QĐND - Sự kiện sinh
viên Nguyễn Phương Uyên và thanh niên Đinh Nguyên Kha, chỉ vì nghe những lời
hứa hão trên mạng của tên Nguyễn Thiện Thành mà đã tình nguyện gia nhập cái gọi
là tổ chức “Tuổi trẻ yêu nước” rồi lạc lối đi vào mê cung phạm pháp, tham gia
rải truyền đơn, chế tạo thuốc nổ hòng chống phá Nhà nước Việt Nam XHCN, khiến
nhiều người cảm thấy đau lòng. Vấn đề đặt ra là tại sao những thanh niên,
trí thức trẻ lại dễ dàng bị dụ dỗ, lôi kéo vào những trang mạng điện tử xấu độc
để rồi nhanh chóng trở thành kẻ lầm đường đến vậy?
Trả lời cho câu hỏi
này không dễ, dù vấn đề này đặt ra ngay từ khi internet được phát triển ở
Việt Nam.
Một cuộc điều tra mới đây của nhóm các nhà khoa học thuộc Tạp chí Cộng sản cho
thấy: Sinh viên, trí thức trẻ chính là lực lượng sử dụng internet đông đảo,
thường xuyên nhất với khoảng 82,5% vào mạng hằng ngày. Các thế lực thiếu thiện
chí hay thù địch với Việt Nam nhận thức rất rõ vấn đề này và ngay lập tức, họ
tập trung lôi kéo thanh niên, sinh viên, trí thức trẻ vào “ma trận” mới.
Nhiều đài phát thanh, truyền hình tiếng Việt ở hải ngoại mà RFA là một ví dụ,
thậm chí còn dừng hẳn chương trình phát thanh để tập trung nguồn lực phát triển
báo mạng mà đối tượng bạn đọc được họ "ưu tiên" hàng đầu chính là
thanh niên.
Đặc điểm tâm lý
khao khát cái mới cũng là nguyên nhân để tuổi trẻ tự nguyện trở thành “tín đồ”
của cộng đồng mạng. Có thể tìm thấy ở đây lời giải thích cho sự dễ dãi, cả tin
mà Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha cũng như một số bạn trẻ khác đã vấp
phải. Tuổi trẻ bao giờ cũng mơ ước cái mới, họ không bao giờ bằng lòng với cái
hiện có, với những gì họ cho là lạc hậu, cổ hủ. Đây là một đặc tính tốt, bởi
nếu giới trẻ chỉ biết bằng lòng với những gì lớp cha anh đã bày sẵn thì
chắc chắn không bao giờ có cách mạng hay tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, không phải
mọi cái mới đều là cái hay, cái tốt và đó chính là cạm bẫy đối với giới trẻ khi
trên cộng đồng mạng đầy rẫy những trang “web đen, blog độc” nhưng được ngụy
trang kín đáo như là hiện thân của cái mới. Làm thế nào để thanh niên có đủ bản
lĩnh nhận ra đâu là cái mới thật sự để không bị đầu độc bởi những thông tin
“nhân danh cái mới”? Chỉ có thể bằng cách sử dụng những trang mạng điện tử
chính thống, có uy tín, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, đúng sự
thật về các sự việc trong nước và quốc tế cho thanh niên. Mọi thông tin
cắt xén, chắp vá, tùy tiện sẽ không thu hút được thanh niên và sẽ càng làm cho
họ đánh mất sự tin cậy vào tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể. Có người cho
rằng, các trang báo mạng chính thống không thu hút được thanh niên do giao diện
trình bày và thông tin phụ trợ không bắt mắt, hấp dẫn (không sốc, không sex,
không xì-căng-đan…) nhưng đó không phải là vấn đề chính. Điều thanh niên cần
nhất trên mạng vẫn là nội dung thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ,
phong phú. Sau mỗi sự kiện được dư luận chú ý, rất cần có các hình thức diễn
đàn, tranh luận trên mạng để giúp thanh niên tìm ra chân lý. Thanh niên không
thích áp đặt, không thích những bài thuyết giảng, những bài chính luận dài
dòng, thiếu thuyết phục, nhưng với những cuộc tranh luận sôi nổi trên
mạng, được tổ chức dân chủ, bình đẳng thì họ sẽ hào hứng tham gia. Bằng con
đường này, các trang báo mạng sẽ khuyến khích tuổi trẻ nhận đúng cái mới, có
sức đề kháng trước những trang web đen, những thông tin “nhân danh cái mới”
xuất hiện đầy rẫy trên mạng mà không “tường lửa” nào có thể ngăn chặn được hết.
Trở lại câu chuyện
của Phương Uyên, một sinh viên làm cán bộ đoàn đã bị một tên tội phạm lừa dụ đi
vào con đường tội lỗi chỉ vì những lời hứa tài trợ học bổng, mua laptop… Câu
chuyện này phản ánh một “con đường” khá phổ biến đối với những thanh niên “lạc
lối trên mạng” đã bị kẻ xấu “đánh trúng huyệt” - đó chính là “việc
làm và thu nhập”. Ước mơ đầu tiên của thanh niên là có việc làm, của sinh
viên là có khoản thu nhập cá nhân để tự trang trải cho cuộc sống của mình. Nhìn
thẳng vào sự thật của đất nước ta thì để thực hiện ước mơ trên, đối với mọi
thanh niên đều rất khó khăn. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ngày một cao, kể cả
khu vực đô thị lẫn các vùng nông thôn; những tiêu cực trong vấn đề giải quyết
việc làm khiến không ít thanh niên giỏi tỏ thái độ bất
mãn vì không tìm được việc làm phù hợp với khả năng, trình độ của mình. Những
khó khăn, bức xúc trong cuộc sống thường nhật đã đẩy một bộ phận bạn trẻ thiếu
bản lĩnh lún sâu vào những mảng tối cuộc sống và trong đó, có những người như
Phương Uyên đã "lựa chọn" con đường thiếu sáng suốt. Sự việc này cho
thấy, ngay cả với những thanh niên có trình độ hiểu biết nhất định thì nhận
thức và ý thức bảo vệ Tổ quốc của họ cũng chưa đầy đủ, vẫn
chỉ ở mức trực quan. Họ chỉ bảo vệ những gì mà họ cho rằng mang lại "lợi
ích" cho chính mình. Nếu sự bức xúc về thu nhập, việc làm trong thanh
niên không được giải quyết thì những thế lực thù địch, phản động càng có cơ hội
ve vãn, mua chuộc thanh niên, từ bị “diễn biến” sẽ có bộ phận thanh niên chuyển
hóa sang “tự diễn biến”. Vì vậy, để giải quyết tình trạng thanh niên lạc lối
trên môi trường ảo, rất cần những giải pháp chăm lo đời sống thanh niên của
Đảng, Nhà nước ta.
Một vấn đề tưởng
như không liên quan trực tiếp nhưng thực chất lại có vai trò rất quan trọng
trong việc giáo dục, định hướng cho thanh niên trong môi trường ảo, đó là cuộc
chiến chống tiêu cực, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi của toàn xã hội. Vì sao
thanh niên chủ động tìm đến những trang “web đen, blog độc” ? Vì những
trang web này đã khéo léo tìm cách tập hợp, lôi kéo thanh niên bằng
các khẩu hiệu chống tham nhũng, chống tiêu cực, bản thân thanh niên, sinh
viên tìm thấy ở đó chút đồng điệu của “âm thanh phản kháng”. Khi thanh niên
không thể lý giải nổi các hiện tượng tiêu cực, bất công trong xã hội; khi một
bộ phận cán bộ, đảng viên có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị,
đạo đức, lối sống, có những hành vi tham nhũng, tiêu cực; khi chính một số ít
thầy cô giáo cũng tham gia vào con đường “chạy điểm, chạy bằng cấp”… thì đó là
con đường dẫn thanh niên từ chỗ suy giảm niềm tin tìm đến với sự phản
kháng. Chúng ta nhớ lại sự kiện “mùa xuân Ả-rập” đầu năm 2011, từ chuyện một
thanh niên bán trái cây dạo tự thiêu để phản đối cảnh sát, thông qua các trang
mạng xã hội đã thổi bùng thành “lò lửa” phản kháng bởi những uất ức, bất công
(mà đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất là thanh niên) đã tồn tại, âm ỉ từ trước.
Khẳng định vấn đề này để thấy rằng, nếu chúng ta thực sự đưa những vấn đề đã
được quyết nghị tại Hội nghị Trung ương 4, 5 và 6 (khóa XI) vào cuộc sống,
thì chính là giải pháp tối ưu nhất để giúp thanh niên tin tưởng vững
chắc vào con đường đúng đắn của cách mạng Việt Nam, sự
lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự điều hành của chính phủ,
không lầm đường, lạc lối trên môi trường ảo hiện nay.
Điểm cuối cùng,
không thể không nhắc đến là vai trò của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội
thanh niên, Hội sinh viên Việt Nam. Phương Uyên bị bắt khi vẫn
đang là một cán bộ đoàn. Điều này cho thấy sự lỏng lẻo đến kinh ngạc trong công
tác quản lý cán bộ, đoàn viên của tổ chức đoàn. Không thể phủ nhận, thời gian
qua, tổ chức đoàn cũng làm được không ít việc nhưng tình trạng buông lỏng quản
lý đoàn viên, thanh niên của tổ chức này đã đến mức báo động. Ở một
số nơi, tổ chức đoàn đã và đang bị biến thành “bệ phóng” cho các “cậu ấm,
cô chiêu” tiến lên những vị trí quyền lực. Bởi theo cơ cấu, rất
dễ để một thanh niên trẻ tuổi "đủ điều kiện" tham
gia cấp ủy khi đảm nhiệm vai trò “thủ lĩnh thanh niên”. Tình trạng phô
trương, hình thức, thiếu thiết thực của công tác đoàn đang đem lại hệ lụy kép:
Thứ nhất, thanh niên ngày càng tỏ ra thiếu quan tâm, thờ ơ
với tổ chức đoàn. Họ “đánh trống, ghi tên” vào đoàn vì đây là một phần tất
yếu trong đời sống chính trị, mà không xuất phát từ lý tưởng, từ sự giác
ngộ chính trị thực sự. Thứ hai, làm xuất hiện ngày càng nhiều “quan thanh
niên”, bước ra từ cổng trường đại học tiến thẳng vào các cơ quan lãnh đạo
của tổ chức đoàn, mà không thực sự đi lên từ phong trào quần chúng. Xây
dựng đoàn là xây dựng Đảng trước một bước và chúng ta có thể hình dung hậu quả
khôn lường thế nào khi mà việc “xây dựng Đảng trước một bước” đang ở trong tình
trạng như thế.
Trong xã hội ta, tổ
chức đoàn có sứ mệnh là “người bạn đồng hành” của thanh niên. Khi “người bạn”
này ngoảnh mặt, làm ngơ trước những vấn đề của thanh niên thì việc một số bạn
trẻ lạc bước vào mê cung tội lỗi trên cộng đồng mạng cũng là điều có thể lý
giải. Vụ việc xảy ra với sinh viên Nguyễn Phương Uyên giúp chúng ta nhìn lại
một cách nghiêm túc những mặt thiếu sót, khuyết điểm, bất cập trong
công tác giáo dục, rèn luyện đoàn viên, thanh niên, sinh viên để sớm
tìm ra những biện pháp khắc phục.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét