QĐND -
Những ngày qua, trong khi nhân dân cả nước và bè bạn quốc tế vui mừng
chào đón thành công của Đại hội lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam thì các thế
lực thù địch trong và ngoài nước tiếp tục tung lên mạng nhiều “chiêu”
tuyên truyền thâm độc. Kẻ thì đóng vai nhà khoa học tâm huyết đóng góp ý kiến
cho Cương lĩnh, kẻ thì đóng vai nhà báo “tổng hợp” ý kiến của “các tầng lớp
nhân dân”. Có kẻ còn mạo danh là cán bộ lão thành viết thư gửi tới Bộ Chính trị
Đảng Cộng sản Việt Nam, như vụ mạo danh đồng chí Đồng Sỹ Nguyên và gần
đây là vụ mạo danh Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vài ví dụ.
Có
kẻ còn đóng vai đảng viên lâu năm “bộc bạch” tâm sự, tự rủa mình là thằng
“hèn”, rằng: “Nói thật, ngày xưa tôi vào Đảng cũng chỉ với động cơ là được lên
chức cao hơn… bây giờ tôi đã hối hận vì đã vào Đảng, nhưng không dám xin ra vì
sợ trả thù...”. Đặc biệt là họ lợi dụng ngay thành quả của đổi mới làm thủ đoạn
chống lại sự lãnh đạo của Đảng ta. Họ nói: “Trước đây Đảng đã đề ra
đường lối đổi mới nhưng bây giờ Đảng đã không còn đổi mới nữa, Đảng đang đi vào
ngõ cụt”…
Về mặt
chính trị, theo họ, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam dựa trên chủ nghĩa Mác
- Lê-nin là thứ “lý luận đã lỗi thời”, chế độ xã hội vẫn là “là độc tài,
đảng trị”. Về nhân sự, “vẫn những gương mặt đó”...
Theo
họ, muốn tránh sụp đổ thì Việt Nam phải bỏ Điều 4 Hiến pháp 1992, thực hiện dân
chủ - đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Đồng thời, Nhà nước phải ban hành
các đạo luật nhằm kiểm soát vai trò lãnh đạo của Đảng, cho phép các tổ
chức phi chính phủ (NGO's) tự do hoạt động.
Trên
một phương diện khác, như công tác đường lối đối ngoại, các thế lực thù địch
lợi dụng tinh thần yêu nước của nhân dân ta, nhất là thanh niên, họ kêu
gọi Việt Nam “hãy đồng hành quân sự với Hoa Kỳ”, "đây là mệnh lệnh
của thời đại” (Cù Huy Hà Vũ). Thủ đoạn này nhằm đẩy Việt Nam vào thế đối đầu
với những nước khác. Phải chăng những quan điểm trên là những đóng góp “tâm
huyết” để xây dựng đất nước, đẩy mạnh công cuộc đổi mới?
Những
ai từng quan tâm đến quá trình cải tổ ở Liên Xô, Đông Âu đều có thể rút ra kết
luận rằng: Những sai lầm về đường lối chính trị, kinh tế kéo dài nhiều thập kỷ,
trong đó có việc phủ nhận kinh tế hàng hóa, cơ chế thị trường... đã đưa đất
nước đến tình trạng trì trệ, khủng hoảng. Nhưng nguyên nhân trực tiếp dẫn đến
sụp đổ là do đường lối chính trị của cải tổ sai lầm.Bước ngoặt dẫn đến sụp
đổ là chủ trương cải tổ hệ thống chính trị, thực hiện đa nguyên chính trị, đa
đảng đối lập, tạo kẽ hở cho các phần tử phản bội và chống đối từ bên trong trỗi
dậy. Như mọi người đều biết, cùng một mô hình của CNXH nhưng nhiều nước
XHCN khác đã thực hiện đường lối đổi mới có nguyên tắc, không áp dụng đa nguyên
chính trị, đa đảng đối lập đã trụ vững và phát triển mạnh mẽ, trong đó có Việt
Nam. Nói như thế không có nghĩa Việt Nam không đổi mới chính trị. Trái lại,
trên đất nước này đã diễn ra những đổi mới quan trọng: Đó là việc xác định mục
tiêu xây dựng CNXH là “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn
minh”; Đó là "xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân
dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”. Đó là "tăng
cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chủ trương “xóa bỏ mặc cảm, định kiến,
phân biệt về quá khứ, thành phần giai cấp, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy
lận nhau” (Nghị quyết TW 7 khóa 9)… Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và
các đoàn thể xã hội cũng được nâng cao. Các tổ chức này không chỉ có chức năng
đoàn kết và bảo vệ lợi ích của các thành viên mà còn có chức năng “giám
sát và phản biện xã hội”(Văn kiện Đại hội X, XI).
Trong
quan hệ quốc tế, Việt Nam cũng đã trở thành thành viên của nhiều tổ chức khu
vực và quốc tế như ASEAN, WTO… Cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ với hầu hết
các thành viên của Liên hợp quốc, trong đó có đầy đủ các thành viên thường trực
của HĐBA. Việt Nam cũng đã có quan hệ đối tác chiến lược với nhiều nước lớn
như: Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản, Pháp…
Trên
lĩnh vực kinh tế - xã hội, các thế lực thù địch một mặt xuyên tạc quan điểm của
Đảng, mặt khác thổi phồng những khó khăn, khiếm khuyết trong cơ chế chính sách
của Nhà nước, tình trạng quan liêu tham nhũng mà Việt Nam đang cố gắng khắc
phục để tác động vào dư luận xã hội. Họ nói rằng “mô hình tập đoàn kinh tế nhà
nước Việt Nam đã sụp đổ”, “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là đường lối
sai lầm”, “ Lý thuyết kinh tế thị trường lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo
thật sự đã đẩy Việt Nam đi vào ngõ cụt”… Thiết tưởng, những ai đã đọc các văn
kiện Đại hội X, XI của Đảng một cách nghiêm túc thì ắt thấy rằng khái niệm
“Kinh tế quốc doanh” hoặc “doanh nghiệp nhà nước” với khái niệm “Kinh tế nhà
nước” không phải là một. Kinh tế nhà nước không chỉ có các doanh nghiệp, tập
đoàn kinh tế mà còn có các chủ thể sở hữu với các nguồn lực khác như ngân
hàng, các hình thức dự trữ quốc gia và tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đất
đai, rừng, biển… Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước với nội dung như trên
không chỉ có ở Việt Nam mà còn tồn tại ở tất cả các quốc gia khác. Sự khác biệt
trong chính sách giữa các quốc gia là ở cơ cấu và việc sử dụng vai trò của
kinh tế nhà nước như thế nào, theo những mục tiêu gì mà thôi. Chẳng hạn, chính
phủ Hoa Kỳ đã phải dùng Cục Dự trữ liên bang (FED) tung ra gói cứu trợ hàng
trăm tỷ USD để cứu các ngân hàng đang đứng bên bờ phá sản trong cuộc khủng
hoảng năm 2008-2009 là một ví dụ. Ở Việt Nam, trong cuộc khủng hoảng này
Nhà nước cũng đã phải đưa ra hàng ngàn tỷ đồng với những phương thức khác nhau
để trợ giúp cho các doanh nghiệp và người lao động thất nghiệp. Hiện nay, nhiều
công trình giao thông quốc gia đã áp dụng cơ chế "đổi đất lấy hạ tầng” với
các doanh nghiệp, hoặc Nhà nước điều tiết giá cả thông qua các tập đoàn
của mình như: Điện, than, dầu khí để ổn định cuộc sống của người dân trong
lúc khó khăn… là những minh chứng về vai trò của kinh tế nhà nước trong việc sử
dụng các nguồn lực quốc gia trong xây dựng đất nước, bảo đảm đời sống của nhân
dân. Không phủ nhận rằng, thời gian qua, cơ chế quản lý các tập đoàn, doanh
nghiệp nhà nước còn nhiều bất cập, sơ hở và đã bị lợi dụng làm tổn hại đến lợi
ích chung. Vụ Vinashin là một ví dụ. Bài học đắt giá này đang được tổng kết và
đưa ra các giải pháp khắc phục.
Cho dù
đứng trên quan điểm nào, người ta cũng không thể phủ nhận được những thành
tựu kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Hãy lấy một thí dụ: Từ
một quốc gia thường xuyên thiếu lương thực nay Việt Nam đã trở thành một
trong những quốc gia hàng đầu xuất khẩu gạo. Năm 2010 trong tình trạng thiên
tai mất mùa, Việt Nam đã xuất khẩu tới 6,8 triệu tấn gạo. Việt Nam cũng đã trở
thành một “đại gia” xuất khẩu cà phê (chỉ đứng sau Bra-xin). Đó là chưa kể đến
những mặt hàng chiếm thị phần hàng đầu ở nhiều nước phát triển như: Hoa Kỳ,
Nhật Bản và cả Liên minh châu Âu, về thủy sản… Theo Báo cáo Quốc gia 10 năm
thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ (MDG) của Liên hiệp quốc (từ năm 2000 đến
2015), Việt Nam đã về đích sớm nhiều mục tiêu như: Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng
cực (vào năm 2002); phổ cập giáo dục tiểu học (vào năm 2000); Việt Nam đã thành
công trong việc kiểm soát nhiều dịch bệnh hiểm nghèo trong đó có HIV/AIDS. Chỉ
số bình đẳng giới của Việt Nam hiện nay xếp thứ 62 trong số 109 quốc gia, chỉ
số này cao hơn nhiều quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao hơn Việt Nam.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, Việt Nam đang đứng trước nhiều vấn đề
kinh tế, xã hội lớn, thậm chí là bức xúc, như tình trạng phân hóa giàu nghèo,
thiếu việc làm, ô nhiễm môi trường, quan liêu, tham nhũng, mô hình tăng trưởng
dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên, lao động rẻ đã cạn dần như văn kiện
Đại hội XI đã ghi nhận…
Đại
hội XI kế thừa và phát triển một đường lối chính trị, kinh tế đã tạo ra những
bước phát triển vượt bậc cho đất nước về nhiều mặt, hội nhập sâu rộng, có chỗ
đứng vững chắc với vị thế ngày càng cao trong cộng đồng quốc tế như vậy thì
sao có thể gọi đó là “con đường dẫn đến ngõ cụt” được?
Lấy ý
muốn chủ quan thay cho thực tế, lấy dã tâm thay cho thiện chí, những kẻ bịa ra
câu chuyện hoang đường rằng "Việt Nam đang đi vào ngõ cụt,
sẽ sụp đổ"… mới chính là người đang đi vào ngõ cụt - ngõ
cụt của trí tuệ, của lương tri bởi họ đang đi ngược lại con đường của dân tộc,
đang quay lưng lại với những nỗ lực và quyết tâm vượt qua thách thức của nhân
dân Việt Nam./.
Lệ Chi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét