QĐND - Dù rắn độc
Hydra trong truyền thuyết tưởng như không thể tiêu diệt vì chém đầu này mọc đầu
khác nhưng cuối cùng, để chiến thắng, dũng sĩ Héc -quyn đã nghĩ ra cách dùng
lửa đốt ngay chỗ vết thương của những cái đầu vừa bị chặt. Vậy đâu là “lửa” để
diệt “rắn Hydra - thông tin bẩn trên internet”?
Bài
học quốc tế
Sự bất ổn tại Trung
Đông, châu Phi mấy năm qua khiến nhiều người nhớ tới câu chuyện “Mùa Xuân A
-rập”, khởi đầu từ cuộc biểu tình của lực lượng lao động Tuy -ni-di vào ngày
14-1-2011 nhằm bày tỏ sự đoàn kết và cảm thông với một thanh niên bán trái cây
trẻ tuổi tên là M. Bu -a-di-di (Mohamed Bouazizi), người đã tự thiêu vì tuyệt
vọng để phản đối cảnh sát. Hình thức bày tỏ của “sự cảm thông” qua các trang
thông tin cá nhân, mạng xã hội đã nhanh chóng thổi bùng ngọn lửa phản kháng vốn
đã âm ỉ do sự bức xúc đang “ứ” lên ở Tuy -ni-di vì thất nghiệp, tham nhũng,
biến thành những cuộc biểu tình lật đổ chế độ. Phong trào được tiếp sức từ các
thế lực trong ngoài, tiếp tục lan rộng, gây sụp đổ thể chế ở nhiều quốc gia.
“Trái đắng” của cái gọi là “mùa xuân” ở chỗ, chẳng có "thành công của cuộc
cách mạng" nào ngoài cuộc sống bất ổn hơn, khó khăn hơn cho người dân. Các
cuộc bạo động đường phố ở Anh, xuống đường “chiếm phố Wall” ở Mỹ và nhiều nước
khác, cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử ở Nga năm 2011 và phản đối ông Pu
-tin đầu năm 2012… được giới truyền thông quốc tế phản ánh đều liên quan tới
việc các thế lực đối lập sử dụng mạng xã hội như Facebook, Twitter, youtube và
cả điện thoại di động để kích động.
Câu chuyện ấy đã
được các thế lực thù địch âm mưu sử dụng ở Việt Nam. Vụ việc điển hình là đúng vào
thời điểm biểu tình bạo động chính trị ở Trung Đông - Bắc Phi lên đến cao trào,
các tổ chức phản động lưu vong như Việt Tân, Đảng Dân chủ… liên tục phát tán
thông tin xuyên tạc về vụ tự thiêu của Phạm Thành Sơn, kỹ sư công nghệ thông
tin ở Đà Nẵng trước trụ sở UBND thành phố để kích động giống như vụ người thanh
niên bán hoa quả tại Tuy -ni-di.
Để
không còn “khoảng trống” thông tin
Trung tướng Nguyễn
Quốc Thước cho rằng, bản chất của các thế lực thù địch thì không bao giờ thay
đổi, chúng ta phải kiên quyết đấu tranh, không mơ hồ, ảo tưởng. “Họ giả nhân
giả nghĩa, đã đóng góp gì cho đất nước, dân tộc đâu. Phá Đảng, phá chính quyền
cũng chính là “phá dân”. Nếu ai đó bị mê hoặc tưởng họ tốt thì cứ đặt câu hỏi
sao họ không ra trực diện mà phải chui lủi ở đâu. Tuy nhiên, không nên quy
chung một rọ những người có ý kiến trái chiều với các thế lực phản động. Đối
với những người còn có nhận thức khác, cần chủ động tăng cường đối thoại, thông
tin hai chiều. Cung cấp thông tin đúng đắn, chính xác, khách quan phản hồi kịp
thời các kiến nghị của cán bộ, đảng viên và nhân dân là cách tốt nhất đẩy lùi
thông tin "bẩn". Ví dụ như vừa qua, một bản kiến nghị của tôi đã được
đồng chí Tổng biên tập Báo Nhân Dân tiếp thu, trao đổi phản hồi và
cho đăng tải là cách làm rất đáng ghi nhận” - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước
nói.
Theo một cán bộ
ngành tuyên giáo có kinh nghiệm, không phải tất cả web, blog đều là xấu độc và
cũng không nên quá cường điệu hóa nguy cơ từ web, blog có nội dung xấu, nên coi
nó như một phần “tối”, phần “rác” không đáng kể trên con đường chúng ta đang
lựa chọn để đi. Cùng với việc xử lý nghiêm hơn về pháp luật, nên xác định rõ
mục tiêu của chúng ta không phải chỉ là xử lý vài trang mạng cụ thể mà cần đấu
tranh kiên trì, thường xuyên, có hệ thống với chiến lược “Diễn biến hòa bình”
cũng như nguy cơ “tự diễn biến”, nhìn nhận vấn đề ở tầm cao hơn, toàn diện hơn.
TS Nguyễn Thế Kỷ,
Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: “Cần phải có một cơ chế cung cấp
thông tin thật nhanh và chính xác cho báo chí trong nước. Các phương tiện
truyền thông trong nước phải đưa thông tin thật nhanh nhạy, hấp dẫn, bổ ích để
đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Khi công chúng được đáp ứng đủ nhu cầu thông tin thì
họ không cần phải tìm kiếm ở bên ngoài. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin
và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ có một cơ chế cung cấp thông
tin cho báo chí nhanh hơn, nhạy hơn và đầy đủ hơn. Chúng ta cần phải nhanh
chóng nói đúng bản chất sự việc, nói có tính định hướng để công chúng hiểu”.
Quản
lý và xử lý
Đồng chí Nguyễn Bắc
Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, trong một cuộc giao lưu trực tuyến
gần đây đã khẳng định: “Những thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc cần được
kiểm soát chặt chẽ và có chế tài cụ thể. Đây là hành vi mà không chỉ Luật Báo
chí mà cả những luật khác phải có chế tài vì nó vi phạm đến nhân phẩm, quyền tự
do của người khác, uy tín cá nhân. Bộ đang hoàn thiện dự thảo thay thế Nghị
định 97 theo hướng làm sao vừa tạo điều kiện tự do cho mọi người, đồng thời
cũng để hạn chế những hành vi lợi dụng để xâm phạm tự do cá nhân, vi phạm pháp
luật”. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, một số cán bộ thuộc
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết thêm: Dự thảo nghị
định này sẽ bổ sung một số quy định và khái niệm như “thông tin công cộng”,
“thông tin riêng”, “trang thông tin điện tử cá nhân” để có chính sách quản lý
phù hợp. Theo đó, những blog nếu cung cấp thông tin công cộng thì phải tuân thủ
theo quy định về thông tin công cộng, không thể tùy tiện thông tin sai trái.
Còn theo các cơ
quan chức năng thuộc Bộ Công an, cần sớm xây dựng và ban hành hệ thống pháp
luật bảo đảm an ninh, an toàn trong lĩnh vực internet, trước mắt, cần ban hành
Luật An ninh thông tin, thông tư của Bộ Công an về quản lý hoạt động thông tin
điện tử cùng các quy định khác phục vụ công tác đấu tranh, xử lý tội phạm trên
môi trường internet. Cần bổ sung chức năng thanh kiểm tra về an ninh thông tin
để cơ quan công an có thể trực tiếp thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm. Rà
soát, thống kê, đánh giá toàn bộ các trang web, blog, diễn đàn, trang tin, báo
điện tử mà các đối tượng dùng làm công cụ truyền bá, phát tán thông tin phản
động, sai trái, xác minh, phân loại để có biện pháp đấu tranh ngăn chặn. Kiểm
soát, phát hiện việc để lộ, lọt bí mật qua internet, khắc phục các lỗ hổng bảo
mật. Mặt khác, cũng cần phải có nguồn kinh phí riêng cho việc xử lý, ngăn chặn,
kiểm soát internet, sớm xây dựng dự án kiểm soát internet cấp quốc gia đáp ứng
yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiểm soát được các loại hình dịch vụ gia
tăng trên internet và mạng xã hội, không phụ thuộc nhiều vào các nhà cung cấp
dịch vụ như hiện nay.
“Cái
kiềng” tư tưởng
Ở đây, cũng cần
nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của người đảng viên và quản lý của tổ chức
Đảng. Vừa qua, có hiện tượng đảng viên đang công tác tại các cơ quan Nhà nước
sử dụng blog, web cá nhân phát tán thông tin xấu nhưng tổ chức cơ sở Đảng chưa
nắm bắt, xử lý và thi hành kỷ luật. Quy định số 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành
Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm nêu rất rõ các điều cấm
như: “Nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng,
nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; làm những việc mà
pháp luật không cho phép”; “cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những
thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước hoặc những việc chưa được phép
công bố; tàng trữ, tuyên truyền, tán phát hoặc xúi giục người khác tuyên
truyền, tán phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những quan
điểm trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước”; “viết bài, cho đăng
tải tin, bài sai sự thật, vu cáo, bịa đặt hoặc quy kết về tội danh, mức án
trước khi xét xử... Sáng tác, sản xuất, tàng trữ, tán phát các tác phẩm, công
trình văn học, nghệ thuật không lành mạnh, mang tính kích động gây ảnh hưởng
xấu trong xã hội; tán phát bài viết, hồi ký không đúng sự thật”: “Tổ chức, xúi
giục, tham gia các hoạt động bè phái, chia rẽ, cục bộ gây mất đoàn kết nội bộ.
Lợi dụng việc phát ngôn, nhân danh việc phản ánh, góp ý kiến đối với Đảng để đả
kích, vu cáo, xúc phạm, nhận xét, đánh giá tùy tiện đối với người khác…”. Những
nội dung nói trên rất cần được thi hành nghiêm túc trong Đảng, phát huy vai trò
tiền phong gương mẫu của đảng viên khi hoạt động trên môi trường internet.
Một bài học đáng
tham khảo từ Ai Cập, khi “cách mạng hoa nhài” đã trở thành “lửa gần” vào đầu
năm 2011, Tổng thống Mu -ba-rắc mới ra lệnh chặn Facebook, cắt internet… nhưng
đã quá muộn. Cho nên, “xây” luôn đi đôi với “chống”, quản lý không có nghĩa là
“khóa, cấm” cực đoan mà phải gắn liền với mục tiêu phát triển. Bác Hồ từng căn
dặn: “Sự nghiệp làm nên bởi chữ “đồng”. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí
gần đây, nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã nhắc đến
câu của Anh -xtanh mà ông rất tâm đắc, đại ý: Thảm họa của xã hội không phải
nằm ở một số kẻ xấu, mà nó nằm ở số đông người im lặng. Mà kẻ xấu thì bao giờ
cũng ít hơn rất nhiều so với những người không xấu song im lặng.
Nếu toàn Đảng và
toàn xã hội làm tốt hơn việc phát huy dân chủ, đấu tranh phê bình và tự phê
bình, đẩy lùi những sự “im lặng đáng sợ” thì chắc chắn sẽ không còn đất sống
cho các web, blog có nội dung xấu. Chúng sẽ thực sự lạc lõng, bị “bỏ qua” trước
"cái kiềng” tư tưởng và ngọn lửa luôn cháy sáng bởi tình yêu Tổ quốc và sự
đồng thuận, phát triển, đúng như câu ca dao mà Bác Hồ từng nhiều lần trích dẫn,
căn dặn chúng ta: “Dù ai nói ngả nói nghiêng / Lòng ta vẫn vững như kiềng ba
chân!”.
Một số kinh
nghiệm quản lý internet trên thế giới:
Trung Quốc: Lập
những “tường lửa”, ngăn chặn toàn bộ các mạng xã hội bên ngoài nếu xét thấy
nguy hại nghiêm trọng. Quy định các nhà cung cấp dịch vụ trên internet phải
đặt máy chủ ở Trung Quốc.
Nga: Chính phủ
kiểm soát chặt chẽ mạng xã hội từ nước ngoài.
Bê -la-rút: Cảnh
sát tăng cường kiểm soát thông tin trên các mạng xã hội.
Mỹ: Các nghị sĩ
đang tranh cãi về một dự luật internet mà Tổng thống Mỹ rất muốn ban hành.
Các quốc gia khác
như: Pa-ki-xtan, I-ran, Xy-ri, Triều Tiên, Băng-la Đét, Các tiểu Vương quốc A
-rập thống nhất, Mi-an-ma… đã chặn các mạng xã hội nước ngoài như Facebook,
Flickr, Twitter…
(Theo TS Nguyễn
Thế Kỷ, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương)
|
Nguyên Minh, Nguyễn Hòa, Ngọc
Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét