QĐND Online - Thực
tiễn đang đặt ra những đòi hỏi nóng bỏng đối với báo chí trong cuộc chiến đấu
chống những sai trái, tiêu cực xã hội, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ
quốc Việt Nam XHCN. Những người làm báo và các cây bút chính luận cần làm gì?
Cuộc gặp mặt các cộng tác viên chính luận cao cấp do Báo Công an nhân dân tổ
chức sáng 31-8 tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt – Xô đã trở thành một “bàn tròn”
đầy tâm huyết. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử lược ghi một
số ý kiến tại cuộc gặp mặt.
Nhà
báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương: “Bàn luận không
phải là…ra lệnh!”
Mác, Ăng-ghen, Lê-nin lúc sinh thời rất chú
trọng tới việc xây dựng các tờ báo hằng ngày, chỉ khi nào có được tờ báo hằng
ngày thì cuộc chiến đấu về tư tưởng mới cân sức. Báo Công an nhân dân hiện nay
có nhiều ấn phẩm, nhưng cần chú trọng đầu tư cho tờ báo hằng ngày.
Trong tờ báo hằng
ngày thì mảng bình luận chính trị rất quan trọng, nhưng tôi nghĩ chúng ta cũng
cần học tập cách làm báo của những “tiền bối” như Nguyễn An Ninh, Huỳnh Thúc
Kháng xưa, các ông không dùng từ “xã luận” mà dùng “thời đàm” nghe gần gũi và
thiết thực hơn. Thể loại bình luận xét cho cùng là cùng bàn luận về những vấn
đề cuộc sống đang đặt ra, nó không chỉ là chính trị mà còn có cả kinh tế, văn
hóa, xã hội.
Có một điều đáng
lưu ý nữa là viết bình luận phải sao cho thuyết phục, đúng tầm. Bây giờ có
nhiều nhà báo, kể cả nhà báo trẻ nhưng viết theo phong cách cán bộ tuyên huấn,
luôn miệng “phải nghĩ thế nọ”, “phải làm thế kia”. Tôi còn nhớ trước kia chúng
tôi làm báo Nhân Dân, ông Hoàng Tùng rất nghiêm khắc việc này, bài nào có chữ
“phải” theo kiểu ra lệnh cho quần chúng là ông bắt sửa ngay. Nhà báo, tờ báo
phải là sứ giả đưa những thông điệp hữu ích đến với bạn đọc chứ không phải ra
mệnh lệnh cho họ.
PGS,TS
Hồng Vinh, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: “Có thể ngắn nhưng
vẫn “thấm thía”, “hiệu quả”
Trong chống “Diễn
biến hòa bình” gần đây, báo Công an nhân dân có nhiều bài viết và hướng đi tốt
như những bài về chống tự diễn biến, tự chuyển hóa, rất sát với tinh thần Nghị
quyết Trung ương 4 “Về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”.
Vừa rồi, Bộ Công an có tổ chức một cuộc hội thảo về phòng chống tự diễn biến,
tự chuyển hóa. Kỷ yếu hội thảo có 61 bài nêu lên được nhiều thực trạng, nhiều
giải pháp tốt, rất có tác dụng trong xây dựng Đảng mà tới đây tôi nghĩ báo chí
nên chọn đăng một số bài. Hay như trước đây, việc cuốn sách của tác giả Thụy
Khuê xuất bản tại Pa-ri có nhiều nội dung xuyên tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh,
báo Văn nghệ Công an đã có tới 3 số phê phán, đập lại quan điểm sai trái, xuyên
tạc.
Tuy nhiên, so với
yêu cầu của thời cuộc thì việc tăng cường các bài bình luận, chính luận hiện
nay đang đòi hỏi nhiều hơn. Tôi nghĩ báo cần đa dạng hóa các hình thức bình
luận, nên mở bàn tròn vài ba nhân vật trao đổi xung quanh một vấn đề lớn. Có ý
kiến cho rằng viết bình luận chính trị cần phải viết dài nhưng tôi nghĩ như nhà
báo Hữu Thọ viết nhiều bài bình luận rất ngắn, rất thủ thỉ nhưng đọc vẫn rất
thấm, rất hiệu quả.
Trung
tướng, PGS, TS Nguyễn Tiến Bình, nguyên Chính ủy Học viện quốc phòng: “Trăn trở
nhất về bảo vệ Tổ quốc thời bình”
Những năm gần đây, tôi được tham gia thực hiện
một số đề tài khoa học cấp Nhà nước và Bộ Quốc phòng nên có dịp nắm thêm nhiều
thông tin và có nhiều trăn trở trước những vấn đề liên quan đến sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Có hai nơi mà chúng tôi tin cậy gửi gắm
các bài viết là Hội đồng Lý luận Trung ương và Báo Quân đội nhân dân vì
nắm rất chắc các cộng tác viên, biết thế mạnh của từng người nên khi “đặt
hàng” rất hiệu quả, thậm chí có lúc “gây sức ép” nhưng chúng tôi vẫn vui vẻ.
Trong những đề tài
của mình, tôi trăn trở nhất là vấn đề bảo vệ Tổ quốc, tư duy mới về bảo vệ Tổ
quốc như thế nào, bảo vệ Tổ quốc trong thời bình thế nào? Mà trong thời bình
thì quan trọng nhất là làm sao giữ cho “trong ấm ngoài êm”, tất nhiên chúng ta
không mất cảnh giác, không loại trừ tình huống xấu nhất là xung đột vũ trang,
chiến tranh cục bộ có thể xảy ra. Vì thế cuộc chiến đấu trên lĩnh vực tư tưởng,
chống “Diễn biến hòa bình”, chống những thứ “giặc nội xâm” mà các báo như Báo Quân
đội nhân dân, Công an nhân dân quan tâm và quyết tâm thực hiện như hiện
nay có ý nghĩa vô cùng to lớn.
PGS,
TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược -Bộ Công an: “Cần những
cuộc “bàn tròn”, ý kiến có thể trái ngược”
Hiện nay đời sống
xã hội có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp. Nói đến báo Công an nhân dân
là nói đến an ninh quốc gia, chúng ta cần phải làm gì? Tôi có cảm giác nhiều
khi chúng ta bị động, lệ thuộc vào những cái bị gọi là “nhạy cảm”, cái mũ “nhạy
cảm” khiến nhiều vấn đề thiết thực cần nói bị che lấp. Theo tôi, nên tổ chức
những cuộc đàm luận “bàn tròn” để cho nhiều người có ý kiến về một vấn đề, thậm
chí ý kiến có thể trái ngược nhau.
Thiếu
tướng Phạm Văn Thạch, nguyên Cục trưởng Cục Công tác Chính trị, Tổng cục Xây
dựng Lực lượng, Bộ Công an: “Nên đăng tải cả dư luận, phản hồi”
Tôi nghĩ những
người tham gia viết bình luận chính trị chính là những người “tử vì đạo”. Viết
những nội dung này chịu rất nhiều sức ép. Mỗi bài báo đăng rồi có rất nhiều
cuộc điện thoại gọi cho tôi, nhiều phàn nàn, thắc mắc, thậm chí không đồng
tình, phản đối. Để bình luận chính trị đạt hiệu quả cao hơn, cần đăng tải cả ý
kiến dư luận sau mỗi bài báo như thế nào, cái gì đúng, cái gì chưa đúng thì mới
tạo nên dư luận xã hội sâu rộng và đi tới nhận thức đúng.
Nhà
báo Đức Lượng, nguyên Phó tổng biên tập Báo Nhân Dân: “Cần có một “cánh
quân” tác chiến nhanh”
Trong viết chính
luận hiện nay, điều quan trọng nhất là viết sao cho mềm mại, đi vào lòng người.
Các cây bút tham gia lĩnh vực này hầu hết đều đã nắm vững kiến thức lý luận,
thậm chí thuộc làu. Lý luận đã thấm vào người mình rồi thì giờ phải viết ra
bằng cả tấm lòng chứ không nên tầm chương trích cú, dẫn lại lý luận cao siêu.
Tôi cho rằng, thành công nhất trong thể loại chính luận hiện nay vẫn là Báo
Quân đội nhân dân, một tờ báo có nhiều bài mang tính chiến đấu cao, có đội ngũ
viết chính luận đa dạng cả “pháo tầm xa” và “pháo tầm gần”. Cách tổ chức làm
báo bình luận cần phải có một “cánh quân” sắc bén để khi mặt trận nào cần thì
có thể ra trận được ngay.
Đại
tá Hà Mạnh Tường, Phó tổng biên tập báo Quân đội nhân dân: “Khắc phục lập
luận xơ cứng, một chiều”
Hiện nay báo Quân
đội nhân dân chủ yếu tập trung mảng bình luận trên ba lĩnh vực chính và
trên báo hàng ngày. Thứ nhất, về nội dung chính trị - xã hội, chúng tôi tập
trung đi vào những vấn đề mới, bám sát các sự kiện và đời sống chính trị xã
hội. Thứ hai, về bình luận quốc tế. Thứ ba, về chống “Diễn biến hoà bình” được
tổ chức thành 2 chuyên mục “Làm thất bại chiến lược “Diễn biến hoà bình” đăng
trên trang 3 Báo Quân đội nhân dân hằng ngày ra ngày thứ hai mỗi
tuần, phản ánh các vấn đề có tính khái quát, lý luận và mục “Chống Diễn biến
hòa bình” đăng trên trang 3 báo hàng ngày đi vào từng vụ việc cụ thể. Báo đã
rất quan tâm xây dựng đội ngũ cộng tác viên, chuyên gia và đội ngũ phóng viên
từ nhiều năm qua, thường xuyên đổi mới, nâng cao tính thuyết phục của các bài
viết bình luận, khắc phục hiện tượng lập luận một chiều, khô cứng, giáo điều.
Trung
tướng Hữu Ước, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng, Tổng biên tập
Báo Công an nhân dân: “Chúng tôi quyết tâm vào cuộc”
Ngành công an hiện
nay đã có một hệ thống báo chí, truyền thông khá mạnh, có nhiều ấn phẩm, có
kênh truyền hình theo phương châm “Nhân văn, tin cậy, kịp thời” nhưng vẫn còn
một “mảng yếu” là chính luận. Các bài bình luận, chuyên luận, xã luận, thông
luận, mạn đàm… còn ít. Đây là điều khiến chúng tôi trăn trở, quyết tâm vào cuộc
và mong muốn được sự cộng tác, giúp đỡ của các cộng tác viên cao cấp, các
chuyên gia, nhà khoa học, nhà văn, nhà báo… Bình luận để đấu tranh với cái sai,
cái xấu nhưng phải hướng tới mục tiêu xây dựng, phải đi vào lòng dân. Cuộc gặp
mặt hôm nay đã cho chúng tôi nhiều bài học kinh nghiệm quý. Tới đây, báo Công
an nhân dân và Truyền hình An ninh TV sẽ tăng cường mở thêm nhiều chuyên
mục, chuyên trang về bình luận, chính luận… xuất hiện trên các ấn phẩm. Chúng
tôi cũng sẽ xây dựng lực lượng chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này, tổ chức các
cuộc đàm luận “bàn tròn”, thậm chí mời cả các nhân vật, đối tác có ý kiến
“ngược” để làm sáng tỏ và tăng tính thuyết phục của vấn đề.
NGUYỄN
VĂN MINH (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét