Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị



QĐND - Hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang diễn ra trong nội bộ một số cơ quan Đảng, Nhà nước hiện nay do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng là do sự suy thoái về tư tưởng chính trị của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Vì vậy, muốn phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có hiệu quả chúng ta phải tập trung ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị (TTCT).
Tại Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Đảng ta đã cảnh báo: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng”. Từ đó đến nay, Đảng ta có nhiều giải pháp về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Song, kết quả thu được chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Tình trạng suy thoái về TTCT, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) một lần nữa chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị...”.
Để xây dựng các giải pháp ngăn chặn đẩy lùi tình trạng suy thoái về TTCT trong cán bộ, đảng viên có hiệu quả, cần tiếp tục nhận diện và làm rõ các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị.
Sự suy thoái về TTCT trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay được biểu hiện ở những mức độ khác nhau:
Thứ nhất, là sự thờ ơ về chính trị, bàng quan, vô cảm trước vận mệnh của Đảng và dân tộc. Những cán bộ, đảng viên này chỉ lo vun vén cho lợi ích cá nhân, né tránh trách nhiệm, không dám đấu tranh với những quan điểm, hành động sai trái; không chịu học tập nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bề ngoài vẫn nói về CNXH nhưng bên trong thì không tin; trước những khó khăn của đất nước thường dao động, mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, luôn tỏ thái độ chê bai người khác, không thấy trách nhiệm của mình, cho mình “vô can” trước những yếu kém, của cơ quan tổ chức nơi mình công tác. Khi bị đối tượng xấu tác động thường không đủ sức “đề kháng”, dễ bị lôi kéo vào các hoạt động chống lại Đảng, chế độ. Đây là biểu hiện suy thoái về TTCT biểu hiện ở mức độ thấp. Tuy nhiên, số cán bộ, đảng viên loại này lại chiếm số đông.
Thứ hai, là một số cán bộ, đảng viên biến chất về chính trị, công khai phê phán bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, ca ngợi CNTB. Số cán bộ, đảng viên này thường lợi dụng các diễn đàn, các cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học, các phương tiện truyền thông, internet, lợi dụng việc góp ý với Đảng, phản biện xã hội để bày tỏ quan điểm sai trái của mình. Đáng chú ý, những biểu hiện suy thoái này không chỉ ở một bộ phận cán bộ, đảng viên đương chức mà còn diễn ra ở những cán bộ, đảng viên trước đây đã có quá trình đi theo Đảng, có cống hiến cho cách mạng nay đã nghỉ hưu nhưng do bất mãn cá nhân, thiếu bản lĩnh chính trị, thiếu thông tin nên ngộ nhận, phụ họa theo các quan điểm sai trái; có người viết hồi ký cho rằng trước đây bản thân mắc sai lầm trong thực hiện nhiệm vụ nay “sám hối”, “phản tỉnh”. Đây là loại rất nguy hiểm, vì họ là người có trình độ, có vị thế xã hội và quá trình cống hiến cho cách mạng nên tư tưởng, hành động của họ tác động rất lớn đối với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Thứ ba, là những cán bộ đảng viên biến chất về chính trị có các hoạt động móc nối với các thế lực thù địch, bọn phản động người Việt lưu vong để chống lại Đảng, dân tộc và chế độ XHCN ở nước ta. Số này ngoài việc công khai biểu hiện quan điểm chống lại Đảng, Nhà nước, còn viết bài, cung cấp tài liệu về tình hình trong nước để các thế lực thù địch chống Việt Nam. Một số đối tượng đã móc nối hoặc tham gia các tổ chức phản động người Việt ở nước ngoài.
Sự suy thoái về TTCT trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan giữ vai trò quyết định.
Trong chiến lược DBHB chống Việt Nam, các thế lực thù địch xác định phá hoại tư tưởng là một mũi tấn công trọng điểm mang tính đột phá, là “cây cầu dẫn vào trận địa” để “làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, tạo ra khoảng trống để dần dần đưa hệ tư tưởng tư sản vào, rồi cuối cùng xóa bỏ hệ tư tưởng XHCN” (*).Để thực hiện âm mưu thâm độc này, các thế lực thù địch đã tập trung phê phán, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh với những luận điệu mới: từ chỗ bóp méo, xuyên tạc, đến công kích, quy kết học thuyết này “sai lầm từ gốc rễ”, gán cho CNXH những tội ác độc tài, diệt chủng; khoét sâu vào những khoảng trống về lý luận xây dựng CNXH như các vấn đề “đấu tranh giai cấp”, “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN”… khai thác những yếu kém trong công tác quản lý KT -XH, từ đó vu cáo, quy kết, xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng; sự điều hành của Chính phủ; tuyên truyền, kích động gây chia rẽ, ly gián trong nội bộ Đảng, chính quyền, gây mâu thuẫn giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; tăng cường truyền bá tư tưởng cực đoan, lối sống thực dụng, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy; ra sức tuyên truyền các học thuyết về đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, tuyệt đối hóa các “chuẩn mực”, “giá trị” của phương Tây,...
Để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái TTCT, trước hết chúng ta cần tăng cường công tác tổng kết thực tiễn, tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, trên cơ sở đó xây dựng luận cứ khoa học vững chắc cho con đường đi lên CNXH ở nước ta và các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước.
Sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và tình hình chính trị thế giới đang đặt ra hàng loạt vấn đề phức tạp, bức xúc tác động đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đòi hỏi công tác lý luận phải làm rõ. Nếu làm tốt công tác lý luận sẽ tạo được thống nhất trong Đảng về nhận thức, ý chí và hành động. Để làm được điều này, công tác lý luận cần tập trung vào những vấn đề sau đây: Tiếp tục khẳng định tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời cần làm rõ những vấn đề cần nhận thức lại, những vấn đề cần bổ sung, phát triển để vận dụng vào thực tiễn nước ta; Nghiên cứu sâu sắc, nghiêm túc bài học kinh nghiêm từ sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN Đông âu, những vấn đề mới của thời đại để dự báo xu hướng phát triển của cách mạng thế giới và xây dựng luận cứ khoa học phục vụ chiến lược phát triển KT -XH của đất nước; Khắc phục chủ nghĩa giáo điều, bảo thủ trong công tác lý luận và bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa, coi thường lý luận; kiên quyết đấu tranh với những khuynh hướng chính trị phản động, không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở Việt Nam; Coi trọng, tăng cường hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng để bồi đắp lý tưởng cách mạng, nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận của xã hội...
Các cấp ủy cần tập trung làm tốt công tác giáo dục nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kết hợp với giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, góp phần tích cực vào việc bồi dưỡng thế giới quan khoa học và nhân sinh quan cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là lớp trẻ, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN ở nước ta.
Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục lý luận trong hệ thống các trường chính trị, các trường đại học, cao đẳng và THCN; từng đối tượng phải có chương trình dạy lý luận chính trị cho phù hợp; khắc phục tư tưởng ngại học lý luận, học lướt, học cho qua và sự lạc hậu về chương trình, nội dung phương pháp dạy và học. Đẩy mạnh chương trình đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ khoa học, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy các bộ môn khoa học Mác – Lê -nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tiếp tục làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ chế độ XHCN; xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ, thực sự trong sạch, vững mạnh. Mỗi tổ chức Đảng, từng đảng viên phải nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm. Công tác quy hoạch, đề bạt, bố trí, sử dụng cán bộ phải khoa học, dân chủ, công tâm, đúng năng lực, sở trường cán bộ. Khắc phục tình trạng cục bộ địa phương, chủ quan, phiến diện và các biểu hiện “chạy chức”, “chạy quyền” trong công tác cán bộ.
Trong công tác đào tạo cán bộ công chức phải coi trọng cả trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức và tinh thần phục vụ nhân dân. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng phải được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, vi phạm nguyên tắc, kỷ luật Đảng. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh làm thất bại chiến lược DBHB của các thế lực thù địch trên lĩnh vực TT -VH.
Thiếu tướng PGS, TS Trần Minh Thư
(*)Nguyễn Phú Trọng, Báo Nhân Dân, ngày 5-3-2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét