QĐND - Trong ý
kiến phát biểu tại phiên thảo luận chung ngày 1-10-2012 của Đại hội đồng khóa
67, Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh đã chính thức
thông báo Việt Nam ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) Liên hợp
quốc nhiệm kỳ 2014-2016.
Hội đồng Nhân quyền
Liên hợp quốc (United Nations Human Rights Council) là một tổ chức trực thuộc
Đại Hội đồng Liên hợp quốc. Tổ chức này ra đời ngày 15-3-2006, theo Nghị quyết
A/RES/60/251. Đây là tổ chức nhân quyền mới, thay thế cho Ủy ban Nhân quyền
Liên hợp quốc đã chấm dứt hoạt động từ năm 2006.
Ngay sau khi Việt
Nam thông báo chính thức ứng cử làm thành viên HĐNQ, trên các trang mạng của
các tổ chức "hành nghề chống Cộng" như “Ủy ban Nhân quyền Việt Nam”,
“Những người bảo vệ nhân quyền Việt Nam” cùng với “Quỹ tù nhân lương tâm”, “Tập
hợp vì nền dân chủ”, và “Ủy ban cứu người vượt biển”… đã rầm rộ “ký tên”, lên
tiếng phản đối, đồng thời tìm cách thuyết phục các quốc gia thành viên của Liên
hợp quốc không bỏ phiếu cho Việt Nam tham gia HĐNQ. Có thể nói, việc làm của họ
như một “dòng nước ngược”, không chỉ tốn công vô ích, mà còn tự vạch mặt họ là
những kẻ có động cơ xấu và thiếu thiện chí.
Cũng với cái lý do
“xưa như trái đất”, họ nói: “Chính quyền Hà Nội vi phạm rất trắng trợn quyền tự
do lên tiếng của người dân". Họ dẫn chứng các vụ xử blogger như: Điếu Cày,
Tạ Phong Tần, AnhbaSG, hoặc đàn áp các cuộc biểu tình của dân oan hay của những
người muốn lên tiếng về chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa”.
Người ta còn “gà”
cho các tổ chức, cá nhân cách viết đơn gửi đến các chính phủ: “Chúng tôi hoặc
là những nạn nhân của những vi phạm nhân quyền ngay trên đất nước chúng tôi,
hoặc phải sống lưu vong ngoài Việt Nam vì kết quả của đàn áp khốc liệt mà chính
quyền Việt Nam không bao giờ nương tay”… Bởi vậy "chúng tôi muốn lên tiếng
để nói cho cả thế giới, cho tất cả các thành viên của Liên hợp quốc, cho các
thành viên trong HĐNQ Liên hợp quốc biết rằng Hà Nội không xứng đáng và không
đủ tư cách để ứng cử làm thành viên của tổ chức này”.
Như một phản
xạ “không điều kiện”, ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á
trong tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) - tổ chức được xem là
“sân sau” của các ông nghị cực hữu, chống Cộng trong Hạ viện Mỹ cũng "té nước
theo mưa", nói rằng: “Họ bỏ tù trên chục năm đối với những người thực thi
quyền bày tỏ quan điểm cá nhân như Điếu Cày hay Tạ Phong Tần. Thật quá tàn
nhẫn. Điều này hoàn toàn trái ngược với cam kết của Hà Nội về tôn trọng nhân
quyền và cách hành xử như vậy hoàn toàn không xứng đáng để ViệtNam ngồi vào
chiếc ghế của HĐNQ Liên hợp quốc”.
Không phủ nhận
rằng, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang còn tồn tại không ít những vấn
đề nhân quyền, nhưng đó không phải là việc bỏ tù những người “bất đồng chính kiến”,
mà là những người vi phạm pháp luật quốc gia.
Nhân đây xin lưu ý
rằng, Việt Nam không bỏ tù ai về việc người đó “bày tỏ quan điểm cá nhân”, mà
chỉ trừng phạt họ về hành vi “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”
(Điều 88, Bộ luật Hình sự, 1999). Quy định này hoàn toàn không trái với “Công
ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị”, năm 1966.
Điều 19 của
Công ước nói trên quy định rằng: "Mọi người có quyền tự do ngôn luận… Việc
thực hiện những quy định (về quyền này) kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm
đặc biệt. Do đó, có thể phải chịu một số hạn chế nhất định… để:
a) Tôn trọng các
quyền và uy tín của người khác;
b) Bảo đảm an ninh
quốc gia, hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”.
Đối với nhân dân
Việt Nam, quyền con
người là thành quả của cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu
là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Việc tôn trọng và bảo đảm quyền công dân và
quyền con người đối với Đảng và Nhà nước ta không xuất phát từ bất kỳ sức ép
nào của cộng đồng quốc tế, hoặc của các lực lượng thù địch trong và ngoài nước
mà xuất phát từ bản chất của chế độ xã hội.
Cho đến nay, Việt
Nam đã gia nhập hầu hết các công ước nhân quyền quốc tế cơ bản về quyền con
người, trong đó có Công ước về quyền dân sự, chính trị, Công ước về quyền kinh
tế, xã hội, văn hóa; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, Công
ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Việt Nam là nước thứ
hai trên thế giới và nước châu Á đầu tiên tham gia Công ước Quyền trẻ em. Việt Nam cũng đã ký
kết và phê chuẩn 17 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế. Hiện nay, Việt nam
đang nghiêm túc xem xét việc tham gia Công ước chống tra tấn.
Các văn bản pháp
luật trong nước được ban hành hoặc sửa đổi trong nhiều năm qua theo hướng nội
luật hóa các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Có thể nói ở
Việt Nam
cho đến nay, các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn
hóa đều được bảo đảm theo khả năng có thể của nền kinh tế và trình độ phát
triển của văn hóa đất nước. Đặc biệt từ khi đất nước đổi mới, đời sống mọi mặt
của người dân được nâng cao đáng kể.
Theo Báo cáo của Ủy
ban Dân tộc, thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2 (2006-2010), ngân sách
Trung ương đầu tư lên tới 15.000 tỷ đồng, trong đó các tổ chức quốc tế hỗ trợ
350 triệu USD. Từ nguồn vốn trên, Chương trình đã xây dựng được gần 13.000 công
trình hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm ở các vùng đồng bào dân
tộc thiểu số. Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ giảm nghèo nhanh và bền
vững đối với 62 huyện nghèo trong cả nước, với kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà
nước, vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ của doanh nghiệp, Quỹ vì người nghèo các địa
phương… đến hết năm 2010 các huyện nghèo đã cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm
với tổng số 73.418 căn nhà đạt 94,58% kế hoạch.
Kể từ năm 2009, lần
đầu tiên Việt Nam
thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Đây là một cố gắng lớn của Việt Nam. Năm 2011,
trong hoàn cảnh nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, chi ngân sách Nhà nước
cho công tác an sinh xã hội ước tăng khoảng 20% và dư nợ tín dụng ưu đãi thực
hiện chính sách xã hội tăng khoảng 17% so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm
khoảng 1,5%, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang được
triển khai có hiệu quả. Những điều này đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và
đánh giá cao.
Quyền tự do ngôn
luận, báo chí và thông tin được bảo đảm ngày càng tốt hơn. Cho đến nay, cả nước
có hơn 700 cơ quan báo chí với hơn 1000 ấn phẩm báo chí, chương trình truyền
hình, đài phát thanh… Người dân Việt Nam ngày nay còn được tiếp cận với
nhiều hãng thông tấn, báo chí, các kênh truyền hình nước ngoài như: Reuters,
BBC, VOA, AP, AFP, CNN… Hội Nhà báo Việt Nam có tới hơn 17.000 hội viên. Tốc
độ phát triển internet ở Việt Nam
được xếp hạng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Còn nhớ ngày
24-9-2009, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã thông qua Báo cáo quốc gia của
Việt Nam về tình hình thực hiện quyền con người trong khuôn khổ cơ chế Báo cáo
kiểm điểm định kỳ (UPR) của Liên hợp quốc. Tham gia phiên họp thông qua báo cáo
này có đầy đủ đại diện của 192 nước thành viên của Hội đồng Nhân quyền, các tổ
chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ.
Trong phần phát
biểu đánh giá, bình luận, đóng góp ý kiến của đại diện các quốc gia, hầu hết
các ý kiến đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực thực hiện
quyền con người ở Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng báo cáo của Việt Nam đã thể hiện
thái độ nghiêm túc, hợp tác, cởi mở với cộng đồng quốc tế.
Cu-ba,
Vê-nê-xu-ê-la và Nga, xem cách tiếp cận và phương pháp giải quyết của
Việt Nam
trong việc thực hiện quyền con người là một tấm gương để các nước học tập. Thái
Lan nói rằng Việt Nam
đã cung cấp kinh nghiệm quý cho các nước khác trong việc thực hiện đầy đủ quyền
của người dân. An-giê-ri coi những thành tựu của Việt Nam, cũng như cách tiếp cận của Việt Nam trong việc
thực hiện Cơ chế kiểm điểm định kỳ là một đóng góp thiết thực vào cơ chế hoạt
động của HĐNQ (theo TTXVN 24-9-2009).
Cách đây không lâu,
đầu năm 2012 khi Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ thông qua “Dự luật nhân quyền
Việt Nam 2012” do một nhóm Hạ nghị sĩ cực hữu Mỹ đồng bảo trợ, Hạ nghị sĩ Eni
Faleomavaega - một cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam và đã từng nhiều lần trở lại
thăm Việt Nam, nói rằng : "Tôi có một cách nhìn khác khi nói tới Việt Nam…
Điều mà tôi không đồng tình với dự luật này là tại sao chúng tôi lại cứ coi
Việt Nam
như là một nước duy nhất vi phạm nhân quyền. Quan điểm của tôi là Chính phủ
Việt Nam
đã nỗ lực hết sức để đưa người dân thoát ra khỏi những vi phạm về nhân quyền
đó, cũng như đã cố gắng để giải quyết những vấn đề này… Trong khi đó, chính ở
Mỹ cũng có những vi phạm về nhân quyền. Ở Mỹ cũng có vấn đề buôn người, giống
như ở Việt Nam
hay bất cứ nước nào khác, từ châu Phi, châu Âu. Lập luận của tôi là các ngài
đang áp đặt một thứ tiêu chuẩn kép", theo VTV, ngày 9-3-2012.
Tại Hội nghị không
chính thức các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (ngày 27 và 28-9-2012) nhân dịp Khóa
họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, tại New York (Mỹ), sau khi nghe Thứ trưởng
Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh thông báo chính thức Việt Nam ứng cử làm thành
viên HĐNQ nhiệm kỳ 2014-2016, các Ngoại trưởng ASEAN nhất trí ủng hộ mạnh mẽ
Việt Nam ứng cử làm thành viên HĐNQ Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016, dự kiến
sẽ được bầu trong năm 2013.
Như vậy có thể nói,
cơ hội để Việt Nam
trở thành thành viên của HĐNQ khóa 2014-2016 là rất lớn. Tuy nhiên, việc Việt
Nam nếu trở thành thành viên của tổ chức này thì không phải như các thế lực
chống Cộng trong và ngoài nước nói là để “che đậy những hành vi vi phạm nhân
quyền trắng trợn hơn”, mà là tự nhận lấy trọng trách của mình trong việc bảo
đảm ngày càng tốt hơn quyền con người của nhân dân Việt Nam, đồng thời chia sẻ
trách nhiệm bảo đảm quyền con người với cộng đồng quốc tế.
BẮC HÀ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét