QĐND - Trong thần
thoại Hy Lạp, rắn Hydra là một con vật nguy hiểm sống trong đầm lầy, nó có rất
nhiều đầu. Máu của nó rất độc, hơi thở hôi thối đến mức có thể làm chết người.
Chàng dũng sĩ Héc-quyn đã vô cùng gian nan khi tiêu diệt nó vì cứ chặt xong cái
đầu này, nó lại mọc ngay cái đầu khác. Việc xử lý, ngăn chặn và loại trừ loại
web, blog sai trái, phản động, “tự diễn biến” hiện nay cũng vậy…
"Lách
luật" để "thoát hiểm"
Cách đây gần hai năm,
một trang web xưng danh “đại diện cho giới trí thức và phản biện xã hội” ra đời
đã chớp lấy làn sóng phản đối một số dự án kinh tế chưa được sự đồng thuận
trong xã hội để kích động chính trị, cổ xúy cho những thành phần bất mãn. Sau
một thời gian dài theo dõi, cơ quan chức năng đã nhận thấy nhiều dấu hiệu sai
trái, “phức tạp về chính trị” của trang web này và kiến nghị lên các cơ quan
chức năng liên quan, đề nghị xử lý, cần thiết phải đóng cửa nó. Thế nhưng, mọi
việc lại không hề dễ dàng, bộ chủ quản liên quan đến vụ việc khi kiểm tra đã
cho rằng, chưa đủ căn cứ, cơ sở và chưa có chế tài xử lý trang web này. Lý do
rất đơn giản: Chủ nhân trang nói trên giải trình trang của ông ta chỉ là một
blog, là một trang cá nhân và lỗi duy nhất của trang này là đang sử dụng máy
chủ ở nước ngoài.
Câu chuyện mà phóng
viên Báo Quân đội nhân dân ghi nhận như nêu ở trên đây đã cho thấy một thực
trạng đáng suy nghĩ trong xử lý web, blog có dấu hiệu sai trái, phản động. Thực
tế hiện nay, hệ thống pháp luật quản lý thông tin điện tử ở nước ta còn chưa
hoàn thiện, nên đã dẫn đến tình trạng cơ quan quản lý và cả cơ quan pháp luật
“lúng túng” khi xử lý những “con rắn Hydra” web, blog. “Nhiều trang web, blog
đã đăng tải bài viết xuyên tạc sự thật, vi phạm Nghị định số 97/2008/NĐ-CP về
quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet.
Điều 4 của Thông tư số 14 hướng dẫn thực hiện Nghị định này nêu rõ một trong
những hành vi bị nghiêm cấm đối với trang web, blog là: “Tạo trang thông tin
điện tử giả mạo cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khác; thông tin sai sự thật xâm
hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân”. Thế
nhưng, có rất nhiều trường hợp người bị xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống lại không
có đơn thư tố cáo với cơ quan pháp luật, nên cả Bộ Thông tin và Truyền thông và
Bộ Công an đều không thể vào cuộc xử lý” - một cán bộ công an có kinh
nghiệm theo dõi nhiều vụ việc cho biết. Mặt khác, tâm lý chung của nhiều người
Việt là không muốn đôi co, dây dưa vào những phần tử bất mãn, như gần đây gia
đình một cán bộ của quân đội cũng bị vài blog đăng tải nội dung bịa đặt, bôi
xấu nhưng đồng chí này cũng không kiến nghị cơ quan chức năng xử lý vì không
muốn gây phiền toái. Phải chăng vì thế mà không ít chủ trang web có dấu hiệu
sai trái, phản động vẫn ngang nhiên lộng hành, dương dương tự đắc vì đã “lách
luật”, "thoát hiểm" một cách ngoạn mục để thực hiện các mưu đồ đen
tối.
Hành
lang pháp lý chưa hoàn thiện
Khi trao đổi với
một số cơ quan liên quan của Bộ Thông tin và Truyền thông, chúng tôi được biết,
Nghị định 97 sau 4 năm ra đời đã bộc lộ rất nhiều hạn chế, bất cập so với sự
phát triển bùng nổ của internet, web, blog. Ngoài nghị định này, mặc dù còn có
cả các văn bản pháp luật về quản lý blog, quản lý tin rác song cũng chưa bao
quát, chế tài được những hành vi mà chủ nhân nhiều web, blog thời gian qua thực
hiện. Chính vì thế, hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng dự thảo
Nghị định 97 sửa đổi, bổ sung theo hướng quản lý chặt chẽ hơn hoạt động thông
tin điện tử, tạo hành lang pháp lý để xử lý nghiêm minh những hành vi sai phạm.
Tại một hội thảo do
Bộ Công an tổ chức gần đây đã nêu lên thực trạng, việc áp dụng các quy định của
Nhà nước đối với các nhà cung cấp dịch vụ internet trong thực hiện ngăn chặn
thông tin xấu còn hạn chế. Ở Trung Quốc, có quy định các nhà cung cấp dịch vụ
phải đặt máy chủ tại nội địa nên việc quản lý thông tin tốt hơn, còn ở ta,
không ít nhà cung cấp đặt máy chủ ở nước ngoài hoặc không có cơ quan đại diện ở
Việt Nam,
tạo ra “lỗ hổng” quản lý… Theo cơ quan chức năng, hiện nay, việc lập blog rất
đơn giản, nếu đối tượng dùng sim 3G loại sim rác thì gần như không kiểm soát
được. Trong khi đó, lực lượng hoạt động nghiệp vụ quản lý trên internet của một
số bộ, ngành liên quan còn “vừa thiếu, vừa yếu”, hoạt động chồng chéo, bất cập,
có tình trạng “không biết ai là chính, ai là phụ, mạnh ai nấy làm”. Một việc
đơn giản hơn là rà soát, thống kê, đánh giá toàn bộ thực trạng các web, blog,
diễn đàn có nội dung xấu, đánh giá, phân loại, xác minh đối tượng liên quan…
một cách tổng thể để có biện pháp đấu tranh ngăn chặn đến nay cũng chưa được
triển khai thấu đáo. Vừa qua, khi phóng viên Báo Quân đội nhân dân nắm số liệu
ở hai bộ liên quan đến việc này, cơ quan chức năng đều cho biết “chưa đủ thông
tin”. “Nếu cần công bố một danh sách web, blog có nội dung xấu, chúng tôi có
thể làm được ngay, nhưng theo Nghị định 97 hiện hành thì chưa rõ việc này là
của cơ quan nào” - một cán bộ quản lý cho biết.
Quét
“thông tin bẩn”
Ông Vũ Hoàng Liên,
Chủ tịch Hiệp hội internet Việt Nam, một trong những người có công lớn đưa
internet vào Việt Nam trong một lần trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân
dân đã ví von internet là một cái “chợ trời thông tin”, có “hàng” tốt, “hàng”
xấu, thậm chí cả hàng… ăn cắp. Tư duy “quản lý được đến đâu mở ra đến đấy” đã
lỗi thời so với nhu cầu phát triển của xã hội. Tuy nhiên, ông Liên cũng cho
rằng không vì thế mà thả nổi nó thành một cái “chợ trời” bát nháo thực sự mà
phải có quy củ. Chung quan điểm trên, một cán bộ ngành tuyên giáo có kinh
nghiệm theo dõi, chỉ đạo xử lý các hoạt động liên quan đến vấn đề này cho rằng:
“Việc quản lý, xử lý loại web, blog này là vô cùng khó khăn. Về mặt kỹ thuật
không phải cứ muốn là có thể làm được. Về pháp luật, chúng ta chưa có hệ thống
quy phạm đầy đủ và chặt chẽ để xử lý những sai phạm này. Tuy nhiên, cũng phải
thừa nhận một thực tế là những hiện tượng như tham nhũng là hiện thực, chạy
chức chạy quyền, sai sót, khuyết điểm trong giải phóng mặt bằng, quản lý kinh
tế là có. Trong khi đó, hệ thống báo chí, truyền thông còn một số hạn chế, chậm
trễ trong phản ánh, định hướng dư luận, thông tin một chiều ở nhiều vụ việc
“nóng” nên đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho những trang web, blog kia kích thích
vào sự hiếu kỳ, cơn khát thông tin hậu trường… Song đây cũng là một hiện tượng
xảy ra ở nhiều nước trên thế giới, khó kiểm soát, điều quan trọng là thái độ và
trình độ nhận thức, xử lý thông tin của công chúng; không nên cường điệu hóa về
sự nguy hiểm của loại web, blog này. Về lâu dài, cái gốc để hạn chế thông tin
xuyên tạc vẫn là nâng cao năng lực quản lý, điều hành, hạn chế tiêu cực xã hội,
tăng cường dân chủ và kỷ luật, tạo sự đồng thuận, phát triển”.
Chiều 15-9, phóng
viên Báo Quân đội nhân dân đã tìm gặp Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, một người
khá nổi tiếng với nhiều phản biện được nhiều web, blog đăng tải. Tuy nhiên, ông
cho biết có nhiều thông tin ông không phát biểu, không tham gia “nhóm nọ”,
“nhóm kia” song đã bị kẻ xấu đơm đặt, xuyên tạc trắng trợn. Trung tướng Nguyễn
Quốc Thước gọi đó là những “thông tin bẩn”. “Tôi thấy có nhiều người tốt nhưng
vì khía cạnh nào đó họ chưa được giải tỏa dẫn đến họ bức xúc và phát tán gửi
thông tin đi nhiều nơi là không có lợi. Bản thân tôi cũng có nhiều ý kiến,
nhiều góp ý và từng rất bức xúc khi không được phản hồi. Gần đây, tôi rất phấn
khởi sau khi được gặp gỡ, đối thoại với đồng chí Thường trực Ban Bí thư, đồng
chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và được phát biểu hết các bức xúc, không
hạn chế thời gian. Đồng chí Tổng bí thư cũng đã tiếp xúc với tôi, sau đó cho
cán bộ cấp dưới đến nhà riêng, nắm thêm nhiều vấn đề tôi chưa phát biểu hết.
Trước đó, bụng tôi “sôi sùng sục” nhưng sau đó thấy rất thanh thản. Chính vì
thiếu sự đối thoại, phản hồi nên dẫn đến nhiều bức xúc, bị kẻ xấu lợi dụng để
cho có người bị lợi dụng, lôi kéo, sinh ra nhiều trang “thông tin rác, thông
tin bẩn” - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý
cần phân biệt rõ người góp ý phê bình vì dân, vì nước, để xây dựng Đảng với kẻ
lu loa để “phá Đảng”. Ông cho biết, ông cũng rất thận trọng, nhiều nội dung
không đi đánh máy, phô-tô mà trực tiếp viết tay để tránh bị kẻ xấu sao chép,
xuyên tạc. “Gần đây, có người bạn thân hỏi đùa ông có “tham gia” cho mấy
trang mạng đang được đồn thổi đình đám kia không, ông nói thẳng: “Cái gì cần
góp ý tôi viết cho báo chính thống chứ cái bọn nhân danh web nọ, blog kia, phản
biện này nọ nhưng động cơ xấu xa, không vì nước, vì dân mà chỉ đả kích để phá
hoại thì là có tội. Phản biện, đấu tranh gì nếu làm cho Đảng mạnh lên, cho dân
được nhờ thì mới đáng đọc, đáng xem, còn đăng tải để kích động dẫn đến mâu
thuẫn, phá Đảng, hại dân, cõng rắn cắn gà nhà, gây ly tán, chiến tranh như ở
Li-bi, I-rắc thì phải coi đó là rác, là bẩn, đều phải quét nó đi, không để nó
làm hại” - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói.
NGUYÊN MINH, NGUYỄN
HÒA, NGỌC HƯNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét