Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Việt Nam vẫn là Việt Nam



QĐND - Trong những ngày vừa qua, vấn đề Biển Đông đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều chính khách, chuyên gia, học giả trong nước và trên thế giới. Có học giả cho rằng, các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung, Việt Nam nói riêng phải trông đợi vào sự "hiện diện mạnh mẽ" hơn của Hoa Kỳ, như một đối trọng trong khu vực. Trong khi đó, theo họ nhân quyền đang là một "rào cản" trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Bởi vậy, có một số người cho rằng: "Muốn được Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam phải có sự "tiến bộ" trên lĩnh vực nhân quyền. Nói cách khác, Việt Nam phải thay đổi chế độ xã hội, phải chuyển sang "con đường tự do dân chủ" theo kiểu phương Tây. Điều đó cũng có nghĩa Việt Nam phải từ bỏ con đường XHCN... 
Để chứng minh cho việc Việt Nam đang đứng trước “cơ hội” thay đổi "con đường" phát triển, người ta đã dẫn ra hai sự kiện liên tiếp diễn ra ở Việt Nam trong vòng chưa đầy hai tuần của tháng 6-2012. Đó là: Ngày 3-6, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta có chuyến thăm “lịch sử” đến vịnh Cam Ranh; Tiếp đó là việc Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Andrew J. Shapiro phụ trách Chính trị và Quân sự đã đến Việt Nam trong hai ngày 19 và 20-6, trong khuôn khổ chuyến đi Đông Nam Á của ông... 
Thiết nghĩ, sự hiện diện của hai quan chức cao cấp Hoa Kỳ ở Việt Nam không phải là điều đặc biệt như người ta suy đoán, càng không phải Hoa Kỳ chỉ vì ủng hộ Việt Nam về chủ quyền biển đảo mà còn vì lợi ích của Hoa Kỳ, trong đó có quyền tự do hàng hải. Hơn nữa như Tổng thống Ô-ba-ma đã tuyên bố nước này đang chuyển hướng chiến lược quân sự-tái triển khai lực lượng hải quân, nhằm tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, đẩy mạnh quan hệ đối tác quân sự với các nước trong vùng. Nội dung chủ yếu của sự chuyển hướng chiến lược này là bố trí lại lực lượng hải quân. Theo đó, từ nay đến năm 2020, hải quân Mỹ sẽ bố trí 60% lực lượng của mình ở Thái Bình Dương… 
Lịch sử cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam, từ Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (năm 1930) đến nay, dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tự chọn, tự quyết con đường đi cho mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: Con đường cách mạng Việt Nam đi từ cách mạng tư sản dân quyền đến cách mạng xã hội... Trong các cuộc kháng chiến đánh đuổi thực dân xâm lược, thống nhất đất nước, dân tộc Việt Nam luôn luôn tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế, song chưa bao giờ dân tộc này ỷ lại, trông cậy vào bất cứ quốc gia nào làm thay công việc của mình, mà vẫn luôn dựa vào sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để giải quyết những nhiệm vụ của cách mạng. Nếu không có đường lối độc lập, tự chủ chắc chắn Việt Nam không thể giải phóng được dân tộc, thống nhất được non sông, đưa đất nước phát triển như hôm nay. 
Bước vào thời kỳ khủng hoảng của CNXH, từ những năm 80 của thế kỷ trước, Đảng ta cũng chọn cho mình một cách làm khác với các Đảng Cộng sản Liên Xô, Đông Âu. Đảng Cộng sản Việt Nam lựa chọn con đường đổi mới thay vì "cải tổ" - chuyển từ mô hình xã hội XHCN kiểu cũ sang mô hình xã hội XHCN kiểu mới. Về chính trị, đó là xây dựng chế độ dân chủ XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Về kinh tế, đó là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Về quan hệ quốc tế, Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. 
Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, sứ mệnh lịch sử của Đảng là bảo vệ lợi ích của dân tộc, trong đó có chủ quyền quốc gia, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc là trên hết. Đồng thời, Đảng ta quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đương nhiên để hoàn thành sứ mệnh lịch sử to lớn đó, Đảng ta phải lãnh đạo nhân dân đấu tranh bảo vệ vững chắc chế độ XHCN; đấu tranh chống mọi âm mưu và hành động "diễn biến hòa bình" bảo vệ chế độ XHCN. 
Trong quan hệ Việt Nam với Hoa Kỳ, không phủ nhận nhân quyền đang là một trở ngại nhưng không phải là một vấn đề không vượt qua được. Trong các cuộc đối thoại Việt Nam-Hoa Kỳ, trong khi Hoa Kỳ luôn xem nhân quyền là một vấn đề cần phải giải quyết trong quan hệ hai nước thì phía Hoa Kỳ cũng thừa nhận Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể. Hơn nữa, Việt Nam cũng không phủ nhận những vấn đề nhân quyền của mình cần phải giải quyết. Trong đó có tình trạng phân hóa giàu nghèo, tình trạng tham nhũng, quan liêu, vi phạm quyền của người dân ở nơi này nơi khác.
Ngày 31-5 vừa qua, Thượng Nghị sĩ John Mc.Cain đã phát biểu với đài BBC tại Ma-lai-xi-a rằng: "Chúng tôi (Hoa Kỳ) mong đợi một sự tiến bộ chứ không phải một sự thay đổi tức thì "về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam”. Thiết nghĩ, quan điểm của Ngài nghị sĩ John Mc.Cain là "cầu thị", nó không chỉ thích hợp với quan hệ Việt Nam Hoa Kỳ hiện nay mà còn là tình trạng chung của mọi quốc gia trên thế giới. Việc bảo đảm nhân quyền trên các mặt không chỉ tùy thuộc vào quan điểm chính trị, chế độ xã hội mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như truyền thống lịch sử, văn hóa, trình độ phát triển kinh tế-xã hội… 
Bởi vậy, nếu ai đó nghĩ rằng để bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam phải thay đổi đường lối chính trị, thay đổi chế độ xã hội, phải chấp nhận đòi hỏi từ bên ngoài sẽ là một sai lầm. Ngược lại, chỉ có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chỉ có chế độ XHCN thì dân tộc Việt Nam mới phát huy được mạnh mẽ sức mạnh "cứng" và sức mạnh "mềm" để giữ vững độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước. Nói cách khác: Trước sau Việt Nam vẫn là Việt Nam.
Bắc Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét