Bức ảnh chụp bé Nguyễn Thị Lý - Nguồn: World Press Photo
(TNO) Bức ảnh về cô bé nhiễm chất độc màu da cam người Việt Nam Nguyễn Thị Lý đã đạt giải hai ở hạng mục Những vấn đề đương đại, tại giải thưởng ảnh báo chí thế giới thường niên hôm 11.2.
Bức ảnh này do nhiếp ảnh gia người Mỹ Ed Kashi của hãng VII Photo thực hiện tại ngôi nhà của bé Lý ở Đà Nẵng. Vào tháng 12 năm ngoái, bức ảnh chụp cô bé 9 tuổi cũng đã được Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) chọn làm Bức ảnh của năm 2010.
Trong khi đó, bức ảnh gây chấn động về một phụ nữ Afghanistan bị xẻo mũi và cắt tai vì bỏ chồng do nhiếp ảnh gia Jodi Bieber chụp cho tạp chí Time đã đoạt giải Ảnh báo chí thế giới của năm 2010.
Bibi Aisha, nhân vật trong bức ảnh báo chí của năm, là một phụ nữ 18 tuổi ở tỉnh Oruzgan của Afghanistan. Sau khi Aisha bỏ trốn khỏi nhà chồng vì bị bạo hành, một chỉ huy của Taliban đã ra lệnh cho người chồng trừng phạt cô bằng cách xẻo mũi và cắt tai. Aisha hiện sống tại Mỹ, nơi cô đã được phẫu thuật tái tạo khuôn mặt.
Bức ảnh của Aisha gây nhiều xúc động khi xuất hiện trên bìa tạp chí Time tháng 8.2010 cùng bài báo có tựa đề “Phụ nữ Afghanistan và sự trở lại của Taliban”.
Bà Ruth Eichhorn, một trong các giám khảo của giải Ảnh báo chí thế giới 2010, phát biểu: “Đây là một bức ảnh đanh thép lạ thường. Nó gửi đi một thông điệp có tác động vô cùng mạnh mẽ với thế giới về việc 50% dân số là phụ nữ, và có quá nhiều người trong số đó vẫn sống trong các điều kiện cơ cực, bị bạo hành”.
Tại giải ảnh báo chí thế giới năm 2010, số lượng các nhiếp ảnh gia tự do đoạt giải tiếp tục tăng lên, mặc dù các hãng ảnh danh tiếng thế giới vẫn được vinh danh thích đáng. Getty Images và Panos giành được 5 giải mỗi hãng, trong khi Reuters giành được 3, còn AP và AFP đều giành được 2 giải.
Tổng cộng có 56 nhiếp ảnh gia từ 23 nước đã chiến thắng tại giải ảnh báo chí danh giá nhất thế giới này. Tại giải năm nay, số ảnh tham dự đạt tới con số kỷ lục 108.059. Các bức ảnh do 5.647 nhiếp ảnh gia đến từ 125 nước thực hiện.
Trong một hành động bất thường, ban giám khảo cũng đã tuyên dương một loạt 12 bức ảnh do những thợ mỏ ở Chile chụp khi họ mắc kẹt ở độ sâu 700 mét dưới lòng đất trong 69 ngày trước khi được giải cứu vào tháng 10.2010.
Sơn Duân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét