Thứ Hai, 18 tháng 5, 2015

Khi hòa hợp dân tộc được gắn với lợi ích quốc gia

Công Lý
Chiến tranh đã qua đi, sau 40 năm tái thiết và xây dựng đất nước, mọi người dân Việt Nam trên tất cả miền quê từ thành thị, nông thôn đến những miền núi, hải đảo xa xôi của Tổ quốc đều hân hoan trào dâng niềm vui hạnh phúc trước sư thay da, đổi thịt của quê hương, đất nước mình. Bồi hồi nhớ lại, khi tết đến, xuân về hòa chung với niềm hạnh phúc vui xuân, ăn tết cổ truyền cùng dân tộc, hàng triệu lượt người Việt Nam ở nước ngoài hằng năm về thăm quê hương là biểu thị rất cụ thể cho tinh thần hòa hợp dân tộc mà chúng ta đang hướng tới. Mặc dù ra đi vì các lý do khác nhau nhưng người Việt Nam ở nước ngoài vẫn được tạo điều kiện trở về quê cha đất tổ, thăm nom, giúp đỡ người thân, đóng góp với đồng bào trong nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chứng kiến sự xum họp đoàn tụ, vui mừng khôn xiết giữa những người lính Việt Nam cộng hòa và với những người lính cách mạng trước đây, cùng hòa chung nhịp sống cùng dân tộc, không khoảng cách, không phân biệt. mọi người sống với nhau rất chan hòa. Trong những dịp như thế tôi vẫn thường được nghe cả hai phe kể về những cuộc hành quân của họ, không chút hận thù nào chỉ là những câu chuyện về một thời đã qua. Có lẽ cuộc chiến cách đây 40 năm đã thực sự kết thúc trên quê hương, chỉ còn tình yêu thương ở lại trong mỗi con người đang sống lao động sản xuất, công tác và học tập trên mảnh đất thân yêu này.
Cùng với thời gian, từ thực tế của sự phát triển đất nước, từ tinh thần hòa hợp với thiện chí chân thành của Nhà nước và đồng bào trong nước, từng được chứng kiến cuộc sống hiện thực ở trong nước đang từng ngày phát triển, hòa chung cùng nhịp sống của thời đại nên nhận thức của rất nhiều người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài đã thay đổi. Minh chứng cho điều đó là tâm sự trải lòng từ những con người như thế: Davis Nguyễn - người Mỹ gốc Việt, trên Vietweekly, trước đây ông là một người chống cộng cực đoan nhưng sau chuyến đi Trường Sa, tận mắt chứng kiến tinh thần vượt gian khổ của các chiến sĩ trẻ, ông đã suy nghĩ rất nhiều và nói: "Một ngày nào đó những kiều bào ở hải ngoại, bốn triệu rưỡi, năm triệu người đồng lòng bắt tay, hợp tác, về đây xây dựng một đất nước còn nhiều thiếu thốn, một đất nước thân yêu,... bằng những con tim của mình".
Cựu Thiếu úy Thủy quân lục chiến Việt Nam Cộng hòa, Nguyễn Ngọc Lập. Với ông có lẽ không mấy ai nghĩ rằng trước đây ông đã từng là người “chống Cộng” kịch liệt, phần vì bất đồng chính kiến, phần vì cái mà ông gọi là “buôn bán sự hận thù”. Ít khi ông Lập vắng mặt trong các cuộc biểu tình hay tuần hành. Nhưng rồi sau hàng chục năm ôm mối hận trong lòng, ông bắt đầu nhận ra rằng sự thật luôn là sự thật và đã đến lúc phải thay đổi. Ông Lập tâm sự “Đã đến lúc mình nên nói thật, ai nắm được chính nghĩa thì người đó thắng. Muốn nói gì đi chăng nữa thì cũng phải dựa trên dân tộc. Khó nhất hiện nay là phải  nhận ra được kẻ thù của mình là chính mình. Mình cần hòa giải với chính mình trước rồi mới thương xót, tha thứ cho người khác được”.
Từng là Thiếu úy quân đội Việt Nam Cộng hòa, sau ngày thống nhất đất nước, ông Vũ Chung phải đi cải tạo 5 năm. Nhưng ông không vì thế mà ôm hận thù, trái lại còn cho rằng, đây là quãng thời gian đã giúp ông trưởng thành rất nhiều. Với trải nghiệm thực tế gần 40 năm tại Mỹ, công việc đòi hỏi tiếp xúc hàng ngày với cộng đồng người Việt tại đây, nhà báo Vũ Chung cho rằng, sự giao lưu giữa thế hệ trẻ trong và ngoài nước sẽ là chất xúc tác cho hòa hợp dân tộc. “Giới trẻ ngoài nước thường ngại khi được bố mẹ dẫn về Việt Nam vì các cháu sợ không biết môi trường vệ sinh có thuận lợi không và sợ những trở ngại ngôn ngữ… Nhưng cháu nào đã có dịp về Việt Nam thì đều cảm thấy thoải mái. Tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp, lúc đầu thì ngại nhưng về nước sau một vài lần lại cảm thấy gần gũi với Việt Nam hơn. Tại sao lại như vậy, đó là tình cảm quê hương đất nước, màu da, phong tục, ngôn ngữ khiến cho con người ta gần gũi”.
Khác với những con người ở trên, kỹ sư Lê Thành Du lại may mắn không phải ra chiến trận khi được sang Mỹ học từ năm 1972, ngay khi vừa tốt nghiệp trung học nhờ xuất thân từ một gia đình vai vế với thân nhân nắm giữ nhiều chức vụ cao cấp trong chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Ông Du cho rằng, hai nước cựu thù Việt Nam và Mỹ còn bắt tay nhau được thì hòa hợp dân tộc giữa người Việt Nam là vấn đề tất yếu nếu tất cả đều cùng nhìn về một hướng. “Nếu suy xét cho thật kỹ thì đất nước Việt Nam vẫn là đất nước Việt Nam, nên nếu đất nước cần thì mình vẫn góp công sức vì mình là người Việt Nam. Có như vậy, sự khác biệt hiện nay sẽ được thu hẹp lại”. Đối với ông Nguyễn Văn Tuyên, hội viên Hội Doanh nhân Việt Nam tại Mỹ, đã trải qua thời thơ ấu trong chiến tranh rồi sau đó rời Việt Nam sang định cư tại Mỹ vào năm 1984, với ông Tuyên, chiến tranh đã lùi xa, quá khứ nên khép lại: “Chiến tranh là một kỷ niệm đau buồn. Bao nhiêu năm bom rơi đạn nổ, dân tộc ta đã đau khổ quá rồi. Chúng ta không nên nghĩ ai là người chiến thắng và ai là kẻ chiến bại. Đã 40 năm rồi, chúng ta nên khép lại trang sử cũ, ngồi lại với nhau để xây dựng đất nước, đưa đất nước tiến vào một quỹ đạo mới”. Vâng thưa các bạn còn rất nhiều kiều báo ta như thế, mỗi người một hoàn cảnh và đều định cư ở nước ngoài nhưng tất cả đều có một điểm chung: ai cũng nặng lòng với quê hương. Với họ, Tổ quốc, nguồn cội có lẽ chính là cái gốc của hòa hợp dân tộc.
Một thực tế cho thấy, thay vì những miệt thị đối với những người đã từng phản bội Tổ quốc, có nhiều tội lỗi với nhân dân, chúng ta đã không làm vậy mà dùng sự chân thành, độ lượng để cảm hóa, lấy khoan hồng để đối xử với những người lầm đường, lạc lối để họ nhận ra chân lý, lẽ phải, thật tâm quay về với nhân dân, với Tổ quốc, tuyệt nhiên không báo oán trả thù. Cách hành xử này cho thấy giữa người Việt Nam với nhau không có thắng và thua, vì trong cuộc chiến bất đắc dĩ này thắng hay thua thì đớn đau nhất vẫn thuộc về chúng ta. Việc chìa tay ra để kéo những người lầm lỗi về với nhân dân là hành động cho thấy chúng ta đã lấy đại cục làm trọng, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết để ứng xử, để thu phục lòng người, để hóa giải những vướng mắc và đi đến hòa hợp dân tộc.
Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có một bộ phận kiều bà ta ở nước ngoài do thiếu thông tin về tình hình đất nước, hơn nữa lại phải thường xuyên tiếp cận với những thông tin bị xuyên tạc, thổi phồng gây tác động xấu đến tâm lý, tình cảm của họ đối với Tổ quốc. Chúng ta cũng chia sẻ và thông cảm với họ. Có điều sự thật vẫn là sự thật, chỉ mong họ một điều hãy trở về đất mẹ để tận mắt nhìn thấy sự  đổi mới trên quê hương, đất nước, Đó là minh chứng hùng hồn nhất để mang lại lòng tin trong họ. Một điều đáng nói hơn nữa, hiện nay vẫn còn một số người gốc Việt vẫn nuôi mối hận thù với Nhà nước Việt Nam. Họ thường xuyên lợi dụng vấn đề này để xuyên tạc tinh thần hòa hợp, cản trở người lương thiện trở về quê hương, nhẫn tâm chống phá, xâm hại đất nước đã sinh ra họ. Tức là họ tiếp tục nối dài các lỗi lầm. Với những con người đó, không đất nước nào ruồng bỏ họ, mà chính họ tự loại mình khỏi dân tộc, tự đứng vào thế đối lập với dân tộc. Đó là điều không thể chấp nhận, vì chúng ta chỉ có thể hòa hợp với người thiện chí, chứ không thể hòa hợp với người lấy đối đầu và mặc cả làm điều kiện hòa hợp. Trong họ, tìm mỏi mắt cũng không thấy tình yêu và sự khoan dung. Tôi vẫn thật sự không hiểu vì sao người với người lại ghét nhau đến thế, trái hẳn với bản chất văn hóa truyền thống cốt lõi của dân tộc “người trong một nước phải thương nhau cùng”. Thưa các bạn từ những truyên truyền xằng bậy của những phần tử ở trên, liệu những kiều bào ta ở nước ngoài những người chưa về lại thăm quê nhà lần nào họ sẽ nghĩ gì khi đọc những thông tin u ám về Việt Nam như thế.
Đoàn kết, hòa hợp dân tộc là điều kiện cần thiết cho sự ổn định và phát triển của mọi quốc gia. Đó cũng là truyền thống, đạo lý của dân tộc Việt Nam, được nhân dân ta xây đắp, gìn giữ từ ngàn đời và hiện nay đang được tiếp tục phát huy trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là xu thế không thể làm thay đổi, đảo ngược khi hòa hợp dân tộc được gắn với lợi ích quốc gia, cho dù vẫn còn những người với động cơ xấu vì chính trị cố tình ngăn trở, chống phá. Chúng ta khẳng định để mọi người hiểu rằng dù ở bất cứ nơi đâu và dù trong bất cứ hoàn cảnh nào bà con kiều bào vẫn luôn là một phần máu thịt của đất nước Việt Nam thân yêu.

Trong phim Last Days in Vietnam – lịch sử đã bị biến dạng!


 
Phim được đề cử giải oscar “Last days in Vietnam” (Những ngày cuối ở VN) của đạo diễn Rory Kennedy chủ yếu là ca ngợi, anh hùng hóa người Mỹ trong việc nỗ lực đưa đồng minh người VN của họ chạy trốn (hay gọi một cách mĩ miều là di tản) khi quân đội miền Bắc VN đã tiến gần sát Sài Gòn - "thủ đô của chính quyền Sài Gòn cũ”.  
Trong phim có nhiều thông tin, chi tiết lịch sử được xây dựng biến dạng theo đủ mọi cách từ nhỏ tới lớn. Cách làm phim của R Kennedy là tạo ra một câu chuyện bịa đặt kinh điển về lòng tốt của người Mỹ khi cố gắng "cứu" những người miền Nam VN làm việc cho Mỹ thoát khỏi cảnh tắm máu mà quân đội miền Bắc có thể gây ra sau chiến tranh. Nhưng sự thực chứng minh đã không như họ tuyên truyền, chẳng hề có một cuộc tắm máu nào và số người phải vào trại cải tạo là vì những tội lỗi họ đã gây ra khi tra tấn, cầm tù, lạm dụng và giết hại người vô tội với sự hậu thuẫn của người Mỹ.
Bộ phim ngầm chỉ ra rằng, Mỹ đã thực hiện cam kết trong Hiệp định Pari là rút lính Mỹ ra khỏi miền Nam VN vào những năm 1973, những người Mỹ còn ở lại là những nhà chính trị, nhà thầu, nhà kinh doanh… nhưng chính phủ miền Bắc đã lợi dụng vụ bê bối Watergate để phá bỏ Hiệp định hòa bình Pari, đánh chiếm miền Nam VN. Trong khi thực tế là Hiệp định Pari ngay sau khi được ký kết đã lập tức bị chính phủ Mỹ vi phạm khi cung cấp cho quân đội VNCH khối lượng vô cùng lớn vũ khí tối tân với ý định đè bẹp chính phủ miền Bắc bằng B52, theo đó 23.000 cố vấn Mỹ và người nước ngoài cũng đến Sài Gòn để huấn luyện và dạy cho lính Cộng hòa cách sử dụng, bảo quản vũ khí. Chính điều này cùng với sự sự cam kết quay trở lại VN của Tổng thống Mỹ Nixon đã khiến chính phủ ông Thiệu ngày càng leo thang chiến tranh với quân đội miền Bắc. Một nước cờ sai của  ông Thiệu đã khiến ông ta phải chết trong cảnh sống tha hương khi quân đội của ông ta tan rã vào cuối tháng 4 năm 1975,
Trong phim, những người được phỏng vấn là những cựu sĩ quan quân đội Mỹ, cố vấn chính trị Mỹ, và một vài công chức đã từng phục vụ trong chính quyền Sài Gòn cũ, với phát ngôn thiên kiến, hàm hồ thể hiện một cái nhìn qua khe cửa hẹp mà chẳng hề bị chất vấn hay có dẫn chứng chứng minh… cùng với việc đạo diễn Rory Kennedy đã bẻ vụn, cắt rời, lắp ghép và tách các sự kiện khỏi bối cảnh thực tế để dựng lại lịch sử theo ý của mình với luận điệu xuyên suốt là "Người dân miền nam có nhiều lý do để lo sợ cộng sản Bắc Việt. Người cộng sản đã tiến hành chiến tranh một cách tàn bạo, không hề tỏ ra khoan nhượng" , trong khi chính quân đội Mỹ và quân đội miền Nam VN mới là những kẻ tàn bạo, giết người không ghê tay trong cuộc chiến.
Lời bà RCP Millicent Jenwick trong phim “chúng ta đã gửi hết chiến hạm này đến chiến hạm khác, oanh tạc cơ này đến oanh tạc cơ khác, hơn 500000 quân, hàng tỷ và hàng tỉ đôla” phần nào chứng thực cho những thông tin được công bố trước đó về việc người Mỹ đã triển khai hầu hết các thành tựu quân sự hiện đại nhất thời bấy giờ cho cuộc chiến tại VN, và họ hoang phí hỏa lực không phải lên quân đội miền Bắc VN, mà nhuộm đỏ máu các làng quê VN, tàn sát sự sống và thảm thực vật xanh tươi của VN bằng chất độc da cam.
Cuộc chiến VN trải qua 5 đời tổng thống Mỹ (từ tháng 7-1954 đến 4-1975), là cuộc chiến qui mô lớn nhất, dài nhất và tốn kém nhất và thất bại nhục nhã nhất trong lịch sử nước Mỹ. Theo thống kê chưa đầy đủ, Mỹ đã chi trực tiếp cho cuộc chiến tranh VN tới 676 tỉ USD, và nếu tính cả chi phí gián tiếp thì lên tới 920 tỉ USD. Cuộc chiến này cũng huy động sức mạnh trí tuệ và sức người, sức của cao nhất của nước Mỹ, với 77% lục quân, 66% thủy quân lục chiến và không quân, 40% hải quân, 6,5 triệu lượt binh sĩ, 22.000 xí nghiệp của nước Mỹ được huy động để phục vụ chiến tranh VN; lôi kéo theo 5 nước phụ thuộc Mỹ bao gồm Úc, New Zealand, Hàn Quốc và Thái Lan, Philippines với số quân lúc cao nhất hơn 70.000 cùng tham chiến với 550.000 quân Mỹ, làm nòng cốt cho hơn 1 triệu quân Sài Gòn. Để thực hiện mục đích “hủy diệt và nô dịch” dân tộc VN, Mỹ đã giội xuống hai miền Nam, Bắc hơn 7,8 triệu tấn bom đạn, lớn hơn lượng bom đạn Mỹ đã sử dụng trong bất cứ cuộc chiến tranh nào trước đó. Trong chiến tranh phá hoại ở miền Bắc VN của Mỹ, bình quân 45,5 kg bom đạn/người dân, chịu 6 tấn bom đạn/km2. Tỉ lệ này lớn hơn nhiều so với một số nước bị thiệt hại nặng nhất trong chiến tranh thế giới thứ hai, cụ thể là: Đức: 27 kg/người, 5,4 tấn/km2; Nhật Bản: 1,6 kg/người, 0,43 tấn/km2.
Chỉ trong mười năm (1961-1971), quân đội Mỹ đã phun hơn 20 triệu gallon (1gallon = 3,78 lít) chất độc da cam cũng như nhiều thuốc “diệt cỏ” chứa hóa chất chết người dioxin làm cho hàng triệu người VN mắc bệnh, vô số thai nhi biến dạng và di chứng kéo dài cho đến tận ngày nay.  Cuộc chiến tranh mang tính hủy diệt nhất của Mỹ, để lại những di chứng đầy tội ác ở VN đã cướp đi gần 4 triệu sinh mạng, trong đó khoảng 2 triệu là thường dân vô tội, 11 triệu người không còn nhà cửa… Tuy nhiên, các thông tin đáng xấu hổ ấy đã không được tìm thấy trong phim. Những người phải chịu trách nhiệm chủ yếu và đầu tiên trước công lý là những người điều hành cuộc chiến tranh xâm lược đầy tội ác và những công ty hóa chất Mỹ cũng không thấy bị lên án trong phim.
Kết thúc bộ phim là những lời nói nghẹn ngào pha chút áy náy vì không giữ lời hứa của một vài cựu sĩ quan quân đội Mỹ đã bỏ rơi nhóm hơn 400 người VN bị kẹt tại Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn vào những ngày cuối cùng của đợt di tản. Họ tâm sự rằng đó là quyết định khó khăn và đau khổ! Nhưng không một lời nào, một chút ăn năn hối hận cho nỗi đau khổ kinh hoàng mà họ đã gieo rắc cho phần còn lại của dân tộc VN. 
40 năm đã qua kể từ ngày lính Mỹ cuối cùng rời khỏi chiến trường VN, 2 miền Bắc Nam VN đã xóa nhòa được dấu vết cách ngăn và đang phát triển phồn thịnh. Những ngày cuối tháng 4 của 40 năm trước không thể gọi là những ngày cuối cùng của người Mỹ tại VN vì ngày nay sự hiện diện của người Mỹ nói chung và cựu quân nhân Mỹ trên đất nước VN là chuyện rất bình thường. Và đó cũng không phải là những ngày cuối cùng của cuộc chiến, bởi vì sau đó mỗi năm cho đến tận bây giờ, nhiều người VN vẫn chết và bị thương vì bom đạn của Mỹ còn găm lại, và hàng ngàn đứa trẻ tật nguyền được sinh ra và mất đi bởi tác hại của chất diệt cỏ mà Mỹ đã rải xuống trên mảnh đất này. Chứng tích tội ác và chứng nhân của cuộc chiến tranh đẫm máu mang tính hủy diệt nhất của Mỹ vẫn hiện diện trong cuộc sống và trong gia đình của nhiều người VN. Không có cái gì trong “Những ngày cuối ở VN” cung cấp sự thật đó.
Phim nói rằng, quân đội Bắc VN “tàn bạo và không biết ghê tay”! Vậy hãy trả lời câu hỏi: Loại người nào lại có thể đang tâm ném hàng triệu tấn bom đạn xuống một đất nước bất chấp hậu quả là nhiều người dân thường vô tội có thể (thực tế là rất nhiều người) bị mất mạng, tàn tật, nhà cửa bị tàn phá, cuộc sống bị hủy hoại? Câu trả lời là: Chỉ có những ai "tàn bạo không biết ghê tay" mới có thể làm như vậy!
Dĩ nhiên, những vết thương lòng có thể đã bớt sâu hơn nếu như trong cuộc chiến người Mỹ quan tâm tới việc bảo vệ sinh mạng của người dân VN giống như việc những "ngôi sao", “anh hùng” trong bộ phim “Những ngày cuối ở VN” kể lể về những việc họ đã làm với đồng minh của họ trong những ngày cuối của cuộc chiến . Và những vết thương lòng ấy có thể mau lành hơn nếu như sau cuộc chiến người Mỹ có trách nhiệm quan tâm bồi thường thiệt hại chiến tranh cho những tội ác mà họ mang đến cho con người và đất nước VN. Nếu bạn nghĩ mọi thứ trong chiến tranh VN chỉ diễn ra bó gọn trong các con phố Sài Gòn như bộ phim tường thuật, mọi người sẽ không biết được đã có bao nhiêu người già trẻ, lớn bé, nam nữ, không phân biệt dân tộc, tôn giáo ở VN… đã buộc phải tham gia một cách bị động hoặc chủ động vào cuộc tranh này. Nhưng họ không được phỏng vấn, và phim thì chỉ đề cập tới những người vợ Việt, bạn gái và tình nhân của người Mỹ, những người thân, gia đình quyến thuộc của những người Việt làm cho Mỹ .
Kết thúc phim, lời hứa "Khi các bạn ở trong tòa Ðại sứ quán Mỹ, các bạn đã đứng trên đất Mỹ. Tôi thề tôi và đồng đội là những người cuối cùng rời khỏi đây" của một quân nhân Mỹ tại Sài Gòn cũ với khoảng 420 người VN đang bị kẹt trong Ðại sứ quán Mỹ. Họ đã chờ đợi trong tin tưởng và  mà không hề biết rằng Oa-sinh-tơn điện báo chỉ cứu những người Mỹ cuối cùng. Vị quân nhân đó đã nói dối đi vệ sinh rồi lẻn lên máy bay, phản bội lời thề, để lại phía sau những người ông ta vừa hứa hẹn. Ðó không chỉ là cái kết hợp lý của cuộc chiến, của bộ phim, mà là lời cảnh báo cho đồng minh hiện tại và tương lai của nước Mỹ. Và lời thề đó dường như là điều chân thật duy nhất còn đọng lại sau khi xem bộ phim “Những ngày cuối ở VN”. 
Trương Khánh