Trong không khí tưng từng chào mừng thành công của Đại hội Đảng lần thứ 11 và chuẩn bị đón chào Năm Mới, tối 24/1, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ Tri ân những Tấm lòng vàng đã tận tình ủng hộ, giúp đỡ, chăm sóc các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trong thời gian vừa qua.
Buối lễ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2, VTV4 của Đài Truyền hình Việt Nam và được nhiều đài truyền hình địa phương tiếp sóng.
Tới dự buổi lễ, có Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch danh dự Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Thị Bình; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên; lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đại diện nhiều ban, ngành ở Trung ương; lãnh đạo và đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin một số tỉnh, thành.
Buổi lễ đã được mở đầu bằng bài hát dạt dào tình cảm "Việt Nam quê hương tôi" của nhạc sĩ Đỗ Nhuận do ca sĩ Việt Hoàn thực hiện, tạo nên một không khí sôi nổi, ấm áp cho buổi lễ.
Thay mặt Hội Nạn nhân nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh đã đọc diễn văn khai mạc bày tỏ lòng biết ơn chân thành, sâu sắc của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tới những tập thể, cá nhân, bạn bè quốc tế đã dành cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam sự quan tâm, ủng hộ, chăm sóc, giúp đỡ to lớn và quí báu cả về vật chất và tinh thần, làm vơi bớt "nỗi đau xuyên thế kỷ" của hàng triệu người Việt Nam. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh hy vọng, chương trình sẽ góp một thanh âm vào bản hợp xướng ngợi ca đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Thương người như thể thương thân" của dân tộc Việt Nam, ngợi ca tình cảm quí báu của bạn bè quốc tế.
Chương trình đã có các cuộc giao lưu với những người đã có những đóng góp cho những nạn nhân chất độc màu da cam. Đó là ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Thái Bình, thầy thuốc Đông y Nguyễn Phú Cửu ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên, Hoa hậu Việt Nam năm 2006 Mai Phương Thúy, Chủ tịch Tập đoàn Tài chính SVA Nguyễn Minh Sơn, Nhà làm phim Nhật Bản Masoko Sakata… Mỗi người một hành động, một nghĩa cử cao đẹp vì những nạn nhân da cam.
Tâm sự của ông Nguyễn Đức Hạnh cho thấy Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của Thái Bình đã phải nỗ lực như thế nào trong công tác vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ, giúp đỡ, chăm sóc, bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân chất độc da cam của tỉnh để có được sự tin cậy của nhân dân, Chính quyền và nhất là của các nạn nhân trong tỉnh.
Ông Nguyễn Phú Cửu thì chia sẻ, trong công việc hàng ngày, ông đã tiếp xúc với nhiều bệnh nhân là nạn nhân chất độc da cam, ông thấu hiểu được nỗi khổ đau mà họ phải chịu đựng. Cảm thông trước nỗi đau ấy, ông vừa tìm cách tạo việc làm để gia đình họ có thêm thu nhập, vừa ủng hộ vật chất giúp đỡ họ. Đã hơn 60 lần, tổng số góp hơn 200 triệu đồng ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, nhưng ông vẫn mong còn sức "để tiếp tục đóng góp giúp đỡ người nghèo, những nạn nhân da cam”.
Với Hoa hậu Mai Phương Thúy, những cuộc tiếp xúc với các nạn nhân chất độc da cam, thấu hiểu nỗi đau về thể xác và tinh thần của họ đã khiến cô mong muốn góp một chút sức mình để làm "sứ giả" vận động mọi người bằng tấm lòng thiện tâm giúp đỡ họ.
Ông Nguyễn Minh Sơn- Chủ tịch Tập đoàn Tài chính SVA đã kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân hãy dành một chút thu nhập của mình để chung sức giúp đỡ nạn nhân da cam.
Bà Masako Sakata là một nhà làm phim Nhật Bản, có chồng là một quân nhân Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam và chết vì bị ung thư gan do chính chất độc da cam của quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam gây ra. Tại cuộc giao lưu, bà tâm sự, lúc đầu bà chỉ có ý định đến Việt Nam để làm bộ phim “Chất da cam, lời nguyện cầu riêng tư” để nhớ tới chồng bà, nhưng bà đã bất ngờ được chứng kiến những nạn nhân da cam ở Việt Nam quá nhiều, quá đau khổ. Những cảnh tưởng mà bà nhìn thấy ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam đã thôi thúc bà dành toàn bộ số tiền thu được từ bộ phim của bà vào quỹ giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Bà gần như thường xuyên ở Việt Nam với dự định làm bộ phim thứ hai về thảm hoạ chất độc da cam ở đất nước đã trở nên quá gần gũi này đối với bà. Trong lúc chuẩn bị cho ra mắt bộ phim đó, bà đã lập ra Dự án “Hạt giống hy vọng” bằng số tiền cá nhân và quyên góp được để hỗ trợ việc học tập cho một số học sinh, sinh viên là nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Việc giúp đỡ, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam là trách nhiệm của cả nước và mọi người dân Việt Nam đều có đóng góp ủng hộ nạn nhân chất độc da cam. Ngay trong Lễ Tri ân cũng đã có một số doanh nghiệp đăng ký đóng góp vào Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam với số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Bạn bè các nước cũng còn nhiều người đã ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. 99 tập thể và cá nhân, trong đó có 33 tập thể và cá nhân nước ngoài, được nêu tên trong Lễ Tri ân lần này là những tập thể, cá nhân tiêu biểu./.
VAVA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét