QĐND - Cách đây 163 năm, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản chính thức
được phát hành tại Luân Đôn, một sự kiện lịch sử đánh dấu bước ngoặt ra đời của
chủ nghĩa Mác. Tuyên ngôn là văn kiện có tính chất cương lĩnh đầu tiên của các
Đảng Cộng sản và phong trào công nhân quốc tế. Từ đó đến nay, thời cuộc dẫu có
nhiều đổi thay, chủ nghĩa Mác đã phát triển qua nhiều giai đoạn nhưng Tuyên
ngôn vẫn là ngọn cờ thắng lợi của cách mạng vô sản, khẳng định giá trị định
hướng và chỉ đạo xuyên suốt sự nghiệp đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng con
người khỏi mọi bóc lột, áp bức, bất công; gắn giải phóng giai cấp với giải
phóng dân tộc, giải phóng con người.
Tuyên
ngôn đã "trình bày một cách hết sức sáng sủa và rõ ràng thế giới quan mới,
chủ nghĩa duy vật triệt để-chủ nghĩa duy vật này bao quát cả lĩnh vực sinh hoạt
xã hội-phép biện chứng với tư cách là học thuyết toàn diện nhất và sâu sắc nhất
về sự phát triển, lý luận đấu tranh giai cấp và vai trò cách mạng-trong lịch sử
toàn thế giới-của giai cấp vô sản, tức là giai cấp sáng tạo ra một xã hội mới,
xã hội cộng sản". Lịch sử xã hội loài người từ khi có sự phân chia thành
giai cấp là lịch sử đấu tranh giai cấp. Đó là cuộc đấu tranh giữa giai cấp
những người lao động và bọn bóc lột, giữa giai cấp thống trị và bị áp bức. Dưới
chủ nghĩa tư bản, xã hội bị phân chia thành hai giai cấp cơ bản có lợi ích đối
kháng nhau, đấu tranh với nhau không ngừng giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư
sản. Song, giai cấp vô sản chỉ có thể tự giải phóng mình khỏi mọi ách bóc lột,
áp bức của giai cấp tư sản, khi đồng thời và vĩnh viễn giải phóng toàn thể nhân
loại cần lao khỏi mọi ách bóc lột, áp bức và đấu tranh giai cấp nói chung.
Tuyên
ngôn đánh giá sự ra đời của chủ nghĩa tư bản là một bước tiến vĩ đại trong lịch
sử của nền văn minh nhân loại. Nhưng cùng với sự phát triển của sản xuất, chế
độ sở hữu tư bản từ chỗ là hình thức phù hợp thúc đẩy lực lượng sản xuất phát
triển đã dần lỗi thời, trở thành rào cản kìm hãm lực lượng sản xuất công nghiệp
hóa. Bản chất bóc lột giá trị thặng dư của nền sản xuất tư bản quy định giới
hạn phát triển của nó. Mặc cho giai cấp tư sản nỗ lực tìm kiếm mọi cách khắc
phục giới hạn đó để kéo dài sự tồn tại của mình nhưng kết quả chỉ là đem những
giai cấp mới, những điều kiện áp bức mới, những hình thức đấu tranh mới thay
thế cho những giai cấp, những điều kiện áp bức, những hình thức đấu tranh cũ mà
thôi.
Là sản
phẩm của nền sản xuất đại công nghiệp, giai cấp vô sản tiêu biểu cho lực lượng
sản xuất mới, đại biểu của phương thức sản xuất trong tương lai. Giai cấp vô
sản là giai cấp tiên tiến nhất, có tính tổ chức, kỷ luật, cách mạng triệt để
nhất, có sứ mệnh lịch sử tiêu diệt chủ nghĩa tư bản và xây dựng chủ nghĩa cộng
sản. Để hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang đó, giai cấp vô sản tất yếu phải tổ
chức ra Đảng Cộng sản-đội tiền phong, bộ tham mưu chiến đấu của toàn bộ giai
cấp cả trong nhận thức lý luận và thực tiễn cách mạng. Đảng Cộng sản là đại
biểu trung thành cho lợi ích của toàn bộ phong trào. “Họ tuyệt nhiên không có
một lợi ích nào tách khỏi lợi ích của toàn thể giai cấp vô sản”. Giai cấp vô
sản có tính chất quốc tế nhưng trước hết, giai cấp vô sản mỗi nước phải hoàn
thành sự nghiệp cách mạng ở nước mình, trở thành dân tộc, đồng thời liên hiệp
phong trào cách mạng trên toàn thế giới-"Vô sản tất cả các nước, đoàn kết
lại!".
Tuyên
ngôn ra đời, Chủ nghĩa cộng sản từ chỗ bị coi là "bóng ma cộng sản"
ám ảnh châu Âu đã trở thành hiện thực cách mạng có sức chinh phục lòng người.
Cuộc đấu tranh bền bỉ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã đưa đến
thắng lợi của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga (1917), mở ra một
thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản; sự ra
đời hệ thống xã hội chủ nghĩa sau cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai (1945),
sự lớn mạnh không ngừng của ba dòng thác cách mạng trên thế giới nhiều năm sau
đó là những bằng chứng chân thực về sức mạnh sáng tạo, giá trị hiện thực của
Tuyên ngôn. Hiện nay, mặc dù chủ nghĩa xã hội hiện thực đang còn gặp khó khăn,
khủng hoảng, thoái trào, chủ nghĩa tư bản có bước phục hồi tạm thời chiếm ưu
thế, nhiều vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn chưa được giải đáp nhưng không vì
thế mà nói rằng “tính chất của thời đại đã thay đổi”, “chủ nghĩa Mác - Lê-nin
đã lỗi thời”, “Tuyên ngôn không còn giá trị”… như nhiều nhà tư tưởng tư sản,
chủ nghĩa cơ hội, xét lại rêu rao, xuyên tạc.
Bước
thoái trào của chủ nghĩa xã hội hiện thực chỉ là nhất thời, tương lai nhân loại
vẫn thuộc về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản như Tuyên ngôn đã khẳng
định. Những thành tựu của công cuộc đổi mới, cải cách ở Việt Nam, Trung Quốc và
một số nước xã hội chủ nghĩa khác trong những năm qua đã cho thấy rõ điều đó.
Hơn nữa, chủ nghĩa tư bản đâu phải là thiên đường của nhân loại như các nhà tư
tưởng tư sản vẫn thường rêu rao, khi mà sự giàu có của nhà tư bản có được vẫn
dựa vào sự tước đoạt thặng dư giá trị của người lao động làm thuê; xã hội càng
phát triển thì hố sâu ngăn cách giàu-nghèo, bất bình đẳng giữa các giai tầng xã
hội, giữa các quốc gia ngày càng gia tăng; khủng hoảng tài chính, suy thoái
kinh tế, tệ nạn xã hội vẫn là "bạn đường" của xã hội tư bản... thì sự
phát triển có giới hạn và những tiền đề phủ định chủ nghĩa tư bản vẫn là một
tất yếu khách quan. Mục tiêu, lý tưởng Cộng sản được trình bày trong Tuyên ngôn
rất sáng rõ rằng, thay cho chế độ tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng
giai cấp của nó, xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi
người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người. Đó là khát
vọng cháy bỏng của các giai cấp cần lao và loài người tiến bộ về một chế độ xã
hội mới tươi đẹp. Tuyên ngôn mãi mãi có sức chinh phục lòng người, là ngọn đuốc
soi đường cho nhân loại đi tới tương lai.
Với
cách mạng Việt Nam, hơn 80 năm qua dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và
Đảng Cộng sản Việt Nam, lấy tư tưởng của Tuyên ngôn nói riêng, chủ nghĩa Mác -
Lê-nin nói chung làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng
đã giành được những thắng lợi vẻ vang. Là người Việt Nam đầu tiên đến với chủ
nghĩa Mác - Lê-nin, Hồ Chí Minh đã tìm thấy ở đó con đường cứu nước, giải phóng
dân tộc, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới của độc lập dân tộc gắn với chủ
nghĩa xã hội. Người đã sớm nhận thức được rằng “Muốn cứu nước và giải phóng dân
tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” và đưa cách mạng
Việt Nam đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười. Có lý luận tiền phong
hướng dẫn, Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách tích cực tuyên truyền, giáo dục, giác
ngộ quần chúng và tổ chức ra Đảng Cộng sản Việt Nam làm hạt nhân lãnh đạo, tổ
chức quần chúng đấu tranh làm Cách mạng Tháng Tám thành công, kháng chiến chống
thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược thắng lợi, đưa cả nước bước vào thời kỳ
phát triển mới gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Đảng quyết tâm lãnh
đạo sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn
biến phức tạp, đất nước chồng chất khó khăn, sau 25 năm đã đạt được những thành
tựu rất to lớn và có ý nghĩa lịch sử.
Hiện
nay, nhân dân cả nước tiếp tục quán triệt sâu sắc và quyết tâm thực hiện thắng
lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, kiên trì thực
hiện đường lối và mục tiêu đổi mới, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam xã hội
chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, kiên định và vận
dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên
định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phù hợp với tư tưởng cơ bản
và chủ đạo của Tuyên ngôn. Muốn vậy, cần nắm vững và tận dụng tốt những thời
cơ, quyết tâm vượt qua thách thức, chủ động làm thất bại âm mưu "diễn biến
hòa bình", gây bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc hòng làm thay đổi chế
độ chính trị ở nước ta, đồng thời cảnh giác với những diễn biến tiêu cực, xa
rời mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, "tự diễn biến", "tự
chuyển hóa" trong nội bộ, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất
nước. Chăm lo củng cố, xây dựng Đảng vững mạnh đi đôi với việc xây dựng đội ngũ
cán bộ, đảng viên vững vàng về chính trị, tư tưởng, trong sáng về đạo đức, lối
sống, có sức chiến đấu cao, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ làm lực lượng nòng
cốt đưa công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đi tới thắng lợi.
PGS, TS
Phạm Văn Nhuận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét