QĐND - Tuy vẫn chưa
được giải nghĩa trong Từ điển tiếng Việt, nhưng “lợi ích nhóm” nay đã trở thành
cụm từ quen thuộc chỉ một bộ phận những người có chung lợi ích tác động đến cơ
quan, người có quyền ra những quyết định theo hướng có lợi cho
họ - nó đi ngược lại với lợi ích của tập thể.
Lợi ích nhóm ở nước
ta có quy mô hết sức đa dạng, nhỏ thì người này với người kia, bộ
phận này với bộ phận kia, lớn thì ngành này với ngành khác liên kết
với nhau “lách luật” làm méo mó, bẻ cong đường lối, chính sách của Đảng để trục
lợi. Đây chính là một hình thức tham nhũng tập thể, được biểu hiện dưới
nhiều dạng vẻ khác nhau như báo cáo không trung thực, chạy dự án,
chạy chức, chạy quyền, chạy chính sách… Khi đạt được lợi ích riêng của cá nhân,
của bộ phận thì lợi ích chung, của đất nước, của nhân dân bị xâm
hại. Thế mới có chuyện doanh thu của doanh nghiệp lỗ, lương vẫn
cao, thưởng vẫn lớn. Những ngày vừa qua, thanh tra công bố số nợ xấu của toàn
hệ thống ngân hàng lên tới 202 nghìn tỷ đồng (8,6%), con số đó cao gần gấp đôi
so với con số do các ngân hàng thương mại báo cáo trước đó. Vì sao lại báo cáo
thấp hơn con số thực? Báo cáo thấp để vẫn được hưởng lương cao, vẫn thưởng và
giảm bớt được quỹ dự phòng rủi ro. Thanh tra còn cho biết, nợ xấu ngoài nguyên
nhân khách quan do khủng hoảng kinh tế trên quy mô toàn cầu, còn do ngân hàng
đổ tiền vào bất động sản, chứng khoán, mà không ít trong số đó chính là doanh
nghiệp sân sau của các ngân hàng... Nghĩa là, cũng xuất phát từ
lợi ích nhóm.
Lợi ích nhóm làm
rối loạn, gây thất thoát nền kinh tế đất nước thì đã quá rõ, ai cũng có thể
nhìn thấy, nhưng hậu quả nghiêm trọng hơn, lớn hơn không dễ nhìn thấy của “lợi
ích nhóm” còn là nguy cơ thúc đẩy “tự diễn biến” trong nội bộ. Phải chăng,
do tiên lượng được “sức công phá” của lợi ích nhóm mà cả hai Nghị quyết Trung
ương 3, 4 (khóa XI) về các vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế và xây dựng Đảng,
Đảng ta đều cảnh báo nguy cơ dẫn đến “tự diễn biến” từ lợi ích nhóm, từ tư duy
nhiệm kỳ, từ những tính toán cục bộ.
Do vun vén cá nhân,
lại thiếu tu dưỡng rèn luyện, một bộ phận cán bộ đảng viên đã đặt lợi ích của
cá nhân lên trên lợi ích của tập thể, lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà Đảng, Nhà
nước, nhân dân tin tưởng giao cho để tham ô, tham nhũng dưới nhiều hình thức,
trong đó có hình thức thông qua lợi ích nhóm. Họ không chỉ làm hoen ố truyền
thống vẻ vang của Đảng, làm mất niềm tin của nhân dân, mà còn tiếp sức cho các
thế lực thù địch thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” lật đổ chế độ từ bên
trong.
Một thực tế là lợi
ích nhóm càng phát triển, càng mang lại lợi ích cá nhân cho một số
người thì càng khoét sâu sự mất công bằng trong xã hội; càng khuyến khích lối
sống không lành mạnh trong xã hội, bóp nghẹt dân chủ, nội bộ nghi kỵ lẫn nhau
và khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội càng doãng ra. Đó là những điều
đi ngược lại với mục tiêu lý tưởng của Đảng. Đảng chiến đấu hy sinh trước hết
và trên hết vì lợi ích của quốc gia dân tộc, lợi ích của nhân dân.
Cũng từ mục tiêu cao cả đó mà Đảng được nhân dân tin tưởng, ủng
hộ. Nếu lợi ích nhóm và các biểu hiện suy thoái về tư
tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên
không được ngăn chặn thì nguy cơ dẫn đến sụp đổ chế độ là điều có
thật.
Thực trạng đó, hơn
lúc nào hết đòi hỏi Đảng ta phải kiên quyết, hành động để ngăn chặn,
đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ lợi ích nhóm như tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4
(khóa XI) về xây dựng Đảng đã đề ra. Phải thấy rằng trong lúc này chống lợi ích
nhóm chính là chống nguy cơ “tự diễn biến”.
Xóa bỏ lợi ích nhóm
cũng như cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí đều phải rất coi trọng công tác
tuyên truyền, giáo dục, nâng cao phẩm chất, đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng
viên, nhưng quan trọng không kém nữa là Nhà nước, Chính phủ phải đề ra được
những cơ chế, chính sách phù hợp, “bịt” được những kẽ hở không để “lợi ích
nhóm” có đất để nảy nở, sinh sôi. Phải có cơ chế để khống chế quyền lực. Mà cơ
chế để khống chế quyền lực có hiệu quả nhất là thực hiện dân chủ, công khai,
minh bạch để người dân có quyền giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền,
giám sát đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Đồng thời
phải chấn chỉnh ngay công tác cán bộ, phải chọn được những cán bộ thực sự có
đức, có tài bố trí vào những vị trí then chốt có quyền ban hành, quyết định
công tác tổ chức, quyết định chính sách… Cơ quan, người ban hành các quyết
định, các chính sách phải vượt qua được chính mình, phải coi lợi ích toàn cục,
lợi ích lâu dài của nhân dân của đất nước là “tối thượng”. Trong thực tế, không
phải không có những tổ chức, những cán bộ cố tình kéo chậm sự hoàn thiện của cơ
chế, chính sách để lợi dụng. Kéo dài quy hoạch một khu phố, một con đường, một
trường học; thay đi, đổi lại một quyết định nhằm tạo ra khoảng trống
cho những kẻ cơ hội lách vào. Nghiêm trọng hơn thậm chí nhóm lợi ích
lại thắng thế trong những quyết định cụ thể, làm cho lợi ích chung bị xâm hại,
mà không bị xử lý kỷ luật.
Thúc đẩy cổ phần
hóa doanh nghiệp, bỏ hẳn cơ chế "xin-cho" và tạo nên môi trường cạnh
tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong các thành phần kinh
tế…
Để xóa bỏ lợi
ích nhóm, suy cho cùng là phải hiểu đúng và thực hiện triệt để lời
dạy của Bác Hồ "Dĩ công, vi thượng". Muốn ngăn chặn, đẩy lùi
tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ
phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các
cấp, phải triển khai thật thiết thực, hiệu quả Nghị quyết 4 về xây
dựng Đảng và Chỉ thị 03 của BCT về "Học tập và làm theo tấm
gương đạo đức Hồ Chí Minh", vừa củng cố niềm tin của nhân dân đối với
cán bộ, đảng viên, vừa góp phần quan trọng chống “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” trong nội bộ, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh,
xứng đáng là Đảng cầm quyền lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi mục tiêu độc
lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, xây dựng thành công một nước
Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh ./.
Huy
Thiêm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét