Đó là nhận định của
ông Preben Hjortlund, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tại Hội thảo “Thách thức trong
năm 2013 - Hướng tới Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU” diễn ra ngày 29/11 tại Hà
Nội.
Hội thảo do Phòng
Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng EuroCham tổ chức nhằm
cập nhật những thông tin liên quan đến tiến trình đàm phán FTA giữa Việt Nam -
EU và các thách thức sẽ gặp phải trong năm 2013.
Phát biểu tại Hội
thảo, ông Jean Jacques Bouflet, Tham tán công sứ, Trưởng bộ phận thương mại và
kinh tế, Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết: Việc ký kết chính thức Hiệp định
Đối tác và Hợp tác (PCA); khởi động đàm phán FTA vào tháng 6/2012; vòng đàm
phán FTA đầu tiên vào tháng 10/2012 giữa EU và Việt Nam đã nâng mối quan hệ
song phương giữa 2 bên lên một tầm cao mới. Thị trường của EU vẫn đang mở ra
nhiều cơ hội cho các sản phẩm, hàng hóa từ Việt Nam. EU cần các sản phẩm xuất khẩu
của Việt Nam và đáp lại EU
có thể cung cấp cho Việt Nam
các khoản đầu tư chất lượng hàng đầu, công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quản
lý…
Ông Jean Jacques
Bouflet nhấn mạnh: “EU tin rằng, thỏa thuận FTA giữa 2 bên sẽ mở ra một lối vào
bền vững cho các sản phẩm và dịch vụ của 2 bên. FTA sẽ mang đến cho Việt Nam
không chỉ những lợi ích hữu hình (như loại bỏ thuế quan, tính pháp lý chắc chắn
trong giao thương…) mà còn mang lại những tác động tích cực rộng lớn hơn, giúp
nâng cao vị thế sản phẩm Việt Nam trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn
cầu”.
Về phía Việt Nam,
ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công
thương cho biết, Việt Nam là quốc gia thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á tiến hành
khởi động đàm phán FTA với EU (sau Singapore và Malaysia). Trước đây, Việt Nam đã từng
tham gia đàm phán nhiều hiệp định thương mại với vai trò là thành viên của khu
vực ASEAN. Tuy nhiên, với lần đàm phán này, Việt Nam tiến hành đàm phán một số nội
dung mới, chưa từng tham gia trong các hiệp định thương mại trước đây (như nội
dung mua sắm chính phủ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh). Sau
phiên đàm phán đầu tiên, Việt Nam
và EU đã đạt được sự hiểu biết quan trọng về quan điểm và cách tiếp cận của
nhau.
Tuy nhiên, EU là
một đối tác thương mại lớn, đặt ra những yêu cầu tự do hóa rất cao trong thương
mại. Việt Nam
sẽ phải đưa thuế nhập khẩu về mức 0%, mở cửa thêm thị trường dịch vụ và không
loại trừ khả năng sẽ phải mở cửa thị trường mua sắm công. Do đó, sức ép cạnh
tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam
chắc chắn sẽ tăng.
Bất chấp những khó
khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng FTA vẫn được Việt Nam
và EU xúc tiến từng bước để tiến tới ký kết Hiệp định này. Liệu đây có phải là
thời điểm thuận lợi để tiến hành các đàm phán thương mại hay không? Giải đáp
những băn khoăn này, ông Lương Hoàng Thái cho rằng, sự phát triển của kinh tế
có những chu kỳ biến động lên - xuống, việc đàm phán FTA giữa EU và Việt Nam
được coi là những cơ hội phát triển dài hạn của kinh tế 2 bên. Chúng ta luôn
tin tưởng, suy thoái kinh tế sẽ sớm chấm dứt trong vài năm tới và FTA cũng cần
chừng đó thời gian để có thể đạt được những đồng thuận cao nhất. Khi đó, kinh
tế phục hồi trở lại, Việt Nam và EU đã có FTA là tiền đề để phát triển thương
mại song phương, và Việt Nam sẽ có được môi trường kinh doanh ổn định và lâu
dài, đó chính là thị trường EU.
Ông Preben
Hjortlund cho biết: “Việt Nam
và EU đã đạt được đồng thuận và thống nhất lộ trình cho phiên đàm phán tiếp
theo vào khoảng tháng 4/2013. Chúng ta đang đi đúng hướng và có được những
thuận lợi nhất định trong các cuộc đàm phán FTA. Tuy nhiên, để đạt được việc
hoàn tất đàm phán FTA trong thời hạn 2 năm như mong muốn của các nhà lãnh đạo
hàng đầu 2 bên thì Việt Nam và EU cần nỗ lực hơn nữa với các cam kết chính trị
mạnh mẽ, các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng để có thể tiếp cận tốt nhất tới
thị trường 2 bên”.
Bài và ảnh: Trần
Tuyết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét