Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Khó khăn, thách thức càng lớn, càng phải kiên định



QĐND - Thời gian gần đây, một số cá nhân ở trong nước và nước ngoài đã lợi dụng tình hình kinh tế Việt Nam đang gặp phải một số khó khăn để tung lên mạng các bài viết xuyên tạc đường lối phát triển kinh tế của Việt Nam. Họ nhận định rằng "nền kinh tế Việt Nam bị suy thoái nghiêm trọng, đang bên bờ vực sụp đổ khi hàng trăm nghìn doanh nghiệp bị phá sản; hệ thống ngân hàng có nguy cơ sụp đổ, đang bị lợi ích nhóm dẫn dắt, điều phối, gây mất cân đối toàn diện; nền kinh tế chủ đạo dựa vào các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã bị… chệch hướng... Một tờ báo điện tử ở nước ngoài đã giật tít với tựa đề: “Sự cáo chung của sự thần kỳ Việt Nam”, với những nhận định phiến diện về kinh tế đất nước, làm mất lòng tin vào các chính sách kinh tế của Nhà nước Việt Nam. 
Trong mấy năm gần đây, kinh tế thế giới luôn phải đối mặt với khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, tạo nên vòng xoáy suy giảm mới. Hàng loạt nền kinh tế từ Đông sang Tây, kể cả những nền kinh tế có nền tảng phát triển vững chắc như Mỹ, các quốc gia châu Âu đều rơi vào chu kỳ suy giảm mạnh, chật vật đối phó với chỉ số tăng trưởng âm, hàng loạt ngân hàng sụp đổ, nợ xấu gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp cao... Việt Nam trong 26 năm đổi mới, với mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, hẳn nhiên ngày càng trở nên dễ bị tổn thương khi kinh tế thế giới có biến động.
Không thể phủ nhận thực tế là hiện nay, nền kinh tế Việt Nam rơi vào khó khăn và nảy sinh hàng loạt thách thức, nhưng không vì thế mà vội vàng quy chụp rằng đường lối kinh tế Việt Nam là sai lầm. Nền kinh tế Việt Nam dù đang gặp nhiều khó khăn, song nhìn chung nhiều chỉ tiêu vĩ mô vẫn có những chuyển biến tích cực. GDP trong mấy tháng đầu năm 2012 có thấp hơn trước đây và kế hoạch đề ra, song nền kinh tế từ đầu năm đến nay vẫn tăng trưởng dương, tốc độ tăng GDP tính chung 6 tháng đầu năm đạt 4,38%.
Trước những khó khăn, thách thức về kinh tế, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có những nhận định, đánh giá chính xác tình hình và đề ra những chủ trương lãnh đạo kịp thời, gắn liền với các giải pháp, biện pháp cụ thể, đáp ứng những yêu cầu cấp bách và những đòi hỏi của nền kinh tế. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 3, khóa XI (tháng 10-2011) đã quyết định tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm là tái cơ cấu thị trường tài chính, tái cấu trúc đầu tư, tái cấu trúc doanh nghiệp. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và Nghị quyết 13 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, đồng thời thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ như: Các gói hỗ trợ doanh nghiệp; hoãn, giảm thuế, hạ lãi suất, xử lý nợ xấu… Các giải pháp, tái cơ cấu nền kinh tế được Chính phủ triển khai mạnh mẽ. Đặc biệt, Đề án Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015 gắn liền với mục tiêu cơ cấu DNNN hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng quan trọng để nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao sức cạnh tranh.... Đề án cũng hướng đến sắp xếp, giải thể, phá sản các doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, gây nên rào cản và sức ì đối với nền kinh tế. Chính phủ cũng đang triển khai tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, sàng lọc và phát huy hiệu quả hoạt động ngân hàng, giúp lưu thông dòng tiền trong nền kinh tế, thực hiện nghiêm những chỉ đạo điều hành, quy định của chính sách tài khóa, tiền tệ.
Các Nghị quyết và điều hành hợp lý với chính sách tài khóa, tiền tệ đã và đang phát huy hiệu quả. Điều đó thể hiện ở những tín hiệu tích cực của nền kinh tế như lãi suất cho vay của các ngân hàng đã giảm dần, từ 24% đến 26% của thời điểm cuối năm 2011, đến nay đã giảm xuống còn 11% đến 16% tùy từng nhóm ngành, đối tượng. Nợ cũ của doanh nghiệp được Ngân hàng nhà nước chỉ đạo đưa về mức lãi suất 15%/năm từ giữa tháng 7-2012, nhằm chia sẻ khó khăn, giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng nợ xấu, vượt khó khăn, phát triển sản xuất. Tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì ở mức cao trên thế giới và trung bình của khu vực (GDP 6 tháng đầu năm 2012 tăng 4,38%); tình trạng nợ xấu từ 10% xuống còn dưới 8%; lạm phát năm 2012 dự báo sẽ ở mức 6-7% và sẽ vẫn dừng ở mức 1 con số trong năm 2013. Tình hình kinh tế xã hội 7 tháng đầu năm 2012 vừa được Chính phủ họp đánh giá đã có chuyển biến tích cực, đúng hướng, đúng mục tiêu đề ra. Theo báo cáo của Chính phủ, tính chung 7 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 62,9 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 6-2012 đã đạt trạng thái xuất siêu khoảng 300 triệu USD.
Không chỉ thể hiện ở các chỉ số kinh tế, nhiều tổ chức quốc tế gần đây đã đưa ra những nhận định tích cực về nền kinh tế Việt Nam, khẳng định về triển vọng trung hạn, Việt Nam vẫn là nơi đầu tư ít rủi ro nhất, điểm đến và sự lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s (Hoa Kỳ) đã vừa nâng triển vọng của Việt Nam từ tiêu cực lên mức ổn định, các rủi ro về kinh tế vĩ mô và ổn định tài chính đối với Việt Nam đã giảm xuống nhờ Chính phủ đã có các biện pháp thắt chặt tài chính thành công. Ngày 23-7 vừa qua, Ngân hàng quốc tế ANZ đã đưa ra dự báo về kinh tế Việt Nam, GDP sẽ tăng trưởng ở mức 5,5 - 5,7% (so với mức 6 - 6,5% Quốc hội giao). Ngân hàng HSBC mới đây cũng đưa ra nhận định nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất.
Để tránh bị dao động trước những nhận định phiến diện, sai lệch về kinh tế, chúng ta cần nêu cao cảnh giác, nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong điều hành kinh tế, cũng như tiếp thu, quán triệt các nghị quyết về điều hành kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa gắn liền với các giải pháp chủ yếu. Hơn nữa, mỗi cán bộ, đảng viên cũng cần trang bị những kiến thức kinh tế, tài chính để đủ sức “miễn dịch” trước luận điệu xuyên tạc, đánh giá thiếu khách quan của các thế lực thù địch.
Trải qua gần một thế kỷ lãnh đạo đất nước, Đảng, Nhà nước ta thấu hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của việc xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, vững mạnh để xây dựng đất nước, củng cố quốc phòng-an ninh, đem lại no ấm, hạnh phúc cho nhân dân. Kinh nghiệm đối phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu và khu vực trong những năm đổi mới đã giúp Đảng, Nhà nước ta luôn sáng tạo, đủ sức xử lý tốt các vấn đề nảy sinh, vượt qua những biến động bất thường của nền kinh tế thế giới. Và đây không phải là lần đầu tiên, những đối tượng cực đoan, thù địch lợi dụng tình hình kinh tế để đưa ra những nhận định sai lệch, xuyên tạc, bóp méo sự điều hành kinh tế của Đảng, Nhà nước, từ những đánh giá, dự báo về suy thoái về kinh tế để tiến công vào đường lối chính trị, đường lối kinh tế của Đảng. “Chiêu trò” đó thực ra cũng chỉ là kiểu nói bừa để lừa bịp mà thôi!
Trung Kiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét