Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Bài 5: Hiểu đúng luật pháp về quyền tự do tôn giáo



“Tự do tín ngưỡng và tôn giáo cũng không phải là tuyệt đối, các nhà nước có thể hạn chế các tự do này nếu đó là cần thiết để bảo vệ anh ninh quốc gia, trật tự xã hội...” (trích Điều 29, Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị, năm 1966). Vì vậy, để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ lợi ích cộng đồng, những người lợi dụng tôn giáo để thực hiện âm mưu chống lại sự bình yên, lợi ích của cộng đồng tại Việt Nam, cần được nghiêm trị.
Hiểu biết nửa vời
Hạ viện Mỹ vừa thông qua Nghị quyết H.Res 484 (nội dung vu cáo Chính phủ Việt Nam cấm đoán tự do tôn giáo, giam cầm “các nhà đấu tranh ôn hòa đòi tự do tôn giáo và tự do chính trị”) do nghị sĩ Loretta Sanchez khởi xướng và Dự luật Nhân quyền Việt Nam năm 2012, số hiệu H.R 1410 (đưa ra hạn chế đối với Chính phủ Mỹ dựa trên những quy định về nhân quyền trong quan hệ với Việt Nam) do nghị sĩ Chris Smith kiến nghị.
Cơ sở nào để hai nghị sĩ này làm nên H.Res 484 và H.R 1410?
Năm 2007, bà Sanchez được phép đến VN và trong vài ngày ngắn ngủi. Ở VN bà chỉ nhăm nhăm gặp gỡ vài người bất đồng chính kiến với nhà nước VN, từ chối tiếp xúc với những người bị nhiễm chất độc da cam do quân đội Mỹ gây ra tại VN và các cựu chiến binh VN, khi họ đề nghị gặp gỡ bà.

Chỉ thấy bấy nhiêu thôi mà bà Sanchez viết ra được cái nghị quyết H.Res 484. Cơ sở để ông Smith đưa ra Dự luật H.R 1410 còn tù mù hơn: chỉ dựa vào thông tin do văn phòng tập hợp các báo cáo của nhiều năm trước cộng với lời khai của 5 nhân chứng gồm: cựu dân biểu gốc Việt họ Cao, một phụ nữ Việt Nam tự nhận là nạn nhân vụ “buôn người” (thật ra là xin đi lao động hợp tác ở nước ngoài nhưng không chịu nổi áp lực công việc đã bỏ trốn), đại diện của Quỹ Người Thượng (Quỹ này do K’sor Kok và tổ chức Fulro lưu vong lập ra để tiến hành vụ bạo loạn tại Tây Nguyên nhằm đòi thành lập nhà nước Đê Ga), đại diện của tổ chức theo dõi nhân quyền Mỹ (Human Right Watch), ông Nguyễn Đình Thắng (điều hành một tổ chức liên quan đến người VN vượt biên đang ở Mỹ).
Theo ông Smith, thông tin của ông Thắng có được là do ông này đã qua Thái Lan để điều tra về cái gọi là vi phạm nhân quyền đã diễn ra tại Việt Nam (?!).
Thực tế thế nào?
Nếu lấy mốc năm 2006, thời điểm mà Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách CPC để so sánh với thời điểm hiện nay, những người có cách nhìn khách quan sẽ thấy sự thay đổi tích cực trong sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam. Năm 2006, cả nước có 6 tôn giáo và 16 tổ chức tôn giáo được công nhận và đăng ký hoạt động thì nay đã có 12 tôn giáo và 37 tổ chức tôn giáo với hơn 20 triệu tín đồ đang sinh hoạt tại hơn 22.000 cơ sở thừa tự.
Trong 2 năm (2010 và 2011), tại VN có 600 cơ sở thừa tự được nâng cấp, sửa chữa và hơn 500 công trình tôn giáo được xây mới. Các học viện, chủng viện, các trường cao cấp, trung cấp của các tôn giáo được mở ra tại nhiều địa phương với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền các nơi. Năm Thánh 2010 và Đại hội hành hương La Vang tại tỉnh Quảng Trị do Giáo hội Công giáo Việt Nam tổ chức đã có hàng chục ngàn giáo dân đến từ nhiều nước trên thế giới tham dự.
Năm 2008, Đại lễ Phật đản Vesak, Liên hiệp quốc có hơn 4.000 tăng ni, phật tử và 2.000 chức sắc tôn giáo của 74 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự. Công tác huấn luyện và đào tạo của đạo Tin lành ngày càng được đẩy mạnh. Năm 2003, Thánh Kinh Thần học viện của đạo Tin Lành có 50 sinh viên thì năm 2009, đã có 115 sinh viên của 26 sắc tộc ở miền Nam và 15 sinh viên miền Bắc. 600 Mục sư nhiệm chức đã hoàn tất các khóa Thần Học Bổ Túc, trong đó, có 60 Mục sư nhiệm chức là các dân tộc Mông, Sán Chỉ và Tà Pẻng.
Hoạt động in ấn và xuất bản trong lĩnh vực tôn giáo phát triển rất nhanh, từ việc chỉ dùng tài liệu cũ đến nay đã có hơn 4.000 đầu sách mới với hàng chục triệu bản in được phát hành rộng rãi trong và ngoài nước.
Phát biểu về tình hình nhân quyền ở VN, ông Douglas Peterson, cựu Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại VN: “Không thể đánh giá tình hình nhân quyền của một quốc gia trên chuẩn 100% hài lòng. Hoa Kỳ cũng như không một quốc gia nào khác có thể đáp ứng nhu cầu đó. Thang điểm 100% hài lòng về mặt nhân quyền là điều không thể đạt được tại một quốc gia”.
Tự do tôn giáo là quyền có giới hạn
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong bản Tuyên ngôn nhân quyền toàn thế giới (năm 1948). Năm 1966, quyền này được phát triển đầy đủ hơn trong Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị; tại Điều 18 có viết: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo, tín ngưỡng có thể bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật khi những giới hạn này là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hoặc đạo đức của những người khác”.
Điều 29 Bản Công ước trên viết: “Tự do tín ngưỡng và tôn giáo cũng không phải là tuyệt đối, các nhà nước có thể hạn chế các tự do này nếu đó là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự xã hội, sức khỏe đạo đức của cộng đồng hoặc bảo vệ lợi ích người khác khỏi bị xâm hại”.
Ông Smith, bà Sanchez, HRW vì sao không “chịu nhớ” rằng - chính quyền Mỹ cũng đã bắt giữ hàng trăm người Mỹ tham gia bày tỏ chính kiến ở những cuộc biểu tình tại thành phố New York trong chiến dịch “chiếm phố Wall”?. Trong cuộc chiến chống khủng bố, chính quyền nước Mỹ đã bắt giam một số nghi phạm khủng bố và giam giữ họ tại các nhà tù Guantanamo, ở Afghanistan, Iraq. Những việc đó, gọi là vi phạm nhân quyền được không?.
Thật ra, để bảo đảm an ninh chính trị và giữ bình yên cho cuộc sống nhân dân nước mình, chính quyền mỗi quốc gia đều có cách hành xử, quản lý đất nước họ theo cách riêng và điều này cần được các quốc gia khác tôn trọng, nếu họ không đi ngược các quy ước quốc tế đã có.
Có một thực tế mà ít người nhớ, đó là Quyền tự do tôn giáo tại VN được công nhận rất sớm. Quyền này được ghi tại Điều 10, Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, năm 1946. Và được phát triển đầy đủ hơn tại Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, năm 1992, Điều 70 viết: “Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ . Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”.
Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo năm 2004 và Nghị định 22 của Chính phủ ban hành năm 2005 đã thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Như thế, quan điểm của cộng đồng quốc tế và VN về vấn đề tự do tôn giáo, không có gì khác biệt. Đó là, Quyền tự do tôn giáo không phải là tuyệt đối mà là một quyền có giới hạn. Bất cứ ai lạm dụng quyền tự do tôn giáo để gây hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vi phạm các quyền của người khác đều bị xử lý theo pháp luật.
*****
Để thay lời kết cho loạt bài này, chúng tôi mượn lời nói của cựu Tổng Thống Mỹ Bill Clinton, khi đề cập tới sự phát triển quan hệ Mỹ -Việt với sinh viên Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, năm 2010: “Tất cả các công việc này chúng ta làm cùng nhau, giúp chúng ta lắng nghe, thêm hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, để cải thiện khởi đầu mới. Quan hệ không thể nở hoa sau một đêm, nhưng có thể đem lại kết quả qua thời gian, bằng những nỗ lực chung”.
Hạ nghị sĩ Eni Faleomavaega đã tỏ rõ sự bất bình khi Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2012 (H.R 1410) do nghị sĩ Chris Smith đề xuất được Hạ viện Mỹ thông qua. Bởi, theo ông, Dự luật trên có cách tiếp cận “thiển cận”, đi ngược lại những nỗ lực của các chính quyền từ Tổng thống Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama trong củng cố quan hệ đối tác giữa Mỹ với Việt Nam; không công bằng với cả nhân dân và Chính phủ Việt Nam.
“Tôi không nhất trí với cách nhìn nhận về nhân quyền của một số nghị sĩ Mỹ, những người có thiên hướng áp đặt tiêu chí mà họ cho rằng chuẩn mực trong vấn đề này. Mỗi nước đều có giá trị và nguyên tắc riêng trong thực thi nhân quyền. Tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam đã làm những gì tốt nhất… Tôi cho rằng thực tế nhân quyền tại Việt Nam chưa được phản ánh chính xác”, nghị sĩ Eni Faleomavaega nói.

Phạm Thục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét