Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Tự do, dân chủ và nhân quyền cần được hiểu và đánh giá trong những bối cảnh cụ thể


QĐND - Thời gian gần đây, một số đối tượng ở trong nước cấu kết với các phần tử phản động lưu vong để gây rối, xúi giục và kích động gây rối, chống phá công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của nước ta. Việc làm sai trái của thiểu số những người này không chỉ bị lên án ở trong nước mà còn bị cả các học giả ở nước ngoài, trong đó có các chuyên gia người Việt, cực lực phê phán. Phóng viên TTXVN tại Ốt-ta-oa đã phỏng vấn ông An-đru Nguyễn (Andrew Nguyen), một chuyên gia phân tích chính sách tại Ca-na-đa về vấn đề trên. Xin giới thiệu cùng bạn đọc:
Câu hỏi: Là một người thường xuyên về Việt Nam công tác và thăm thân nhân, ông có đánh giá gì về tình hình đất nước trong những năm gần đây?
Trả lời: Trong vòng 5 năm gần đây, năm nào tôi cũng về Việt Nam ít nhất một lần, vừa kết hợp công tác và thăm gia đình. Cá nhân tôi nhận thấy nhiều biến chuyển tích cực tại Việt Nam trong thời gian qua. Vì Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển nên còn phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức về kinh tế, xã hội và giáo dục. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận những thành tựu lớn lao mà Việt Nam đã đạt được trong những năm qua. Trong bối cảnh các nước đang phát triển, kể cả các nước láng giềng của Việt Nam như Thái Lan, Phi-líp-pin gặp phải rất nhiều thách thức về bất ổn chính trị, bạo loạn xã hội, Việt Nam vẫn duy trì mức ổn định cao. Chính ổn định chính trị và xã hội là điều kiện sống còn để một quốc gia có thể tập trung phát triển kinh tế và duy trì công bằng xã hội.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt mức cao suốt hai thập kỷ qua, ngay cả trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu trong 3 năm qua. Việt Nam vốn là một nước gặp nhiều khó khăn do chiến tranh kéo dài và thiên tai xảy ra hằng năm, nhưng Chính phủ Việt Nam đã chèo lái một cách khôn khéo và hiệu quả con thuyền kinh tế của đất nước, duy trì được mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong suốt nhiều năm qua, giảm thiểu ảnh hưởng của các đợt suy thoái và khủng hoảng kinh tế khu vực và toàn cầu.
Việt Nam đã đạt thành tích xuất sắc trong xóa đói giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách thu nhập của người dân. Thành tựu lớn nhất theo ý kiến tôi là Việt Nam đã từ một trong những nước nghèo nhất thế giới, sau hơn 2 thập kỷ phát triển kinh tế nhanh và ổn định, nay đã gia nhập tốp các nước có thu nhập trung bình, nâng cao đáng kể đời sống của người dân ở mọi miền của đất nước. Thành tích này đã được các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chương trình phát triển của LHQ (UNDP) công khai thừa nhận và biểu dương.
Về đối ngoại, trong thời gian qua, vị thế của Việt Nam đã không ngừng được nâng cao trong khu vực và trên trường quốc tế. Việt Nam đã đảm nhận tốt vai trò thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an LHQ, Chủ tịch luân phiên của ASEAN, đề ra và thực hiện hàng loạt các sáng kiến đối ngoại song phương và đa phương.
Quan hệ Việt Nam-Ca-na-đa trong những năm gần đây đã không ngừng được củng cố, phát triển nhiều về nhiều mặt. Trong năm 2010, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Việt Nam đã đến Ca-na-đa trong khuôn khổ các hoạt động đa phương (G20), để lại nhiều dấu ấn được quốc tế đánh giá cao. Các buổi gặp mặt của các vị lãnh đạo với bà con kiều bào, trong đó cá nhân tôi được tham dự, diễn ra trong bầu không khí ấm cúng thân mật và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với bà con.
Câu hỏiĐó là đánh giá về tình hình chung của đất nước, vậy ông có nhận xét gì về đời sống tinh thần của người dân tại Việt Nam, nhất là vấn đề tự do tín ngưỡng và tôn giáo?
Trả lời: Tôi đã có dịp đi qua nhiều vùng ở mọi miền của đất nước, cảm nhận chung của tôi là thấy người thân, bạn bè và những người dân khác đều được tự do trong việc lựa chọn tín ngưỡng và tôn giáo. So với thời điểm trước khi tôi đi định cư ở nước ngoài, tại Việt Nam hiện có nhiều chùa chiền, nhà thờ, giáo đường và nơi thờ tự hơn. Chính sách tôn giáo của Việt Nam ngày càng được minh bạch, công khai hóa và hiệu quả hơn. Một ví dụ điển hình là Nhà nước Việt Nam và Tòa thánh Va-ti-căng đã cải thiện quan hệ một cách đáng kể trong 3 năm qua. Theo tôi được biết thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm chính thức Va-ti-căng và gần đây Tòa thánh đã cử đại diện không thường trú đầu tiên tại Việt Nam.
Câu hỏiGần đây, một số cá nhân sử dụng chiêu bài về dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo để thực hiện một số hành vi vi phạm pháp luật của Việt Nam, như kích động người dân gây rối trật tự xã hội, vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Trả lời: Mục tiêu tối thượng của bất kỳ nhà nước nào, mà tôi tin là trong đó có Nhà nước Việt Nam, là xây dựng một xã hội tự do, dân chủ, tôn trọng nhân quyền. Tuy các khái niệm tự do, dân chủ và nhân quyền có một số giá trị chung cho toàn nhân loại, nhưng cần được hiểu và đánh giá trong những bối cảnh hết sức cụ thể của mỗi quốc gia. Hình thức xử lý đối với các cá nhân trên phụ thuộc vào mức độ vi phạm của họ mà các cơ quan pháp luật của Việt Nam có trách nhiệm xác minh và điều tra. Cá nhân tôi cho rằng nếu họ thực sự vi phạm pháp luật, thì sẽ phải bị xử lý theo đúng các quy định luật pháp Việt Nam bởi vì điều quan trọng nhất là không một ai, một lực lượng nào có thể đứng trên pháp luật. Theo tôi được biết thì Nhà nước Việt Nam đã có những xử lý tương đối linh hoạt và mang tính khoan hồng đối với những cá nhân này. Tôi thiết nghĩ rằng, những người này và một số cá nhân, có hành vi và mục đích tương tự, nếu sớm tỉnh ngộ và hợp tác thiện chí với các cơ quan chức năng của Việt Nam, thì sẽ có lợi hơn cho tình hình chung và cho chính bản thân họ.
Câu hỏiVậy theo ông, những người muốn bày tỏ chính kiến của cá nhân mình thì nên thể hiện như thế nào?
Trả lời: Tôi nghĩ rằng, pháp luật của Việt Nam đã có những quy định cụ thể về việc bày tỏ chính kiến của cá nhân. Hình thức thích hợp nhất, theo ý kiến của cá nhân tôi, là thông qua thảo luận, đối thoại trực tiếp với các cơ quan có trách nhiệm. Trên thực tế, các cấp chính quyền, kể cả lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đã từng trực tiếp lắng nghe, đối thoại và tiếp thu ý kiến đóng góp của nhiều người, trong đó có người Việt Nam đang định cư tại nước ngoài. Tôi hy vọng rằng, cơ chế đối thoại giữa nhà nước và người dân sẽ ngày càng hoàn thiện và phát huy hiệu quả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét