QĐND - Cách đây 16
năm, Văn kiện Đại hội VIII (năm 1996) của Đảng đã cảnh báo: “Tệ quan liêu,
tham nhũng và suy thoái về phẩm chất, đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên
làm cho bộ máy Đảng và Nhà nước suy yếu, lòng tin của nhân dân đối với Đảng,
đối với chế độ bị xói mòn, các chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước bị
thi hành sai lệch dẫn tới chệch hướng; đó là mảnh đất thuận lợi cho diễn biến
hòa bình”. (*)
Một trong những vấn
đề nổi cộm nhất mà Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) của Đảng vừa qua đã nhận
định là: “Tham nhũng còn diễn ra nghiêm trọng và phức tạp; số vụ việc, vụ án
tham nhũng được phát hiện, xử lý còn ít, chưa phản ánh đúng tình hình tham
nhũng đang diễn ra trong thực tế”. Theo thống kê của Văn phòng Ban chỉ đạo
Trung ương về phòng, chống tham nhũng, có 6 lĩnh vực đang được coi là “điểm
nóng” dễ xảy ra tình trạng tham nhũng nhất, đó là: Công tác cán bộ trong cơ
quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước; Lĩnh vực tín dụng, ngân hàng; Lĩnh vực quản
lý đất đai và xây dựng cơ bản; Lĩnh vực quản lý tài sản công và hoạt động trong
doanh nghiệp Nhà nước; Lĩnh vực thuế; Hoạt động tư pháp. Trong khi các lĩnh vực
khác đều có những vụ tham nhũng bị phát hiện, khởi tố và xử lý nghiêm minh, thì
trong công tác cán bộ đã, đang xuất hiện không ít hành vi liên quan đến tội
tham nhũng nhưng chưa có trường hợp nào bị phanh phui và đưa ra trước ánh sáng
pháp luật.
Các hành vi tiêu
cực trong công tác cán bộ thường được dư luận quan tâm nhiều nhất và nạn chạy
chức, chạy quyền từng làm nóng nhiều buổi họp trong nghị trường. Những hành vi
này được biểu hiện dưới nhiều hình thức hết sức tinh vi. Một số cán bộ, công
chức không được đào tạo đúng trình độ chuyên môn, nhưng đã tìm mọi cách để tạo
dựng mối quan hệ “hữu hảo” với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn
vị, địa phương nhằm mục đích tiến thân, cầu lợi. Lý giải một trong những nguyên
nhân chủ yếu dẫn đến những yếu kém, tiêu cực trong công tác cán bộ và đội ngũ
cán bộ, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng
Đảng hiện nay” đã chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có
những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp… sa
vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài,
kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc... Đánh
giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nể nang, cục bộ, chưa chú trọng phát hiện và có
cơ chế thật sự để trọng dụng người có đức, có tài; không kiên quyết thay thế
người vi phạm, uy tín giảm sút, năng lực yếu kém”.
Nạn chạy chức, chạy
quyền còn là nguy cơ làm hư hỏng bộ máy chính trị và bộc lộ rõ nhất là nó làm
suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống một bộ phận không nhỏ cán bộ,
đảng viên. Nếu nguy cơ này không được ngăn ngừa, đẩy lùi có hiệu quả sẽ làm
tăng thêm chất “xúc tác” khiến cho tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
càng có cơ hội bộc lộ, nảy sinh gây ra những hệ lụy khôn lường.
Đảng ta đã nhiều
lần khẳng định: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là
khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Do vậy, bên cạnh thực hiện đồng bộ
các giải pháp như quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, bố trí, sử dụng, luân chuyển,
chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, một trong những việc cần làm ngay để góp
phần giữ vững ổn định chính trị, xây dựng bộ máy các cấp trong sạch, vững mạnh
là chúng ta phải đồng tâm nỗ lực “tuyên chiến” quyết liệt với những biểu hiện,
hành vi tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ.
Trên thực tế, nói
thì dễ, song để làm được việc này không hề đơn giản. Bởi công tác cán bộ vốn là
vấn đề cực kỳ hệ trọng, nhạy cảm, liên quan đến lợi ích của nhiều người, nhất
là những người có chức sắc. Do đó, chúng ta phải có quyết tâm chính trị thật
cao, cách làm rất sáng suốt với một thái độ hết sức công tâm, vì lợi ích và mục
tiêu chung. Việc cấp bách trước mắt là phải xây dựng bộ tiêu chí về đánh giá
cán bộ một cách khoa học và đề ra cơ chế, chính sách tuyển dụng, bổ nhiệm cán
bộ bảo đảm minh bạch, công khai, tạo điều kiện cho những người có năng lực,
phẩm chất đều có cơ hội được thăng tiến, cống hiến và trưởng thành.
Bên cạnh đó, phải
tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, sàng lọc cán bộ. Cần có những biện
pháp phù hợp như thuyên chuyển công tác, hạ vị trí chức danh, đổi sang làm việc
khác… đối với những cán bộ lãnh đạo mà năng lực và trình độ chuyên môn hạn chế,
uy tín thấp, không có khả năng quy tụ, tập hợp sức mạnh tập thể. Kiên quyết
loại khỏi đội ngũ lãnh đạo những cán bộ thoái hóa, biến chất, làm việc gì cũng
chỉ thu vén lợi ích cá nhân.
Công tác cán bộ
muốn phòng ngừa được các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng phải chú trọng xây dựng
được đội ngũ làm công tác cán bộ có đủ tâm, tầm, tài thực sự. Những người hoạt
động trong lĩnh vực công tác tổ chức - cán bộ ở tất cả các cấp không chỉ được
đào tạo bài bản để trở thành những chuyên gia đánh giá, chuyên gia dự báo,
chuyên gia tâm lý giỏi, mà phải là những tấm gương mẫu mực về đạo đức, tư cách,
lối sống để luôn “mắt sáng, lòng trong” trong việc tham mưu cho cấp ủy, người
đứng đầu đánh giá, bổ nhiệm cán bộ một cách đúng đắn, chính xác.
Một biện pháp không
kém phần quan trọng nữa là phải nâng cao trách nhiệm pháp lý đối với người đứng
đầu trong công tác cán bộ. Đó là cần có cơ chế, hình thức kỷ luật thích đáng
đối với những cán bộ lãnh đạo khi lựa chọn, đánh giá, xem xét, giới thiệu, bố
trí cán bộ không đúng thẩm quyền, hoặc bổ nhiệm cán bộ không tương xứng với vị
trí công việc, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, vi phạm khuyết điểm đến mức
phải xử lý. Chỉ có như vậy mới góp phần ngăn ngừa, hạn chế được những sai sót
có thể xảy ra trong công tác cán bộ.
Thiện
Văn
(*)Văn
kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb CTQG, HN,
2005, tr467.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét