Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Cách lập luận ấu trĩ và xa lạ


QĐND - Trong những ngày gần đây, trên nhiều trang mạng lại xuất hiện những bài viết viện dẫn văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nêu câu hỏi: “Quân đội nhân dân Việt Nam bảo vệ dân hay bảo vệ Đảng? ”. Và rằng: “Quân đội của một đất nước phải là lực lượng phục vụ cho lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, không thể phục vụ cho lợi ích riêng cho một cá nhân, một nhóm lãnh đạo hay cho một đảng phái chính trị nào”…
Câu hỏi và cách lập luận này thật là ấu trĩ cả về lý luận và cũng rất xa lạ trong thực tiễn.  
Những ai có đôi chút kiến thức cơ bản về lịch sử nhà nước và quân đội đều biết rằng: Lực lượng vũ trang chuyên nghiệp xuất hiện đồng thời với sự ra đời của nhà nước. Đó là công cụ của nhà nước, một mặt là thực hiện chức năng cai trị của nhà nước, mặt khác là để bảo vệ lãnh thổ và các lợi ích khác của quốc gia - dân tộc (theo quan niệm của lực lượng cầm quyền). Bởi vậy, lẽ đương nhiên quân đội trước tiên phải bảo vệ nhà nước - người khai sinh và nuôi dưỡng nó.
Trong các xã hội hiện đại, lực lượng vũ trang nói chung, quân đội nói riêng không bao giờ là trung lập với chế độ chính trị. Cũng như không có một cộng đồng, một xã hội nào lại không gắn với một chế độ chính trị, một nhà nước do một lực lượng chính trị, thường là một giai cấp hoặc liên minh giai cấp mà đại diện là các đảng chính trị nào đó lãnh đạo, cầm quyền. Bởi vậy, đồng thời với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, quân đội luôn luôn có nhiệm vụ bảo vệ chế độ, bảo vệ nhà nước hiện hữu.
Ở Việt Nam, quan hệ giữa Đảng Cộng sản với Quân đội ta là một mối quan hệ đặc biệt. Quân đội ta ra đời trước khi có nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo. Trong suốt 30 năm kháng chiến chống đế quốc xâm lược (từ 1945 đến năm 1975), Đảng ta không chỉ lãnh đạo toàn diện công cuộc kháng chiến, kiến quốc của toàn dân mà còn trực tiếp lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối quân đội ta. Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Đảng ủy các cấp là người trực tiếp lãnh đạo, xây dựng, tổ chức lực lượng, chỉ đạo các hoạt động của quân đội ta. Những quyết định quan trọng nhất trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chống đế quốc Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đều bắt đầu từ những quyết định của Bộ Chính trị. Những chiến dịch mang tính quyết định của chiến tranh như chiến dịch Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ chính trị đều trực tiếp chỉ đạo. Bởi vậy, bảo vệ Đảng chính là bảo vệ bộ tham mưu tối cao của cách mạng Việt Nam. Vậy thì  quân đội ta đương nhiên phải bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, cũng chính là bảo vệ nhân dân, phục vụ nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân” cũng để chỉ rõ sứ mệnh của quân đội ta là bảo vệ chế độ xã hội do nhân dân làm chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong chiến lược "Diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phi chính trị hóa quân đội, tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, biến lực lượng vũ trang thành công cụ thực hiện âm mưu bạo loạn, lật đổ nhà nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo là mục đích cuối cùng của chúng. Chính vì vậy, chúng ta không thể xao nhãng đối với các âm mưu, thủ đoạn chiến tranh tâm lý, chiến tranh tư tưởng, phá hoại mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân và Quân đội ta.
Trong chế độ ta, không có sự đối lập về lợi ích giữa Đảng với dân tộc và nhân dân. Quân đội ta cũng chưa bao giờ chỉ là công cụ “phục vụ lợi ích riêng của một cá nhân, một nhóm lãnh đạo hay một đảng phái chính trị nào” như có người đã ám chỉ trong bài viết tung lên mạng. Có thể nói những luận điệu trên không chỉ là một sự ấu trĩ về chính trị, xuyên tạc lịch sử, mà còn là một sự xúc phạm danh dự của quân đội ta – một đội quân sinh ra từ nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ - đội quân đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Trong văn kiện Đảng khẳng định quân đội ta có nhiệm vụ “Bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân” thì đó không phải là một trật tự ưu tiên, mà để chỉ rõ những nhiệm vụ chính trị cụ thể của quân đội trong giai đoạn cách mạng hiện nay, đồng thời ngăn chặn những âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch phá hoại nguyên tắc Đảng lãnh đạo quân đội.
Để kết thúc bài viết này chúng tôi xin được trích Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XI về công tác quốc phòng - an ninh,  liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Quân đội để chứng minh đầy đủ hơn quan điểm của Đảng ta về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và thấy mối liên hệ đồng nhất giữa bảo vệ Đảng, bảo vệ nhà nước, bảo vệ nhân dân của Quân đội nhân dân Việt Nam là một sự thống nhất không thể tách rời: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc… thực hiện tốt mục tiêu, nhiêm vụ quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN… chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”(1).
Nguyễn Doãn Hải
(1)- Đảng Cộng sản Việt Nam, Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI, tr 64.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét