(Web.ĐHXI) - Trên các lĩnh vực khoa học, giáo dục, chúng ta cũng đạt được những thành tựu quan trọng. Cụ thể là: Đổi mới giáo dục đạt một số kết quả bước đầu; Chi ngân sách nhà nước cho giáo dục - đào tạo đạt trên 20% tổng chi ngân sách; Việc huy động các nguồn lực xã hội cho giáo dục-đào tạo, phát triển giáo dục-đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm; Quy mô giáo dục tiếp tục được phát triển.
Đến năm 2010, tất cả các tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng; Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ được đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; Quản lý khoa học, công nghệ có đổi mới, thực hiện cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp khoa học, công nghệ; Thị trường khoa học, công nghệ bước đầu hình thành; Đầu tư cho khoa học, công nghệ được nâng lên.
Đặc biệt, việc giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo được Liên hợp quốc thừa nhận có kết quả tốt và nhanh; Thực hiện chính sách với người và gia đình có công, chính sách an sinh xã hội đạt kết quả tích cực; Trong 5 năm qua, đã giải quyết được việc làm cho trên 8 triệu lao động, tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm còn dưới 4,5%, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 9,5%.
Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ đạt được một số kết quả quan trọng; Mức hưởng thụ các dịch vụ y tế của nhân dân tăng lên, đặc biệt với trẻ em, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; Chỉ số phát triển con người không ngừng tăng lên (Chỉ số phát triển con người tăng từ mức 0,683 (năm 2000) lên 0,733 (năm 2008), xếp thứ 100/177 nước, thuộc nhóm trung bình cao). Việt Nam đã hoàn thành phần lớn các mục tiêu thiên niên kỷ.
Phong trào xây dựng đời sống văn hóa phát triển sâu rộng. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, thể dục, thể thao ngày càng mở rộng, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân.
Nhận thức về bảo vệ môi trường được nâng lên. Việc phòng ngừa, khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường được quan tâm và đạt một số kết quả tích cực. Công tác bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học có tiến bộ. Chương trình quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu bước đầu được triển khai.
Những thành tựu nổi bật về văn hóa – xã hội trong quá trình đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo được thế giới đánh giá cao. Ngay Tổng thống Mỹ Bush cũng nhận xét khá tích cực: Việt Nam là một đất nước phi thường vì trong một thời gian ngắn như vậy đã vươn lên sau chiến tranh và bây giờ người dân Việt Nam đang hưởng thịnh vượng do sự nghiệp đổi mới đem lại. Rõ ràng các thành tựu nổi bật về văn hóa – xã hội 5 năm qua góp phần càng khẳng định 25 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử./.
TS. Bùi Thế Đức (Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét