Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Việt Nam vẫn là địa chỉ đầu tư hấp dẫn trong tương lai

(VOV) -57% nhà đầu tư trả lời khảo sát của Hiệp hội Kinh doanh Singapore và AmCham trả lời muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.
Theo Điều tra Triển vọng kinh doanh ASEAN của Hiệp hội Kinh doanh Singapore và AmCham, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá Việt Nam là điạ chỉ đầu tư hấp dẫn trong tương lai ở khu vực ASEAN
Kết quả khảo sát cho thấy có đến 57% nhà đầu tư trả lời khảo sát trả lời muốn mở rộng kinh doanh trong tương lai tại Việt Nam.
Trong 5 năm, từ 2008 đến nay, con số thu hút FDI của Việt Nam luôn ổn định 10-11 tỷ USD.
Trong cuộc họp báo sáng nay, Ngân hàng Thế giới cho rằng, mức cạnh tranh về hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đang mạnh hơn của các nước trong khu vực kể cả đối thủ tiềm năng mới  là Myanmar.
Trả lời câu hỏi, quốc gia nào là điểm đến thì Việt Nam đứng thứ 2 sau Myanmar. Tuy nhiên con số khảo sát về cam kết mở rộng đầu tư trong tương lai thì Việt Nam vẫn dẫn đầu, chiếm tới 57% nhà đầu tư trả lời khảo sát./.

Đặng Khanh/VOV online

Italia đặt Việt Nam là nước ưu tiên phát triển thương mại

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương), tính từ đầu năm đến hết tháng 6/2013, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Italia đạt 1,1 tỉ USD, tăng 29,01% so với cùng kỳ năm 2012.
Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Italia trong thời gian này là điện thoại và linh kiện, cà phê, giày dép, hàng thủy sản… trong đó điện thoại các loại và linh kiện đạt kim ngạch cao nhất, chiếm 43,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 493,8 triệu USD, tăng 127,28% so với cùng kỳ - đây cũng là mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng mạnh.
Đứng thứ hai về kim ngạch là mặt hàng cà phê, đạt 104,2 triệu USD, tuy nhiên so với cùng kỳ lại giảm 22,01%...
Đối với mặt hàng thủy sản, 6 tháng đầu năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu 67,7 triệu USD mặt hàng thủy sản sang Italia, chiếm 5,9% thị phần, giảm 7,69% so với cùng kỳ năm 2012.
Theo Bộ Công thương, doanh nghiệp sản xuất thủy sản của Việt Nam đang có nhiều lợi thế xuất khẩu vào thị trường này khi gần đây do chi phí sản xuất nuôi trồng, đánh bắt cao nên nghành thủy sản của nước này không còn phát triển như trước nữa mà có dấu hiệu đi xuống.
Trong khi đó, tốc độ tiêu thụ rượu vang Italia tại Việt Nam tăng tới 20% trong vòng 5 năm qua. Hiện các doanh nghiệp Italia đã kết nối được với nhiều nhà nhập khẩu Việt Nam và tham vọng mở rộng thêm thị phần tại Việt Nam.
Quan hệ hợp tác Việt Nam - Italia đã đạt được bước phát triển mới trong việc ký kết Tuyên bố về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược hồi đầu năm 2013.
Italia cũng đã đưa Việt Nam vào danh sách 10 nước ưu tiên phát triển thương mại- Đầu tư./.

PV/VOV online

Ấn Độ coi Việt Nam là trụ cột trong chính sách hướng Đông

(VOV) -Thủ tướng Ấn Độ cam kết sẽ làm hết sức để tăng cường và mở rộng mối quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ấn Độ và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 15 Ủy ban Hỗn hợp hai nước, ngày 12/7, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đến chào xã giao Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh.

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chúc mừng những thành tựu phát triển đất nước của Ấn Độ; khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược với Ấn Độ; ủng hộ Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ và đánh giá cao vai trò tích cực của Ấn Độ trong việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở trong khu vực và trên thế giới. 
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh
Thủ tướng Ấn Độ hoan nghênh các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, tái khẳng định chính sách của Ấn Độ coi Việt Nam là trụ cột trong Chính sách hướng Đông của Ấn Độ và cam kết sẽ làm hết sức để tăng cường và mở rộng mối quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam. Thủ tướng Ấn Độ cũng khẳng định ủng hộ các kết quả đạt được tại Kỳ họp Ủy ban Hỗn hợp hai nước lần thứ 15 và đề nghị hai bên cần mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa các trụ cột của mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước như hợp tác kinh tế, an ninh-quốc phòng, khoa học công nghệ và văn hóa, giáo dục đào tạo.
Thủ tướng Ấn Độ bày tỏ cảm ơn Việt Nam đã chấp thuận cho Tập đoàn Tata của Ấn Độ thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện Long Phú II tại Sóc Trăng và cho biết hiện còn có nhiều doanh nghiệp Ấn Độ đang quan tâm và mong muốn hợp tác đầu tư tại Việt Nam; nhất trí đánh giá việc mở đường bay thẳng giữa hai nước sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân hai nước.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã chuyển lời thăm hỏi của Lãnh đạo cấp cao ta tới các nhà lãnh đạo Ấn Độ và nhắc lại lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mời Thủ tướng Ấn Độ sớm sang thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã phát biểu tại Hội đồng Ấn Độ về các vấn đề thế giới (ICWA)./.
Bộ Ngoại giao

Dư luận Mỹ về chuyến thăm của Chủ tịch Trương Tấn Sang

Phát biểu tại cuộc họp báo về chính sách của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương sáng nay, tân Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Russel khẳng định quan hệ Việt-Mỹ có tiềm năng phát triển rất lớn và chuyến thăm Hoa kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tạo cơ hội để 2 bên trao đổi các vấn đề kinh tế, an ninh, năng lượng và nhiều lĩnh vực khác.

 “Chuyến thăm là cơ hội để tăng cường sự phối hợp giữa hai nước về các vấn đề chiến lược khu vực, đặc biệt là Biển Đông, nơi Việt Nam, dù là một bên đòi hỏi chủ quyền nhưng lại có tiếng nói rất có trách nhiệm về cách tiếp cận ngoại giao dựa trên luật pháp. Đây còn là cơ hội để lãnh đạo hai nước thảo luận về vấn đề biến đổi khí hậu, bao gồm các lĩnh vực Mỹ có thể cộng tác và hỗ trợ Việt Nam trong việc đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng và theo đuổi các chính sách năng lượng có thể góp phần chống biến đổi khí hậu toàn cầu”.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Russel 
Ông Russel cho biết, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ là tiêu điểm trong chương trình nghị sự của chuyến thăm. Theo Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, Việt Nam là một đối tác đàm phán quan trọng và cũng là nước hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này. Ông Russel nêu rõ Mỹ coi Việt Nam là một trọng tâm trong chiến lược tái cân bằng của Washington. Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong ASEAN vào thời điểm những nỗ lực can dự của Mỹ trong việc thúc đẩy xây dựng luật pháp và sự tiến bộ của tổ chức này đang đạt được động lực lớn. 
Về phần mình, chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Ernest Bower tin tưởng chuyến thăm của Chủ tịch Trương Tấn Sang sẽ mang lại kết quả tích cực, xét trên phương diện hai bên đã hợp tác chặt chẽ về kinh tế trong khi lĩnh vực an ninh, quốc phòng cũng đang có nhiều tiềm năng.
Theo ông Bower, chuyến thăm sẽ tạo cơ hội để Việt Nam và Hoa Kỳ hiểu rõ hơn về nhu cầu của mỗi bên đối với Hiệp định TPP cũng như thảo luận về Biển Đông và các vấn đề khác.  
“Bước quan trọng tiếp theo là nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược. Tôi không biết 2 bên có tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược hay không trong chuyến thăm của Chủ tịch Trương Tấn Sang nhưng tôi cho rằng 2 nước đã tiến rất gần tới mối quan hệ này. Trong những năm gần đây, 2 bên đã có những cuộc tiếp xúc trong lĩnh vực quân sự và trao đổi các chuyến thăm cấp bộ trưởng. Do đó, tôi cho rằng tiến triển trong quan hệ song phương cũng là lẽ tự nhiên”- Ông Bower nói.     
Chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Ernest Bower
Chuyên gia Bower nhận định, Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng sẽ thảo luận về dân chủ nhân quyền và đây sẽ là vấn đề gai góc nhất do những khác biệt về quan điểm. Tuy nhiên, ông Bower cho rằng Việt Nam hiểu rõ mối quan tâm của Mỹ và việc trao đổi về vấn đề này sẽ hữu ích cho cả 2 bên.
Ông Bower cho biết quan hệ Việt-Mỹ đã phát triển nhanh chóng chỉ trong một thời gian rất ngắn, nổi bật nhất là những thành tựu về hợp tác kinh tế. 2 nước đã trở thành đối tác thương mại hữu hảo trong khi đầu tư của Mỹ vào Việt Nam ngày một tăng.
“Tôi còn nhớ sau khi 2 nước bình thường hóa quan hệ, Thủ tướng Phan Văn Khải lúc đó có nói rằng quan hệ đã bình thường hóa, Việt Nam đã ký thỏa thuận thương mại song phương nhưng Mỹ vẫn chỉ đứng thứ 10 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Khi đó, tôi có nói với thủ tướng rằng xin ngài cho chúng tôi thêm thời gian và chúng tôi sẽ chiếm vị trí số 1. Và tôi nghĩ là điều này đang xảy ra” . 
Chuyên gia của CSIS cho biết Mỹ coi Việt Nam là một trong những quốc gia có tư tưởng chiến lược nhất tại ASEAN cũng như toàn bộ châu Á. Washington đánh giá rất cao tầm nhìn địa chiến lược của Việt Nam và mong muốn mở rộng quan hệ đối tác song phương./.
Nhật Quỳnh-Huy Hoàng/VOV – Washington

Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ: Điển hình của nỗ lực hàn gắn

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm chính thức Hợp chủng quốc Hoa Kỳ từ ngày 24 đến 26/7. Chuyến thăm này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang diễn ra vào một thời điểm quan trọng đối với cả hai nước, phản ánh mong muốn chung cùng xây dựng mối quan hệ hướng tới tương lai giữa hai nước…
Nhân dịp này, phóng viên VOV online đã phỏng vấn ông Lê Đình Tĩnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Ngoại giao về kết quả chuyến thăm.
Phía Mỹ tiếp tục coi Việt Nam là đối tác quan trọng ở cấp độ khu vực
** Phóng viên: Xin ông đánh giá về ý nghĩa và kết quả chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lần này?

Ông Lê Đình Tĩnh: Đây là chuyến thăm vừa có ý nghĩa biểu tượng và mang ý nghĩa thực chất. Việc Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức Hoa Kỳ đã giúp tái khẳng định nhu cầu duy trì trao đổi, tiếp xúc cấp cao giữa hai nước, duy trì và thúc đẩy đà quan hệ, bởi lần gần đây nhất hai bên trao đổi đoàn cấp cao là vào năm 2008. Về kết quả của chuyến thăm, cùng với những thỏa thuận cụ thể, có lẽ bản Tuyên bố chung đã thể hiện đầy đủ những nội dung hai bên đạt được, trong đó nổi bật nhất, theo tôi, là việc xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện với nhiều nội hàm tích cực, thiết thực.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bên Tổng thống Obama tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng ngày 25/7(giờ Washington) do AP ghi lạị
** Phóng viên: Với hàng loạt hoạt động của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hoa Kỳ như: Hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama, gặp Thường trực Thượng viện Hoa Kỳtrao đổi ý kiến các nghị sĩ Hoa Kỳ… vậy ông nhận định phía Mỹ coi trọng chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và quan hệ với Việt Nam như thế nào trong chính sách ngoại giao của mình?
Ông Lê Đình Tĩnh: Phía Mỹ thực sự coi trọng chuyến thăm, thể hiện ở mức độ đón tiếp và ở nội dung đạt được. Trước khi chuyến thăm này diễn ra khoảng 1 tuần, tôi đã có dịp sang trao đổi với chính giới, các nhà nghiên cứu Mỹ và cảm nhận rất rõ về mức độ quan tâm cao phía Mỹ dành cho chuyến thăm của Chủ tịch nước. Bên cạnh các hoạt động do các cơ quan của Chính quyền và Quốc hội Mỹ tổ chức, tờ Bưu điện Washington còn chuyển thông điệp của Chủ tịch về quan hệ hai nước, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) – tổ chức nghiên cứu có uy tín hàng đầu ở Mỹ cũng đã mở diễn đàn đón Chủ tịch nước và tại đây, Chủ tịch đã có bài phát biểu quan trọng về đường lối đối ngoại của Việt Nam, cũng như về quan hệ hai nước. Tất cả những điều đó đã thể hiện đánh giá của phía Mỹ về quan hệ với Việt Nam.
Phía Mỹ đã, đang và sẽ tiếp tục xem Việt Nam như một đối tác quan trọng không chỉ ở cấp độ song phương mà còn ở cấp độ khu vực, trước hết là trong ASEAN và các cấu trúc khu vực.
Quan hệ Việt Nam sẽ ổn định, sâu rộng và thực chất hơn
** Phóng viên: Thưa ông, chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được dự luận trong nước và quốc tế đánh giá cao, nhất là khi hai nhà lãnh đạo hai nước đã quyết định xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ. Vậy với việc xác định quan hệ Đối tác toàn diện như vậy, quan hệ hai nước sẽ có những thay đổi như thế nào?
Ông Lê Đình Tĩnh: Quan hệ hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ ổn định, sâu rộng và thực chất hơn. Tuyên bố chung lần này vừa kế thừa được những nội dung tích cực quan trọng của ba bản Tuyên bố chung trước đây (2005, 2006, 2008) vừa nâng tầm, bổ sung, cụ thể hóa những nội dung mới. Chẳng hạn, ngoài việc khẳng định lại những nguyên tắc cơ bản điều chỉnh mối quan hệ, lần này Tuyên bố chung đã bổ sung vấn đề biển Đông, nêu khái quát được những điểm đồng thuận của hai bên trong cách tiếp cận và xem đây như một nội dung quan trọng của quan hệ Đối tác Toàn diện.
Về Kinh tế - Thương mại, vốn được xem là nội dung nền tảng của quan hệ, lần này hai bên đều thể hiện quyết tâm cao trong việc sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chủ đề hợp tác Mekong cũng được đề cập sinh động hơn. Đối với Việt Nam, chuyến thăm một lần nữa minh chứng cho chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, phục vụ trực tiếp và thiết thân cho nhu cầu phát triển toàn diện của đất nước.
Đối với Mỹ, một nước Việt Nam độc lập, thịnh vượng cũng phù hợp với lợi ích của Mỹ bởi khi đó Việt Nam có thể đóng vai như một đối tác hiệu quả hơn. Ngoài ra, nội hàm của quan hệ đôi lúc còn quan trọng hơn cả tên gọi. 
Quan hệ Việt-Mỹ đang là một điển hình của nỗ lực hàn gắn, hòa giải, hợp tác
** Phóng viên: Bên cạnh việc hai nước đã thông nhất một số quan điểm trong hợp tác Kinh tế - Thương mại nhưng vẫn còn một số khác biệt trong lĩnh vực xã hội như: vấn đề giải quyết hậu quả chiến tranh, nhân quyền… Vậy, ông đánh giá hai nhà nước sẽ giải quyết những khác biệt này như thế nào?.
Ông Lê Đình Tĩnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao
Ông Lê Đình Tĩnh: Những khác biệt luôn tồn tại trong quan hệ giữa các quốc gia nhưng quan trọng hơn là cách tiếp cận xử lý chúng như thế nào. Theo tôi, hai bên đã chọn giải pháp hợp lý, đó là đối thoại thẳng thắn trên tinh thần cởi mở, xây dựng. Ví dụ so với vòng đối thoại nhân quyền lần thứ nhất đến nay, sau 17 vòng, mức độ hiểu biết giữa hai bên đã tăng lên rất nhiều. Việt Nam cũng coi trọng việc đạt được những tiến bộ trong lĩnh vực này và sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế để cùng thúc đẩy.
Tôi nghĩ việc Tuyên bố chung nêu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam sẵn sàng ký Công ước chống tra tấn của Liên Hợp Quốc vào cuối năm nay và tuyên bố Việt Nam sẽ mời Báo cáo viên Đặc biệt về Tự do tôn giáo và tín ngưỡng vào năm 2014 là những cử chỉ theo tinh thần hợp tác đó. Vấn đề giải quyết hậu quả chiến tranh cũng vậy. Sự hợp tác đó đang ngày tích cực hơn. Cách tiếp cận thực tế là đặt vấn đề trong một tiến trình. Quan hệ Việt-Mỹ đang là một điển hình của nỗ lực hàn gắn, hòa giải, hợp tác và hướng về phía trước, bất chấp nhiều khác biệt và thách thức.
** Phóng viên: Xin cảm ơn ông!.
Thu Thủy/VOV online
Thực hiện

Quốc tế đánh giá cao quan hệ toàn diện Việt-Mỹ

Về tác động của khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, các chuyên gia nhận định đây sẽ là bước tiến lớn mang lại những kết quả tích cực cho hai nước nói riêng và cả khu vực nói chung.

Chuyên gia Ernest Bower, cố vấn cấp cao, đồng thời là chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS), nhận định, chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và những phát biểu của nguyên thủ hai nước cho thấy Việt Nam và Hoa Kỳ đã có lòng tin để xây dựng hợp tác, đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc với các học giả Mỹ
Theo ông Bower, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong tương lai có thể đạt được nhiều tiến bộ trên nhiều mặt từ kinh tế tới an ninh, là bước đi đưa hai nước trở thành Đối tác chiến lược toàn diện trong tương lai.
Nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak nhận xét, mối quan hệ giữa hai nước những năm qua phát triển tốt đẹp và sắp tới sẽ còn tốt đẹp hơn. Theo ông Michalak, đối tác toàn diện là tầm hợp tác cần phải có giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là bước đi mở đường, bước tiếp theo là xác định nội hàm của mối quan hệ toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ.
GS Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia về chính trị quan hệ quốc tế của Đại học George Mason (Hoa Kỳ), cũng đánh giá hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ lần này đã đạt một bước tiến mới. Dù chưa phải là Đối tác chiến lược toàn diện, nhưng khác với trước đây chỉ nói nâng tầm, lần này quan hệ hai bên đã chính thức được xác định ở mức “toàn diện”. 
Theo GS Hùng, một tiến trình hợp tác thực chất sẽ giúp cả Việt Nam và Hoa Kỳ cùng đạt được mục tiêu “duy trì ổn định và hòa bình trong khu vực”./.
Theo TTXVN

Bác Hồ trong trái tim kiều bào Thái Lan

Dù sinh ra và lớn lên ở xứ người, nhưng hai từ “Việt Nam”, “Bác Hồ” luôn in đậm trong trái tim của ông Đặng Văn Dũng, kiều bào Việt Nam ở Thái Lan. Và mỗi khi nhắc đến hai tiếng “Bác Hồ”, ông Dũng lại nghẹn ngào không nói nên lời.
Ông Đặng Văn Dũng kể lại những câu chuyện về Bác khi Người ở Thái Lan.
 Khi biết nói là biết hai tiếng “Bác Hồ”
Thời kỳ Bác Hồ hoạt động cách mạng ở Thái Lan (1928-1929), ngày đó ông Dũng còn chưa ra đời. Thế nhưng ông vẫn thường được nghe những câu chuyện cảm động về Bác qua lời kể của bà con kiều bào mỗi dịp gặp mặt. Đó là những câu chuyện rất đời thường của vị Lãnh tụ kính yêu, người đã hy sinh cả cuộc đời vì độc lập dân tộc.
Năm 1928, Bác hoạt động ở Bản Mạy (Làng Mới) thuộc tỉnh Nakhon Phanom (vùng Đông Bắc Thái Lan). Bản này có nhiều bà con kiều bào sinh sống đã nhiều đời nay, do đó vẫn giữ được những nét sinh hoạt cổ truyền của quê hương. Trước khi rời bản, Bác có trồng kỷ niệm một cây dừa và một cây khế. Cây khế ngày nay vẫn còn và trở thành địa điểm sinh hoạt của bà con kiều bào. Cứ vào dịp lễ như ngày 19-5, ngày 2-9, Tết Nguyên đán, bà con sum họp tại đây, vừa kể chuyện quê nhà vừa ôn lại những kỷ niệm thời ông Thầu Chín (tức Bác Hồ) còn hoạt động nơi này. Đó là những câu chuyện Bác đi làm ruộng, Bác làm mộc như bất cứ người dân Thái Lan nào, hay hình ảnh Người tích cực học tiếng Thái và tổ chức các lớp học tiếng Việt cho trẻ em…
Những câu chuyện về Bác đã “nuôi lớn” ông Dũng và những người bạn cùng trang lứa ở Thái Lan. Ông kể, khi ông bập bẹ nói được hai từ “ba, mẹ” là cũng là lúc ông phát âm được hai tiếng “Bác Hồ”.
Đầu tháng 4 vừa qua, ông Dũng được vinh dự là kiều bào tiêu biểu về nước tham dự Chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2013 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao tổ chức. Trong khuôn khổ chương trình, Đoàn đã tới thăm Khu Di tích Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Vào thăm hang Cốc Bó, nơi Bác Hồ ở, làm việc và trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam, ông Đặng Văn Dũng không giấu được sự xúc động. Ông cứ xoa tay lên chiếc giường gỗ mộc mạc mà Bác từng nằm nghỉ năm xưa, rồi khóc. Trong thâm tâm ông, ông nguyện mãi là người con yêu Tổ quốc để xứng đáng với niềm tin của Bác đối với cộng đồng kiều bào ở nước ngoài.
Đoàn kiều bào về dự Giỗ Tổ Hùng Vương 2013 thăm hang Cốc Bó
Học tiếng Việt để về quê
Sinh ra và trưởng thành ở Thái Lan, ngoài vốn tiếng Việt tự học, ông Đặng Văn Dũng còn có thêm tài "ứng khẩu thành thơ". Ông cũng thuộc rất nhiều bài thơ và như để minh chứng điều đó, ông đọc một mạch cho chúng tôi nghe bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng” của nhà thơ Tố Hữu.
Ngược trở lại quá khứ, ông Dũng cho biết, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ngày ấy do quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thái Lan còn nhiều điều chưa cởi mở nên việc học tiếng Việt của bà con kiều bào gặp không ít khó khăn. “Vì vậy, ông bà và bố mẹ tôi đã có một quy định, đi đâu thì đi nhưng cứ bước chân về nhà là phải nói tiếng Việt. Quy định này được giữ trong gia đình tôi đến tận bây giờ. Ngoài ra, để học tiếng mẹ đẻ, tôi đã tự mua sách hoặc xin sách báo từ trong nước gửi sang”.
Ông Dũng cho hay, đến giờ ông vẫn còn nhớ mãi một câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Quê hương ta một dải, từ Mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái". Vì vậy, kể từ khi được nhập quốc tịch Việt Nam năm 2000, ông về nước thường xuyên với mong muốn đi dọc Việt Nam để tìm hiểu về đất nước, về con người quê mình. Bên cạnh đó, là Giám đốc một Công ty xây dựng ở Thái Lan, ông Dũng còn dẫn nhiều Đoàn doanh nghiệp Thái về Việt Nam tìm cơ hội hợp tác và đầu tư. Ông nhận thấy, người Việt Nam khi đi du lịch Thái Lan thường thích mua xoài Thái, me Thái về làm quà. Do đó, ông dự định sẽ bàn bạc vấn đề này với một số doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực nông nghiệp ở Thái Lan để có thể đưa những giống cây này sang trồng ở Cao Bằng. “Đó là những gì mà tôi có thể làm được để góp phần xây dựng quê nhà ngày một giàu đẹp như mong muốn của Bác Hồ trước lúc đi xa”, ông Dũng bày tỏ. Đây cũng chính là tấm lòng của hơn 4 triệu kiều bào Việt Nam đang sinh sống ở mọi miền trên thế giới.
Bài và ảnh: Linh Oanh
Theo Báo Quân đội nhân dân
Kim Yến (st)

“Không ngại dành tuổi trẻ tìm hiểu văn hóa Việt....”

Qua gần 300 trang sách “Việt Nam - Đất nước con Rồng cháu Tiên” bản dịch ra tiếng Việt (NXB Chính trị Quốc gia), tác giả Daria Mishukova một lần nữa muốn cho bạn đọc biết những suy nghĩ thẳng thắn cùng sự phân tích săc sảo, thú vị khi nhìn nhận nét văn hóa, lối sống của người Việt, nhưng trên hết, vẫn là tình cảm đáng trân trọng của một người nước ngoài dành cho đất nước và con người Việt Nam.  
Chính bởi vậy mà Giáo sư Hà Minh Đức đã viết trong lời giới thiệu rằng, Daria Mishukova phải nỗ lực rất nhiều khi dịch từ nguyên bản tiếng Nga sang tiếng Việt. Trải dài trên hàng ngàn cây số từ Bắc đến Nam, từ thành thị đến miền quê, từ miền biển xanh đến vùng rừng núi nhiệt đới, người con gái nước Nga đã đến nhiều nơi nghiên cứu, ghi chép và hòa đồng với cuộc sống ở địa phương.
Daria Mishukova nghiên cứu văn hóa du lịch chuyên ngành thích hợp với tuổi trẻ và đặc biệt trong quan hệ đang mở ra nhiều triển vọng về du lịch Việt Nam của nhân dân Nga. Văn hóa là cội nguồn tinh thần, là bản sắc của một dân tộc. Đi sâu vào tìm hiểu văn hóa Việt Nam là một điều hứng thú nhưng cũng đầy thách thức. “Việt Nam - Đất nước con Rồng cháu Tiên” là đóng góp rất đáng quý của nhà Đông phương học, Việt Nam học Daria Mishukova...
Xuất bản “Việt Nam - Đất nước con Rồng cháu Tiên” vào năm 2007 và tái bản năm 2010, cuốn sách được nhìn nhận như một tác phẩm hay nhất về đất nước Việt Nam viết bằng tiếng Nga trong giai đoạn hiện nay. Có sự khác biệt nào giữa bản tiếng Nga và tiếng Việt lần này không, thưa chị?
- Hai bản không khác nhau nhiều lắm. Ngay khi bản tiếng Nga ra mắt, sách đã được đón nhận rất nhiệt tình từ bạn đọc Nga đồng thời Ban Đối ngoại UBND TP. Vladivostok còn coi đó là cầu nối giữa thành phố và VN, biểu tượng mới cho tình hữu nghị đôi bên. Như lời ông Nikolai Ubushiev - Nguyên Tổng lãnh sự Nga tại TP.HCM - nhận xét, cuốn sách có nhiều lời khuyên hữu ích cho du khách, những ai đến VN lần đầu tiên và đã từng đến thăm đất nước này nhiều lần. Sách cũng được ghi nhận bởi các chuyên gia người Nga từng sống và làm việc tại Việt Nam nhiều năm.
Tôi có đôi chút chút ngạc nhiên khi được hỏi về những khó khăn trong quá trình dịch sách. Hình như đó là một câu hỏi bắt buộc mà bất cứ nhà báo nào cũng đặt ra thì phải? Trước hết nên định nghĩa khó khăn là gì? Theo định nghĩa của tôi, hai từ “khó khăn” hay “vấn đề” được mọi người nói đến là gặp hiện tượng gây đau đầu trong quá trình thực hiện một công việc nào đó. Nhưng khi mọi vướng mắc được giải quyết thì tất cả những gì mình tạm gọi là… khó khăn đều trở thành thách thức đã vượt qua và điều còn lại chính là ở kinh nghiệm, vốn sống và kỷ niệm.
Tôi không đặt quá nhiều kỳ vọng mà chỉ đơn giản nghĩ rằng, sách là sự lựa chọn cho những ai có lòng tò mò muốn tiếp nhận thông tin thành kiến thức riêng của mình một cách vui, đơn giản và dễ hiểu. “Việt Nam - Đất nước con Rồng cháu Tiên” giới thiệu khá đầy đủ từ địa lý, thời tiết khí hậu, hành chính, kinh tế đến bản sắc văn hóa dân tộc, danh lam thắng cảnh của đất nước Việt Nam. Với vốn kiến thức và sự hiểu biết về VN, việc đọc sách sẽ đem đến cho độc giả những giây phút thư giãn dưới góc nhìn của cá nhân tôi, một người ngoại quốc sống cũng khá lâu tại VN.
Có rất nhiều tác giả, nhà nghiên cứu viết về VN nhưng phạm vi văn hóa của đất nước bạn vừa rộng lớn vừa hạn chế trong khuôn khổ đương nhiên của nó, vì thế vấn đề ở đây không phải “viết về điều gì mới” mà quan trọng là “viết như thế nào”?
Tuy nhiên theo cảm nhận của riêng tôi, bản dịch tiếng Việt mới chỉ phản ánh cái đẹp của bản gốc ở mức độ tương đối thôi. Một số nét thú vị, khác biệt cũng đã phai nhạt đi ít nhiều trong bản dịch lần này. Vì vậy, tôi có lời khuyên dành cho bạn đọc, nếu được hãy đọc cuốn sách bằng tiếng Nga để có thể cảm nhận đầy đủ hơn về cái hay, cái đẹp mà tác giả viết.
Có điểm nào chung cho văn hóa khu vực và riêng cho từng dân tộc khiến chị say mê đến mức “đã dành cả tuổi trẻ của mình để đến với văn hóa Việt Nam...”?
- Bất cứ hiện tượng văn hóa nào cũng đều giúp mở rộng thế giới quan. Có cơ hội tìm hiểu kỹ, nhận biết càng sâu rộng về văn hóa Việt Nam thì sẽ thấy nhiều nét hấp dẫn mà chưa thể nhận biết ngay lúc đầu. Điều tôi cảm thấy vui mừng là đã không ngần ngại dành phần lớn tuổi trẻ của mình để tìm hiểu một nền văn hóa mang nhiều yếu tố tâm linh, lịch sử như đất nước của các bạn.
Tuổi trẻ là mốc thời điểm tốt nhất của một đời người để tiếp thu kiến thức. Những kiến thức từ việc học hỏi, nghiên cứu đã trở thành hiểu biết của cá nhân nên tôi đã có ba cuốn sách viết về Việt Nam lần lượt được xuất bản vào năm 2007, 2010 và 2013.
Nay tôi nhìn văn hóa và lịch sử Việt Nam thông qua “cửa sổ” tranh vẽ minh họa trên tiền giấy Việt qua các thập niên thế kỷ XX. Góc nhìn này mang lại sự khám phá mới mẻ, giúp tôi nghiên cứu và hoàn thành một cuốn sách nữa mang tựa đề “Tiền Việt Nam qua các thời đại”.
Chị còn được biết đến là người tham gia tích cực các hoạt động xã hội, trong đó có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển ngành du lịch khi đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế?
- Khách quốc tế sang Việt Nam, đặc biệt là du khách đến từ nước Nga có sự tăng trưởng cao trong suốt ba năm vừa qua, đó là điều đáng mừng. Một số tập đoàn du lịch lớn của Nga đã đưa Việt Nam vào danh sách điểm đến cho sự đầu tư, quảng bá rộng rãi và lâu dài như một sản phẩm du lịch nổi bật, chưa kể đến rất nhiều chuyến bay liên tục trong ngày giữa Nga và Nha Trang cũng là điều kiện thuận lợi thu hút du khách.
Có một điểm chắc chắn rằng, DLVN vẫn phải tiếp tục đối mặt trước hàng loạt thách thức trong việc phát triển của ngành bởi còn có một số “tiểu tiết” tưởng chừng nhỏ nhưng sức ảnh hưởng của nó lại không hề nhỏ chút nào, ví dụ như môi trường ô nhiễm, giao thông nhộn nhạo, nạn giật túi ăn cắp, bán hàng chênh giá… những hình ảnh không đẹp mắt này phần nào làm giảm ấn tượng chung về một đất nước xanh - sạch - đẹp và nhiều thân thiện của DLVN.
Các công ty du lịch Nga thống kê, khách của họ thường chọn quay lại nghỉ dưỡng tại Thổ Nhĩ Kỳ hay Thái Lan còn riêng với Việt Nam, rất tiếc khách du lịch trở lại không nhiều. Mục tiêu thu hút du khách đã đạt được, bây giờ là việc làm thế nào để “giữ khách quay lại Việt Nam” còn nằm ở sự quyết tâm thực hiện của các cấp chính quyền, địa phương và nhất là việc nâng cao ý thức của mỗi người dân.
Vậy còn chị, điều gì khiến chị lựa chọn sống và làm việc lâu dài tại một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam (Phú Quốc)?
Hiện tôi đang đảm nhận chức vụ Giám đốc thương hiệu và marketing Tập đoàn Long Beach Pearl kiêm Tổng quản lý Trung tâm nuôi cấy ngọc trai tại Phú Quốc. Đây là một công việc phù hợp với sở thích cá nhân khi có được cơ hội tìm hiểu về thế giới ngọc trai. Tôi thật sự bị lôi cuốn bởi những hạt ngọc trai vô cùng đẹp đẽ, thơ mộng và mang nhiều ý nghĩa.
Hơi lạ một điều, người dân Việt Nam dường như không “mặn mà” lắm cũng như ít khi thể hiện sự quan tâm đến ngọc trai, một “báu vật” vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước các bạn. Có lẽ tôi sẽ dành thời gian viết thêm một cuốn sách nữa, nói về những giá trị của ngọc trai trong văn hóa Việt nhằm tạo nên sự hứng khởi, niềm tự hào của người dân Việt Nam đối với sản phẩm ngọc trai.

Xin cảm ơn chị!
Tác giả Daria Mishukova trong buổi giới thiệu sách tại Hà Nội.
Năm 2001, Daria Mishukova bắt đầu giảng dạy về văn hóa, kinh tế và tâm lý người Việt đồng thời từ năm 2005 đảm nhận chức Phó chủ nhiệm khoa Ngữ văn các nước Đông Nam Á, trở thành người trẻ nhất nắm giữ chức vụ này tại Trường ĐHTH QG Viễn Đông (TP.Vladivostok - LB Nga).
Năm 2009, Daria Mishukova chuyển sang làm việc trong lĩnh vực ngoại thương  - du lịch và nhận được nhiều giấy khen từ Sở VHTT&DL Bình Thuận, Tổng cục Du lịch Việt Nam và kỷ niệm chương của Bộ VHTT&DLV cho những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng, phát triển ngành VHTT&DL của Việt Nam.
Là tác giả của hơn 50 bài viết nghiên cứu về ngôn ngữ học, văn hóa Việt Nam và văn hóa Thái Lan đăng trên nhiều tạp chí bằng tiếng Việt, Nga và Anh. Ngoài 3 cuốn sách viết về Việt Nam, Daria Mishukova còn giới thiệu cuốn sách mang tên “Thái Lan: Đất nước cung đình và chùa chiền” vào năm 2011.

Việt Nam tuyệt đẹp trong con mắt của người nước

Việt Nam đất  nước con Rồng, cháu Tiên" đước đánh giá là cuốn sách hay nhất nói về đất nước Việt Nam do người nước ngoài viết.

Daria Mishukova là nhà Việt Nam học, nhà Đông phương học người Nga. Cô tốt nghiệp Viện Đông phương học thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia Viễn Đông (Liên Bang Nga) năm 2001, sau đó tiếp tục nghiên cứu và trở thành giảng viên kiêm Phó giám đốc Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Vladivostok, Liên Bang Nga. Năm 2000, khi còn là một sinh viên thực tập tại Khoa tiếng Việt Đại học Tổng hợp, Daria đã yêu thích và gắn bó với văn học và văn hóa Việt Nam. Daria đã đi hàng nghìn cây số từ Bắc tới Nam, từ miền núi tới vùng biển, tìm tòi, nghiên cứu, khám phá và ghi chép lại những trải nghiệm của mình. Tới năm 2007, cuốn sách “Việt Nam Đất nước con Rồng cháu Tiên” được xuất bản bằng tiếng Nga và được đánh giá là tác phẩm tốt nhất về văn hóa du lịch Việt Nam tại Nga.
Daria cho biết cô rất yêu văn hóa Việt Nam và sẽ tiếp tục tìm tòi, khám phá cũng như có những bài viết về Việt Nam đăng tải trên các tạp chí du lịch mà cô đang cộng tác. “Tôi đã dành cả tuổi trẻ của mình để đến với văn hóa Việt Nam” là câu nói của Daria gây xúc động về tấm lòng của một cô gái Nga dành cho đất nước, văn hóa Việt Nam.
 Ngay sau lần xuất bản đầu tiên, tác phẩm được bạn đọc, giới báo chí Việt Nam và Nga đón nhận. Nhiều cơ quan, tổ chức trong nước, quốc tế đánh giá cao về nội dung chi tiết và cách thể hiện cuốn sách. Nhiều công ty du lịch coi cuốn sách là cẩm nang hữu ích cho du khách Nga khi đến Việt Nam. Năm 2013, Cuốn sách đã được chính tác giả  - Daria Mishukova dịch ra tiếng Việt và được NXB Chính trị Quốc gia ấn hành.
"Việt Nam đất  nước con Rồng, cháu Tiên" trước đó đã được xuất bản lần đầu tiên năm 2007, tái bản năm 2010 tại Nga, được công nhận là cuốn sách hay nhất về đất nước Việt Nam. Tác phẩm đã giới thiệu khá đầy đủ và toàn diện về đất nước Việt Nam từ địa lý, thời tiết khí hậu, hành chính, lịch sử, kinh tế, đến bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống, phong tục tập quán và các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh của đất nước Việt Nam; tạo ra một hình ảnh đẹp về đất nước Việt Nam trong lòng bạn đọc Nga, góp phần đáng kể vào việc quảng bá văn hóa, thúc đẩy sự phát triển của du lịch Việt Nam. Người Việt Nam khi đọc cuốn sách sẽ khám phá ra nhiều điều xung quanh mình dưới góc nhìn của một người nước ngoài.
Tường Vi - TTVN

Chuyên gia Nga đề cao bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam

(VOV) - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Nga cho rằng, bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam thu hút sự chú ý rất cao.
Bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị cấp cao an ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 12, diễn ra tại Singapore, tiếp tục nhận được sự quan tâm và ý kiến đánh giá của dư luận quốc tế.

Phóng viên VOV thường trú tại Liên bang Nga đã phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Vladimir Mazyrin - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông - Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga về nội dung bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Đối thoại Shangri - La
PV: Thưa ông, Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 vừa diễn ra tại Singapore, ông đánh giá thế nào về Hội nghị lần này?
Ông Vladimir Mazyrin: Đối thoại Shangri-La là một sự kiện chính trị rất đáng quan tâm, nó có ý nghĩa rất quan trọng là một cơ chế để bảo đảm an ninh và đối thoại giữa tất cả các quốc gia liên quan đến châu Á và khu vực Đông Á này.
Tất nhiên, đây không phải là một diễn đàn duy nhất. Chúng tôi biết còn có những cơ chế khác, diễn đàn khác của khu vực như ARF, ASEAN để bàn về những vấn đề an ninh châu Á. Nhưng Đối thoại Shangri-La là một hình thức rất có ý nghĩa.
PV: Với tư cách khách mời và diễn giả chính, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu tại phiên khai mạc đề cập chính sách đối ngoại và quốc phòng - an ninh của Việt Nam, đề xuất phương hướng xử lí các vấn đề liên quan đến duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, trong đó có vấn đề an ninh ở Biển Đông. Ông đánh giá thế nào về bài phát biểu này, cũng như những sáng kiến của Việt Nam trong xây dựng và bảo đảm an ninh khu vực?
Ông Vladimir Mazyrin: Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại diễn đàn đã tiếp tục khẳng định chính sách đối ngoại yêu chuộng hòa bình và có trách nhiệm của Việt Nam. Chúng tôi cho rằng, Việt Nam có quan điểm đúng đắn, khi coi giải quyết tranh chấp trên Biển Đông phải được thảo luận trên cơ sở đa phương, tức là vấn đề này cần được quốc tế hóa.
Một điểm nữa trong nội dung phát biểu khiến tôi quan tâm, đó là Thủ tướng Việt Nam đã hoàn toàn đúng đắn khi đề cập xu thế tăng cường cạnh tranh và can dự của các nước lớn trong khu vực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhận định rằng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện nay hợp tác, liên kết đa tầng nấc, đa lĩnh vực, đối thoại giải quyết các bất đồng... đang là xu hướng chủ đạo. Việc đặt vấn đề này là hoàn toàn đúng đắn.
Tôi muốn lưu ý đến một chi tiết, đó là trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói rằng: Việt Nam không phản đối sự can dự tích cực của các nước lớn ngoài khu vực nhằm củng cố hợp tác vì hòa bình, an ninh và phát triển. Bài phát biểu cũng khẳng định cần thiết phải lắng nghe các tiếng nói đúng đắn của các nước nhỏ, càng lắng nghe các ý kiến khách quan của các nước nhỏ thì càng có lợi.
Cá nhân tôi là nhà nghiên cứu Việt Nam cho rằng, xét về góc độ kinh tế, Việt Nam không phải là nước nhỏ, mà là nước có nền kinh tế bậc trung bình trên thế giới và có nhiều điều kiện để trở thành một nước có nền kinh tế phát triển trong 10-20 năm tới. Ngày nay, uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam đang tăng lên trên trường quốc tế. Chính Hội nghị Shangri-La và bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam vừa qua cũng đang khẳng định điều này: ảnh hưởng của Việt Nam ngày càng được củng cố và tiếng nói của Việt Nam đang được lắng nghe.
Nga là nước có quan hệ hữu nghị, truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam nên Nga rất quan tâm đến các luận điểm được nêu trong phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đó là, Việt Nam luôn mong muốn cùng các nước xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, phát triển trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi.
Đồng thời, chúng tôi cũng thấy Việt Nam ủng hộ Nga tích cực tăng cường hợp tác với các nước ASEAN, tích cực tham gia vào các vấn đề của khu vực, củng cố hơn nữa nền tảng cho một cấu trúc khu vực với ASEAN đóng vai trò trung tâm. Có một điều mang tính nguyên tắc, là Việt Nam phản đối các âm mưu cũng như các hành động trên thực tế nhằm chia rẽ ASEAN thành hai phe vì lợi ích của riêng mình trong mối quan hệ với các nước lớn. Do đó, chúng tôi cho rằng quan điểm của Việt Nam về sự đoàn kết, thống nhất trong ASEAN là rất quan trọng đối với các nước thành viên.
Một thông tin quan trọng nữa được Thủ tướng Việt Nam thông báo tại Hội nghị này, đó là Việt Nam quyết định tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, trước hết là trong các lĩnh vực công binh, quân y, quan sát viên quân sự.
Theo tôi ở đây có hai điều đáng quan tâm. Thứ nhất, điều này cho thấy Việt Nam đã thực sự trở thành một đối thủ đủ mạnh trên trường quốc tế trong tất cả các hoạt động. Bởi vì không phải nước nào cũng đủ nguồn lực tài chính để tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Thứ hai, đây là một kênh quảng bá quan trọng về Việt Nam trong các chiến dịch gìn giữ hòa bình quốc tế khi tham gia một cách bình đẳng cùng các nước khác. Tôi chúc cho Việt Nam thành công trong các chiến dịch quốc tế này.
PV: Sự tham gia của Thủ tướng Việt Nam vào Đối thoại Shangri-La lần này thể hiện nỗ lực chung của ASEAN nhằm duy trì hòa bình và an ninh ở Biển Đông. Cũng vì mục tiêu đó, tất cả các nước thành viên ASEAN đều đã thống nhất sớm khởi động đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) với Trung Quốc. Ông nhận định thế nào về triển vọng khởi động đàm phán và đi đến ký kết COC?
Ông Vladimir Mazyrin: Chúng tôi ủng hộ tiến trình đàm phán để đi đến ký kết COC. Tôi lạc quan về tiến trình đàm phán này và hy vọng nó sẽ hoàn thành. Điều quan trọng ở đây là cả Việt Nam và Nga đều chủ trương kiên trì bảo vệ quyền và luật pháp quốc tế để tìm ra những giải pháp đúng đắn phù hợp với Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Nếu không có Bộ quy tắc đó thì những vấn đề về an ninh trên Biển Đông sẽ không thể giải quyết được. Bởi vậy, đây sẽ là cách tiếp cận phù hợp nhất và cần thiết đối với các quốc gia là thành viên của Liên Hợp Quốc.
Tôi muốn nhấn mạnh tới một nội dung được nêu trong phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, ASEAN và các nước đối tác cần phải cùng nhau tham gia tích cực xây dựng các cơ chế khả thi bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải trong khu vực. Đây là một quan điểm rất tích cực và đúng đắn.
Theo tôi, nếu có các sáng kiến, đề nghị, văn bản cụ thể về hợp tác với ASEAN và Việt Nam theo hướng này chắc chắn Nga sẽ ủng hộ và tích cực tham gia. Tôi cho rằng chúng ta đang đi đúng hướng để sớm có được giải pháp cho vấn đề Biển Đông và điều cần là có được sự đồng thuận của các nước thành viên ASEAN và như thế, theo lẽ tự nhiên sẽ có được sự ký kết của Trung Quốc vào văn kiện chung đó để giải quyết những vấn đề hiện nay.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Điệp Anh-Đoan Hải/VOV-Moscow