Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Bà Hiền “da cam”



Bà Hiền (giữa) kêu gọi đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam trên đường phố Mỹ hồi tháng 5-2010 - Ảnh do nhân vật cung cấp
Hơn 20 năm gắn bó với nạn nhân chất độc da cam, bà nói đấy là phần thưởng dành tặng cho tất cả nạn nhân da cam. Không chỉ là người trực tiếp tìm kiếm nguồn tài trợ cho nạn nhân da cam, bà còn tích cực hành động để tham gia cuộc đấu tranh vì công lý.
Những câu chuyện lay động con tim
Trở về từ hành trình vì công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trên cương vị trưởng đoàn hồi tháng 5-2010, bà Nguyễn Thị Hiền (chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng) chia sẻ rất vui vì đã có những tín hiệu tốt từ cộng đồng.
Chuyến hành trình vì công lý từ ngày 14-4 đến 16-5-2010, trải qua bảy thành phố lớn ở nước Mỹ là điều không dễ dàng với người phụ nữ 53 tuổi này. Lịch trình dày đặc, trả lời phỏng vấn các hãng thông tấn nước ngoài, gặp các nghị sĩ để kêu gọi hành động, tiếp xúc với các cựu binh Mỹ... Nhưng có lẽ cuộc gặp gỡ với các sinh viên (chủ yếu là Việt kiều) tại Chicago khiến bà có nhiều cảm xúc nhất.
“Khi mới vào buổi nói chuyện, không khí tương đối căng thẳng và lạnh lùng. Có thể các sinh viên Việt kiều thế hệ thứ hai trở đi chưa được nghe kể về thực tế của hậu quả chiến tranh ở Việt Nam” - bà Hiền nhớ lại.
Để phá vỡ bức tường định kiến vô hình, bà Hiền kể câu chuyện của gia đình mình: “Bác tôi có hai người anh, một người là liệt sĩ đã hi sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc, còn một người theo chế độ Sài Gòn. Sau này, anh ấy có năm người con thì bốn trong số đó bị di chứng chất độc phá hủy hình hài con người, người thứ năm bị tâm thần. Mới đây anh ấy đã chết vì chất độc đó”.
Vừa nói chuyện với các sinh viên, bà Hiền vừa lấy ra những tấm hình chụp cận cảnh những di chứng da cam mà bà mang theo. Đó là tấm hình đầu trọc lóc của cô bé ở quận Hải Châu, của một gia đình có đến ba người con bị dị tật cong queo chân tay ở quận Ngũ Hành Sơn...
“Chúng tôi hành động là vì tất cả mọi người bởi nỗi đau này không phải của riêng ai” - bà nói và cả hội trường vỗ tay tán thưởng.
Những thước phim về nỗi đau da cam mà bà mang theo được trình chiếu cho gần 100 học sinh ở Trường Jones College Prep (Chicago). Phim kết thúc, bà đứng lên hỏi suy nghĩ của các em khi xem bộ phim về nỗi đau của chiến tranh này.
Một học sinh da màu lập tức đứng lên: “Tại sao chính quyền Mỹ lại che giấu chuyện này? Nhìn những hình ảnh về nạn nhân chất độc da cam, chúng tôi là người Mỹ cảm thấy xấu hổ... Chính phủ phải có trách nhiệm với việc này”.
Bà mẹ của gia đình lớn
Hơn 20 năm gắn bó với nạn nhân da cam, cái tên bà Hiền “da cam” đã thành biệt danh của người phụ nữ này. Mới trở về từ Mỹ, bà lại tất bật lo chuẩn bị cho số nạn nhân chất độc da cam tham gia nguyên đơn vụ kiện sắp tới, xây dựng cơ sở 3 của gia đình da cam tại huyện Hòa Vang, đi tìm nguồn tài trợ cho nạn nhân chất độc da cam...
Năm 2007, khi UNICEF tổ chức hội nghị về chất độc da cam tại Đà Nẵng, bà giơ tay xin được phát biểu “chỉ hai phút thôi”. Lúc đó nhiều người ngăn bởi bà chỉ đến với tư cách khách mời nên sẽ bị từ chối. “Nhưng tôi vẫn đứng lên nói ngắn gọn: đề nghị có hỗ trợ thiết thực hơn cho nạn nhân chất độc da cam như việc xây dựng chỗ ở cộng đồng cho các cháu”.
Bà bảo nói vậy thôi chớ không ngờ sau đó đại diện của UNICEF đã đến thăm Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng và đồng ý đầu tư xây dựng cơ sở tại huyện Hòa Vang với kinh phí 195.000 USD. Gặp bà Hiền, ông Jesper Morch - trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam lúc đó - nói nhỏ: “Giờ thì bà có thể ngủ ngon được rồi”.
Nhiều năm gắn bó với “nỗi đau da cam” nhưng câu chuyện về ông Giáo (huyện Hòa Vang) vẫn còn khiến bà day dứt mãi. Ông Giáo bị di chứng với khối u nặng hơn 40kg nên chỉ có thể mặc váy. Năm 2001, bà gặp ông Giáo rồi đề nghị được đưa ông ra Hà Nội chữa trị, nhưng do khối u quá to nên ông xin được đưa hai người con cũng bị di chứng đi thay.
“Tôi đưa các cháu ra Hà Nội nhập viện xong thì phải đi Sài Gòn cùng chồng để chữa bệnh vô sinh. Khi quay lại Đà Nẵng, lên nhà thì ông Giáo đã mất, lời trăng trối cuối cùng: mong cô Hiền giúp các con tôi” - bà ngậm ngùi nói. Bệnh của hai con ông Giáo không thể chữa trị, thi thoảng bà Hiền lại lặn lội đến thăm với ít quà trên tay...
Bà có một gia đình nho nhỏ với hai cô con gái nuôi đã sinh cho bà hai cháu ngoại. Phần bà long đong bệnh tật nhưng cuối cùng cũng chữa được, sinh đôi hai cô con gái đã 7 tuổi. Nhưng căn nhà lớn của bà vẫn là “căn nhà da cam”, bà nói.




Anh tài xế taxi với chiếc điện thoại lưu ảnh Bác Hồ


Hai chữ “Việt Nam” trên đất Mỹ
Buổi tối đi taxi ở New York, người tài xế hỏi chuyện bà từ đâu tới. Bà vừa kịp nói hai tiếng “Việt Nam” thì người tài xế đã ồ lên: “Việt Nam”, rồi lấy chiếc điện thoại ra khoe những tấm ảnh về Bác Hồ mà anh lưu trong máy. Anh nói: “Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ mà tôi vô cùng quý trọng”.
Giữa đất Mỹ, đúng ngày 30-4, sự kiện đó làm bà cảm thấy xúc động rất nhiều.

Nguồn theo Báo Tuổi trẻ ĐOÀN CƯỜNG
(22/02/2011 | 10:10)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét