Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Giúp bạn bè hiểu đúng Việt Nam



QĐND - Thực tế đấu tranh cách mạng cho thấy, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của kẻ địch không chỉ nhằm gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm suy yếu cách mạng Việt Nam ngay từ trong nước, mà còn nhằm bôi xấu hình ảnh và hạ thấp uy tín của Việt Nam trước bè bạn quốc tế.
Để làm thất bại âm mưu bôi xấu và hạ thấp uy tín, hình ảnh Việt Nam cần thiết phải đẩy mạnh hoạt động thông tin đối ngoại để bè bạn quốc tế hiểu đúng về Việt Nam, tránh góc nhìn thiên lệch do chỉ nghe thông tin một chiều. Trong trường hợp này, đối ngoại nhân dân nên được ưu tiên, bởi có những sự thật khi được giải thích bằng kênh chính thức có thể không đạt được hiệu quả như mong muốn, do dễ bị hiểu nhầm là động thái “biện hộ”. Nhưng nếu những sự thật ấy được tuyên truyền bằng con đường đối ngoại nhân dân, thì tính thuyết phục sẽ cao hơn. Khi sự thật đã được sáng tỏ, dù các thế lực chống phá cố tình đổi trắng, thay đen, bạn bè quốc tế vẫn đứng về phía chúng ta.
Theo báo cáo của Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam, các hoạt động đối ngoại nhân dân tiếp tục được triển khai theo phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, chú trọng mở rộng, đa dạng hóa quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước, coi trọng phát triển chiều sâu quan hệ với các nước láng giềng và các nước có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của ta; củng cố quan hệ bạn bè truyền thống, tăng cường quan hệ với các lực lượng yêu chuộng hòa bình và tiến bộ, các tổ chức cánh tả; mở rộng quan hệ với các tổ chức, cá nhân có thiện chí với Việt Nam. Trong 3 năm gần đây, Liên hiệp và các tổ chức thành viên đã có nhiều sáng kiến, trong đó có sáng kiến mang tính đột phá trong quan hệ hợp tác, hữu nghị với các đối tác nước ngoài; chủ động, tích cực nghiên cứu, thiết lập quan hệ với nhiều đối tác mới là các cá nhân, tổ chức hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, giáo dục, quan hệ quốc tế, nghiên cứu khoa học chính trị, hữu nghị nhân dân... Tại một số địa bàn, quan hệ của các tổ chức thành viên đã vươn từ các tổ chức hòa bình, hữu nghị tới các thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ, tới các ủy ban của Quốc hội các nước, Hội đồng các thành phố lớn, hội hữu nghị song phương với các nước khác và hội hữu nghị cấp vùng, cấp tỉnh của các nước.  Trong 3 năm qua, chỉ tính theo kênh hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, Liên hiệp đã cử 214 đoàn với 1.173 lượt người đi công tác tại hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ; đã đón 241 đoàn với 2.753 lượt người đến từ nhiều nước trên thế giới.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn, mỗi năm, Bộ Thông tin và Truyền thông mời khoảng 6 đoàn nhà báo quốc tế tới thực tế tại Việt Nam để viết bài và đón tiếp từ 20 đến 30 đoàn nhà báo quốc tế có chương trình làm việc riêng đến Việt Nam. Đây là kênh thông tin rất có ý nghĩa trong việc tăng cường sự hiểu biết của bè bạn quốc tế về đất nước, con người Việt Nam và thực tế đang diễn ra ở Việt Nam. Lấy ví dụ cụ thể về đoàn nhà báo Cam-pu-chia, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho hay, ở Cam-pu-chia có rất nhiều tờ báo đối lập đăng những bài thiếu thiện chí về Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi đoàn nhà báo Cam-pu-chia được mời tới Việt Nam, chỉ trong thời gian ngắn, hàng trăm bài báo phản ánh đúng hơn về thực tế tại Việt Nam đã được đăng tải trên các mặt báo ở Cam-pu-chia.
Cách đây không lâu, chúng tôi tham dự một khóa đào tạo ngắn về nghiệp vụ báo chí. Giáo viên của chúng tôi, ông Randy, là một biên tập viên kỳ cựu, đang làm việc tại một tờ báo có tiếng ở Mỹ. Khi nhận thấy giáo viên có cách hiểu chưa đúng về thực tế báo chí đang diễn ra tại Việt Nam, chúng tôi đã có những trao đổi thẳng thắn với giáo viên về điều này. Để minh chứng cho ông Randy rằng có những tình hình diễn ra ở Việt Nam mà người nước ngoài biết rất ít hoặc hiểu không đúng bản chất, do họ chỉ được nghe tuyên truyền một chiều, chúng tôi đã đưa ông Randy đến thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Tại phòng trưng bày hình ảnh, hiện vật về chất độc da cam mà quân đội Mỹ từng sử dụng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam và nạn nhân của loại chất độc này, ông Randy đã rất xúc động. Sau chuyến thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, ông Randy phải thốt lên rằng: “Đây là bảo tàng mang tính nhân văn nhất mà tôi đã từng đi thăm”. Ông nói rằng, trước đó, ông chưa từng biết tới những điều này. Hình ảnh đau đớn của nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đã cho ông Randy thấy một sự thật mà ông chưa từng được biết đến, dù rằng ông đã có tới hơn 50 năm làm nghề báo.
Từ ví dụ trên, có thể thấy, chúng ta cần mở rộng hơn nữa các kênh thông tin tuyên truyền đối ngoại, trong đó có kênh đối ngoại nhân dân, thông qua các cuộc giao lưu, gặp gỡ, tiếp xúc, các diễn đàn, đối thoại... cung cấp những thông tin đúng đắn, xác thực về tình hình mọi mặt của đất nước để bạn bè trên thế giới hiểu rõ hơn nữa các chủ trương, chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, thành tựu và kinh nghiệm đổi mới của nhân dân ta, đặc biệt là các thành tựu trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo là những vấn đề mà các thế lực thù địch thường lợi dụng để chống phá. Trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người, nếu chúng ta cung cấp cho bạn bè thế giới hiểu đầy đủ, toàn diện các vấn đề về khắc phục hậu quả chiến tranh như nạn nhân chất độc da cam, nạn nhân bom mìn, giải quyết tồn đọng sau chiến tranh, xóa đói giảm nghèo... chắc chắn sẽ làm cho thế giới hiểu rõ những nỗ lực của chúng ta trong bảo đảm quyền con người, trước hết là quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự do.
Trong lịch sử, chúng ta cũng từng rất thành công trong việc đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân, làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tranh thủ cao nhất sự ủng hộ của các lực lượng yêu chuộng hòa bình và nhân dân tiến bộ trên thế giới. Ngay cả những người dân tiến bộ trong những nước gây chiến với Việt Nam cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam.     
Hiện nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta cũng cần vận dụng và phát huy những kinh nghiệm quý về đối ngoại nhân dân trong các cuộc kháng chiến. Chẳng hạn, trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cần có nhiều cuộc đối thoại, tiếp xúc, các diễn đàn nhân dân với các nước trên thế giới, trong khu vực và trước hết với các nước láng giềng, trong đó có  nhân dân Trung Quốc. Cần làm cho nhân dân nước bạn hiểu rõ quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng đất nước và mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong việc duy trì, phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác hòa bình với tất cả các nước, trước hết với các nước láng giềng anh em và đặc biệt là quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời với nhân dân Trung Quốc. Cần tạo sự hiểu biết và đồng thuận trong nhân dân nước bạn về chủ trương giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển Đông thông qua biện pháp hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế mà cụ thể là công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Bằng những giải thích có tình, có lý, qua các kênh phát ngôn chính thức và đẩy mạnh tuyên truyền qua các kênh ngoại giao nhân dân, nhất định chúng ta sẽ tạo được sự ủng hộ rộng rãi của bạn bè trên thế giới nói chung và nhân dân Trung Quốc nói riêng. Gần đây, chúng ta thấy có không ít học giả, trí thức nước ngoài, trong đó có học giả và các nhà phân tích của Trung Quốc  có những bài viết, ý kiến phản bác rất có lý lẽ những tuyên bố chủ quyền vô lý, vi phạm luật pháp quốc tế và xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, bày tỏ sự không đồng tình với những tuyên bố vô lý ấy. Nếu có nhiều kênh để trao đổi ý kiến với các thành phần và đối tượng khác nhau như các tổ chức quần chúng, các doanh nghiệp, thông qua những cuộc hội thảo khoa học, nói chuyện chuyên đề mang tính quốc tế, chắc chắn bạn bè sẽ hiểu và ủng hộ chúng ta nhiều hơn. Khi đã có thông tin đúng đắn, các thế lực thù địch không thể lợi dụng vấn đề này để chống phá chúng ta, chia rẽ quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Minh bạch thông tin sẽ là vũ khí quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh dư luận, tranh thủ sự ủng hộ và đồng tình của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam. Tất nhiên, đây là công việc lâu dài, cần làm kiên trì, liên tục và bền bỉ, có sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp, của cả hệ thống chính trị.
Có thể nói, việc tham gia công tác đối ngoại nhân dân của các tổ chức quần chúng, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp đã có bước chuyển biến đáng kể sau khi Chỉ thị 04 ra đời. Tuy nhiên, việc huy động các tầng lớp nhân dân vào các hoạt động đối ngoại nhân dân dường như vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Không ít người dân vẫn coi đối ngoại là "công việc của Nhà nước" nên chưa thấy được tầm quan trọng của vai trò cá nhân mình trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam với bè bạn quốc tế.
Để huy động có hiệu quả các tầng lớp nhân dân tham gia các hoạt động đối ngoại nhân dân, theo chúng tôi nên bắt đầu từ công tác thông tin, tuyên truyền đối nội. Từng cơ quan, đơn vị cần xây dựng chương trình, nội dung cụ thể và phổ biến đến từng cán bộ, công chức nhằm nâng cao nhận thức cho họ về tình hình đất nước, đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... từ đó có thể huy động các cán bộ, công chức trở thành tuyên truyền viên tích cực tham gia công tác đối ngoại nhân dân. Những người được phân công tham gia các hoạt động đối ngoại nhân dân, giao lưu, tiếp xúc với bạn bè quốc tế, ngoài nắm vững tình hình và quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước còn cần tích lũy kiến thức và kinh nghiệm vận động, thuyết phục bạn bè quốc tế, sẵn sàng giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của bạn trên cơ sở có lý, có tình, tạo được sự liên hệ từ "trái tim đến trái tim", sự chia sẻ và đồng cảm, sự hiểu biết chân tình. Từng người dân đều có thể là một nhà ngoại giao không chuyên giúp nhân dân các nước hiểu rõ hơn về Việt Nam và thực tế diễn ra ở Việt Nam.
Nguyễn Tào

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét