Vì bị
chà đạp, bị tước các quyền cơ bản, nên đấu tranh đòi nhân quyền (quyền con
người) là một mục tiêu của nhân loại tiến bộ. Trớ trêu thay, chính những kẻ đi
tước quyền người khác lại lớn tiếng lên án những người bị tước quyền là vi phạm
nhân quyền. Hết gây chiến tranh, các thế lực thù địch lại vu cáo Việt Nam đàn
áp tôn giáo, vi phạm quyền tự do, dân chủ... Cứ thế, vấn đề nhân quyền được họ
sử dụng như một khúc điệp tấu lạc điệu để chống phá cách mạng Việt Nam. Vậy tại
sao vẫn còn tồn tại nghịch lý đó?
Quyền
con người và quyền dân tộc có quan hệ mật thiết với nhau. Mỗi con người, không
phân biệt chủng tộc, giai cấp, giới tính, tôn giáo..., đều có các quyền cơ bản,
như quyền sống, quyền bình đẳng, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc và các
quyền khác. Đó là các quyền mà thiếu chúng thì không thể có phẩm chất con
người, không thể hình dung nổi con người theo đúng nghĩa của từ này. Mỗi dân
tộc đều có quyền tự quyết, tự do lựa chọn thể chế chính trị, tự do theo con
đường phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của mình; tự do định đoạt tài nguyên
thiên nhiên và của cải, vì lợi ích của mình, miễn là không làm phương hại đến
các nghĩa vụ hợp tác mà mình cam kết.
Đó là
những lẽ phải không ai chối cãi được, vì vậy, chúng đã trở thành những nguyên
tắc ứng xử, những chuẩn mực pháp lý quốc tế được ghi nhận trong Hiến chương
Liên hợp quốc, trong các bản Tuyên ngôn, các Công ước quốc tế về nhân quyền.
Thế
nhưng, từ chỗ cho rằng, nội dung, tiêu chuẩn của nhân quyền là tuyệt đối, bất
biến, là ý tưởng chính trị duy nhất, giới phương Tây, điển hình là Mỹ đã dùng
ngọn cờ nhân quyền để tiến công CNXH và các nhà nước có quan điểm không đồng
nhất với họ. Nói một cách khác, xuất phát từ quan niệm trên - thực chất là vì
vấn đề lợi ích - nhân quyền được chủ nghĩa đế quốc đem ra làm thứ “vũ khí” với
cái gọi là “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “nhân quyền không có biên giới quốc
gia” để chống lại nhân loại tiến bộ; trong đó, Việt Nam là một nạn nhân điển
hình. Đó là câu hỏi vì sao, thực dân Pháp cướp bóc, nô dịch nhân dân Việt Nam
đến gần một thế kỷ nhưng lại được che đậy dưới cái khẩu hiệu “Khai sáng văn
minh cho người Đông Dương”! Còn ở phía Tây bán cầu, Tuyên ngôn độc lập của
Hợp chủng quốc Hoa Kỳ 1776 đã ghi: “Chúng tôi cho rằng những sự thật sau đây là
hiển nhiên, rằng tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa cho ta
những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền không ai có thể
xâm phạm được, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”1.
Song, sự thật thì ý tưởng đẹp đẽ của các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã bị không ít
những vị kế nhiệm sau đó phản bội. Ai cũng biết chủ quyền quốc gia là nội dung
trước hết của nhân quyền, quyền được sống trong độc lập, tự do là quyền cao
nhất của con người; nhưng mỉa mai làm sao, đế quốc Mỹ lại thực thi nhân quyền
bằng cách xâm lược Việt Nam. Và họ đã “cứu Việt Nam và các nước Đông Nam Á khỏi
thảm hoạ Cộng sản” bằng một cuộc chiến tranh bẩn thỉu, vô nhân tính. Họ đã trút
lên đầu mỗi người dân miền Bắc Việt Nam 45,5 ki-lô-gam bom đạn. Còn từ vĩ tuyến
17 trở vào thì họ lùa hàng triệu người dân vào 8.000 “ấp chiến lược”- thực chất
là các trại tù tập trung, và nói là để “xây dựng chế độ dân chủ” ở miền Nam
Việt Nam. Chưa hết, Mỹ còn thả xuống lãnh thổ Việt Nam 80 triệu lít chất độc
hóa học, trong đó có 61% là chất độc da cam, chứa 366 kg chất đi-ô-xin. Với
lượng chất độc khổng lồ đó, 4,8 triệu người Việt Nam đã bị phơi nhiễm, nhiều
người trong số đó đã chết, hàng trăm nghìn người bị vô sinh, nếu những người có
thể sinh con đẻ cái được thì con cháu của họ tiếp tục là nạn nhân dai dẳng của
hỗn hợp da cam/đi-ô-xin chết người. Ấy là chưa nói đến sức tàn phá và hủy diệt
ghê gớm về môi trường sống, vì chỉ chừng đó thôi cũng đủ thấy: bằng cách tước
đi các quyền con người cơ bản nhất của một dân tộc, Mỹ trở thành một trong
những thế lực chống lại các quyền con người có quy mô lớn nhất trong lịch sử
thế giới đương đại.
Vâng,
nhân quyền của chủ nghĩa đế quốc là thế đấy. Họ theo đuổi “chính sách pháo hạm”
để nô dịch một dân tộc khác, nhưng lại nói là để thực hiện sứ mệnh hòa bình,
dân chủ. Vì thế, để vạch trần trò bịp bợm của cái gọi là “Hoà bình đàm
phán của Giôn-xơn”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đáp trả lại rằng: “Này,
Tổng thống Giôn-xơn, ngươi hãy công khai trả lời trước nhân dân Mỹ và nhân dân
thế giới: Ai đã phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, là Hiệp định bảo đảm chủ quyền,
độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam? Phải chăng quân đội
Việt Nam sang xâm lược nước Hoa Kỳ và giết hại người Hoa Kỳ? Hay là chính phủ
Mỹ đã đem quân đội Hoa Kỳ đến xâm lược nước Việt Nam và giết hại người Việt
Nam?”2.
Vẫn
chưa hết. Chúng ta đều biết, ngay sau ngày 30-4-1975, các thế lực thù địch đã
cố tình dựng lên cảnh “tắm máu” rùng rợn của Cộng sản đối với những người của chính
quyền Sài Gòn, rồi những năm sau, họ lại đưa ra tin “hàng chục nghìn người đã
bỏ mình” trong các “trại cải tạo”. Năm 2001, vẫn là trò dựng chuyện ấy, một số
phương tiện truyền thông phương Tây lại tung tin rằng “hàng nghìn người đã bị
chính quyền Việt Nam thảm sát” trong “Sự kiện Tây Nguyên”. Vậy sự thật thế nào?
Chẳng có cảnh “tắm máu” hay “hàng chục nghìn người đã bỏ mình”, cũng chẳng hề
có chuyện “hàng nghìn người đã bị thảm sát” nào cả. Tất cả đều là những trò bịa
đặt trơ trẽn. Chưa hết, vẫn là khúc điệp tấu xưa cũ, năm 2009, một nữ Dân biểu
Hoa Kỳ, bà L. Xan-chét cũng lên tiếng “đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam”. Song
dư luận cho rằng, việc cố tình vẽ lên một đời sống chính trị - theo bà là “mất
dân chủ” ở Việt Nam - thực chất là bà muốn kiếm thêm những lá phiếu từ những
người vốn thiếu thiện chí với Việt Nam. Còn gần đây nhất, khúc điệp tấu nhân
quyền kia lại được “tua” lại một lần nữa khi Báo cáo nhân quyền thế
giới năm 2009 (Báo cáo 2009) của Mỹ, với giọng trịch
thượng, tiếp tục phán xét tình hình nhân quyền trên thế giới, trong đó họ cố
tình đơm đặt, thậm chí dựng đứng nhiều chuyện hoàn toàn sai sự thật ở Việt Nam.
Không chỉ bị Việt Nam phản đối,Báo cáo 2009 của Mỹ đã bị nhiều nước
lên án mạnh mẽ. Họ cho rằng: Mỹ lâu nay vẫn lấy vấn đề nhân quyền và dân chủ
làm công cụ can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, chà đạp nhân quyền
của nước khác. Hội đồng nhân quyền quốc gia Ai-cập cho biết, Ai-cập “không đếm
xỉa” đến những báo cáo như vậy. Phó Tổng thống Cô-lôm-bi-a thì nói rằng, Báo
cáo 2009 của Mỹ là “giả dối”, “thất thiệt”. Còn Tổng thống Ê-cu-a-đo
R. Cô-rê-a thì tuyên bố, Mỹ không có “thẩm quyền đạo đức” để phán xét rằng: các
nước khác có bảo đảm hay không các quyền con người. Ông cho rằng, chính Mỹ mới
là nước hợp pháp hoá các biện pháp tra tấn tù nhân - một biểu hiện vi phạm
quyền con người rõ ràng nhất.
Được
sự hà hơi tiếp sức của các thế lực từ bên ngoài, một số phần tử bất mãn, cơ hội
ở trong nước cũng tăng cường các hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng
tìm cách tập hợp lực lượng, ngấm ngầm thành lập các tổ chức, đảng phái, dự thảo
cương lĩnh, xây dựng lộ trình chống phá Việt Nam một cách bài bản. Họ cáo buộc
chính quyền Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền; thậm chí còn vận động các tổ
chức quốc tế tăng cường can thiệp, gây sức ép với Việt Nam về vấn đề nhân
quyền; kêu gọi chính giới Mỹ xem xét đưa Việt Nam trở lại danh sách các nước
cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo; hoặc đề nghị Mỹ sớm thông qua “Dự luật
nhân quyền Việt Nam 2009-S1159”, v.v. Tuy nhiên, đằng sau các việc làm trên của
chúng, không có gì khác ngoài mục tiêu: xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Việt Nam, chuyển hóa chế độ xã hội ở Việt Nam.
Song
lịch sử chẳng dễ gì bóp méo. Sự thật là, dân tộc Việt Nam phải đấu tranh để
giành và bảo vệ nền độc lập, suy đến cùng là để đòi lại quyền sống, quyền tự do
và quyền mưu cầu hạnh phúc. Ngay sau khi giành chính quyền về tay nhân dân,
trong điều kiện “nghìn cân treo sợi tóc”, Chính phủ Hồ Chí Minh đã phát động
phong trào diệt “giặc đói, giặc dốt” đồng thời với diệt giặc ngoại xâm. Trong
hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, chúng ta vừa
kháng chiến, vừa kiến quốc để bảo vệ nền độc lập, thống nhất đất nước; đồng
thời, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Sau ngày đất
nước được giải phóng, một lần nữa, Việt Nam lại đứng lên, vượt qua vết thương
khổng lồ của chiến tranh để phấn đấu bằng được mục tiêu: dân giàu, nước mạnh,
xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đó là mục tiêu vì hạnh phúc của nhân dân.
Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo hơn 20 năm qua đã mang lại
cho đất nước nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực của
đời sống xã hội, cho phép chúng ta thực hiện ngày một tốt hơn các quyền con
người. Chế độ XHCN ở Việt Nam chẳng những không bị sụp đổ như ở Liên Xô và Đông
Âu, mà còn đứng vững hơn bao giờ hết. Về kinh tế, từ một nước không đủ ăn, Việt
Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế
giới. Trong hơn 20 năm đổi mới, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt
trung bình trên 7%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 5 lần; tỉ lệ hộ
nghèo theo chuẩn quốc gia giảm xuống nhiều lần (theo đánh giá của Liên hợp
quốc, từ năm 1993 đến năm 2006, Việt Nam đã giảm được tỉ lệ nghèo đói từ 63,7%
xuống còn 21,5%). Mọi người dân Việt Nam đều được hưởng thành quả của công cuộc
đổi mới, cả về kinh tế, xã hội và văn hóa; đất nước giữ vững ổn định về chính
trị; kinh tế-xã hội có bước phát triển khá; quốc phòng-an ninh được củng cố.
Gần đây, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ “cơn bão” khủng hoảng kinh tế-tài
chính toàn cầu, song Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia đạt được mức tăng
trưởng dương và đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.
Đó là một thực tiễn sinh động không thể phủ nhận. Thành quả đó của Việt Nam đã
được bạn bè quốc tế, một lần nữa hết sức khâm phục. Cộng đồng quốc tế thêm tin
yêu Việt Nam, không chỉ vì Việt Nam phê chuẩn hầu hết các công ước quốc tế về
quyền con người (trong đó, Việt Nam là một trong những nước phê chuẩn sớm
nhất Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và Công
ước về quyền trẻ em), mà còn được nhắc đến như một tấm
gương sáng về xóa đói, giảm nghèo. Đó là lý do tại sao Liên hợp quốc lại lấy
Việt Nam làm mô hình để thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ.
Tuy
nhiên, chúng ta cũng thấy rằng, Việt Nam đang ở trong thời kì quá độ lên CNXH.
Đó là thời kỳ mà chúng ta vừa phải cải tạo xã hội cũ, vừa tiến hành xây dựng xã
hội mới. Hơn nữa, CNXH là chế độ xã hội mới mẻ, sự phát triển của nó không phải
lúc nào cũng thuận lợi. Trong quá trình ấy, do một bộ phận cán bộ chưa theo kịp
với đòi hỏi của thực tiễn; do pháp chế chưa được kiện toàn đầy đủ, nhất là do
chiến tranh kéo dài và hậu quả của nó để lại quá lớn, nên chúng ta không tránh
khỏi có những vấp váp ở nơi này, nơi khác trong thực hiện quyền con người. Tuy
nhiên, đó không phải là bản chất của chế độ XHCN. Thực tiễn cách mạng Việt Nam
đã chứng minh rõ: Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn nghiêm túc khắc phục những
thiếu sót và có nhiều chủ trương, biện pháp để phấn đấu thực hiện ngày càng tốt
hơn các quyền con người của người dân Việt Nam. Vì vậy, không chỉ công khai
trên các phương tiện thông tin đại chúng, mà với thái độ đầy thiện chí của
mình, Chính phủ Việt Nam còn sẵn sàng mời những ai quan tâm và chia sẻ về vấn
đề nhân quyền ở Việt Nam đến Việt Nam. Do đó, Báo cáo 2009 của
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục xem Việt Nam là nước vi phạm nhân quyền, tự do,
dân chủ... là phiến diện, thiếu khách quan và không công bằng. Chúng ta luôn
biết ơn và trân trọng tình cảm của các chính phủ, các cá nhân và tổ chức quốc
tế đã và đang dành cho Việt Nam sự giúp đỡ to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần
trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, hậu quả thiên tai và nhiều lĩnh vực
khác. Đó là những việc làm góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng đất nước
Việt Nam - thực chất là để giúp Chính phủ Việt Nam bảo đảm ngày càng tốt hơn
các quyền con người cho công dân của mình. Song chúng ta cũng quyết không chấp
nhận những ai còn mang “cái ô nhân quyền” để chống Việt Nam. Trong xu thế hiện
nay, việc làm đó chỉ là khúc điệp tấu lạc điệu.
ĐỨC
LÊ
___________
[1]-
9 bản tuyên ngôn nổi tiếng thế giới, Nxb Văn hóa-Thông tin, H.
2006, tr. 17.
2 -
Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb CTQG, H. 2000, tr.
298.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét