD. Riêng lúa vụ hè-thu các tỉnh ĐBSCL đạt năng suất bình quân 5,5 tấn/ha (với sản lượng khoảng 9,2 triệu tấn lúa, mức cao nhất từ trước đến nay). Năm 2012 này, dự kiến tổng sản lượng lúa cả nước đạt 43,4 triệu tấn, tăng hơn 1 triệu tấn (khoảng 2,6%) so với năm 2011.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Ngọc, Nguyên Cục trưởng Cục Trồng Trọt, Bộ NN&PTNT cho hay: Trong thời gian tới, Bộ cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ cấu giống, nâng cao tỷ lệ giống chất lượng cao ở ĐBSCL, tạo điều kiện cho gạo Việt Nam tham gia thị trường gạo chất lượng cao.
Tại Hội nghị Toàn cầu lần thứ hai về “Nông nghiệp, An ninh lương thực và Biến đổi khí hậu” do Việt Nam phối hợp với Chính phủ Hà Lan, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tổ chức ở Hà Nội mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Trong nhiều năm qua, nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nổi bật là sản xuất lương thực. Từ một nước thiếu lương thực, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới; đồng thời nhiều nông, lâm, thủy sản xuất khẩu với khối lượng lớn, xếp vị trí cao trên thế giới. Hiện nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam chiếm 1/5 lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. ViệtNam là quốc gia mà nông nghiệp có vị trí rất quan trọng và luôn được ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Cũng tại hội nghị này, bà Vích-to-ri-a Qua-qua, Giám đốc WB tại Việt Nam, đã đánh giá cao những thành tựu về nông nghiệp của Việt Nam, trong đó có xuất khẩu lương thực. Thành tựu về sản xuất lúa gạo của Việt Nam là kinh nghiệm, bài học tốt cho các quốc gia khác.
Đến năm 2050, để bảo đảm cung cấp đủ lương thực và thực phẩm cho khoảng 9 tỷ người, đòi hỏi mức tăng sản lượng lương thực toàn cầu khoảng 70%.  Trong bối cảnh các nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất, nước, rừng… đang bị khai thác quá mức và sử dụng lãng phí; tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lụt, xâm nhập mặn; những tác động xấu đến môi trường do chính con người gây ra... thì đây quả là một thách thức rất lớn. (Nguồn: Theo tài liệu của FAO)
Bài và ảnh: Nguyễn Kiểm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét