Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Về yêu sách “Tự do tôn giáo - nhân quyền ở Việt Nam” của Mỹ 23/02/2011


Như vậy Mỹ đã chính thức sử dụng vũ khí “Tôn giáo - nhân quyền” trong các quan hệ quốc tế hiện nay, cả trên phương diện pháp lý, đạo lý và chính sách đối ngoại.
I. Vấn đề “tự do tôn giáo” trong lô-gic và chính sách của Mỹ
Nhìn một cách đại thể, từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, trong chính giới Mỹ bắt đầu đưa vấn đề nhân quyền vào phạm trù, chính sách đối ngoại. Chẳng hạn, năm 1994, Hạ viện Mỹ thông qua Nghị quyết lấy ngày 11-5 hàng năm là “Ngày nhân quyền Việt Nam”. 
Ngày 14-5-1998, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Luật Tự do tôn giáo quốc tế (HR 2431). Đây là lần đầu tiên, trong một bộ luật, Mỹ đã công khai, hợp pháp hóa những căn cứ của họ trong chính sách tôn giáo quốc tế. 
Bộ luật này cũng đưa ra một số định nghĩa, trong đó có định nghĩa về “những vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về tự do tôn giáo”. Theo đó, những vi phạm như “tra tấn hoặc đối xử vô nhân đạo; giam giữ lâu dài mà không buộc tội; làm nhiều người bị mất tích hoặc giam giữ bí mật; tước bỏ quyền sinh sống, tự do, an ninh cá nhân” được coi là những nội dung cụ thể. 
Với bộ luật này, trong cơ quan hành pháp Mỹ bắt đầu xuất hiện nhân vật đại sứ lưu động về tự do tôn giáo quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao; một Ủy ban về Tự do tôn giáo quốc tế; một Cố vấn đặc biệt về Tự do tôn giáo quốc tế trong cơ cấu tổ chức Hội đồng An ninh quốc gia...
Lẽ dĩ nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, vấn đề tôn giáo trong đời sống xã hội loài người những thập niên gần đây còn chịu nhiều tác động khác mà theo chúng tôi là do những yếu tố sau:
- Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu không chỉ tạo ra sự khủng hoảng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế mà còn có tác động lớn đến đời sống tôn giáo thế giới: sự trỗi dậy của Chính thống giáo và tư tưởng tôn giáo nói chung ở các vùng lãnh thổ thuộc Liên Xô trước đây, sự bùng nổ của chủ nghĩa ly khai trên cơ sở xung đột sắc tộc, tôn giáo với các mục tiêu chính trị khác nhau... Cuối thế kỷ XX, xu hướng vô thần có nhiều dấu hiệu suy giảm, thay vào đó là sự “quay trở lại của tâm thức tôn giáo”. 
- Cục diện “chiến tranh lạnh” mất đi và cục diện thế giới đã chuyển từ thế hai cực Xô - Mỹ sang cục diện nhất siêu (Mỹ), đa cường. Nhưng nói như thế cũng chưa phản ánh hết tính đa dạng, phức tạp của cục diện thế giới hiện nay. Dưới hình thái chủ nghĩa khủng bố, một bộ phận của thế giới Hồi giáo đã và đang trở thành lực lượng đối đầu với Mỹ và phương Tây. 
- Toàn cầu hóa, trước hết là toàn cầu hóa về kinh tế của thế giới hiện nay tác động theo hai chiều tích cực và tiêu cực đến lịch sử thế giới đương đại. Về mặt tôn giáo, đã và đang diễn ra một xu hướng mới rất đáng chú ý, đó là xu thế toàn cầu hóa tôn giáo. Hiện tượng toàn cầu hóa tôn giáo hiện ra ngày càng rõ nét và đã đặt ra nhiều vấn đề xã hội và tôn giáo có tính thách thức. Đại thể, theo giới nghiên cứu tôn giáo, toàn cầu hóa tôn giáo là quá trình chuyển từ tính liên Nhà nước sang tính xuyên quốc gia; các chiến lược bành trướng tôn giáo càng ít đi sự liên quan đến quyền bá chủ chính trị, nó không phụ thuộc vào mối quan hệ giữa các Nhà nước. Việc “xuất khẩu” tôn giáo ở các thế kỷ trước thường gắn với sự bành trướng của chủ nghĩa thực dân thì nay các luồng tôn giáo không thể đáp ứng lô-gic này nữa. Toàn cầu hóa tôn giáo hiện nay có xu thế thoát khỏi tầm kiểm soát của các Nhà nước và vượt lên trên các đường biên giới. Ngoài ra các luồng tôn giáo không còn giới hạn ở sự lan truyền Bắc - Nam (hoặc Tây - Đông) mà trở nên phức tạp hơn. 
- Thế tục hóa và hiện đại hóa. Thế tục hóa là khái niệm nảy sinh trong các cuộc cách mạng tư sản châu Âu. Thuật ngữ này được định nghĩa một cách đơn giản là quá trình trong đó tôn giáo bị giảm tầm quan trọng trong xã hội cũng như trong ý thức cá nhân. 
Nêu ra một số xu hướng lớn trên đây trong đời sống tôn giáo thế giới để có thể đi đến nhận định là các thế lực thù địch còn lợi dụng bối cảnh phức tạp của vấn đề tôn giáo đương đại, biến vấn đề tôn giáo - nhân quyền thành một vũ khí lợi hại chống lại những nước không chịu chấp nhận “hệ giá trị Mỹ”. Sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, với thế “thượng phong”, âm mưu này của Mỹ ngày càng có tính chất công nhiên và áp đặt. 
Âm mưu lợi dụng vấn đề tôn giáo - nhân quyền của Mỹ chống Việt Nam cơ bản là dựa vào một luận lý nhất định. Vì thế, đã đến lúc chúng ta phải đi sâu tìm hiểu cái “logic” của Mỹ trong vấn đề “tự do tôn giáo ở Việt Nam” là gì? Bởi vì, khi hiểu rõ cái logic ấy, tức là “cơ sở luận lý” của họ, chúng ta mới có thể đấu tranh có hiệu quả, hoặc ít nhất cũng vạch trần được cái logic của họ để bảo vệ sự đúng đắn của chúng ta trước dư luận trong nước và quốc tế. 
Trước hết, phải nói tự do tôn giáo - một giá trị tư tưởng của loài người đã được “phát hiện” ở châu Âu với các cuộc cách mạng tư sản (thế kỷ XVII - XVIII). Tuy vậy, cũng phải có quá trình người ta mới quan niệm đầy đủ hơn về nó. Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ năm 1776 chưa nói đến tự do tôn giáo, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền 1789 của Pháp có nói đến tự do cá nhân, tự do tư tưởng, nhưng cũng chưa nói trực tiếp đến tự do tôn giáo, Luật phân ly (1905) nổi tiếng của Pháp đã nói đến tự do lương tâm và tự do thờ cúng. Phải đến Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền của Liên Hợp Quốc ngày 10-12-1948 mới có sự thể hiện hoàn chỉnh về công pháp quốc tế của khái niệm “tự do tôn giáo”. 
Khái niệm tôn giáo đã được mở rộng bao gồm cả tôn giáo nhóm nhỏ và cá thể nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của hệ phái Tin lành Mỹ ra khắp thế giới. 
Cùng với việc lợi dụng xu thế đa nguyên về tôn giáo, toàn cầu hóa tôn giáo nói trên, Mỹ còn nhằm vào việc làm thay đổi bản đồ địa - tôn giáo của thế giới, tạo thêm cơ sở xã hội có lợi cho việc thực thi chính sách toàn cầu của họ.
II. Nội dung các quan điểm của Mỹ về vấn đề “tự do tôn giáo - nhân quyền ở Việt Nam”
- Về nội dung quyền “tự do tôn giáo” ở Việt Nam. Mỹ đưa ra những luận điệu hết sức sai trái để xuyên tạc và vu cáo Việt Nam như: 
+ Trong khi điều 18 của Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (Điều 1 của Tuyên ngôn Nhân quyền) về loại trừ các hình thức bất khoan dung, phân biệt với tôn giáo hay tín ngưỡng... thì Hiến pháp Việt Nam ở điều 70 quy định dựa vào “Chính sách Nhà nước” để định các giá trị trên. 
+ Cho rằng Việt Nam thường xem tôn giáo như một vật thể chính trị chứ không phải một tác nhân của xã hội, có quyền tự do quyết định vận mệnh của nó, thậm chí còn xem tôn giáo như một công cụ tuyên truyền cho Đảng, Nhà nước, phục vụ các chính sách Nhà nước trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh - quốc phòng. 
+ Dự luật HR 2368 vẫn lặp lại cái nhìn rất sai lệch cố hữu rằng: “Chính phủ Việt Nam tước đoạt một cách hệ thống quyền cơ bản về tự do tôn giáo của công dân mình...”. 
- Về vấn đề Tin lành ở Tây Nguyên. Họ tập trung nghiên cứu các phương diện nhân chủng học, dân tộc học, tôn giáo học... ở vùng này. Họ cho rằng, những sự kiện vừa qua ở Tây Nguyên chính là “sự phẫn nộ trước sự mất mát đất đai của tổ tiên và sự thiếu tự do tôn giáo và trong nhiều dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã hình thành một thứ chủ nghĩa dân tộc, cơ sở cho những “đòi hỏi chính trị” hôm nay. 
- Các thế lực thù địch cho rằng, ở Việt Nam có “hai chính sách tôn giáo”. Một là, trên ngôn ngữ văn bản, mà họ thừa nhận ngày một cải thiện. Hai là, chính sách áp dụng trong thực tiễn, nhất là ở các địa phương thì ngược lại, đó là sự hạn chế, trói buộc các tôn giáo. 
- Nguy hiểm nhất là Mỹ lợi dụng vấn đề “tôn giáo – dân tộc” để kích động tư tưởng ly khai, tự trị ở các vùng dân tộc thiểu số, kích động gây bạo loạn, gây rối nhằm tạo sự mất ổn định chính trị – xã hội trong khu vực. Cụ thể là các thế lực thù địch công khai ủng hộ các phần tử phản động trong số người dân tộc thiểu số lưu vong, phục hồi tổ chức FULRO, lập ra “Tin Lành Đề ga”, ‘Nhà nước Đề ga”, “Tổ quốc Mông”... Họ thường xuyên kích động các phần tử cực đoan trong các tôn giáo đòi “tự do tôn giáo”, âm mưu tái lập “Liên tôn chống cộng sản”; khôi phục các tổ chức tôn giáo bất hơp pháp” công kích Uỷ ban đoàn kết Công giáo; hỗ trợ cho một số người nhằm âm mưu phát triển đạo Tin Lành ngoài khuôn khổ, luật pháp ở vùng dân tộc thiểu số Tây Bắc, Tây Nguyên, thậm chí còn vận động tặng giải thưởng No-ben vì hoà bình và các giải thưởng nhân quyền cho một số nhân vật tôn giáo chống đối, cực đoan, đối lập với Nhà nước lâu nay.
III. Mấy suy nghĩ có tính giải pháp
Để phản bác những quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch trong vấn đề tôn giáo và nhân quyền, theo chúng tôi cần thực hiện một số giải pháp, phương thức sau:
1 - Vấn đề “tự do tôn giáo”
Tính phức tạp của vấn đề là ở chỗ Mỹ lạm dụng và đồng nhất quyền tự do tôn giáo và tự do truyền giáo để có thể thúc đẩy sự truyền bá Kitô giáo, nhất là Tin Lành sang châu Âu và các nước khác trên thế giới. Những năm gần đây, do bối cảnh toàn cầu hoá tôn giáo, Mỹ đã lợi dụng những ưu thế của đạo Tin Lành để có thể bành trướng văn hoá, văn minh ra toàn cầu. Học thuyết về tự do tôn giáo của Mỹ còn đặc biệt chú trọng đến vấn đề cải đạo, đổi đạo. Cụ thể là Mỹ rất quan tâm lợi dụng các dân tộc thiểu số trên khắp các lục địa, những cộng đồng nhỏ yếu, nhạy cảm, nặng mặc cảm “bị gạt bên lề” khỏi xu thế toàn cầu hoá, hiện đại hoá và các cộng đồng vốn bị “thua thiệt lịch sử”. 
Chúng ta cần nghiên cứu, vạch rõ sự áp đặt các giá trị Mỹ cũng như sự phi lý của Mỹ với quan điểm tự do tôn giáo theo lối lưỡng chuẩn (Double Standard). Ngoài ra, bên cạnh việc nghiên cứu cái “logic” về “tự do tôn giáo” của Mỹ, chúng ta cần nghiên cứu sự khác biệt trong quan niệm của Mỹ và Tây Âu về tôn giáo. 
2 - Vấn đề “luật pháp tôn giáo”
Chúng ta một mặt phải hoàn thiện hơn nữa về phương diện luật pháp tôn giáo theo hướng hội nhập hơn với các Công ước quốc tế. Mặt khác, trong công tác lý luận, chúng ta cũng cần khẳng định những mặt mạnh, sự tiến bộ của hệ thống luật pháp tôn giáo ở Việt Nam và trình bày một cách thuyết phục bước biến chuyển này trước công luận. Trong khi thể hiện logic về tự do tôn giáo ở nước ta, về nguyên tắc phải đảm bảo những tư tưởng chỉ đạo mà Đảng và Nhà nước ta đã chỉ ra như: bảo đảm nguyên tắc độc lập dân tộc, xã hội chủ nghĩa, tôn giáo phải đồng hành với dân tộc, lựa chọn các tôn giáo, tín ngưỡng của công dân phải thực sự trên cơ sở tự nguyện, gắn bó với Tổ quốc và bản sắc dân tộc... 
3 - Vấn đề “tù nhân tôn giáo”
Chúng ta cần khẳng định rõ là Việt Nam luôn tôn trọng một nguyên tắc cơ bản là người dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng tôn giáo. Ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân tôn giáo”, không có ai bị giam giữ vì lý do tôn giáo và bất đồng chính kiến. 
4 - Vấn đề “hai chính sách tôn giáo ở Việt Nam”
Trong nhận thức cũng như trong hành động, chúng ta kiên quyết bác bỏ luận điểm này. Giới nghiên cứu cần bảo vệ và làm rõ quan điểm nhất quán, lời nói đi đôi với việc làm, chính sách, luật pháp về tôn giáo luôn được thực hiện ngày càng tốt hơn trong thực tiễn với những dẫn chứng thuyết phục. 
5. Về âm mưu lợi dụng vấn đề tôn giáo trong các dân tộc thiểu số ở các địa bàn chiến lược ở nước ta nhằm thực hiện chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa giải lãnh thổ.
 Để làm thất bại âm mưu này của địch, chúng ta cần nghiên cứu sâu và toàn diện hơn những đặc tính, cội nguồn lịch sử, những vấn đề đương đại, trong đó có việc phát triển “bất bình thường” của Kitô giáo hiện nay ở các vùng dân tộc thiểu số, nhất là vùng đồng bào Mông, một số dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, cộng đồng Khơme Nam Bộ. Cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về các tổ chức phản động ở nước ngoài từ lực lượng cầm đầu, âm mưu cụ thể của các thế lực thù địch ở Mỹ và phương Tây gắn với Tin Lành Đề ga, phong trào Khơme Krom; phong trào Tổ quốc Mông... nhằm mưu đồ thực hiện chủ nghĩa ly khai phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị, xã hội ở nước ta. 
GS.TS Đỗ Quang Hưng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét