QĐND - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc giáo dục cán bộ, đảng viên nắm chắc, khéo sử dụng vũ khí tự phê bình - phê bình và sửa chữa để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố chính quyền. Người khuyên: “Ai cũng cần tắm rửa cho mình mẩy sạch sẽ. Thì ai cũng cần tự phê bình cho tư tưởng và hành động đúng đắn”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu vấn đề và tự giải đáp: “Tự phê bình là gì? Là thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa”.
Chủ
tịch Hồ Chí Minh. Nguồn: Internet
|
Chủ
tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Tự phê bình chính là cuộc cách mạng diễn ra ngay
trong bản thân mỗi con người, là cuộc đấu tranh trong nội tâm để tự hoàn thiện
mình. Tự xét mình đó là ý thức tự rèn luyện, tự tu dưỡng, tự phấn đấu, tự răn
mình. Một số người sợ mất uy tín và thể diện mình, không dám tự phê bình, lại
còn bao biện, nếu phê bình khuyết điểm của mình, của đồng chí mình, của Đảng và
Chính phủ, thì địch sẽ lợi dụng mà công kích ta… “Nói như vậy là lầm to. Khuyết
điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình, cũng như
có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng,
không chết cũng la lết quả dưa”. Thực tế cho thấy, những cán bộ không dám công
khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân
dân, thì người đó ngày càng lao vào khuyết điểm, càng giảm sút uy tín dẫn đến
hư hỏng. Phê bình công khai có làm “suy giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính
quyền” không? Dứt khoát là có. Nhưng có “giảm bớt” này là tạm thời để rồi uy
tín lại tăng lên, nếu quyết tâm sửa chữa khuyết điểm. Trong tư tưởng của Chủ
tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là việc làm như cơm “ăn cho khỏi
đói”, như “rửa mặt cho khỏi bẩn”. Đó là công việc hằng ngày, hiển nhiên cần
thiết. Người đặc biệt phê phán thái độ phê bình không trên tinh thần đồng chí,
không có lòng xây dựng, không chân thành giúp đồng chí. Đó là thái độ “đao to
búa lớn” “việc bé xé to”, hoặc lợi dụng phê bình, cường điệu nâng quan điểm để
hạ bệ nhau, mạt sát nhau… Còn nếu nể nang, không dám tự phê bình, để cho khuyết
điểm của mình chất chứa lại. Thế thì khác nào tự mình bỏ thuốc độc cho mình!
Nói về Đảng, một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một
đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có
khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách
để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc
chắn, chân chính.
Tư
tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình - phê bình thật dễ hiểu và dễ thực hiện. Trong
hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc giải phóng dân tộc…, tự phê bình -
phê bình được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện đúng đắn, nghiêm
túc. Đây là vũ khí sắc bén, góp phần quan trọng nâng cao lòng yêu nước, tinh
thần và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trước vận mệnh đất
nước, đã làm nên những chiến thắng huy hoàng của dân tộc ta.
Tuy nhiên,
hiện nay việc hiểu và thực hiện tự phê bình và phê bình ở một số địa
phương, đơn vị, một số bộ, ngành, đang có những biểu hiện không đúng đắn. Chẳng
hạn, có những kẻ, trước các kỳ đại hội, hoặc bổ nhiệm, thì tung tin, dựng
chuyện cho “đối thủ”, rồi lợi dụng tự phê bình - phê bình hạ thấp uy tín để
tranh chức, đoạt quyền. Đó đây vẫn còn biểu hiện tự phê bình và phê bình
mang tính hình thức, tự phê bình thì nói về thành tích thật to lớn, sâu sắc,
nhưng đề cập đến khuyết điểm chỉ kể ra cho gọi là có. Khi phê bình cấp trên,
thì toàn nói về những khuyết điểm xét về hình thức có vẻ nghiêm trọng, nhưng
thực chất là sự nịnh nọt, tâng bốc lẫn nhau, nhất là những kẻ cơ hội về chính
trị... Chính vì vậy, các thế lực thù địch đã lợi dụng để ra sức tuyên truyền,
xuyên tạc một cách hiểm độc về tư tưởng tự phê bình - phê bình của Hồ Chí Minh.
Một mặt chúng cho rằng, tự phê bình và phê bình chỉ là công cụ để tranh giành
quyền, chức trong bộ máy Đảng và chính quyền các cấp. Mặt khác, chúng tìm mọi
cách lôi kéo, móc nối với những kẻ cơ hội trong Đảng sử dụng tự phê bình - phê
bình để bôi nhọ, hạ thấp uy tín của Đảng và Nhà nước ta, nhằm thực hiện những ý
đồ đen tối.
Để góp
phần xây dựng Đảng vững mạnh, làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù
địch và phát huy tốt hiệu quả của vũ khí tự phê bình và phê bình, các cấp, các
ngành, các địa phương cần tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức của cán
bộ, đảng viên và hiệu quả tự phê bình - phê bình. Trong đó tập trung vào các
giải pháp cơ bản sau:
Thứ
nhất, phải tổ chức học tập và quán triệt lại một cách nghiêm túc, sâu sắc tư
tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình - phê bình.
Thứ
hai, tổ chức hoạt động tự phê bình và phê bình trong các cấp bộ Đảng,
chính quyền, nhất là cấp cơ sở một cách thường xuyên, liên tục và hiệu
quả. Đây là giải pháp có tầm quan trọng bậc nhất và mang ý nghĩa quyết định đối
với việc xây dựng Đảng, Nhà nước và quân đội ta trong sạch, vững mạnh.
Thứ ba,
kết hợp chặt chẽ giữa tự phê bình và phê bình với cuộc đấu tranh chống tiêu
cực, tham ô, tham nhũng nhằm làm trong sạch bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước
trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện tốt giải pháp này cùng một lúc đạt
được các mục tiêu sau: Giảm thiểu được những thiếu sót, khuyết điểm của cán bộ,
đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong bộ máy Đảng và chính quyền các
cấp, trong thi hành công vụ: Phát hiện sớm các biểu hiện tham ô, tham nhũng,
nhờ đó giảm thiểu tổn thất về tài sản và tiền bạc của Nhà nước và nhân dân,
đồng thời, bảo vệ được cán bộ, đảng viên và uy tín của Đảng, Nhà nước: Hạn chế tối
đa những kẽ hở, không để các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá.
Tóm
lại, tự phê bình - phê bình là hoạt động mang tính tất yếu, thường xuyên, liên
tục của một đảng cầm quyền như Đảng ta. Có làm tốt hoạt động này, thì Đảng mới
vững mạnh, mới hoàn thành sứ mệnh của một đảng cầm quyền, lãnh đạo cách mạng
nước ta đi đến thắng lợi.
Đại tá,
PGS, TS Hoàng Minh Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét