Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2018

Đừng để mất cảnh giác!



                                                              

Mấy ngày qua, trên các trang thông tin và kênh truyền thông rộ lên việc có nhiều địa phương người dân tụ tập đông người, chặn đường gây ách tắc giao thông, rồi đập phá trụ sở cơ quan chính quyền, gây rối mất an ninh trật tự. Rồi ở một số công ty công nhân có hiện tượng ngừng việc. Là một người dân bình thường, tôi thấy có nhiều vấn đề chúng ta cần bình luận, trao đổi, làm rõ thêm, để ai cũng hiểu đúng, và biết cần làm gì cho chính mình, cho quê hương, đất nước mình được bình yên, không bị chi phối gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân, đánh mất đi hình ảnh đẹp của một đất nước thanh bình với góc nhìn của người nước ngoài.
Qua theo dõi trên truyền hình và các báo, đài, mấy tuần nay kỳ họp Quốc hội nước ta đưa ra dự thảo về một số luật, trong đó có luật “Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc” - gọi tắt là luật Đặc khu. Sau nhiều ngày thảo luận của quốc hội cùng với nhiều ý kiến của nhân dân cả nước, có cả kiều bào, nhân sĩ trí thức khắp nơi gửi về, nhận thức được trách nhiệm trước nhân dân Quốc hội đã lùi thời gian thông qua dự luật này, và sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp hơn. Ấy vậy mà tình hình mất an ninh trật tự vẫn xảy ra ở một số nơi, thật đáng buồn và đáng tiếc.
Ai là người Việt Nam đều tự hào về truyền thống 4 ngàn năm dựng nước và giữ nước. Cha ông ta đã dựng xây và gìn giữ non song đất nước này, và qua bao cuộc trường kỳ kháng chiến, chúng ta đã đánh đuổi đế quốc xâm lược giành lại độc lập tự do, thống nhất nước nhà, dù khó khăn đến mấy cũng đoàn kết một lòng vượt qua khó khăn, sóng gió từng bước đưa đất nước phát triển đi lên. Để có được thành công ấy, rõ ràng không thể thiếu sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Công sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng cam cộng khổ, nỗ lực cố gắng của từng người dân. Gần một thế kỷ, những thành tựu của Việt nam minh chứng cho điều đó, và chúng ta không thể phủ nhận hay nghi ngờ gì về con đường mà cả dân tộc ta đang lựa chọn và tiếp tục khắc phục hạn chế, tìm tòi cái mới đưa đất nước phát triển đi lên.
Tôi còn nhớ rất rõ, ngay sau khi chúng ta giải phóng Miền Nam năm 1975, Việt Nam hết sức khó khăn, nghèo nàn, mọi thứ hầu như chỉ trông chờ vào viện trợ của Liên Xô và mấy nước xã hội chủ nghĩa, vì hậu quả chiến tranh tàn phá nặng nề, lại vốn là một nước nông nghiệp lạc hậu. Do đó Đảng và nhà nước ra nhiều chủ trương phát triển, mục tiêu là đưa nước ta thoát khỏi cảnh nghèo, dân ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, chúng ta vẫn giữ vững được độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng rồi chúng ta cũng bị bao vây cấm vận, bị Trung Quốc gây chiến tranh biên giới phía Bắc, rồi biên giới Tây Nam,… Nhiều thế lực thù địch vẫn lăm le chống phá ta trên mọi lĩnh vực, mọi phương diện, làm cho cuộc sống của dân ta không lúc nào yên ổn. Nhưng Đảng và nhà nước ta vẫn đưa ra nhiều quyết sách, chủ trương phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đời sống nhân dân được cải thiện từng bước. Những năm đầu thập niên 90 tưởng chừng rơi vào thế bế tắc nhưng Đảng và Chính phủ đã sáng suốt chèo lái vững vàng đưa nước ta tiếp tục đi lên. Rõ ràng những lúc gian khó, chúng ta có Đảng dẫn đường, chỉ lối, chính phủ quyết tâm và người dân đồng lòng thì mọi chủ trương, quyết sách đã được hiện thực hóa, kinh tế phát triển, xã hội ổn đinh, vị thế nước ta được nâng lên. Đảng là của dân, do dân và vì dân, mọi việc của Đảng làm là đều của dân cả đấy chứ, cũng phải thừa nhận trong quá trình ấy cũng có cái chưa được, còn hạn chế nhưng Đảng đã nhìn nhận đánh giá chỉ ra khuyết điểm để từng bước khắc phục...
Chúng ta cũng không thể tính hết được việc chủ trương này hay chính sách kia là tuyệt đối chính xác, đầy đủ và phù hợp với tất cả mọi đối tượng, mọi thành phần trong xã hội hay đảm bảo quyền lợi tối đa cho tất cả mọi người, bời vì được lợi cho nhóm này thì lại động chạm đến nhóm kia, điều này chẳng nói thì ai cũng biết. Và có ai cứ chỉ giẫm chân tại chỗ mà phát triển được không? Vậy nên chúng ta cũng không quá cầu toàn, muốn người khác đến đất mình kinh doanh mà đòi hết lợi nhuận, thuận lợi về cho mình mà không cho họ chút quyền lợi gì thì liệu họ có chơi với mình không. Đương nhiên ta phải có cách để cho thuê đất mà vẫn giữ được đất chứ cho thuê mà mất thì ai dám cho thuê. Và tất nhiên ta phải biết quy định của luật pháp về nội dung này. Tương tự như vậy việc cho thuê đất đối với một đơn vị, địa phương cũng phải có luật pháp bảo vệ, nếu liên quan đến phạm vi ngoài quốc gia thì có luật pháp quốc tế. Thường thì chủ nhà bao giờ cũng ở thế chủ động, chưa ai dại gì mà bị động rồi để mất quyền lợi của chính mình bao giờ.
Trở lại câu chuyện đặc khu. Việc thông qua dự thảo luật này là cũng nhằm để phát triển đất nước, đưa Việt Nam ta có bước đột phá trong giai đoạn hội nhập. Cũng là để thực nghiệm mô hình chính quyền mới, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nếu hiệu quả sẽ nhân rộng, để chúng ta rút ngắn chặng đường đi tới đích của sự phát triển mà ông cha ta hằng mong muốn. Trong dự thảo Luật có một số nội dung liện quan đến việc cho thuê đất, thời hạn tối đa 99 năm, cũng không quy định là cho quốc gia nào thuê, và sau khi thảo luận thông tỏ rồi, thống nhất thì đại biêu quốc hội mới nhấn nút, nếu quá 50% số đại biểu tán thành thì mới được thông qua.
Vậy mà có một số người đã không hiểu đúng bản chất vấn đề, nói xấu quan điểm của Đảng, Nhà nước, coi thường chì chiết đại biểu Quốc hội, có người lợi dụng sự việc này kích động gây chia rẽ, tạo mâu thuẫn trong suy nghĩ về đúng - sai rất mập mờ, khó phân biệt phải - trái, nhất lợi dụng lòng yêu nước của người dân để lôi kéo, tụ tập đông người, làm phức tập tình hình trật tự xã hội, ảnh hưởng đến cuộc sống và sản suất. Trong đó có tác giả Trần Khải trên trang Việt Báo ngày 12/6/2018 cho rằng: “Bây giờ Đảng CSVN dự tính ra Luật về đặc khu, sẽ cho 3 vùng ven biển đẹp nhất của đất nước cho tư bản đỏ Trung Quốc thuê đất 99 năm... Có nghĩa là, đời ngư dân, đời con ngư dân, đời cháu và cháu cuả cháu ngư dân vĩnh viễn phải xa lìa các đặc khu này, hễ ghé tới gần là có thể bị bắn, vì nằm trong vùng kiểm soát của Tàu Cộng rồi. Thế là biểu tình bùng nổ... vì Đảng CSVN bán nước trắng trợn như thế, lộ liễu như thế, không cần giấu giếm gì... vì cho rằng đaị biểu quốc hội chỉ biết gằm mặt xuống bàn và ấn nút”...
Tôi cho rằng tác giả đã hiểu sai nội dung ghi trong dự thảo, nói là Trung Quốc sẽ chiếm mất đặc khu, thậm chí cố tình nói xấu Đảng, cho là Đảng bán nước. Rõ ràng tác giả không có quan điểm xây dựng, nếu băn khoăn vì không đồng ý với dự luật thì cần có thái độ góp ý, phản ứng cũng cần đúng mức chứ không nên kiểu chụp mũ như vậy. Làm thế khác nào kẻ đi lôi kéo kích động chống phá Đảng, chống phá nhà nước, đi ngược lại với lợi ích của quốc gia, dân tộc, đồng thời gây ảnh hưởng đến mối quan hệ đối ngoại của chúng ta với các nước, làm mất hình ảnh Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế.
Rất nhiều nội dung được nêu rõ trong dự thảo Luật, trên các trang mạng đều đăng tải, mọi người xem đều hiểu. Tuy nhiên cũng còn có một số nội dung cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp hơn, kể cả trong dự thảo Luật đặc khu đã được Quốc hội cho lùi thời hạn thông qua để nhân dân tiếp tục tham gia góp ý. Thế nhưng thực tế mấy ngày qua vẫn xảy ra những việc đáng buồn, không chấp nhận được, có nơi những đối tượng chống phá lợi dụng niểm tin của dân thông tin tuyên truyền không đúng sự thật, còn dùng tiền mua chuộc lôi kéo dân để xuống đường ngăn xe, gây ách tắc giao thông, rồi kéo vào trụ sở chính quyền đập phá, đốt xe công vụ,... Những giọng điệu kích động, bài xích hoặc lôi kéo người khác làm những điều sai trái, đi ngượi với lợi ích của đất nước, của dân tộc cần được lên án và loại bỏ. Mọi người hãy cảnh giác với những thông tin không đúng sự thật và làm ảnh hưởng đến chính mình, liên lụy đến gia đình, người thân và cuộc sống đang bình yên của xã hội. 
  Lê Quang Long(TP.Hồ Chí Minh)

Luận điệu mới - Niềm tin



Nhiều ngày qua sau khi dự luật đặc khu được đưa ra bàn thảo trên nghị trường Quốc hội, trên các phương tiện truyền thông đã đưa tin về những vụ việc người dân một số địa phương tụ tập, quá khích gây mất trật an ninh và còn kéo vào trụ sở cơ quan chính quyền đập phá tài sản, đốt xe công vụ gây bức xúc trong dư luận xã hội. Một số người vi phạm đã bị chính quyền xử lý.
Tôi cho rằng những việc trên lẽ ra không đáng để xảy ra nếu chúng ta cần bình tĩnh, cảnh giác, biết phân tích và nắm thông tin một cách đầy đủ, đúng đắn. Cũng chỉ đơn giản chúng ta đều là người dân bình thường, có lòng yêu nước, luôn tôn trọng và giữ gìn truyền thống cha ông ta để lại, kiên quyết giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia, mong muốn mọi người dân và con cháu chúng ta sau này được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Mọi người đều hiểu rằng suốt hàng nghìn năm bị phong kiến phương bắc đô hộ, rồi thực dân đế quốc xâm lược, nhân dân ta cơ cực lầm than. Chỉ khi có Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh thì  nhân dân ta mới có được cuộc sống như ngày hôm nay. Điều đó cũng cho thấy tình cảm của mỗi chúng ta khi nghe những thông tin liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, đến vận mệnh của đất nước thì đều thể hiện sự quan tâm đặc biệt. Âu cũng là lẽ đương nhiên vì cả dân tộc Việt Nam chứ không chỉ riêng ai đều nhận thức rõ giá trị của độc lập, tự chủ, không cho phép bất kỳ ai xâm hại đến lợi ích quốc gia. Qua bao cuộc chiến tranh, chúng ta đã đổ biết bao xương máu, hàng triệu người đã hy sinh để giành lại đất nước, mang lại hòa bình, hiện nay vẫn còn hàng triệu người mang trên mình những nỗi đau di chứng của chiến tranh, chưa nguôi ngoai đau thương, mất mát. Vì vậy thật dễ hiểu vì sao người Việt ta giàu tình cảm, và cũng dễ đồng cảm trước những gì liên quan đến lợi ích của dân tộc.
Vấn đề ở trên, đã được những phần tử, thế lực chống phá hay nhằm vào để lợi dụng tình cảm của người dân nhằm kích động, lôi kéo, nhất là khi xuất hiện những vấn đề mới, chủ trương lớn để phát triển đất nước. Nhiều năm rồi, Đảng và nhà nước, quốc hội đưa ra nhiều quyết sách, giúp cho kinh tế xã hội ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày một nâng cao, vị thế của đất nước ngày càng nâng cao, chúng ta làm bạn và hợp tác với nhiều nước. Quốc tế đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn và tiềm năng đang được phát huy trong đó có việc ổn định chính trị, an ninh, an toàn xã hội được giữ vững. Vì vậy chúng ta mạnh dạn kêu gọi đầu tư để phát triển, theo đó cũng cần môi trường đầu tư và các cơ chế chính sách phù hợp thì mới hiệu quả. Trong suốt những năm qua nhiều mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất của Việt Nam đã hình thành và thử nghiệm, nhưng chưa có mô hình nào thực sự điển hình, có nơi đã không thành công, vì thế Đảng và nhà nước, Quốc hội mới đưa ra dự luật đặc khu để thí điểm, trong đó có cả thể chế của đặc khu để thực nghiệm và nếu thấy hiệu quả sẽ nhân rộng. Đây là giải pháp đột phá trong quá trình phát triển đất nước. Trên thực tế thì chủ trương này đã được nghiên cứu từ nhiều năm nay và được học tập từ nhiều mô hình đặc khu trong khu vực cũng như trên thế giới, song khi đưa ra bàn luận trên nghị trường Quốc hội vẫn còn có nhiều ý kiến chưa thống nhất, trong đó có vấn đề liên quan đến việc cho thuê  đất 99 năm, rồi việc cho quốc gia nào thuê,… Dư luận xã hội cũng có nhiều, cả ý kiến đồng tình và không đòng tình, nhiều ý kiến hiểu chưa đúng, chưa đủ… nên cho rằng dự luật chủ yếu ưu tiên cho nước láng giềng Trung Quốc thuê đất, rồi lỡ bị mất đất,… Và từ đó nhiều người bị kích động, lôi kéo và phản đối chủ trương của này, không những thế một số người bị lợi dụng, mua chuộc xuống đường biểu tình gây rối, làm mất đi hình ảnh đẹp của đất nước trong con mắt người nước ngoài và nhà đầu tư.
Trong khi dự thảo đã được Quốc hội quyết định lùi thời gian vào kỳ họp sau để lấy ý kiến của nhân dân và nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp thì vẫn còn xảy ra nhiều thông tin trái chiều. Đơn cử như tác giả Phạm Chí Dũng có bài viết trên trang Chân Trời Mới ngày 13/6/2018 đã nói: ““Suy giảm niềm tin” vẫn còn là cách mô tả quá tô hồng. Trong thực tế, dân đã mất sạch niềm tin vào chế độ trong rất nhiều vụ việc mà chính quyền chỉ hứa hẹn nhưng không hề làm, hoặc thậm chí làm ngược lạị’…” Vụ Dự Luật Đặc khu cũng tương tự. Bất chấp đề nghị của Chính phủ về hoãn dự luật này, rất nhiều người dân đã không tin, không còn tin một chút nào, và họ vẫn giữ ý định xuống đường để hy vọng bằng những bước chân rầm rập và cánh tay giương cao biểu ngữ phản đối, ‘luật bán nước’ sẽ bị hủy bỏ và do vậy nước sẽ không bị bán”.
Đúng là luận điệu xuyên tạc, bịa đặt quá trắng trợn và nguy hiểm nếu chúng ta thiếu cảnh giác. Tôi không hiểu tác giả phân tích thế nào, viện dẫn từ đâu song chẳng có cơ sở nào mà khẳng định điều đó cả. Bởi vì thực tế đã có một số người đem tiền mua chuộc một số người dân, do thiếu thông tin nên đã nghe theo và xuống đường tụ tập, quá khích đập phá, ngăn chặn xe gây tắc đường. Trong khi đó, nếu là người có trách nhiệm với cộng đồng, với nhân dân, và nếu yêu nước thực sự thì phải có cách hành xử khác, sao lại kích động mọi người phá phách, đáng lẽ khuyên mọi người nên đưa ra ý kiến hay kiến nghị với các cấp chính quyên, với Đảng, nhà nước, Quốc hội để xem xét thêm chứ hành xử như vậy mà cho rằng thể hiện tình cảm với dân với nước liệu có chấp nhận được không?. Tôi thấy nhiều người sau khi nhận tiền rồi đi tụ tập biểu tình phá rối thì sau đó đều thấy có lỗi, ân hận vì đã thiếu suy nghĩ vì đã làm một việc không đúng; mấy cậu thanh niên hùa theo đập phá đã biết mình bị kích động lôi kéo nên trót lỡ vi phạm. Điều đó khẳng định là dân ta đâu có mất lòng tin, đâu phải tự người dân phản đối chủ trương của Đảng, của nhà nước, mà đây chính là âm mưu chống phá, là do những kẻ bất mãn, được các thế lực thù địch mua chuộc để kích động gây rối trât tự an ninh và với những thủ đoạn tinh vi, lợi dụng lòng tin của dân, lòng yêu nước của đồng bào để gây mâu thuẫn, chia rẽ, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, việc làm và hình ảnh của đất nước. Nếu chúng ta lơ là mất cảnh giác thì rất dễ bị rơi vào âm mưu của họ, khi thiếu sự ổn định thì liệu các nước, các tập đoàn lớn có vào đầu tư làm ăn với ta nữa, và nếu thế sẽ rất khó cho phát triển kinh tế.  
Đất nước ta cùng các nước trên thế giới đang bước vào thời kỳ mới, hội nhập quốc tế, chúng ta cần tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức để đột phá, xây dựng đất nước, mạnh về kinh kế, vững về quốc phòng an ninh, toàn dân chung sức, đồng lòng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Trước mắt đất nước chúng ta còn nhiều khó khăn, nhiều thế lực luôn tìm cách chống phá, không muốn đất nước ta yên bình, song với truyền thống yêu nước của dân tộc, chúng ta hết sức cảnh giác với những thông tin và luận điệu xuyên tạc, hãy tin tưởng vào đường lối của Đảng, nhà nước trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, “lòng tin” sẽ giúp chúng ta chiến thắng mọi sự cám dỗ và xúi bẩy, tương lai của Tổ quốc nằm trong tay ở mỗi chúng ta, hãy tĩnh táo và cân nhắc mọi điều trước khi hành động.


                                                                     Hoàng Trung Dũng
                                                                            Khánh Hòa

Luật An ninh mạng - một công cụ hữu hiệu để bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và quyền con người




                                                               
Ngày 12-6-2018, với 423 phiếu thuận, Luật An ninh mạng, với 07 chương, 43 điều đã được kỳ họp thứ 5,  Quốc hội khóa XIV nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua và có hiệu lực từ ngày 01-01-2019. Sự ra đời của Luật An ninh mạng với những quy định bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; đồng thời, quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Ấy thế mà, ngay sau đó, trên VOA, BBC, RFA và một số trang mạng đăng tuyên bố của một số tổ chức cá nhân lên tiếng phản đối. Điển hình như, Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc chuyên trách Đông Nam Á; Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI); Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), v.v. Họ cho rằng, một số điều khoản trong Luật “trái với các nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị”, gây “hậu quả tàn hại cho tự do ngôn luận ở Việt Nam”,… và yêu cầu, Việt Nam cần “thu hồi luật mới khắc nghiệt này”. Thậm chí, Daniel Bastard (người đứng đầu văn phòng phụ trách Châu Á - Thái Bình Dương trong RSF) còn ngang ngược: “yêu cầu các nhà lập pháp Việt Nam thu hồi luật mới khắc nghiệt này, vốn là công cụ để củng cố sự kiểm soát của chính phủ đối với việc tiếp cận thông tin.” (!)
Phải khẳng định ngày, đây là những tuyên bố, đòi hỏi phi lý của những kẻ mang tư tưởng chống cộng cực đoan, chuyên xuyên tạc tình hình nhân quyền và kỳ thị với “Việt Nam là điều kỳ diệu của thế giới”, như Tổng thống Hoa Kỳ D. Trump phát biểu; đồng thời, vi phạm các điều ước quốc tế về quyền con người, quyền công dân, cổ vũ cho những hành động gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở đất nước Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới. Những tổ chức, cá nhân này không xứng với danh xưng đang mang.
Theo đó, Điều 8, Luật An ninh mạng, nghiêm cấm các hành động sau: (1) Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như xuyên tạc, phỉ báng chính quyền, xúc phạm dân tộc, quốc kỳ…; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; (2) Kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng như kêu gọi tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ; (3) Làm nhục, vu khống như xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; (4) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội bằng không gian mạng; (5) Đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật; (6) Xâm phạm trật tự quản lý kinh tế như thông tin sai sự thật về sản phẩm, hàng hóa…; thông tin sai sự thật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, thanh toán điện tử,…; (7) Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; (8) Tuyên truyền, quảng cáo, mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật; (9) Thông tin hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng; (10) Cố ý xóa, làm hư hỏng, thay đổi thông tin thuộc bí mật nhà nước; bí mật kinh doanh, cá nhân, gia đình và đời sống riêng tư được truyền đưa, lưu trữ trên không gian mạng; cố ý thay đổi, hủy bỏ hoặc làm vô hiệu hóa các biện pháp kỹ thuật được xây dựng, áp dụng để bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, kinh doanh, cá nhân và đời sống riêng tư; (11) Cố ý nghe, ghi âm trái phép các cuộc đàm thoại; hành vi cố ý xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư. Điều 8 của Luật này cũng cấm lợi dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, như các hành vi sau: (1) Sản xuất, đưa vào sử dụng phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, viễn thông; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác; (2) Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng; lợi dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia; (3) Thực hiện tấn công, khủng bố mạng; làm sai lệch, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; (4) Giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân; làm giả, lưu hành, trộm cắp, mua bán, thu thập, trao đổi trái phép thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của người khác; phát hành, cung cấp, sử dụng các phương tiện thanh toán trái phép; (5) Chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng internet; trộm cắp cước viễn thông quốc tế trên nền internet; vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ trên không gian mạng, v.v. Luật cũng quy định rõ, ai vi phạm những điều trên, tùy theo tính chất, mức độ mà người vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Thực tế cho thấy, trước sự phát triển mạnh mẽ của internet và ứng dụng internet vào cuộc sống, chủ quyền, an ninh của các quốc gia, dân tộc, quyền con người không chỉ đơn thuần là những hoạt động trên đất liền, trên biển, trên không, mà còn là những hoạt động trên không gian mạng. Bên cạnh những ưu điểm, những hoạt động trên không gian mạng đã bộc lộ những vấn đề rất nguy hại, nhất là việc lợi dụng không gian mạng để lừa đảo, xuyên tạc, bôi nhọ,… vi phạm quyền con người, quyền của các tổ chức, cá nhân; đồng thời, truyền bá tư tưởng cực đoan, tổ chức lực lượng, khích động các hoạt động gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thậm chí đòi lật đổ chế độ,… làm phương hại đến độc lập, thống nhất, an ninh của mồi quốc gia và hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực cũng như trên thế giới. Bài học về những cái gọi là “cách mạng màu” diễn ra ở Liên Xô, Đông Âu, Trung Đông, Bắc Phi,… thời gian qua đã cho thấy rõ hậu quả của việc không gian mạng bị lợi dụng như thế nào. Vì thế, để bảo vệ chủ quyền, an ninh, nhiều quốc gia đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, Luật An ninh mạng, trong đó có Việt Nam để đảm bảo các hoạt động trên không gian mạng có lợi ích trong việc thực thi quyền con người, bảo vệ động lập, thống nhất của quốc gia, loại trừ những mặt trái trong hoạt động ở không gian mạng.
Như vậy, việc xây dựng, thông qua Luật An ninh mạng của Quốc hội khóa XIV của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là việc làm khách quan, cấp thiết, nhằm bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, quyền con người, quyền công dân; đồng thời, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc về nhân quyền (năm 1945), Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế của Đại hội đồng Liên hợp quốc (năm 1948), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc (năm 1966) và thông lệ quốc tế. Sự ra đời của Luật An ninh mạng là công cụ hữu hiệu để Nhà nước Việt Nam bảo đảm ngày càng tốt hơn trong bảo vệ quyền con người, chủ quyền, an ninh quốc gia.

   Minh Quân

Sao cứ phải ngược chiều?



       

Suốt tuần qua rất nhiều thông tin về việc ở một số nơi đã xảy ra các vụ tụ tập đông người, ngăn xe gây tắc đường, gây rối, đặc biệt ở Bình Thuận còn xảy ra bạo động, đập phá trụ sở chính quyền, công nhân ở một số nhà máy, công ty cũng ngừng việc để “phản đối”,... khi kỳ họp Quốc hội đưa ra bàn về dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và dự thảo Luật An ninh mạng. Những người dân chúng tôi theo dõi và thấy rất lo ngại. Trên các trang mạng cũng xuất hiện nhiều quan điểm, thông tin trái chiều, kích động mọi người, đưa tin không chính xác, đầy đủ và còn có những nội dung xuyên tạc, nói xấu chế độ, nói xấu Đảng và nhà nước.
Cùng với đó, trên trang  Đàn Chim Việt ngày 14/6/2018, tác giả Kông Kông  bình luận rằng “...Người dân đang căm thù chế độ đến đỉnh điểm, cụ thể như hàng chục ngàn đã xuống đường suốt từ Nam đến Bắc ngày 11/6/2018, nên nhân cơ hội nầy phải chủ trương dùng bạo lực vì chỉ có bạo lực mới có thể giải quyết một chế độ ráp tâm bán nước?...Dù khai dân trí không bao giờ lỗi thời nhưng e rằng thời gian không còn kịp nữa! Vì luật Đặc Khu dâng đất cho giặc sẽ được bấm nút trong lúc luật An ninh Mạng có hiệu lực đầu năm tới. Khi quyền được sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc, quyền được nói… bị tiêu diệt thì dân tộc đã bị nô lệ rồi!...Với sức nóng đang lan tỏa hiện tại và tranh thủ sức mạnh mạng xã hội như Google, Facebook… khi họ chưa khống chế được toàn diện… kêu gọi Tổng Đình Công. Chỉ cần kéo dài Tổng Đình Công được vài tuần trên toàn quốc thì chế độ sẽ bị tê liệt”...
Tôi cho rằng tác giả dường như ngộ nhận hoặc đã có những thông tin không đầy đủ và hiểu sai về Luật Đặc khu cũng như Luật an ninh mạng, đã phản ứng thái quá, dẫn đến đưa ra nhận định, lời nói thiếu tinh thần xây dựng, lại còn bóp méo thông tin, lợi dụng kích động bạo lực, kêu gọi đình công chống chế độ làm cho mọi người hoang mang dao động, bất an. Trên thực tế thì nội dung của Luật Đặc khu và An ninh mạng khác hoàn toàn với nhận định mà tác giả đã nêu ở trên.
Theo dõi thông tin tôi được biêt mô hình đặc khu được nhà nước đi học tập, nghiên cứu từ nhiều mô hình của các nước phát triển để vận dụng phù hợp với Việt Nam, đi cùng với đó là thể chế, là phát luật, là hệ thống bộ máy quản lý, vận hành và điều kiện đảm bảo chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ với mục tiêu phát triển bền vững. Là đặc khu thì có cơ chế đặc thù, song không thể tách rời thể chế chung của đất nước, phải đúng Hiến pháp và pháp luật. Trong Dự thảo Luật không quy định cho một quốc gia nào được phép đầu tư độc quyền; không có quy định chỉ cho một nước thuê toàn bộ đất đai. Nhiều người cũng có chút băn khoăn về thời gian cho thuê đất là 99 năm, song sau nhiều ngày thảo luận cùng với nhiều ý kiến của nhân dân thì Quốc hội đã quyết định lùi thời gian thông qua dự luật này để tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh hợp lý hơn.
Về Luật An ninh mạng thì do nước ta là quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trong khu vực, mạng Internet còn bị lợi dụng để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động các hoạt động chống phá Nhà nước, xúc phạm nhân phẩm cá nhân, bịa đặt thông tin gây hại về kinh tế, tài chính, gây ảnh hưởng lớn đến người dân và Nhà nước. Chúng ta đều đang trong thời kỳ cách mạng 4.0 và ai cũng tham gia vào không gian mạng, nên rất nhiều nguy cơ mất an toàn, vì vậy rất cần phải có Luật An ninh mạng, vừa để bảo vệ chính mỗi người khi tham gia vào không gian mạng, vừa là cơ sở pháp lý để đấu tranh, ngăn chặn và xử lý những vụ việc vi phạm về an minh trong không gian mạng và bảo vệ chế độ, bảo vệ nhà nước. Không có nội dung nào cấm quyền tự do ngôn luận hay tham gia trên mạng xã hội, Internet. Trong Luật quy định nghiêm cấm việc sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung: Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; Hành vi gián điệp mạng; xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân,... Trong khi đó trên thế giới hơn 100 quốc gia đã có Luật này.
Việc thông qua Luật sau khi các đại biểu thảo luận và thống nhất. Việc nhấn nút của đại biểu Quốc hội là thể hiện ý chí nguyện vọng của người dân cả nước, vì đại biểu Quốc hội là đại diện của nhân dân quyết định việc của nước, của dân mình.
Rõ ràng thông tin như thế là hoàn toàn đủ để chúng ta hiểu biết và nhận thức được, sao cứ phải bẻ cong, bẻ ngược, hiểu sai đi rồi nâng quan điểm và kích động, nói xấu, hô hào đình công, tụ tập, phá hoại làm gì. Thực ra có phải cứ hễ nói thế thì mọi người tin được đâu, vì kể cả tôi là một người bình thường cũng không tin được với kiểu lợi dụng rồi bẻ ngược như thế.  
Tôi không có nhiều điều kiện giao tiếp bởi công việc của mình đơn giản, chủ yếu tiếp xúc với người dân thường, có thể nhận thức chỉ được ở mức độ nhất định. Song những gì đang diễn ra tôi đều cảm nhân được. Dù là một người nông dân thường cũng đã thấm thía sự nghèo khổ, sự cơ cực của những năm 70-80 thế kỷ trước, sự tàn phá của chiến tranh và nỗi đau thương khi mất đi người thân trong cuộc chiến giành lại tự do độc lập từ tay kẻ thù xâm lược, ai cũng hiểu được giá trị của tự do, hòa bình, ổn định. Điều ấy luôn đau đáu trong tôi như là động lực để bản thân mình sống cho xứng với những gì cha ông và hàng triệu người đã ngã xuống đem lại cho mình và người dân Việt. Không chỉ riêng tôi mà mọi người đều khẳng định, nếu không có Đảng, có Nhà nước Việt Nam, có Cụ Hồ thì làm sao dân mình có ngày hôm nay. Con đường mà Đảng ta đang đưa dân ta đi đều với mục đích đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn, để nước mình ngày càng lớn mạnh. Mấy chục năm nay, qua bao thăng trầm, chúng ta vẫn giữ vững được chủ quyền đất nước. Trên thực tế gần thế kỷ, Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam luôn vượt qua gian khó để chèo lái con thuyền đưa dân ta đi đến ấm no, tự do, hạnh phúc. Những người ưu tú được vào Đảng, người của Đảng, của nhà nước đều là con em dân mình cả, có phải người ở nước ngoài nào đâu. Những tài sản của cơ quan công quyền, của nhà nước cũng từ tiền thuế của dân mình đấy thôi. Nếu ai đập phá, hủy hoại thì người đó đang đập phá tài sản của dân mình rồi. Nói xấu cán bộ, nói xấu Đảng cũng tức là nói xấu dân mình, làm xấu hình ảnh nước mình rồi. Tự mình mà làm mình xấu đi thì còn ra gì nữa chứ? 
Quốc gia nào cũng có những quyết sách để phát triển đất nước và đảm bảo chủ quyền, lãnh thổ, theo đó là hệ thống pháp luật để điều hành đất nước và đảm bảo an ninh cho quốc gia. Trong giai đoạn hội nhập ngày càng sâu rộng, Nhà nước ta đang có những chủ trương lớn để tạo đột phá, sớm làm cho dân ta giàu lên, nước ta mạnh lên, để tạo điều kiện cho cả người Việt lẫn người nước ngoài đầu tư làm ăn, và đương nhiên phải theo luật pháp của Việt Nam cũng như quy định của thông lệ quốc tế. Chúng ta cũng phải suy nghĩ tính toán cho thấu đáo. Đôi khi cũng là cơ hội, nếu không tranh thủ, không sáng suốt lựa chọn thì sẽ không bao giờ đến lượt mình. Không tạo không gian, môi trường ổn định, không có uy tín, không tạo dựng hình ảnh đẹp mà cứ gây phức tạp, bất ổn thì chẳng ai muốn đến làm ăn. Thời buổi này mà không có đầu tư nước ngoài, không quan hệ với quốc tế thì làm sao mà phát triển kinh tế được. Vì thế tôi thiết nghĩ chúng ta cần phải tỉnh táo, sáng suốt, hết sức bình tĩnh và cần có thái độ đúng đắn trước những thông tin nhất là những vấn đề liên quan tới cuộc sống người dân, tới sự ổn định, phát triển của quê hương, đất nước mình, tránh bị lợi dụng, bị kích động rồi đi ngược lại lợi ích của dân tộc và của chính mình. Quê hương Bình Dương tôi hôm nay đang trên đà phát triển là minh chứng nhất cho sự thành công đó.